“Lò đã nóng” và quyết tâm của Tổng
bí thư Nguyễn Phú Trọng
Cập nhật lúc 14:25
Thông
điệp của Tổng Bí thư gửi tới chúng ta: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào
cũng phải cháy…Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được…” là một hình
tượng rất sống, rất hay và rất thực tế. Nó thể hiện sự kiên quyết không thể
gì lay chuyển của ông Nguyễn Phú Trọng, trong cuộc đấu tranh chống tham
nhũng, hiện nay.
Tuần Việt Nam giới thiệu bài
viết của ông Nhị Lê – Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản luận bàn về chống
tham nhũng và kiểm soát quyền lực, nhìn từ những vụ đại án.
Sử
sách kể rằng, ở thành cổ đại Athen, khoảng 2500 năm về trước, nếu bất kỳ
chính khách nào phạm vào một trong hai tội sau đây thì sẽ bị đuổi khỏi thành
10 năm; và cố nhiên, trong 10 năm đấy, thì không được tham gia vào chính sự.
Đó là hai tội tham nhũng và tội hủ hóa trai gái. Điều đó cho thấy, phẩm hạnh
một nhà chính trị, ngay từ thời cổ đại, rất được coi trọng; nó quyết định
danh dự, uy tín của những chính trị gia và uy tín, sức mạnh của chế độ. Và,
vì thế, đã đặt vấn đề chống tham nhũng quan trọng đến nhường nào, trong các đại
sự chính trị.
Nom sang phía
Đông, vấn đề tham nhũng và chống tham nhũng, được xem trọng đặc biệt. Việc
nước nhà thịnh vượng hay suy vong, dân tộc hùng cường hay bạc nhược… luôn là
nỗi bận tâm lớn nhất trong các việc chính sự của muôn triều đại, sự liêm sỉ
của ức triệu lòng dân nước nhà.
Bảy trăm năm
trước, bàn về việc chọn tướng, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn nói: Lấy của mà
thử xem có giữ được sự trong sạch không. Bỗng nhớ đến “ngũ họa” quốc vong mà
tiền nhân tổng kết, cảnh báo khuyên răn có 5 nguy cơ làm mất nước: Một là,
trẻ không kính già; hai là, trò không trọng thày; ba là, binh kiêu tướng
thoái; bốn là, tham nhũng tràn lan; năm là, sỹ phu ngoảnh mặt. Nhời tiên báo
ấy của bảng nhãn Lê Quý Đôn, cách nay hơn 250 năm. Chỉ phạm vào một trong năm
điều họa ấy thôi cũng đủ quốc sỉ bị tổn thương, liêm sỉ khó mà giữ trọn. Năm
họa ấy hội lại, thì quốc sỉ mất, liêm sỉ cũng tan, thì đất nước tiêu vong, mà
thân phận mỗi người tự do, cũng theo đó, mà mất! Ăn cắp của công, ăn trộm
chức vụ, tham nhũng quyền lực đẻ ra vô vàn những cơn bệnh khác, không chỉ làm
băng hoại cá nhân mà còn có nguy cơ làm tan tành thể chế.
Nay, ở không ít nơi, nạn tham nhũng, nạn đạo chích tiền bạc của
công nguy hơn chuột đào chân tường; nạn “đạo vị”, nói như Bác Hồ hơn 70 năm
về trước là “ăn cắp chức vụ” hoành hành, thậm chí làm nhiễu loạn cả không ít
chốn công quyền… khiến cho bao người hiền tài, không ít bậc trí giả đành “rũ
áo khoanh tay” hoặc chịu thúc thủ, ngặt vì nỗi “nước xa không cứu được lửa
gần”.
Ăn cắp hay nói
bây giờ là tham nhũng về vật chất đó là sự ô nhục đã làm bại hoại quốc gia,
làm nhục quốc thể, cá nhân thì táng tận liêm sỉ. Tham nhũng về chính trị, về
quyền lực sẽ đẻ ra và dung dưỡng nhiều hủ bại có nguy cơ làm mục rỗng nhân
tâm, phá nát lòng tin, làm băng hoại quốc gia. Quyền lực không phải của riêng
ai, của nhân dân, nhân dân trao cho những người làm công bộc của dân. Mà nếu
bằng mọi thủ đoạn, họ chiếm đoạt nó, biến quyền được giao đó thành quyền sở
hữu, nó trở thành mục tiêu hoạt động của họ thì rất nguy hiểm, thậm chí chết
cả dân tộc. Khi tiền liên kết với quyền thì tai họa khủng khiếp, khôn mà tiên
lượng hậu họa. Bởi nó liên quan đến chế độ và rộng hơn là lòng dân, là sự
sinh tử của dân tộc, là vị thế, sức mạnh và uy tín quốc gia.
Thế nên đặt vấn
đề tham nhũng và chống tham nhũng, ở mọi thời và muôn đời vốn không bao giờ
cũ. Tham nhũng đã tích tụ từ rất lâu rồi, đủ phương diện, hình thái, đủ mức
độ và vô cùng nguy hiểm về tính chất. Chúng ta, nếu không kiểm soát được,
không khắc chế triệt để, thì mọi thứ chết người, theo đó, sẽ bung ra ngay.
Những vụ đại án Trịnh Xuân Thanh, Trầm Bê… vừa qua là một minh chứng về sự
nguy hiểm trong cuộc cấu kết giữa quyền lực chính trị và quyền lực kinh tế.
Mầm mống của những “liên minh ma quỷ”, theo đó, mà mọc ra, mà phát tác và
lũng đoạn. Vì vậy, vấn đề đặt ra là càng phát triển cơ chế thị trường, càng
hội nhập quốc tế, càng phải kiểm soát quyền lực, càng phải đề cao thượng tôn
pháp luật. Không thể làm khác, nếu không muốn thất bại. Từ cơ chế kiểm soát
thì sẽ có cơ chế phát hiện, cơ chế khắc trị… và trị thật nghiêm, không có
ngoại lệ, không có vùng cấm. Nghĩa là dân chủ và pháp trị phải được thượng
tôn!
Lâu nay, vấn đề
mà Đảng ta đang rất suy tư là, làm thế nào để có cơ chế kiểm soát quyền lực
tốt. Kỳ thực rường cột của nó, nói cụ thể, là ván đề quyền lực và trách nhiệm
được thực thi và vận hành với bảo bối: dân chủ và pháp trị. Kiểm soát từ bên
trong tới toàn dân kiểm soát; kiểm soát từ trên xuống và giám sát từ dưới
lên, từ bên cạnh một cách công khai, minh bạch. Suy cho cùng là, quyền lực
phải gắn với trách nhiệm một cách dân chủ và kỷ luật, theo kỷ luật của Đảng
và pháp luật của Nhà nước.
Những vụ đại án
trong năm 2017 vừa qua kỳ thực đã tích tụ từ lâu, bằng cơ chế kiểm tra, kiểm
soát dân chủ và minh bạch trong nhiều năm qua, bây giờ mới bộc lộ ra. Vì thế,
có thể nói, chống tham nhũng lúc này, cần tập trung làm tốt trước mắt, hai
lĩnh vực rất căn bản, đó là gắn chặt đức trị và pháp trị. Đại hội lần thứ XII
của Đảng quyết định rất quan trọng, lấy vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức là
một trong bốn bộ phận cấu thành toàn bộ công tác xây dựng Đảng. Đây là một
trong những vấn đề trong quy luật xây dựng Đảng kiểu mới chứ không phải đơn
thuần mang tính lý thuyết. Trở đi trở lại, khi lời răn đạo lý chưa đủ mạnh,
khi đạo đức chưa đủ lay chuyển thì ắt pháp lý phải ra tay, nhất định các đạo
luật phải được toàn dụng.
Ngày xưa, các
cụ nói: Sát nhất nhân vạn nhân kỵ. Đó là hạ sách. Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng cũng nói, xử một người đau lòng lắm, nhưng cũng phải kỷ luật thôi, vì
nhiều người khác. Tôi nghĩ, chống tham nhũng không khác gì đứng giữa bầy sói.
Khi những “con sói đói khát quyền lực”, “đói khát tiền bạc” lũng đoạn, hoành
hoành, mà đạo đức chưa đủ thấu, đạo lý chưa đủ răn, liêm sỉ chưa đủ chuyển,
thì dứt khoát kim đao phải tất được dụng thôi. Hợp với nhẽ thường. Đấy là
nhân văn nhất, đấy là đạo đức nhất; đấy cũng là dân chủ và kỷ cương nhất.
Giờ, không phải
bàn thêm về quyết tâm của Tổng Bí thư. Mà vấn đề cần nói hơn đó là, làm gì và
thế nào để chuyển quyết tâm ấy thành quyết tâm và hành động của toàn thể cán
bộ, đảng viên và đồng bào. Quan trọng nhất là, đó chính là sự quyết tâm và
hành động của 11 triệu cán bộ, viên chức trong bộ máy, của gần bốn triệu đảng
viên, của 116000 tổ chức Đảng, của 63 tỉnh thành kết tinh trực tiếp ở 63
người đứng đầu cấp ủy và những người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong toàn
thể hệ thống chính trị nước nhà… Và, cũng phải hỏi, còn có ai trong đội ngũ
ấy nghễnh ngãng, thờ ơ, chiếu lệ cho phải phép, rồi “nghe ngóng tùy thời”,
“chọc gậy xuống nước” hoặc “a dua chiếu lệ”, “hò voi bắn súng sậy” không?!
Đấy chính là sự đồng lõa với sai trái, với tội phạm!
Có một dịp,
vinh dự được trao đổi với Tổng Bí thư. Ông nói, cần phải giữ vững sự ổn định.
Tôi thưa rằng, ổn định lúc này là phát triển, phát triển là đẳng cấp của ổn
định, ổn định lúc này là phải hành động. Ông hỏi: Cụ thể như thế nào? Tôi
thưa: Chúng ta cần lựa chọn một số việc mang tính chất đột phá, có khả năng
làm rung động toàn bộ hệ thống: cải cách bộ máy và chống tham nhũng. Sao nữa?
Phương châm là, đề cao dân chủ, cổ vũ đức trị và tôn vinh pháp trị. Đấy là cả
một nghệ thuật chính trị. Và, để thực hiện nó, phải với bản lĩnh chính trị
rất cao, một quyết tâm đến cùng, một lộ trình phù hợp và cổ vũ một lực lượng
chính trị nhân dân đông đảo. Không có những điều đó, rất khó thành!
Thông điệp của
Tổng Bí thư đã gửi: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy…Cá
nhân nào muốn không làm cũng không thể được…” là sự kết tinh, thể hiện tầm
nhìn, sự kiên định và cả tâm huyết của ông. Cái Ngọn lửa Dân chủ, Đức trị và
Pháp trị phải cháy lên trong cái lò ấy! Và, càng tin rằng, không ai cản được,
khi Lòng dân đã dậy sóng, đang làm Gió thổi lò, với quyết tâm: “Dân ta đã nói
là hành. Đã đốn quyết đốn cả cành lẫn cây”.
(Theo
TuanVietNam) Nhị Lê
|
Thứ Tư, 9 tháng 8, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét