Thứ Sáu, 27 tháng 10, 2017

Việt Nam không xảy ra tai nạn hàng không dân dụng trong 20 năm

Cập nhật lúc 15:51

Nhấn mạnh trong hơn 20 năm qua, Việt Nam không xảy ra tai nạn hàng không dân dụng, tuy nhiên, lãnh đạo các cơ quan chức năng cho rằng, an toàn là ưu tiên số một. An toàn hàng không không phải mục tiêu cứng mà là cả quá trình nên phải liên tục có các giải pháp yêu cầu nâng cao an toàn.
 
Nhân viên kiểm soát viên không lưu đảm bảo an toàn cho các chuyến bay trên bầu trời Việt Nam. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Tại hội thảo An toàn hàng không dân dụng Việt Nam vào sáng nay (27/10), theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, ngành hàng không có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội và thời gian qua có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng cả về sản lượng hành khách và hàng hóa.

Để hàng không duy trì và phát triển, ông Hùng cho rằng, an toàn là ưu tiên số một, đảm bảo an toàn, an ninh hàng không là một quá trình, không phải là đích cố định hay mục tiêu cứng mà là cả quá trình nên phải liên tục có các giải pháp yêu cầu nâng cao an toàn, là công việc phức tạp với công việc quy trình quản lý hết sức chặt chẽ.

Cung cấp số liệu Việt Nam trong 20 năm qua không có xảy ra tai nạn hàng không dân dụng, ông Hùng đánh giá đây là sự nỗ lực của toàn ngành giao thông bởi không phải quốc gia nào cũng đảm bảo được việc này mặc dù nhiều nước phát triển trên thế giới nhưng vẫn để xảy ra tai nạn hàng không. Với đầu mối trung chuyển hàng không, ông tin rằng, Việt Nam có một cơ hội rất lớn để phát triển.

“Không thể nói từ ‘nếu, tuy nhiên, lỗi nào’ trong an toàn hàng không. Với nhu cầu tăng cao, nhiệm vụ bảo đảm an toàn hàng không ngày càng khó khăn và phức tạp hơn. Sự phát triển nóng thời gian qua với sự đóng góp của hàng không giá rẻ, do đó cần phải nỗ lực hơn để hàng không giá rẻ phải đảm bảo tuyệt đối an toàn,” vị Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia lưu ý.

Thừa nhận có thời điểm hay giai đoạn, ngành hàng không có một số sự cố, tuy chưa phải lớn nhưng tạo ra sự lo ngại trong xã hội, ông Hùng cho biết, ngay lập tức Cục Hàng không Việt Nam đã tổ chức xem xét, bình giảng về công tác huấn luyện an toàn bay, giúp giảm các sự cố, đảm bảo tuyệt đối an toàn bay.

Khẳng định nhờ sự phát triển năng lực vận tải hàng không thời gian qua, ông Hùng cho rằng, với cự ly 500km, hàng không chiếm ưu thế tuyệt đối so với các phương thức khác từ đó góp phần giảm tai nạn giao thông đường bộ.

Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam nhìn nhận, an toàn là yếu tố chủ đạo và các đơn vị trong ngành hàng không đã làm chủ công nghệ hiện đại trong an toàn đảm bảo tuyệt đối các chuyến bay.

Để đảm bảo công tác an toàn, ngành hàng không xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống an toàn, chất lượng nguồn nhân lực, văn hóa an toàn hàng không. Tuy nhiên với tốc độ tăng trưởng “nóng”, hàng không cũng đang đối mặt với nhiều thách thức.

Ông Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam cho rằng, điều đáng tự hào và khâm phục nhất hiện nay là trong suốt 20 năm gần đây (1997-2017) ngành hàng không dân dụng đã đảm bảo an toàn tuyệt đối trong mọi hoạt động, điều đó không hề đơn giản.

“An toàn, điều hòa, hiệu quả vốn là mục tiêu hướng tới đồng thời là lời cam kết của ngành trước khách hàng. Đảm bảo an toàn cho một chuyến bay là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và là sự sống còn của ngành vận tải hàng không,” ông Châu nhấn mạnh.

Tại hội thảo, đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước và chuyên gia tham luận đánh giá các yếu tố về công tác đào tạo huấn luyện, giám sát an toàn hàng không, thanh tra…/.

Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, từ một triệu lượt khách vào năm 1990, đến năm 2017 đã đạt tới con số 97 triệu hành khách, tiến tới 100 triệu vào năm sau. Từ chỗ điều hành 87.974 chuyến bay năm 1994 thì đến năm 2016 con số này đã tăng gấp 8,6 lần, đạt 733.000 chuyến bay.
(Theo Vietnam+) Việt Hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét