Điều gì chờ Trung Quốc sau Đại hội
Đảng lần thứ 19?
Cập nhật lúc 14:13
Sự kiện Đại hội toàn quốc Đảng cộng sản
Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu vào ngày 18/10 thu hút sự chú ý của toàn thế giới.
Một đất nước đi từ vị thế “trỗi dậy
mạnh mẽ” đến dần dần khẳng định và củng cố vai trò là cường quốc kinh tế, mỗi
thay đổi dù nhỏ bên trong không thể không có ảnh hưởng ra bên ngoài, đến cục
diện của bàn cờ địa chính trị quốc tế.
“Đả hổ diệt ruồi” mạnh hơn nữa?
Chắc chắn điều đầu tiên mà giới quan
sát và bình luân quốc tế trông chờ ở Đại hội lần này của ĐCSTQ chính là những
đổi mới về chính trị. Ông Tập Cận Bình từ khi lên đỉnh cao quyền lực ở đất
nước đông dân nhất thế giới, cũng là thời điểm khó khăn của Trung Quốc trước
hàng loạt những thách thức. Trải qua gần 40 năm cải cách kinh tế với tốc độ
tăng trưởng mạnh đến mức “nóng,” đất nước Trung Quốc cũng đã đến lúc vấp phải
những trở ngại khó vượt qua như môi trường sinh thái bị ô nhiễm nặng nề, hố ngăn
cách giàu nghèo ngày càng sâu sắc và rộng ra, tội phạm gia tăng, nạn tham
nhũng cấu kết với ma-phi-a hóa chính quyền lên đến cấp cao…
Chính vì thế ông Tập khi nắm hai chức,
Tổng bí thư ĐCSTQ và Chủ tịch nước đã nhận ra rất rõ nhu cầu cấp bách phải
tiến hành chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” mà theo nhiều cách giải thích khác
nhau, có thể là thanh trừng những người không cùng phe cánh của ông, nhưng
cũng có thể là việc làm thanh lọc bộ máy của Đảng và chính quyền. Nhu cầu này
không chỉ dừng ở mức độ cấp bách, mà còn là sống còn vì nó gắn chặt với sự
vững mạnh của tổ chức Đảng và Nhà nước Trung Quốc.
Kết quả là sau 5 năm, cho đến nay
“chiến dịch” của ông Tập đã “xử lý” khoảng 1,4 triệu cán bộ, đảng viên. Do
kết quả đó, mà đến kỳ Đại hội lần này, người ta đã đánh giá đây sẽ là “Đại
hội người của ông Tập” – nghĩa là những người mà ông Tập tin tưởng, hoặc đã
làm việc dưới quyền hoặc được ông bồi dưỡng từ khi họ cùng công tác ở các địa
phương.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, chính
sách cải cách kinh tế của ông Tập Cận Bình cũng đã vấp phải sức chống đối tại
các địa phương, chủ yếu xuất phát từ các “tập đoàn lợi ích” thao túng chính
quyền. Tình thế đó đã ảnh hưởng đến chính sách nhân sự của Trung Quốc hiện
nay: 23 trong số 31 tỉnh / vùng của Đại lục có bí thư mới, 24 trong số đó có
tỉnh trưởng hoặc người đứng đầu chính quyền mới. Điều này thể hiện việc tăng
cường mối quan hệ của trung ương đối với chính quyền cấp tỉnh, nghĩa là ông
Tập sẽ không chỉ nắm quyền kiểm soát ở Trung ương mà ông sẽ kiểm soát chặt
chẽ hơn nữa chính quyền địa phương, ít nhất là ở các vị trí chủ chốt.
Không loại trừ, nếu ông Tập trúng cử
thêm một nhiệm kỳ nữa, chính sách của ông dù có thay đổi điểm này, điểm khác
nhưng “đả hổ diệt ruồi” sẽ tiếp tục mạnh hơn nữa ở các địa phương. Điều này
được giải thích vì ông Tập không chỉ muốn cải cách, mà ông còn muốn để lại
dấu ấn, đưa Trung Quốc bước vào một kỷ nguyên mới như “kỷ nguyên Tập Cận
Bình.” Những chính sách kiểu như “không nhà công vụ, không cấp xe công cho
quan chức” chỉ là những biểu hiện nhỏ của một thay đổi lớn, minh chứng cho sự
ra đời và phát triển của “kỷ nguyên” này.
Thách thức khi muốn chuyển hướng kinh
tế
Không tách rời khỏi xu thế thế giới,
trong những năm qua nền kinh tế Trung Quốc cũng dần dần dịch chuyển theo
hướng “xanh” hơn: nghiên cứu, phát triển, “đi tắt đón đầu” và không ngần ngại
nếu phải “kiếm” bí mật công nghệ của phương Tây bằng một cách nào đó… làm sao
nền kinh tế sản xuất của đất nước bước sang thập kỷ thứ ba của thế kỷ XXI sẽ
tiết kiệm năng lượng hơn, cho ra ít rác thải hơn, giảm thiểu ô nhiễm môi
trường.
Không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc
hiện nay đang “vùng vẫy” trong một tỷ lệ rất cao máy móc thiết bị công nghệ
thấp, rất nhiều thứ còn dùng là của thế kỷ trước phải cố gắng thoát ra để đi
lên hiện đại, xanh và sạch; nhưng đồng thời mà chính họ sẽ phải đối mặt với
những núi rác công nghệ khổng lồ.
Nhưng nếu nền kinh tế dịch chuyển theo
hướng đó, cũng đồng nghĩa với việc đóng cửa hàng loạt mỏ than, hay giảm mức
độ khai thác của ngành dầu khí. Chúng ta có thể hiểu Trung Quốc sẽ phải
chuyển sang một nền kinh tế tiết kiệm năng lượng, vì bản thân kinh tế nước
này cho đến nay vẫn “ngốn” nhiều năng lượng nhất thế giới và Trung Quốc là nước
nhập khẩu nhiều dầu mỏ nhất thế giới. Nếu chuyển hướng thành công, Trung Quốc
cũng sẽ giảm mức độ phụ thuộc nguồn dầu mỏ nhập khẩu từ nước ngoài.
Tuy nhiên, nước này cũng sẽ phải đối
mặt với nguy cơ gia tăng số người thất nghiệp, gia tăng lượng lao động phổ
thông không có việc làm, tiềm tàng gây bất ổn xã hội, tội phạm gia tăng. Đây
là một vấn đề không dễ giải quyết của Trung Quốc.
Tổng
thống Mỹ Donald Trump với chính sách thúc đẩy sản xuất trong nước sẽ có ảnh
hưởng nhất định đến việc xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc vào Hoa Kỳ, nhưng
ngược lại cũng là những cơ hội. Thế giới đang ở thời kỳ toàn cầu hóa mãnh
liệt, đặc biệt trong hoạt động đầu tư tư bản mà tất cả đều có thể quy ra
“tiền” và “sở hữu,” chính sách này của ông Trump cũng sẽ mở ra những cánh
cổng cho “dòng tư bản Trung Quốc” đổ sang đầu tư, thậm chí mua đứt nhiều
ngành sản xuất, nhà máy, công xưởng của Hoa Kỳ.
Tham vọng ngày càng rõ ràng
Về đối ngoại, nếu trong đối nội, ông
Tập đã mạnh mẽ bao nhiêu thì về đối ngoại ông cũng không hề tỏ ra là người
mềm yếu, nhưng cũng không kém phần khôn khéo. Chính sách đối ngoại của Trung
Quốc thời Đặng Tiểu Bình là “giấu mình chờ thời”. Đến nay, Trung Quốc không
giấu giếm tham vọng ngày càng có vai trò ảnh hưởng lớn hơn về địa chính trị
và quân sự ở khu vực và mức độ toàn cầu.
Quan sát quá trình “mua sắm” và phát triển,
đổi mới hệ thống vũ khí của PLA, cả về lục quân và hải quân cho thấy lực
lượng vũ trang nước này đã có những bước tiến bộ vượt bậc về chất. Điều này
không chỉ thể hiện qua sự đổi mới bề ngoài như quân phục dã chiến ngày càng tương
đồng với Phương Tây, mà công nghệ quân sự cũng ngày càng tiệm cận và đuổi
kịp. Những quan sát đó cho thấy Trung Quốc sẽ tiếp tục tham gia sâu rộng vào
các hoạt động quân sự quốc tế như các cuộc tập trận chung, tham gia hoạt động
chống khủng bố, thiên tai, gìn giữ hòa bình… nhưng cũng chính là quá trình
“vươn ra bên ngoài” của lực lượng vũ trang Trung Quốc.
Chúng ta sẽ không nghi ngờ nếu nói, “điều
mà Trung Quốc muốn, chính là trở thành một thế lực về quân sự của thế giới
ngang bằng với nước Mỹ.”
Về địa chính trị, những gì Trung Quốc
đã thể hiện trong nhiệm kỳ đầu của ông Tập Cận Bình, chắc cũng sẽ không thay
đổi trong thời gian sắp tới: tiếp tục gây dựng và củng cố ảnh hưởng về kinh
tế, chính trị… ở vùng Trung Á, mở rộng và kéo dài “con đường tơ lụa” làm cầu
nối cho hàng hóa của Trung Quốc thuận lợi.
Ở vùng Đông Bắc Á, hòa bình trên bán
đảo Triều Tiên vẫn tiếp tục cần được duy trì và vai trò của Trung Quốc vẫn
giữ là chủ đạo. “Vấn đề hạt nhân” của CHDCND Triều Tiên vẫn sẽ tiếp tục nóng,
nhưng chắc chắn Trung Quốc sẽ phải “vào cuộc” mạnh mẽ hơn nữa. Duy trì một
Triều Tiên như hiện nay, có lợi cho Trung Quốc hơn cả vì để kiềm chế Nhật
Bản, Hàn Quốc và được Trung Quốc chơi như một “lá bài” cân bằng với “lá bài” Đài
Loan của Hoa Kỳ.
Ở phía Bắc, Nga vẫn luôn là cường quốc
có vũ khí hạt nhân, vừa là đối tác, vừa phải đề phòng, nhưng có thể trong vài
năm tới vai trò đối thủ còn chưa được đặt ra. Ngược lại cả vùng Viễn Đông
rộng lớn đầy tài nguyên và quá thưa người sẽ là mục tiêu quá “ngon xơi” cho
những tham vọng phát triển của Trung Quốc. Nền kinh tế Nga tuy không thể bị
đánh gục, nhưng sẽ còn khó khăn vì lệnh trừng phạt từ phương Tây và giá dầu
thì chưa thể hồi phục, cũng sẽ còn phụ thuộc nguồn vốn đầu tư bên ngoài thêm
một thời gian nữa.
Tính ngẫu hứng, không nhất quán của
tổng thống Mỹ Donald Trump, cũng lại là cơ hội cho ông Tập Cận Bình nắm lấy
để đưa Trung Quốc tiến tới vị thế một cực cân bằng với “cực Hoa Kỳ.” Nguy cơ
xung đột quân sự ở Triều Tiên trước tính khí thất thường của ông Trump, làm
thế nào hóa giải nguy cơ với ông Tập không phải là chuyện dễ, nhưng có thể
làm được.
Chính vì thế, trước ĐHĐCS Trung Quốc
lần thứ 19, một số nhà quan sát cho rằng, nếu cần đưa ra một dự báo quan
trọng, thì điều đó sẽ là “ông Tập Cận Bình sẽ tiếp tục lãnh đạo Trung Quốc
thêm một nhiệm kỳ nữa”.
(Theo TuanVietNam) Phúc Lai
|
Thứ Ba, 17 tháng 10, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét