Thứ Ba, 3 tháng 10, 2017

Bộ máy quá nhiều sếp, không ngân sách nào nuôi nổi


Nếu bộ máy cứ phình ra, lại có quá nhiều người làm lãnh đạo, quản lý nhưng không hiệu quả thì đó là một sự lãng phí, không ngân sách nào nuôi nổi - ĐBQH Lê Thanh Vân nêu quan điểm.
ĐBQH Lê Thanh Vân, ủy viên thường trực UB Tài chính Ngân sách của QH chia sẻ với VietNamNet về thực trạng bộ máy cồng kềnh - một trong những nội dung dự kiến được thảo luận tại hội nghị TƯ 6. 

 bộ máy cồng kềnh, tinh giản biên chế, Lê Thanh Vân
ĐBQH Lê Thanh Vân. Ảnh: Phạm Hải
Càng nhiều sếp, càng đùn đẩy trách nhiệm
Theo ông, liệu có phải do tâm lý của người Việt thích làm sếp, làm lãnh đạo hay vì làm quan mang lại quá nhiều lợi lộc, “một người làm quan cả họ được nhờ”?
Đúng vậy. Tư tưởng cũ nặng trong xã hội. Đấy là một dạng tham nhũng quyền lực để vun vén lợi lộc.
Ngày nay, tình trạng này còn biến tướng hơn ở chỗ, họ còn lạm dụng quyền lực ấy để bố trí người nhà, người thân cùng làm lãnh đạo, “cả nhà làm quan, cả họ làm quan” để trục lợi về kinh tế.
Làm quan ngày nay bổng lộc nhiều, quyền lực lớn, lại lạm dụng chi phối để có lợi không chỉ cho cá nhân mà còn cho cả dòng tộc. Cho nên ai cũng nhăm nhăm làm sao để làm quan. Và đó chính là nguyên nhân cội rễ dẫn đến lợi ích nhóm.
Tình trạng bộ máy cồng kềnh, người chỉ đạo nhiều hơn người thực hiện gây nên những hệ lụy gì, thưa ông?
Sếp nhiều hơn lính sẽ làm cho bộ máy nặng về quan liêu. Bởi vì lãnh đạo khi ngồi vào ghế thường không làm việc cụ thể mà chỉ chỉ tay 5 ngón, không có người làm chỉ có người giao việc. Đây là vấn nạn lớn, nếu không khắc phục triệt để, thì hiệu lực, hiệu quả của bộ máy thực sự rất đáng lo ngại.
Ngoài ra còn có tác hại khác như tính chịu trách nhiệm của người đứng đầu không rõ ràng; càng nhiều lãnh đạo thì tình trạng đổ lỗi, đùn đẩy càng phổ biến và chất lượng trong tham mưu, tổ chức, điều hành hệ thống không cao.
Cần một cuộc "chưng cất", cắt bỏ tầng nấc trung gian
Trong đợt giám sát về cải cách bộ máy hành chính vừa rồi, nhiều địa phương giải trình tình trạng sếp nhiều hơn lính “không phải do tỉnh, bộ tự đẻ ra”. Ông suy nghĩ như thế nào về cách lý giải này?
Quy định hiện nay cho phép có bao nhiêu phòng ban và tối thiểu, tối đa bao nhiêu lãnh đạo thì họ sẽ lắp cho đủ. Bộ máy nhiều tầng nấc trung gian, phân công nhiệm vụ không mạch lạc nên các chức vụ lãnh đạo chiếm đến 3/4 là điều đương nhiên.
Như vậy, các địa phương họ làm không sai. Vấn đề đặt ra là phải tái cấu trúc bộ máy cho thật khoa học, hợp lý.
Bản chất của nền hành chính hoạt động theo chế độ chỉ huy, người đứng đầu lãnh đạo theo cả hệ thống, đứng mũi chịu sào, chịu trách nhiệm. Việc phân công công việc của bộ máy hành chính đều phải hướng vào người đứng đầu. Từ người đứng đầu lan tỏa ra theo mô hình chóp nón.
Trước thực trạng như vậy, theo ông cần khắc phục như thế nào?
Chúng ta đang đứng trước quá nhiều sức ép buộc phải cải cách bộ máy, trong đó phải kể đến sức ép về chi tiêu. 
Hiện nay chi tiêu nuôi bộ máy chiếm một tỷ trọng rất lớn và lớn chưa từng thấy trong ngân sách (hiện chi thường xuyên dao động khoảng 70% ngân sách), trong khi sức ép nợ công ngày càng lớn.
Nếu không cải cách bộ máy mà cứ để phình ra thì không ngân sách nào nuôi nổi, nhất là với bộ máy có quá nhiều người làm lãnh đạo, quản lý lại không hiệu lực, hiệu quả thì đó là một nguy cơ.
Cần có một cuộc "chưng cất" lại, kiên quyết cắt bỏ thật sự những tầng nấc trung gian, loại khỏi bộ máy những cán bộ, công chức không đáp ứng được yêu cầu công việc.
Làm tốt có thể tinh giảm 50%
Nếu thật sự cải cách bộ máy đúng nghĩa tinh gọn như ông nói, thì bộ máy hiện nay cần thu gọn bao nhiêu là phù hợp?
Nếu như làm tốt, tôi cho rằng chí ít sẽ giảm thiểu được một nửa. 
Cơ sở để tôi nói điều này là vì nếu giảm được tầng nấc trung gian thì lập tức đi theo nó là biên chế trung gian sẽ giảm. Hiện nay, bộ máy trung gian của ta ước lệ chiếm gần 50%.
Vấn đề nữa, là hiện nay chúng ta đang bị chi phối bởi quan niệm về tính đồng nhất trong tổ chức bộ máy, ở trên có gì, thì dưới cũng có ấy làm cho bộ máy cồng kềnh.
Trong khi bản chất của bộ máy hành chính là cấu trúc theo hình chóp nón; trên phát tín hiệu ra, thì cả hệ thống phải lan tỏa.
Làm sao để quyết tâm tinh giản bộ máy thực hiện được chứ không chỉ hô hào suông?
Để có sự kích hoạt, nhất định người đứng đầu phải có bàn tay sắt, thiết lập kỷ cương phải có ý chí mạnh mẽ và tính quyết đoán đến cùng, nói phải đi đôi với làm. Nếu ở ngôi cao, nói mà không làm, thì khác gì “chém gió”. Vấn đề vẫn là con người.
Nếu không có đột phá, vẫn xử lý kiểu “cắt ngọn” rồi lại “đúng quy trình, quy định” sẽ không có lời giải hiệu quả cho vấn đề vô cùng hệ trọng này.
(Theo VietNamNet) Thu Hằng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét