Cạn
tài nguyên, tăng nợ xấu ở những ngân hàng triệu tỷ
Cập nhật lúc 15:03
Những ngân
hàng triệu tỷ của Việt Nam loay hoay trong trở ngại của giới hạn tăng
trưởng...
Lợi ích và trách
nhiệm lớn nhất tại khối ngân hàng triệu tỷ này thuộc về Nhà nước - cổ đông
đang nắm tỷ lệ sở hữu chi phối.
Kỳ báo cáo tài chính quý 3/2017, nợ xấu
theo giá trị tuyệt đối tăng mạnh ở các ngân hàng triệu tỷ, trong khi tài
nguyên vốn tiếp tục được khai thác gần đến giới hạn tối đa.
Đến 30/9/2017, theo báo cáo vừa lần
lượt công bố, Việt Nam đã có ba ngân hàng thương mại có quy mô tổng tài sản
vượt trên mốc 1 triệu tỷ đồng.
Nợ xấu tăng mạnh
Từ trong năm 2016, Ngân hàng Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã sớm đạt quy mô trên. Hiện ngân
hàng này chưa công bố báo cáo tài chính quý 3/2017 chi tiết, còn thông tin
cập nhật chung cho biết vẫn tiếp tục dẫn đầu hệ thống các ngân hàng thương
mại Việt Nam về tổng tài sản.
Bắt đầu từ 2017, và đến kỳ cập nhật
30/9/2017, Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) tiếp tục tăng quy mô
tổng tài sản riêng lẻ vượt mốc 1 triệu tỷ đồng, đạt 1,055 triệu tỷ đồng.
Đã vượt mốc triệu tỷ vào cuối 2016, đến
30/9/2017, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tiếp tục gia tăng
quy mô tổng tài sản riêng lẻ lên 1,102 triệu tỷ đồng.
Trong nhóm 4 ngân hàng thương mại lớn nhất
Việt Nam hiện nay, riêng Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chưa
gia nhập "câu lạc bộ triệu tỷ" nói trên, nhưng lại là thành viên có
quy mô và tốc độ lợi nhuận cao và mạnh nhất.
Theo báo cáo vừa công bố, cả VietinBank
và BIDV vẫn đều đặn tạo lãi, song tiếp tục cho thấy khả năng không thể bứt
phá theo xu hướng chung ở kết quả nhiều ngân hàng thương mại khác đã công bố.
VietinBank có lợi nhuận trước thuế riêng lẻ 9 tháng đầu năm nay 6.418 tỷ
đồng, chỉ tăng 3,4% so với cùng kỳ 2016; tương tự BIDV chỉ đạt 6.002 tỷ đồng,
tăng 6,7%.
Là những thành viên có quy mô trên
triệu tỷ đồng, song lợi nhuận của hai thành viên trên đã bị một số ngân hàng
thương mại cổ phần tư nhân áp sát với quy mô tổng tài sản thấp hơn nhiều lần,
điển hình như trường hợp của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)…
Quy mô tổng tài sản trên triệu tỷ đồng,
tiếp tục tăng trưởng ở mức độ hai con số, song lợi nhuận tăng trưởng thấp.
Điều này phản ánh chất lượng tài sản của những "ông lớn" này, mà
một trong những biểu hiện nổi bật ở kỳ báo cáo quý 3/2017 là nợ xấu tăng rất
mạnh.
Về tỷ lệ, theo báo cáo, VietinBank kiểm
soát nợ xấu đến 30/9/2017 chỉ 1,2% tổng dư nợ, là một trong những mức thấp
nhất trong hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam. Tuy nhiên, về giá trị
tuyệt đối lại có gia tăng đáng chú ý.
Cụ thể, trong kỳ công bố trên, cả nợ
nhóm 4 và 5 của VietinBank đều tăng mạnh. Nợ có khả năng mất vốn tăng từ
3.790 tỷ cuối 2016 lên 4.932 tỷ, tăng 30,1%; đặc biệt nợ nhóm 4 tăng đột
biến, từ 805 tỷ đồng lên tới hơn 3.048 tỷ đồng, tăng tới 278%. Và tổng nợ xấu
cũng tăng mạnh từ 6.706 tỷ đồng cuối 2016 lên 9.164 tỷ đến 30/9/2017, tăng
tới 36,6%. Trong kỳ, riêng nợ nhóm 3 của VietinBank đã giảm mạnh, từ 2.111 tỷ
đồng xuống còn 1.183 tỷ.
Tương tự, tại BIDV, tỷ lệ nợ xấu báo
cáo cũng ở mức rất thấp với 1,9% tính đến 30/9/2017, nhưng nợ nhóm 4 và 5 đã
tăng rất mạnh. Nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng tới 50% so với cuối 2016,
từ 6.466 tỷ lên tới 9.710 tỷ. Nợ nhóm 4 cũng tăng mạnh từ 995,48 tỷ lên tới
1.408,2 tỷ; riêng nợ nhóm 3 giảm được từ gần 5.594 tỷ xuống 4.131 tỷ. Tổng nợ
xấu của BIDV theo giá trị tuyệt đối đã tăng từ 13.055 tỷ cuối 2016 lên 15.249
tỷ đồng.
Nợ xấu gia tăng đi cùng với yêu cầu
tăng thêm chi phí trích lập dự phòng rủi ro, và điều này lý giải trực tiếp
cho tốc độ tăng trưởng lợi nhuận chậm ở những ngân hàng triệu tỷ nói trên.
Giới hạn được báo trước
Những ngân hàng triệu tỷ trên đang có
tốc độ tăng trưởng tổng tài sản và tín dụng khá, nhưng tốc độ tăng lợi nhuận
lại thấp. Triển vọng cải thiện lợi nhuận trong tương lai gần chủ yếu phụ
thuộc vào kết quả xử lý nợ xấu để tăng hoàn nhập, cũng như thúc đẩy hướng
dịch chuyển tín dụng bán lẻ để tăng lãi biên và tài sản sinh lời.
Còn ở định hình chung về tiếp tục tăng
mạnh tổng tài sản và tín dụng là khó, tài nguyên có hạn và đã được khai thác
gần giới hạn.
Như nhìn vào hoạt động của BIDV 9 tháng
đầu năm nay, những dữ liệu cho thấy công suất của cỗ máy đã đẩy rất cao. Ví
như, tổng nguồn vốn huy động được 1.053.841 tỷ đồng thì tổng quy mô tín dụng
và đầu tư đã lên tới 1.080.702 tỷ đồng; tổng tiền gửi của khách hàng 823.073
tỷ đồng thì tổng cho vay tổ chức kinh tế và dân cư 828.007 tỷ đồng.
Tựu trung, tồn tại ở những ngân hàng
triệu tỷ hiện nay vẫn là khó khăn chưa thể tháo gỡ căn bản và lâu dài: tăng
được vốn để cải thiện các chỉ số và giới hạn, đặc biệt ở hệ số an toàn vốn
(CAR).
Báo cáo của các thành viên này cho biết
hiện vẫn đảm bảo CAR trên mức 9%, theo mức tối thiểu Ngân hàng Nhà nước quy
định. Tình hình chung, cập nhật mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước đến tháng
6/2017, CAR của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước vẫn đảm bảo với 9,67%,
nhưng cho thấy dư địa để tăng trưởng trở nên hạn hẹp.
Để khắc phục, trong 2016 và tiếp tục
2017, các thành viên nhóm trên lần lượt phải phát hành trái phiếu dài hạn để
đôn vốn cấp 2, nâng vốn tự có và đảm bảo yêu cầu CAR cho tăng trưởng. Đây là
giải pháp bất đắc dĩ, vì phần được tính cho vốn cấp 2 cũng có giới hạn, trong
khi chi phí lãi suất phải trả cao vượt trội (trong một kỳ hạn dài) so với huy
động vốn thông thường.
Nhưng đó là giải pháp gần như khả thi
duy nhất hiện nay, trước yêu cầu không tăng trưởng được tài sản, thì không
những lợi nhuận có thể kém đi mà thị phần có nguy cơ chảy sang khối ngân hàng
tư nhân với sức mạnh tài chính đang không ngừng thể hiện.
Và như công suất cỗ máy được đẩy cao như
trên, cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, thực tế chung, tỷ lệ cấp
tín dụng so với nguồn vốn huy động của nhóm này đến tháng 8/2017 ở mức
94,57%. Dù không dùng để xem xét giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt
động theo quy định tại Thông tư 36, nhưng tỷ lệ rất cao đó cho thấy giới hạn
còn lại cũng đã hạn hẹp.
Những giới hạn đó đã được báo trước,
thậm chí đã có biểu hiện căng thẳng từ trong năm 2016, khi các thành viên đưa
ra yêu cầu tăng vốn. Cho đến nay, đã gần hai năm trôi qua, yêu cầu vẫn chưa
thể đáp ứng, do thiếu hậu thuẫn từ nguồn ngân sách nhà nước, mặc dù lợi ích
và trách nhiệm lớn nhất tại khối ngân hàng triệu tỷ này thuộc về Nhà nước -
cổ đông đang nắm tỷ lệ sở hữu chi phối.
(Theo VnEconomy) Minh Đức
|
Thứ Hai, 30 tháng 10, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét