Hà Nội: Thả cả thùng cá chép
phóng sinh xuống sông Hồng
Cập nhật lúc 22:35
Từ sáng sớm 31/1 (tức 22 tháng Chạp),
người dân Thủ đô nườm nượp ra phố mua sắm vật dụng cúng lễ ông Công
ông Táo. Đến trưa, các sông, hồ ở Hà Nội tấp nập người đổ ra thả
cá phóng sinh.
(Theo
VietNamNet)
|
Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016
Phóng sinh, sát sinh
Cập nhật lúc 21:45
Chuyện kể rằng Đề Bà Đạt
Đa - anh em chú bác với Đức Phật đã giương cung bắn trúng một con chim thiên
nga đang tự do bay trên bầu trời cao rộng. Thiên nga gẫy cánh, rơi vào khu
vườn của Thái tử. Nhìn cảnh con thiên nga quằn quại trong cơn đau dữ
dội, với lòng từ bi của một vị Thái tử mới 9 tuổi, Ngài đã nâng thiên nga ôm
vào lòng, chăm sóc, chữa trị vết thương cẩn trọng. Bằng tình thương vô bờ ấy
không bao lâu vết thương của thiên nga bình phục. Thiên nga đã được phóng
sinh, lại vỗ cánh bay cao, cất tiếng vui mừng tỏ lòng tri ân với người đã cứu
sinh độ thế.
Theo quan niệm nhà phật, phóng sinh là cứu giúp những chúng sinh thoát khỏi
cảnh khổ đau, sợ hãi trong thế “cá chậu, chim lồng”, bị tra tấn hành hạ. Bằng
Tâm Bồ Đề dùng mọi phương tiện mang lại sự sống, sự bình an cho tất cả chúng
sinh đang bị đe dọa đến tính mạng… đó chính là phóng sinh.
Một tư tưởng, một tấm
gương nhân đạo nay đang phát triển theo chiều hướng thái quá, lệch lạc. Nếu
ai sống cạnh khu vực các song hồ ở Hà Nội thì sẽ thường xuyên được chứng kiến
cảnh phóng sinh rất tùy tiện. Cứ mồng Một, hôm Rằm rồi dịp cúng Tết Táo Công 23
tháng Chạp là chuyện phóng sinh lại diễn ra tấp nập. Ở Hồ Tây, vào những ngày
lễ đó rất nhiều động vật như cá, ốc, cua, lươn, chạch… được người hành lễ xong
mang đến và trút xuống hồ. Có những nhóm phật tử dùng xe tải chở đến phóng
sinh một lúc hàng tạ ốc, mấy chục cân cá trê, chạch… Do môi trường nước không
phù hợp và ô nhiễm nên chỉ vài ngày sau nhiều loại động vật trên bị chết nổi
trắng trên mặt hồ (có khi còn thấy cả túi ni-lông chứa những con cá chết vì
người phóng sinh không mở túi, ném bừa xuống). Chết nhiều nhất là ốc (loại ốc
nứa, ốc vặn nhỏ bằng ngón tay), xác vỏ trôi về bờ phía đường Trích Sài có đến
hàng tấn, bồi đắp nhiều năm đầy dần mép hồ, gây thêm ô nhiễm môi trường nước.
Có người phóng sinh những con cá chép to gần 1 kg, vừa đi khỏi một lát, kẻ
đánh bắt trộm đã tay lăm lăm chiếc vợt lội xuống làm cái việc… hậu phóng
sinh.
Vậy là việc phóng sinh
như trên vô tình đã thành chuyện sát sinh. Động vật đang sống, phát triển ở
“ngôi nhà” thanh bình của chúng bỗng dưng bị con người đánh bắt để mang đi
làm cái việc có vẻ nhân văn, nhân sinh. Nhiều động vật chết trước khi được
phóng sinh và con người vô tình sát sinh trước khi phóng sinh.
Thực ra việc phóng sinh
(cũng như tục đốt vàng mã) khi thờ cúng chỉ mang tính tượng trưng với ý nghĩa
giáo dục, nhắc con người ta sống trừ ác, hướng thiện, ghi nhớ công ơn tổ
tiên. Đây hoàn toàn không phải sự đổi chác với thần linh (lấy số lượng nhiều
mong đổi lại được nhiều).
Xin
đừng sát sinh bởi việc phóng sinh. Ta hãy giữ cho môi trường trong sạch như
chúng vốn có, hãy bảo vệ sự sống muôn loài như chúng đang tồn tại, đó chính
là sự phóng sinh hiệu quả và thực chất.
(Theo blog Dòng quan họ) Đinh Hoàng
|
Vay nợ cho con vào đại học lấy danh
hão, để... thất nghiệp!
Cập nhật lúc 20:35
PGS.TS
Nguyễn Văn Nhã bình luận: "Con người ta có trí thì phải học, nhưng thời
gian thì có hạn nên phải tập trung vào mục tiêu cụ thể".
Tâm lý sính bằng cấp vẫn quá nặng nề
Trao đổi với
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Văn Nhã – nguyên Trưởng Ban Đào
tạo Đại học Quốc gia Hà Nội bày tỏ, ông rất buồn khi tỷ lệ lao động có trình
độ của Việt Nam đứng thứ 121/168 quốc gia.
PGS.Nhã nói:
“Nếu chúng ta thực sự coi giáo dục là quốc sách hàng đầu thì chúng ta phải
thấy xấu hổ trước con số này. Mỗi năm có hàng nghìn người Việt Nam sang Hàn
Quốc làm thuê, lao động cực nhọc, đồng lương ít ỏi so với đời sống ở đó mà họ
vẫn muốn kéo dài hợp đồng lao động, thậm chí nhiều người tìm cách trốn ở lại.
Trong khi đó,
cũng một số lượng tương đương người Hàn Quốc sang Việt Nam thì làm ông chủ,
làm chuyên gia, làm những công việc có mức thu nhập vài nghìn đô là cho tới
vài chục nghìn đô la.
Tôi đưa ra so
sánh ấy vì Hàn Quốc từng có thời gian khó khăn như Việt Nam, vậy tại sao họ
tiến lên nhanh thế, còn ta thì chậm như thế?”.
Theo PGS.TS
Nguyễn Văn Nhã, trong xu thế hội nhập, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam rất lớn
và tăng lên qua mỗi năm, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp cần nhiều lao
động trình độ cao. Đồng thời, các doanh nghiệp trong nước cũng không ngừng
phát triển, lớn mạnh, khoa học kỹ thuật phát triển, dần dần những lao động
giản đơn ít đi.
Nhưng vấn đề
đặt ra là hoạt động giáo dục và đào tạo của Việt Nam có đáp ứng được nhu cầu
ấy không? Nhà nước có những tính toán gì cho thị trường lao động trong tương
lai, để việc đào tạo gắn chặt với nhu cầu thực tế?
“Tôi rất mong
rằng sau việc hạn chế số lượng đào tạo đại học, Bộ Giáo dục sẽ nhanh chóng
đưa ra thảo luận và xác định rõ hướng đi cho nền giáo dục. Chúng ta bàn về
đổi mới suốt nhiều năm qua mà cứ loay hoay sửa lỗi mãi thế này là rất nguy
hiểm. Cứ đào tạo tràn lan như bây giờ sẽ tiếp tục có hành nghìn sản phẩm lỗi,
và tiếp tục thất nghiệp.
Tôi ủng hộ quan điểm phân luồng rõ rệt
khi hết Trung học cơ sở, để phần lớn chuyển sang học nghề kết hợp với văn
hóa, chỉ có một tỷ lệ nhỏ học tiếp lên đại học. Mô hình này nước Đức đã áp
dụng nhiều năm qua và rất thành công, chúng ta nên nghiêm túc học tập họ”,
PGS.Nhã nêu quan điểm
Tỷ lệ cử nhân thất nghiệp ngày càng
nhiều không đơn thuần do đào tạo, mà còn vì tâm lý sính bằng cấp của người
Việt. Rất nhiều gia đình quyết tâm cho con chọ đại học để lấy cái danh hão
huyền, nhưng không biết học để làm công việc gì?
Thực tế hiện nay ở Việt Nam cũng cho
thấy, nhiều cử nhân đã phải dấu cả bằng đại học để tìm việc. Có nhiều trường
hợp đầu tư cả trăm triệu đồng cho 3 năm trời học cao đẳng rồi đi... làm công
nhân.
PGS.Nhã chia sẻ: “Tôi còn nhớ một
chuyên gia giáo dục nước ngoài đã hỏi: Có phải người Việt Nam chỉ lo đầu tư
cho con ăn học và tốn kém mấy cũng chấp nhận, mà không tính khi nào con em
mình sẽ trả nợ được khoản đầu tư đó? Nhất là cho con đi du học tại Anh, Mỹ
với chi phí hàng chục ngàn đô la Mỹ/năm học.
Nhiều gia đình thắt lưng buộc bụng,
dành dụm từng đồng đưa con lên thành phố học đại học cho bằng anh bằng em,
cũng với hy vọng ‘hy sinh đời bố, củng cố đời con’. Điều đó cũng không có gì
sai, không có gì đáng chê trách!
Nhưng vấn đề là từng gia đình, từng phụ
huynh và đặc biệt là từng bạn trẻ phải cân nhắc để đặt mục tiêu phấn đấu cho
phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, sở trường của mỗi người.
Tôi thấy, nhiều bạn trẻ đăng ký nguyện
vọng học đại học là theo ý bố mẹ hoặc a dua theo bạn bè, mà không biết mình
có thật yêu ngành đó không? Tôi rất mong các bạn suy ngẫm thật kỹ, vì đó là
tương lai của chính bạn, mọi quyết định sai lầm đều phải trả giá”.
Bài toán chất lượng giáo viên
vô cùng nan giải
Một vấn đề vô cùng quan trọng đó là dù
đổi mới thế nào thì cũng phải quan tâm tới chất lượng người thầy. Tuy nhiên,
do đãi ngộ kém và khả năng tìm việc làm cũng rất khó khăn nên những năm qua
đầu vào sư phạm rất thấp, đó quả thực là một nỗi lo lớn cho đất nước.
Vậy thì làm cách nào giải quyết bài
toán chất lượng giáo viên? Trước tình hình chất lượng đào tạo của giáo dục
Việt Nam hiện nay còn thấp, các trường Đại học Sư phạm, Đại học Giáo dục,
Viện Nghiên cứu giáo dục đã có nhiều hội nghị bàn về đổi mới và nâng cao chất
lượng đào tạo thấy, cô giáo.
Bộ Giáo dục có yêu cầu giảm chỉ tiêu
tuyển sinh năm 2016 của các trường Sư phạm 10% so với năm trước.
Cục Nhà giáo - Bộ Giáo dục cũng đang dự
thảo bộ chuẩn tiêu chí đánh giá giáo viên mới với 3 nhóm năng lực, 12 tiêu
chí và 3 bậc đánh giá chất lượng (thay vì 6 tiêu chuẩn, 25 tiêu chí trước
đây, theo Thông tư 30/2009/TT-BGDĐT).
PGS.TS Nguyễn Văn Nhã chia sẻ:
"Tôi vẫn muốn nói rằng, trong sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện
giáo dục Việt Nam thì có rất nhiều giải pháp từ các góc độ khác nhau của mỗi
cương vị công tác của mỗi người.
Nhưng giải pháp hữu hiệu nhất, tác động
và ảnh hưởng mạnh nhất là cơ chế, chính sách của các cấp lãnh đạo. Tôi rất mong
sẽ có những đổi mới mạnh mẽ về cơ chế, chính sách, động viên đội ngũ các thầy
cô giáo và hỗ trợ họ hoàn thành được trách nhiệm trồng người”.
Cũng theo PGS.Nhã, Thông tư 32 có hiệu
lực chính là một động lực để các trường đại học bao gồm cả công lập và tư
thục phải điều chỉnh lại đội ngũ giảng viên.
"Xu hướng hiện nay là các trường
công lập sẽ dần được giao cơ chế tự chủ, hầu như không còn được nhà nước hỗ
trợ kinh phí nữa, cho nên buộc phải nâng học phí để đảm bảo hoạt động đào tạo.
Học phí thấp lâu nay vẫn là lợi thế của
nhiều trường công lập, nay học phí tăng lên thì người học sẽ có điều kiện cân
nhắc lại xem khoản tiền phải bỏ ra cho 4-5 năm ấy, trường sẽ cung cấp cho họ
những gì, liệu có đủ kỹ năng để tìm được việc làm không? Đây chính là vấn đề
rất lớn mà bản thân các trường công lập phải nỗ lực thay đổi", PGS.Nhã
chia sẻ.
Bên cạnh đó, Thông tư 32 hạn chế các
trường theo 3 tiêu chí, hạn chế quy mô, chỉ tiêu tuyển sinh... lại mở ra cơ
hội mới với nhiều trường đại học ngoài công lập. Nhưng vấn đề đặt ra là các
trường tư thục phải tự khẳng định mình trước xã hội: Chất lượng đào tạo ra
sao, đội ngũ giảng viên thế nào, có thực sự gắn kết với doanh nghiệp hay
không?
PGS.Nhã nhận định: "Đào tạo là sự
nghiệp lâu dài, nếu các trường tư thục chỉ quan tâm lợi nhuận, chỉ lo sao
không bị lỗ vốn bỏ ra, chỉ chú ý thu học phí mà không chăm lo đội ngũ, không
chú trọng môi trường đào tạo và dịch vụ dành cho sinh viên thì chính trường
đó đã tự đóng cửa cơ hội của mình.
Theo tôi, giải pháp 'sâu rễ bền gốc'
chính là chất lượng đội ngũ giảng viên, chính sách và môi trường đào tạo,
chất lượng và dịch vụ đào tạo của nhà trường. Sinh viên yêu trường, ra trường
được các doanh nghiệp đón nhận sẽ là những thông tin quan trọng để nhiều thí
sinh đến với nhà trường".
(Theo Giáo dục
VN) Ngọc Quang
|
Bổng lộc do chức
tước mang lại, không dễ mà từ bỏ
Cập nhật lúc 19:38
Tham nhũng còn nghiêm trọng, phức tạp, đe dọa tới sự tồn vong của
chế độ. Thế nhưng nhiều Bộ, ngành… báo cáo không - chưa phát hiện tham nhũng.
Tin được không?
LTS: Mới đây, hàng loạt Bộ, ngành, địa
phương vừa báo cáo không – chưa phát hiện tham nhũng. Ngay cả những ngành
được cho là có điều kiện tham nhũng nhất
như tài nguyên, môi trường cũng… không có tham nhũng.
Những báo “sạch” về tham nhũng nói trên hoàn
toàn trái ngược với những gì chúng ta đang được nghe, chứng kiến, khi nhũng
vẫn được cơ quan chuyên trách đánh giá là nghiêm trọng, phức tạp, đe dọa tới
sự tồn vong của chế độ…
Để làm rõ thêm vấn đề này, Báo điện tử Giáo
dục Việt Nam xin giới thiệu bài viết của ông Lê Văn Cuông – nguyên Phó trưởng
đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, với tựa đề “Bộ máy chống tham nhũng
“trùng trùng điệp điệp” mà khó bắt tham nhũng"
Báo cáo tham nhũng “nhẹ nhàng”
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan từng nói: “ăn của dân không từ
một cái gì” khi nói về tham nhũng.
Tham nhũng đã kinh khủng tới mức “người ta làm cán bộ mấy năm mà
trong nhà có vài ba trăm tỷ đồng, thậm chí cả nghìn tỷ đồng.
Có một đội ngũ giàu rất nhanh, cưỡi lên đầu nhân dân, Thiếu tướng
Nguyễn Xuân Tỷ - Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng từng phát biểu.
Nghiêm trọng hơn, “tham nhũng đe dọa sự tồn vong của chế độ”, như
cách nói của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Trong khi đó nhiều cử tri, Đại biểu Quốc hội, đến lãnh đạo Đảng,
Nhà nước… đều cảm thấy lo lắng, bất an, có khi xen lẫn cả sự xấu hổ, buồn tủi
khi nhìn vào thực trạng tham nhũng ở nước ta hiện nay.
Chỉ cần nghe tới 2 từ “tham nhũng” là ai cũng thấy bức xúc.
Sở dĩ nhiều người có những phản ứng dữ dội như vậy bởi những bức
trong công tác phòng chống tham nhũng đã dồn nén từ lâu, đến mức không thể kìm
nén.
Nhưng nếu đọc các bản báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng
hằng năm của các Bộ, ngành, địa phương thì nghe thật “nhẹ nhàng” và cũng thật
nực cười.
Nhẹ nhàng ở chỗ là bản báo cáo nào cũng viết giống nhau có khi
lặp lại của năm trước.
Cả nước mỗi năm phát hiện vài chục vụ, có địa phương thanh tra
hết lần này tới lần khác nhưng không phát hiện tham nhũng, chưa phát hiện
tham nhũng.
Có Bộ, ngành khi hỏi thì vì sao không - chưa tham nhũng thì vui
vẻ khẳng định chúng tôi quyết liệt, tăng cường chống tham nhũng, nên không để
xảy ra tình trạng tham nhũng.
Kỳ lạ và nực cười. Đâu đâu cũng nói “nghiêm trọng, phức tạp”
nhưng lại phát hiện rất ít và “cơ quan tôi không có tham nhũng”.
Thực tế thì lại khác. Chẳng cần nói đâu xa, mấy ông sếp doanh
nghiệp công ích lĩnh lương bạc tỷ, vậy mà bao năm trời mới bị phát hiện. Vậy
kê khai tài sản, thu nhập để làm gì?
Mấy năm về trước, người ta nói rằng chưa chống được tham nhũng là
do thiếu chính sách pháp luật, thiếu bộ máy chuyên trách.
Còn bây giờ luật đã được sửa, nhiều nghị định, thông tư, chính
sách đã được ban hành.
Bộ máy chống tham nhũng "trùng trùng, điệp điệp", từ
Đảng đến thanh tra, điều tra, kiểm toán... Vậy mà vẫn khó bắt được tham nhũng.
Những vụ tham nhũng được khui ra chủ yếu nhờ người dân và báo chí.
Các vị cũng nên tự đặt câu hỏi, dân có dám tố cáo tham nhũng khi
người tố cáo bị dồn vào “thế chân tường”, thậm chí là bị khởi tố, đe dọa về
tính mạng?.
Trong khi đó, số ít người mạnh dạn phanh phui tham nhũng, tốn bao
công sức… nhưng sự đền đáp ấy lại thật “kỳ lạ”. Người ta thưởng cho họ số
tiền mệnh giá nghìn đồng, sau những thành quả chống tham nhũng.
Quả là nực cười!
Không ai tự “vạch áo cho người xem lưng”
Nhiều ý kiến cho rằng, có một bộ phận không nhỏ” cán bộ đảng viên
thoái hóa biến chất” vẫn tồn tại trong bộ máy công quyền.
Đây là những thành phần dễ tham nhũng nhất. Đối tượng tham nhũng
không ai khác là người đứng đầu các đơn vị từ Trung ương đến cơ sở.
Người ta dựa vào cái “quyền” do vị trí mang lại để thực hiện
những hành vi xấu, tiêu cực, gây ảnh hưởng đến sự tin tưởng của người dân vào
bộ máy công quyền.
Nếu là đảng viên bình thường không có chức vụ, vị trí thì rất khó
tham nhũng.
Mặt khác, hầu hết các hành vi tham nhũng thường hoạt động ngầm,
theo đường dây, và khó phát hiện. Khi đã hoạt động theo "guồng máy"
tham nhũng thì người ta thường bao che bảo vệ nhau.
Còn người tố cáo thì
bị đe dọa, trù dập thì họ làm sao mà có động lực để tố cáo tham nhũng.
Cho nên báo cáo không – chưa có tham nhũng cũng là điều hiển
nhiên.
Do do, khi Đảng, Nhà nước đánh giá tham nhũng đang còn phức tạp,
nghiêm trọng thì các đơn vị cần xem xét lại kết quả phòng chống tham nhũng
của đơn vị mình.
Bởi lẽ, thành tích trong công tác chống tham nhũng không phải là
những bản báo cáo đẹp như tranh vẽ “không, chưa có tham nhũng”, mà chính là
việc cơ quan chức năng tự phát hiện, xử lý tham nhũng như thế nào?
Hay nói cách khác, nếu người đứng đầu, gương mẫu trong công tác
phòng chống tham nhũng, phát hiện, xử lý nhiều vụ việc tiêu cực thì đó có thể
gọi là thành tích.
Còn để người dân, hoặc báo chí phát hiện tham nhũng thì đâu được
gọi là thành tích của đơn vị được giao chống tham nhũng...
Ngược lại, nếu các Bộ, ngành, địa phương không phát hiện tham
nhũng trong tình trạng tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp như hiện nay thì gọi
là chống tham nhũng kém chứ không thể gọi là thành tích không - chưa phát
hiện tham nhũng.
Mặt khác, thường những người tham nhũng thường rất sợ công khai,
minh bạch tài sản...
Do đó, khi xác định được đối tượng dễ tham nhũng và để chống tham
nhũng có hiệu quả thì không nên làm tràn lan, mà tập trung vào bộ phận có
chức có quyền. Mặt khác, không nên kê khai tài sản theo kiểu cho có rồi để
đó.
Thực tế cũng chứng minh ở đâu có quyền lực, ở đó phải có thiết
chế tương xứng, đủ mạnh giám sát, để quyền lực ấy không bị tha hóa. Chúng ta
không thể để cấp trên giám sát cấp dưới, còn lãnh đạo thì bỏ ngỏ.
Cho nên, cần có một lực lượng chuyên trách có chức năng giám sát
hành vi, lối sống, quan hệ xã hội, tài sản của người đứng đầu tài đặc biệt là
những vị trí có khả năng tham nhũng cao, thì sẽ phát hiện thấy tham nhũng.
Vấn đề là chúng ta có dám, có quyết liệt làm việc này hay không?
Bởi bổng lộc của một số cán bộ đứng đầu thường do chức vụ đem lại, không dễ
từ bỏ.
LÊ VĂN CUÔNG - NGUYÊN PHÓ ĐOÀN ĐBQH
THANH HÓA
Theo GDVN
|
Hàng ngàn Việt kiều về ăn tết, sân bay kẹt cứng
Cập nhật lúc 17:33
Sáng 31-1, hàng ngàn người dân ở TP.HCM,
Đồng Nai, Bình Dương, Bến Tre, Long An… đổ về sân bay Tân Sơn Nhất TP.HCM đón
thân nhân ở nước ngoài về quê ăn tết.
Trong buổi sáng, tại khu vực ga đến quốc
tế, nhiều chuyến bay từ Mỹ, Đài Loan, Úc, Hàn Quốc…đáp xuống sân bay với
hàng ngàn hành khách Việt kiều về quê ăn tết cộng với nhiều đoàn
khách du lịch nước ngoài cũng đến Việt Nam khiến khu vực này đông nghẹt người.
Hàng nghìn người chen lấn ngay trước cửa
ra để đón người thân. Các dãy ghế chờ đã kín chỗ, nhiều người chen lấn lên
phía trước buộc nhiều người trên ghế phải đứng lên ghế cho tiện quan sát
người thân.
Nhiều người còn mang theo thức ăn, nước
uống ngồi bệt xuống nền gạch nhà ga để ăn vì đói do chờ lâu. Nhiều cụ già và
trẻ em mệt mỏi nằm ngủ gật tại đây.
Đội bảo vệ nhà ga liên tục tuýt còi nhắc
nhở vì người dân đứng chờ lấn chiếm hết lối ra của hành khách.
Trong khi đó tại ga đi, lượng người
đi tăng cao hơn so với ngày, nhiều hành khách lo lắng bị kẹt xe nên đã đến
sân bay trước 3-4/giờ khiến khu vực này cũng rất đông.
(Theo
Tuổi trẻ) TỰ TRUNG - HỮU KHOA
|
Danh hài
Hoài Linh nhận 'kiều nữ bolero' làm con nuôi
Cập nhật lúc 17:18
Hoài Linh và con nuôi Ánh Linh - Ảnh:
NVCC
Danh hài Hoài Linh vừa nhận đỡ đầu cho một thí sinh của
cuộc thi Solo cùng bolero. Điều đặc biệt là
thí sinh này có tên và chữ lót trùng với nam danh hài, chỉ khác họ.
Phạm Hoài Linh là thí
sinh của cuộc thi Solo cùng bolero mùa thứ hai - năm 2015. Dù dừng chân
ở liveshow 7 của chương trình nhưng cô gái đến từ Tuyên Quang này được các
giám khảo Ý Lan và Phi Nhung đánh giá cao và dự đoán rằng cô sẽ là một nhân
tố triển vọng trong tương lai.
Trong một dịp tình cờ
diễn chung sân khấu với danh hài Hoài Linh, Phạm Hoài Linh đã ngỏ ý nhờ nam
danh hài đổi tên cho mình vì cô sợ hai cái tên trùng nhau sẽ gây nhầm lẫn cho
khán giả. Trước lời đề nghị đó, Hoài Linh đã yêu cầu nữ ca sĩ trẻ hát cho anh
nghe một vài ca khúc.
Sau khi nghe ca khúc Con
đường xưa em đi do Phạm
Hoài Linh thể hiện quá ngọt ngào, quá xuất sắc, Hoài
Linh đã chấp nhận lời đề nghị của "kiều nữ bolero" và đồng thời
nhận cô làm con nuôi, đỡ đầu cho cô trên con đường nghệ thuật.
Hoài Linh đã đổi tên
của Phạm Hoài Linh thành Ánh Linh, với mong muốn cô sẽ trở thành một nghệ sĩ
vừa có đức vừa có tài và tỏa sáng như chính nghệ danh anh đặt cho cô.
Chia sẻ cảm xúc sau
khi được danh hài Hoài Linh đỡ đầu, giọng ca Tuyên Quang nói: “Linh cảm thấy
rất vinh dự, hạnh phúc khi bước vào nghề chưa được bao lâu đã được ba Hoài
Linh nhận đỡ đầu và đặt nghệ danh mới. Đây là điều hạnh phúc lớn lao mà Linh
nghĩ không phải bất cứ ai mới vào nghề đều có được. Hạnh phúc hơn nữa là ba
Hoài Linh đã dành lời khen tặng khi nghe ca khúc Con đường xưa em đi do Linh thể
hiện. Điều đó đã trở thành một nguồn động lực, cổ vũ tinh thần rất lớn cho
Linh trên con đường ca hát”.
Được biết, Ánh Linh
là người thứ sáu được nam danh hài nhận đỡ đầu, sau nam ca sĩ Hoài Lâm - quán
quân Gương mặt thân quen 2014; người mẫu, ca
sĩ Cao Hữu Thiên; ca sĩ bị bệnh hiểm nghèo Thái Trân; diễn viên nhí bé Ben -
Nguyễn Hồng Quân và bé Kim Cương, con gái của diễn viên Hồng Tơ.
Sau Tết Nguyên đán
Bính Thân 2016, Ánh Linh sẽ cho ra mắt album bolero đầu tay của cô.
(Theo Thanh niên) Phan Giang
|
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)