Thứ Năm, 3 tháng 8, 2017

Đại gia Trầm Bê và boong-ke bị vỡ

Cập nhật lúc 14:57 
Sinh ra và lớn lên ở Trà Vinh trong một gia đình khó khăn, dù không am tường chữ nghĩa nhưng ông Trầm Bê đã bắt đầu dấn thân vào con đường kinh doanh và tạo nên một đế chế vững mạnh trong nhiều lĩnh vực.
Người dân giao dịch tại ngân hàng Sacombank. Ảnh: Nhật Minh.
Người dân giao dịch tại ngân hàng Sacombank. Ảnh: Nhật Minh.
Trước khi bị bắt vào chiều 1/8, ông Trầm Bê trải qua nhiều hoạt động kinh doanh, từ mặt hàng nông lâm sản đến đầu tư cơ sở hạ tầng và đặc biệt là ngân hàng, lĩnh vực mà ông được ví như “ông trùm”.
Từ “ông trùm” tổng hợp
Sinh năm 1959 tại huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Ông là con lớn trong một gia đình có 4 anh em và là một trong số ít gia đình người Việt gốc Hoa sinh sống ở đây. Ông lấy vợ là bà Viên Đông Anh, cũng là một người Việt gốc Hoa rồi sinh ba người con: Trầm Trọng Ngân, Trầm Thuyết Kiều và Trầm Khải Hoà. Cả 3 đều nối nghiệp ông, giữ các vị trí quan trọng trong các công ty gia đình.
Năm 1991, ông Trầm Bê bắt đầu sự nghiệp ở Công ty chế biến Lâm sản Đông Anh với vị trí là giám đốc. 4 năm sau, ông trở thành Chủ tịch HĐQT của công ty này. Từ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Trầm Bê bắt đầu quan tâm đến bất động sản, giai đoạn mà thị trường bất động sản rộng lớn ở TPHCM bắt đầu sôi động. Nhìn xa trông rộng, năm 1999 ông nhảy vào đầu tư lĩnh vực này và làm Hội đồng thành viên Công ty CP đầu tư xây dựng Bình Chánh. Đây là thời điểm, ông Trầm Bê được cho sở hữu hàng chục bất động sản đắc địa ở khu vực quận 6, Bình Tân.
Hai năm sau, ông Trầm Bê gây ngạc nhiên cho giới đại gia khi chuyển qua kinh doanh bệnh viện. Bác sĩ Nguyễn Hải Nam, năm nay 80 tuổi, từng làm giám đốc Bệnh viện miễn phí An Bình và Bệnh viện Triều An, cho biết đã thuyết phục ông Trầm Bê cùng đầu tư bệnh viện. Năm 2001, Bệnh viện Triều An ra đời với vốn đầu tư 590 tỷ đồng, được xem là “bệnh viện triệu đô” của tư nhân lớn nhất Việt Nam lúc bấy giờ. Cùng thời điểm, ông Trầm Bê có tên trong Hội đồng quản trị bệnh viện đồng thời là giám đốc cố vấn, trong khi con gái ông là Trầm Thuyết Kiều cũng nằm trong ban quản trị với 10 thành viên khác.
Không dừng lại ở đây, năm 2002 ông Trầm Bê thành lập Công ty chế biến thủy sản Sơn Sơn. Thời điểm này, ông được biết đến là chủ doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam thực hiện chiếu xạ trái thanh long xuất khẩu ra nước ngoài. Nhiều người từng làm ở Hiệp hội Thanh long Bình Thuận cho biết thế độc quyền chiếu xạ của ông Trầm Bê kéo dài đến 7 năm mới bị phá vỡ bởi một doanh nghiệp khác. “Lúc ấy tất cả thanh long ở Việt Nam đều phải qua công ty của ông Trầm Bê chiếu xạ. Dù giá cao gấp 4-5 lần so với Thái Lan nhưng các doanh nghiệp phải chấp nhận”- một cựu cán bộ Hiệp hội Thanh long Bình Thuận được báo chí trích lời cho biết.
Người cầm đầu “ván cờ” thâu tóm
Năm 2004, đại gia gỗ và bất động sản Trầm Bê dù không có nghề ngân hàng nhưng nhờ có tiền, lần đầu đặt chân vào trở thành thành viên HĐQT Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank). Thời kỳ đó, trùng với giai đoạn “mở màn” cho sự tăng trưởng vượt bậc của hệ thống ngân hàng Việt.
Năm 2006- 2007, khi cơn mưa tiền vốn ngoại đổ vào Việt Nam qua thị trường chứng khoán (lên tới 7,5 tỷ USD), người ta chứng kiến sự ra đời, chuyển đổi ồ ạt của các ngân hàng cổ phần nông thôn lên đô thị. Với mức tăng trưởng tín dụng tới vài chục phần trăm, hệ thống ngân hàng ngày ấy đều hồ hởi báo lãi và tất nhiên SouthernBank cũng không ngoại lệ.
Năm 2008, SouthernBank cho ra đời Công ty Vàng bạc Đá quý Phương Nam (NJC) vào năm 2007 và Công ty Chứng khoán Phương Nam (PNS). Tại công ty NJC, ông Trầm Bê giữ chức Phó chủ tịch. Cùng đó, con gái ông Trầm Thuyết Kiều nắm giữ chức Phó giám đốc của NJC. Còn tại PNS, sau 3 năm thành lập, con trai út của Trầm Bê là Trầm Khải Hòa đã được cha đưa lên làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Tuy nhiên, cái tên Trầm Bê chỉ thực sự ồn ào vào khi vào  tháng 7/2011, thị trường liên tục đưa ra những đồn đoán xung quanh việc ngân hàng cổ phần Sacombank (mã chứng khoán: STB) bị một nhóm nhà đầu tư nội thâu tóm. Sự việc ngày càng nóng khi các nhóm cổ đông liên tục đưa ra phát biểu xung quanh việc thay đổi ban lãnh đạo ngân hàng trước thềm đại hội cổ đông (ĐHCĐ).
Từ năm 2011 đến 2014,  một cuộc rượt đuổi tranh giành quyền kiểm soát đã diễn ra giữa 2 bên: thâu tóm và phòng thủ (gia đình ông Đặng Văn Thành, người đã xây lên ngân hàng Sacombank khi đó). Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu STB  có những giao dịch lớn bất thường và trong trạng thái mua đuổi, bán đuổi với mức tăng tới 64% chỉ trong vòng hơn 1 năm. Tháng 2/2012 với hơn 9% cổ phần tại Sacombank, đại diện Eximbank khi đó đã ủy quyền bằng văn bản cho nhóm cổ đông đa số bao gồm cả Trầm Bê yêu cầu bầu lại ban lãnh đạo Sacombank. Thương vụ hoàn tất, chân dung người cầm đầu “ván cờ” Sacombank  mới lộ diện, đó chính là “nhạc trưởng” Trầm Bê. 
Năm 2012, với số cổ phần áp đảo tại Sacombank, ông Trầm Bê cùng con trai là Trầm Khải Hòa bất ngờ rút khỏi ban lãnh đạo của ngân hàng SouthernBank để tham gia vào HĐQT của Sacombank. Tại SouthernBank, con trai ông Trầm Bê là Trầm Trọng Ngân trở thành Phó chủ tịch thường trực.
Đại gia Trầm Bê và boong-ke bị vỡ - ảnh 1
Ông Trầm Bê và con đường từ đại gia thành bị can. Đồ họa: Lê nguyễn - Nam Trịnh.
Cuộc “hôn nhân” bất đắc dĩ
Tháng 5/2012, ông Bê và một loạt lãnh đạo từ Southern Bank trúng cử vào ban quản trị và điều hành Sacombank. Ông Trầm Bê giữ chức vụ mới là Phó Chủ tịch HĐQT còn  Trầm Khải Hòa là thành viên HĐQT. Cũng trong thời gian này, Phan Huy Khang - nguyên Tổng giám đốc Sacombank bị bắt (ngày 2/8/2017 cùng ông Trầm Bê trong vụ sai phạm cho Phạm Công Danh của Ngân hàng Xây dựng vay 1.800 tỷ đồng)  chuyển từ SouthernBank về Sacombank nhận nhiệm vụ sau 18 năm gắn bó với nhà băng này. Và sau này, cũng chính trong thời gian “đương vị” tại Sacombank, ông Trầm Bê  và Phan Huy Khang đã “nhúng chàm” trong việc dẫn dắt, cho vay vốn lòng vòng vụ việc kể trên. 
Không nằm ngoài dự đoán, đại hội cổ đông Sacombank (STB) ngày 25/3/2013 quyết định chấp nhận sáp nhập SouthernBank. Cho dù có rất nhiều sự phản đối và bức xúc trước của nhiều cổ đông nhỏ lẻ  nhưng cuối cùng hơn 97% cổ đông vẫn đồng ý. Thời gian sáp nhập được ấn định ngay trong năm 2014.
Tuy nhiên, muộn hơn dự tính, phải đến ngày 13/8/2015, Ngân hàng Nhà nước mới đồng ý cho 2 ngân hàng SouthernBank và Sacombank sáp nhập lại. Cuộc hôn nhân không môn đăng hộ đối khiến báo chí ngày ấy tốn vô khối giấy mực. “Ai cũng bảo nếu Sacombank là cô gái đẹp lúc đó thì SouthernBank như gã trai nát rượu” bỗng dưng “cưới” được cục vàng” (lời một chuyên gia).
Những câu hỏi bức xúc đều xoay quanh việc  tại sao  Sacombank là  ngân hàng lớn, hoạt động lành mạnh lại chấp nhận “cưới”  Southern Bank - một ngân hàng nhỏ, yếu kém, nợ xấu cao. Quyết định này ngày ấy đều được giới tài chính phân tích chỉ ra- chỉ Hội đồng quản trị và các cổ đông lớn là có lợi mà cụ thể ở đây được lợi nhất chính là ông Trầm Bê.
Sau sáp nhập, Sacombank công bố thuộc Top 5 ngân hàng lớn nhất Việt Nam với tổng tài sản đạt 297.184 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu đạt gần 24.506 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ là 18.853 tỷ đồng; mạng lưới hoạt động lên đến 563 điểm giao dịch trên toàn quốc và 2 nước Lào, Campuchia; tổng số cán bộ nhân viên là 15.510 người. Tuy nhiên, bỗng dưng đến một ngày đẹp trời, người ta thấy nợ xấu  Sacombank vọt tăng khủng khiếp!
Sau này, Kiểm toán Nhà nước cho biết: tỷ lệ nợ xấu thực tế của SouthernBank cao hơn rất nhiều lần so với con số “tự khai”. Tại ngày 30/6/2012, tỷ lệ nợ xấu là 45,6%, tháng 11/2013 là 55,31% nhưng ngân hàng này chỉ báo cáo tỷ lệ nợ xấu tháng 12/2013 là 3,39% (do  không chuyển nợ xấu theo kiến nghị của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước). SouthernBank năm 2013 báo lãi 18 tỷ đồng.  
Còn Sacombank, phải “bặt vô” hai năm không công bố được báo cáo tài chính. Mãi đến tháng 6/2017 vừa qua, đại hội cổ đông Sacombank mới vén màn cho thấy:  có tới hơn 90.000 tỷ đồng nợ xấu đang găm giữ tại ngân hàng mà “cục nợ” chủ yếu được “bê” từ Southern Bank sang. 
 Mặc dù, tháng 11/2015 ông Trầm Bê đã tự nguyện cam kết ủy quyền (không hủy ngang, vô thời hạn) đối với toàn bộ số cổ phần tại Sacombank, SouthernBank và tổ chức sau sáp nhập mà cá nhân ông Trầm Bê và các bên có liên quan sở hữu, song theo báo cáo mới nhất của Sacombank vào tháng 6/2016, gia đình ông Trầm Bê vẫn đang sở hữu đến 9,51% vốn ngân hàng này.
Nhìn lại cuộc khủng hoảng của Sacombank kéo dài từ cuối 2011 cho tới khi kết thúc, người ta phải “ngả mũ” trước một ván cờ được toan tính rất kỹ và chi ly. Với hơn 54,4% cổ phần của gia đình ông Trầm Bê tại Sacombank do Ngân hàng Nhà nước đang nắm giữ, nếu không có sự chuyển giao bắt buộc, chắc chắn đại gia Trầm Bê đã thành công trong việc xây đế chế, trở thành “ông trùm” quyền lực trong giới tài chính ngân hàng.
“Ai cũng bảo nếu Sacombank là cô gái đẹp lúc đó thì SouthernBank như gã trai nát rượu” bỗng dưng “cưới” được cục vàng”.
Lời một chuyên gia
Mặc dù đại gia Trầm Bê khét tiếng giàu có tại TPHCM từ những năm 1990 cho đến nay nhưng nhiều người thân cận với gia đình ông cho biết ông là người kín tiếng. “Ông ấy rất kỹ tính và kín tiếng, ít khoe khoang”- bác sĩ H. một người làm việc tại Bệnh viện Triều An thời mới thành lập, tiết lộ: “Cho đến khi sự việc ông xây chùa dát vàng và mất trộm sừng tê giác thì người ta mới biết nhiều đến tên ông”.
Sacombank là ngân hàng cổ phần lớn với mức vốn điều lệ hơn 10.000 tỷ đồng. Tính đến năm 2011, những cổ đông lớn của STB gồm: REE 3,66%, Dragon Capital 6,66%, ANZ 9,78% và ban điều hành của ngân hàng này nắm 9%. Tháng 8/2011, Dragon Capital chính thức bán toàn bộ 6,66% vốn tại Sacombank. Tháng 1/2012, hai cổ đông lớn khác của STB là REE, ANZ thoái sạch vốn khỏi Sacombank. Thay vào đó, Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Eximbank trở thành cổ đông lớn với lượng nắm giữ là 9,73%.  Từ đây, liên tục dấy lên tin đồn về việc ACB, Eximbank và Sacombank sẽ “về cùng một nhà”, tuy nhiên, cuối cùng mới lộ diện người thâu tóm STB ngày ấy nhiều nhất chính là ông Trầm Bê. 
(Theo Tiền phong) KHÁNH HUYỀN - LÊ NGUYỄN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét