Quyết tâm chống tham nhũng sẽ hiệu
triệu lòng dân
Cập nhật lúc 16:34
"Nếu những
quan chức không thu vén để xây biệt phủ, mà tận tụy xây dựng vùng đất đó giàu
có lên thì những trận lũ này dân cũng bớt thiệt hại".
PGS.TS Lê Quốc Lý, phó giám đốc Học
viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, dành cho phóng viên Tuổi
Trẻ cuộc trò chuyện để đánh giá, nhìn nhận về các kết quả đạt được từ
hoạt động của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng (PCTN) và Ủy
ban Kiểm tra trung ương, đồng thời kiến nghị những vấn đề cần tập trung giải
quyết để công tác này đạt kết quả toàn diện.
Ông nói: Công cuộc chống tham
nhũng rất phức tạp, đặc biệt khi lợi ích nhóm đã bám sâu vào hệ thống.
Vì vậy, nếu mong muốn nhiệm kỳ này giải
quyết dứt điểm được nạn tham nhũng cũng không đơn giản. Nhưng trong nhiệm kỳ
này nếu làm quyết liệt, nền tảng thì những vụ lớn sẽ hết đi.
Khi đó, chỉ còn những vụ nhỏ, công việc
của các cơ quan chuyên trách PCTN cũng sẽ nhẹ nhàng hơn.
Ban Chỉ đạo trung ương về PCTN đã có 12 phiên họp, Ủy ban Kiểm tra trung ương
họp 16 phiên trong vòng 18 tháng, đã đưa ra nhiều chỉ đạo, kết luận, xử lý
hoặc kiến nghị xử lý rất cụ thể nhiều vụ án, vụ việc, tổ chức, cá nhân. Ông
đánh giá như thế nào về những kết quả đạt được?
- Kể từ sau Đại hội XII, dưới sự chỉ
đạo trực tiếp của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, cuộc PCTN, suy thoái trong
Đảng và bộ máy nhà nước đã đạt được những kết quả cụ thể, tích cực, bước đầu
đem lại niềm tin cho nhân dân.
Những kết quả mà chúng ta đã thấy như
vừa qua cho thấy quyết tâm rất lớn của Đảng trong PCTN.
Nếu như trước đây có tình trạng “nói
nhiều làm ít” trong công tác PCTN thì thời gian qua tôi thấy những người lãnh
đạo nói vừa thôi nhưng đã làm quyết liệt và kết quả thì rất cụ thể.
Tôi nghĩ rằng nếu như ai đó, hay ở đâu
đó còn phân vân thì những hành động vừa rồi đã chứng minh những lúc khó khăn
nhất, Đảng ta lại sáng suốt, kiên trì, quyết tâm vượt qua.
Tuy nhiên, cũng phải nói ngay rằng đây
chỉ là bước đầu, cuộc PCTN phía trước sẽ còn khó khăn hơn, phức tạp hơn, đòi
hỏi Đảng phải có bản lĩnh và quyết tâm chính trị cao.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rằng
lửa đã đỏ, củi tươi bỏ vào cũng cháy là hoàn toàn chính xác.
Khi Đảng đã thống nhất một ý chí, một
quyết tâm chống tham nhũng để làm trong sạch bộ máy Đảng và chính quyền thì
chắc chắn sẽ hiệu triệu được lòng dân và những cán bộ kiên trung đồng lòng
trong cuộc chiến đấu này.
Trên “động” dưới “tĩnh”
* Nhưng nếu nhìn thẳng vào sự thật thì chúng ta mới chỉ thấy rõ
các kết quả cụ thể từ hoạt động của Ban Chỉ đạo trung ương về PCTN và Ủy ban
Kiểm tra trung ương, còn với cấp bộ, ngành, tỉnh, huyện, xã thì chưa thấy rõ,
thậm chí nhiều nơi chưa thấy gì...
- Tôi đồng ý với nhận xét này. Theo
tôi, cuộc đấu tranh này nếu muốn lan tỏa rộng khắp và làm đều tay thì vẫn còn
cần thời gian và quyết tâm hơn, cần sự chỉ đạo quyết liệt hơn.
Thực tế, cuộc chiến này vẫn chưa “đều
tay”, vẫn còn thấy ở đâu đó còn có sự né tránh, chưa làm quyết liệt.
Cần thêm sự giám sát của xã hội, của
nhân dân, báo chí trong cuộc chiến này. Tôi đánh giá cao sự vào cuộc của báo
chí, nhân dân.
Chẳng hạn vừa qua, nếu không có sự vào
cuộc của báo chí thì câu chuyện một phường trên địa bàn thủ đô gây khó cho
dân trong cấp giấy chứng tử sẽ không được xử lý đến nơi đến chốn.
Trong thời điểm mưa lũ mấy ngày qua,
mới thấy Yên Bái là tỉnh nghèo như thế, dân đói khổ như thế mà có những quan
chức ở địa phương đó đã bị phát giác sống trong những biệt phủ xa hoa, lộng
lẫy.
Như thế mới thấy rõ không phải chỉ có
những vụ đại án mới phá hoại nền kinh tế đất nước, mà còn rất nhiều những
khâu ở cấp dưới đang làm tổn hại đất nước, gây ra đói khổ cho nhân dân.
Nếu những quan chức không thu vén để
xây biệt phủ, mà tận tụy xây dựng vùng đất đó giàu có lên thì những trận lũ
này dân cũng bớt thiệt hại.
Bởi lẽ xét đến cùng nguyên do của những
hậu quả nặng nề từ bão lũ là do đói nghèo, do cơ sở hạ tầng
yếu
kém.
* Trong PCTN, vai trò của người đứng đầu rất quan trọng. Cuộc
chiến đấu này cần những người chỉ huy có “bàn tay sạch” và “bàn tay sắt”.
Phải chăng chúng ta vẫn thiếu những con người như vậy ở các cấp dưới?
- Khi người đứng đầu trong sáng, mạnh
mẽ thì họ sẽ có quyết tâm và hành động vì dân, vì nước. Còn nếu người đứng
đầu dính chàm thì khó làm lắm.
Nhiều người chia sẻ với tôi rằng Đảng
ta đang có một Tổng bí thư liêm khiết, quyết tâm, mạnh mẽ, đồng chí chủ nhiệm
Ủy ban Kiểm tra trung ương và một số đồng chí lãnh đạo khác cũng vậy nên cuộc
chiến chống tham nhũng và tha hóa chắc chắn thành công.
Tuy nhiên, cần sự vào cuộc của toàn thể
các cấp, các ngành một cách đồng bộ như cần sự vào cuộc quyết liệt của người
đứng đầu các bộ, ban, ngành trung ương và các địa phương.
Hiện nay tôi thấy ở các cấp vẫn còn
tình trạng thiếu quyết liệt, trong công tác kiểm tra chỉ là dưới báo cáo lên
trên, rồi trông chờ, ỷ lại.
Đó cũng là một nguy cơ, bộc lộ sức
chiến đấu của bộ máy còn kém, những người tiên phong, lăn xả vào công việc
còn ít.
* Đây cũng là trăn trở của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước thực
trạng ở trên cứ quyết tâm, hô hào nhưng ở dưới lại chậm chuyển động. Tại
phiên họp Chính phủ thường kỳ gần đây nhất, Thủ tướng đã phải thúc giục lãnh
đạo các bộ, ngành, địa phương “anh nào chưa có lửa trong lòng thì phải nhóm
lên đi”...
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thể
hiện rõ quyết tâm xây dựng một Chính phủ kiến tạo, một Chính phủ liêm chính,
phụng sự nhân dân.
Để những thông điệp và quyết tâm của
Thủ tướng thu được kết quả thì cần cả hệ thống chính trị chuyển động.
Trước tình trạng đất nước khó khăn như
hiện nay, các lãnh đạo cần ngày đêm trăn trở tìm giải pháp tháo gỡ chứ, làm
thế nào để nhân dân có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Thực tế còn quá nhiều vụ việc cấp dưới
không chịu suy nghĩ để giải quyết mà cứ đùn đẩy lên cấp trên.
Ví dụ như ở Bắc Ninh, trong vụ cát tặc,
chủ tịch tỉnh khi bị đe dọa cũng phải kêu cứu lên Thủ tướng. Rồi vụ quán cà
phê (Xin chào) đáng lẽ chỉ cấp phường đã giải quyết được, mà cuối cùng cũng
phải Thủ tướng ra tay.
Có thể loại bỏ hàng trăm tổ chức kém hiệu quả
* Được biết, Hội nghị Trung ương 6 sắp tới sẽ tập trung bàn về
đổi mới công tác tổ chức cán bộ, về tổ chức hệ thống chính trị, bộ máy hành
chính. Theo ông, cải cách bộ máy có vai trò thế nào trong việc PCTN cũng như
minh bạch hóa hoạt động của hệ thống nhà nước nói riêng, hệ thống chính trị
nói chung?
- Cải cách bộ máy vô cùng quan trọng.
Khi nào bộ máy trả lời rõ thành tích này của ai, khuyết điểm kia của ai, thì
sẽ minh bạch hóa và phòng chống được tham nhũng.
Cũng như ca sĩ, khi hát đơn ca thì hát
hay, hát dở lộ ngay. Nhưng tập thể hát đồng ca thì có thể lẫn cả những người
không biết hát.
Bộ máy hiện có của chúng ta đang lẫn cả
những tổ chức không làm được việc, hiệu quả kém, lẫn trong đó sự nhũng nhiễu,
tha hóa nhưng vẫn tồn tại.
Một khi tổ chức bộ máy minh bạch thì
cần có thước đo cụ thể để đánh giá hoạt động của tổ chức đó, con người đó
đóng góp được gì cho nước, cho dân.
Tinh giản cũng là việc rất quan trọng,
ví dụ nếu giảm đi một tổ chức thì mỗi năm giảm được 100 tỉ đồng, nghĩa là
giảm 10 tổ chức thì mỗi năm tiết kiệm được 1.000 tỉ đồng.
Thực tế, nếu sắp xếp lại có thể bỏ đi
hàng trăm tổ chức kém hiệu quả, mà đều đang được cấp kinh phí chi tiêu từ
ngân sách.
* Những vụ việc, vụ án được chỉ đạo và xử lý vừa qua chủ yếu là
những vụ lớn, những sai phạm lớn, khi đã “bung bét” ra rồi, tài sản của Nhà
nước và nhân dân đã thất thoát hàng ngàn tỉ đồng. Nhiều người nói cuộc chiến
chống tham nhũng chỉ thắng lợi khi vừa chống mạnh mẽ vừa có cơ chế phòng ngừa
hữu hiệu. Theo ông, làm thế nào để có được cơ chế phòng ngừa tốt hơn?
- Đầu tiên thì phải làm nghiêm và làm
đến cùng là cần thiết, đúng người, đúng tội, xử lý nghiêm không có ngoại lệ,
nói và làm phải thống nhất, làm nhiều hơn nói.
Thứ hai, tất cả các khâu, các cấp phải
vào cuộc, từ trung ương đến địa phương.
Thứ ba, là phải minh bạch, tất cả các
hoạt động phải công khai. Phải đến lúc làm thế nào để người có quyền “không
dám, không muốn, không thể” có hành vi tham nhũng.
Tôi nghĩ đã đến lúc phải làm sao để các
hoạt động của cơ quan hành chính, các bộ phận gần dân phải có camera giám sát.
Những gì liên quan giữa dân và cơ quan
công quyền là thực hiện thông qua mạng, không để “người xin” và “người cấp”
các thủ tục tiếp xúc nhau và nảy sinh những “cơ chế ngầm”, bỏ cơ chế xin -
cho một cách hình thức như hiện nay.
Rồi cơ chế xin ý kiến nhân dân, sau khi
người dân hoàn tất các thủ tục hành chính có quyền nhấn nút “chấm điểm” về
dịch vụ của cơ quan công quyền vừa cung cấp cho họ.
(Theo Tuổi trẻ) LÊ KIÊN - NGỌC HÀ thực hiện
|
Thứ Hai, 7 tháng 8, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét