Chức
vụ thật, bổng lộc thật, dùng bằng giả khó mà từ chức
Cập nhật lúc 14:00
Trông cậy vào
sự trung thực, tự giác của cán bộ sử dụng bằng giả nhưng chức vụ thật, quyền
lực thật, bổng lộc thật, xem chừng chỉ là giấc mơ thôi.
Tại hội nghị
BCH Đảng bộ TP Hà Nội hôm 13/10, ông Trần Quang Cảnh, Chủ nhiệm UB Kiểm tra
Thành ủy kêu gọi: Ai có bằng giả thì khẩn trương báo cáo Ban Tổ chức, UB Kiểm
tra, xin rút lui, thậm chí xin từ chức.
Như vậy, dư
chấn từ tinh thần hội nghị Trung ương 6 đã lan truyền, tác động tích cực đến
tổ chức đảng các cấp. Hà Nội công khai với dư luận là có nạn bằng giả trong
nội bộ, đã có bằng chứng, nhưng trước tiên khuyến khích tinh thần trung thực,
tự giác, tự soi, tự sửa.
Dư luận phấn
khởi, nhưng cũng không thể không hoài nghi. Người ta chờ xem, sau lời kêu gọi
của ông Chủ nhiệm UB Kiểm tra Thành ủy, sẽ có ai "lỡ nhúng chàm" sử
dụng bằng giả, tự giác khai báo với tổ chức, rồi tự xử.
Xem chừng rất
khó, quá khó.
Chuyện cán bộ,
đảng viên sử dụng bằng giả để tiến thân, tìm kiếm chức vụ thật, quyền lực
thật, bổng lộc thật, lâu nay không còn là hiện tượng hy hữu, không chỉ ở Hà
Nội.
Chuyện tổ chức
đảng đề cao tinh thần phê bình, tự phê bình, tinh thần tự soi, tự sửa cũng đã
từ lâu rồi. Nhưng nhìn lại, hầu như chưa có trường hợp nào chủ động, tự giác
khai báo với tổ chức để được nhận hình thức kỷ luật.
Nhiều trường
hợp, bị tố giác sử dụng bằng giả, chứng cứ rành rành, nhưng, hoặc tổ chức
thấy "khó xác minh", bèn làm lơ, hoặc đối tượng tìm cách che chắn,
quanh co, chối cãi. Không hiếm trường hợp, bằng chứng hai năm rõ mười, vẫn
một mực kêu oan, chối tội.
Những người sử
dụng bằng giả trong bộ máy Đảng, Nhà nước, về mặt đạo đức, là vô liêm sỉ,
không hề biết xấu hổ. Về mặt pháp luật, họ bất chấp, dù biết sử dụng giấy tờ
giả là vi phạm luật pháp. Về nghĩa vụ, trách nhiệm công chức, viên chức, với tinh
thần đề cao tính trung thực, họ coi như không có khái niệm đó.
Người dám sử
dụng bằng giả, dù leo lên vị trí cao đến đâu nữa, cũng không thể là người tử
tế, thật khó là người tử tế. Lại nữa, những người sử dụng bằng giả để chui
vào bộ máy Đảng, Nhà nước để tìm cách tiến thân, họ đều có động cơ và đường
đi nước bước rõ ràng, họ không tiếc "đầu tư" để đạt mục đích. Khi
có vị trí, họ tạo mối quan hệ, củng cố nhóm lợi ích, tiếp tục trèo lên vị trí
cao hơn. Khi đó, thật khó "bóc mẽ" họ. Cũng không dễ gì kêu gọi họ
tự giác khai báo, "xin rút lui", hay "xin từ chức".
Ngoài chuyện
bằng giả, còn chuyện bằng thật nhưng học giả, kiến thức rởm. Trong cơ quan
đảng, nhà nước có nhiều người có nhiều bằng đại học, bằng thạc sỹ, tiến sỹ,
nhiều trường hợp trong số đó là bằng thật, học thật, năng lực thật. Nhưng
không hiếm trường hợp, bằng thật nhưng học giả, học theo kiểu "đánh
trống ghi tên", "học thầy thi tiệm", học hộ, thi thuê. Thành
ra bằng cấp nhiều, bằng cấp cao nhưng kiến thức, năng lực không tương xứng.
Những người như thế dễ mắc bệnh háo danh, ham hố quyền lực, hăng hái cổ xúy
cho chủ nghĩa bằng cấp. Đồng thời họ tỏ ra kỳ thị nền giáo dục thực học thực
tài, đố kỵ người tài, cản trở đổi mới, sáng tạo.
Thanh lọc đội
ngũ cán bộ, đưa ra khỏi bộ máy những trường hợp sử dụng bằng giả, khó, mà
không khó. Khó, là dễ chịu áp lực và những mua chuộc vật chất. Không khó, vì
từ lâu rồi, xã hội đã tỏ thái độ coi thường và căm ghét mấy người dùng bằng
giả. Không khó, vì những người sử dụng bằng giả không có đồng môn, đồng khóa
và dễ bị tố giác. Chỉ cần đến nơi cấp bằng, đối chiếu hồ sơ gốc, là giả thật
rõ ràng.
Có bằng chứng
rồi, ông Chủ nhiệm UB Kiểm tra Thành ủy nên, theo đúng quy trình, xử lý ngay.
Trông cậy vào sự trung thực, tự giác của những cán bộ sử dụng bằng giả nhưng
chức vụ thật, quyền lực thật, bổng lộc thật, xem chừng khó, nó như giấc mơ mà
thôi.
(Theo VietNamNet) Uông Ngọc Dậu
|
Thứ Ba, 17 tháng 10, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét