Thứ Bảy, 26 tháng 8, 2017

Chuyện buồn ở Phạm Hồng Thái, ngôi trường có bề dày truyền thống của Thủ đô

 Cập nhật lúc 09:02   


Nếu đơn tố cáo của bà Phạm Thị T.A không được giải quyết kịp thời, nội bộ Trường Trung học Phổ Thông Phạm Hồng Thái có thể dẫn đến mất đoàn kết.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được đơn thư của bà Phạm Thị T.A  – giáo viên trường Trung học Phổ thông Phạm Hồng Thái (quận Ba Đình, Hà Nội) tố cáo ông Nguyễn Thế Hưng - Hiệu trưởng nhà trường.
Đơn thư của bà Phạm Thị T.A tố cáo một số sai phạm có kèm theo các tư liệu được cho là bằng chứng chứng minh nội dung tố cáo.
Trong đơn thư, bà Phạm Thị T. A tố cáo việc nhà trường không thực hiện đầy đủ chính sách đối với giáo viên như vấn đề khám sức khỏe định kỳ hàng năm;
Chỉ đạo tổ chức dạy thêm và học thêm trái quy định; Hiệu trưởng không trực tiếp đứng lớp giảng dạy nhưng vẫn nhận tiền phụ cấp của ngành từ năm 2011 – 2014 cùng nhiều nội dung liên quan đến công tác nhân sự khác.


Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nên sớm trả lời đơn thư để công tác dạy và học ở Trường Phạm Hồng Thái sớm đi vào ổn định (ảnh Trinh Phúc).
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Phạm Thị T.A cam đoan những tố cáo của mình là đúng sự thật và sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Ngoài đơn tố cáo - bà Phạm Thị T. A có cung cấp thêm các tài liệu được xem là bằng chứng để chứng minh những sai phạm của ông Nguyễn Thế Hưng.
Chia sẻ tâm trạng của mình, bà Phạm Thị T.A cho biết: “Tôi gắn bó với Trường Trung học Phổ thông Phạm Hồng Thái từ năm 2005 đến nay, phải bức xúc quá tôi mới đưa đơn tố cáo đến báo chí.
Trước đây, tôi cũng suy nghĩ nên giải quyết trong nội bộ ngành giáo dục Hà Nội nhưng vì đơn tố cáo của tôi không được Sở giải quyết thấu đáo nên tôi viết đơn gửi lên quý báo”.
Để xác minh làm rõ nội dung trong đơn thư, ngày 12/8, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã làm việc với lãnh đạo Trường Trung học Phổ thông Phạm Hồng Thái.
Buổi làm việc có sự góp mặt của ông Nguyễn Thế Hưng – Hiệu trưởng, bà Nguyễn Thị Bé – Hiệu phó, bà Vũ Thị Xuân Dung – Hiệu phó nhà trường.
Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đặt vấn đề trực tiếp liên quan đến đơn thư tố cáo của bà Phạm Thị T.A và các nội dung tố cáo như đã nêu ở trên.
Tuy nhiên các lãnh đạo nhà trường đã phủ nhận mọi thứ.
Ông Nguyễn Thế Hưng có đưa ra một số văn bản chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và một số văn bản quy phạm pháp luật đế chứng minh các chỉ đạo điều hành nhà trường của ông là đúng.
Tuy nhiên, khi phóng viên yêu cầu được cung cấp bản sao hoặc cho phép sao chụp lại thì bị từ chối thẳng thừng.
Ông Hưng khẳng định, nhà trường có tiến hành khám sức khỏe theo định kỳ cho giáo viên. Tuy nhiên, với tư liệu về phía bà Phạm Thị T.A cung cấp lại ngược lại.
Cụ thể, trong văn bản trả lời đơn thư gửi bà Phạm Thị T.A của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã chỉ ra trong năm 2015 và năm 2016 Trường Trung học Phổ thông Phạm Hồng Thái không tổ chức khám sức khỏe cho giáo viên.
Rõ ràng, nếu tư liệu của bà Phạm Thị T.A cung cấp cho phóng viên là đúng sự thật thì ông Nguyễn Thế Hưng đã không trung thực trong việc trả lời thông tin cho báo chí.
Một vấn đề khác cần được làm rõ theo đơn thư của bà Phạm Thị T.A là việc ông Nguyễn Thế Hưng không đứng lớp nhưng vẫn được nhận tiền phụ cấp của ngành từ năm 2011 – 2014.
Khi trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến nội dung này, ông Hưng tỏ ra rất bức xúc, cho rằng thông tin như vậy hoàn toàn sai.
Cũng để chứng minh cho việc Nguyễn Thế Hưng có đứng lớp, bà Nguyễn Thị Bé – Hiệu phó nhà trường đã cung cấp cho phóng viên bức ảnh ông Hưng đang tổ chức thao giảng.
Tuy nhiên, việc thao giảng và giảng dạy thường xuyên là hai phạm trù khác nhau, không thể căn cứ vào một bức ảnh để khẳng định có giảng dạy.
Bà Phạm Thị T.A trao đổi với phóng viên rằng, nếu ông Hưng khẳng định mình đúng thì đề nghị cung cấp các bằng chứng liên quan đến việc ông có đứng lớp, dạy học như: Sổ báo giảng; Sổ điểm cá nhân; Sổ ghi đầu bài của lớp mà Hiệu trưởng dạy và có chữ ký các tiết dạy; Sổ điểm chính của lớp có cột điểm môn Vật lý do Hiệu trưởng vào điểm; Học bạ của học sinh có chữ ký của Hiệu trưởng; Thời khóa biểu từ 2011 đến 2014 có tên Hiệu trưởng.
Cần phải lưu ý là tất cả những bằng chứng này phải khớp nhau.
Qua làm việc, rõ ràng thông tin từ phía lãnh đạo trường Phạm Hồng Thái và bà Phạm Thị T.A đang trái ngược nhau.
Trong khi, nhà trường không cung cấp tài liệu làm rõ những vấn đề tố cáo yêu cầu của phóng viên nên để khẳng định ai sai, ai đúng trong việc này cần thiết phải có sự vào cuộc công tâm, khách quan, minh bạch của các cơ quan chức năng.
Nếu vấn đề này tiếp tục tồn tại kèo dài có thể dẫn tới mất đoàn kết trong hội đồng nhà trường, điều đó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.
Mặt khác, hiện nay bà Phạm Thị T.A là giáo viên tố cáo Hiệu trưởng nhà trường, chính vì thế những áp lực đè nặng lên người tố cáo là có thực. Người tố cáo cần được bảo vệ trong hoàn cảnh này.
Thiết nghĩ vai trò thuộc về Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trong giải quyết đơn thư và những bất ổn tại Trường Trung học Phổ thông Phạm Hồng Thái trong thời gian này là rất quan trọng.
Có lẽ nếu Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phải giải quyết dứt điểm sự việc trên ngay từ thời điểm tháng 2/2017 khi bà Phạm Thị T.A gửi lá đơn đầu tiên thì Trường Phạm Hồng Thái đã không rơi vào cảnh lục đục nội bộ lâu đến như vậy.
(Theo Giáo dục VN) Trinh Phúc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét