Săn "người nổi
tiếng", những chiêu trò tùy tiện, giật gân
Cập nhật lúc 20:25
Những năm qua ở
Việt Nam, một số báo điện tử, mạng xã hội và kênh thông tin đã trở thành cầu
nối hiệu quả giữa một số nghệ sĩ, người nổi tiếng với công chúng. Tuy nhiên,
một số người lại lạm dụng phương tiện, công cụ này để thực hiện mục đích
không hẳn hướng tới ý nghĩa văn hóa, thậm chí còn phi đạo đức, xa rời những
giá trị nhân văn.
Gần đây, ca khúc Thật bất ngờ của Mew Amazing (Mưu
Ơ-mây-dinh) do ca sĩ Trúc Nhân thể hiện đã nhận được sự chia sẻ, đồng cảm của
nhiều khán giả, thính giả. Với ca từ hài hước, Thật bất ngờ là lời phê phán
nhẹ nhàng dành cho những người hám danh, các tờ báo và kênh truyền hình đang
“đêm ngày trồng trọt vào trong trí óc” khán giả thông tin vô bổ, dễ dãi. Mew
Amazing và Trúc Nhân đều là người trẻ tuổi, đang tìm kiếm cơ hội thành công
trong lĩnh vực âm nhạc và có lẽ tới khi hoạt động trong đó, họ đã nhận ra nơi
họ có ý định lập nghiệp đâu chỉ có mầu hồng, mà còn ẩn chứa nhiều hiểm họa.
Nhất là với Trúc Nhân, khi anh từng bị một số điều tiếng chỉ vì đã phát ngôn
hớ hênh trên Facebook.
Thật vậy, có cảm giác là hiện nay một số trang tin điện tử
được tạo ra chỉ với mục đích đăng tải chuyện giật gân về người nổi tiếng, dù
trong số đó có người bất đắc dĩ nổi tiếng, hoặc nổi tiếng vì xì-căng-đan hơn
là tài năng. Có trang mạng, để cụ thể hóa khẩu hiệu “chuyển động cùng sao” đã
xây dựng những chuyên mục có tên rất kêu, như: chuyện làng sao, thảm đỏ sao,
hồ sơ sao… và không khó tìm trên internet các chuyên mục: “soi sao”, “nhí”,
“hoa hậu”, “clb bóng đá sao Việt Nam”! Một số báo điện tử có uy tín cũng
không kém cạnh khi trưng ra các mục tương tự. Đọc các mục này, không thể
không hồ nghi phóng viên, cộng tác viên chỉ có nhiệm vụ duy nhất là theo dõi,
chụp giật thông tin chung quanh hậu trường của một số nghệ sĩ, người nổi
tiếng, đặc biệt là săm soi, rình rập tài khoản cá nhân của giới này trên
Facebook, Instagram, Twitter để nhất cử, nhất động của “người nổi tiếng” sẽ
nhanh chóng trở thành nội dung bài viết với thông tin, như: “mỹ nhân T diện
áo gợi cảm đi ăn vặt”, “người mẫu X đưa con gái đi phơi nắng”, thậm chí cả
việc “sao” nữ… cho con bú! Có người tỏ ra khoái trá khi phát hiện những
chuyện theo họ là “động trời”, như: “vì sao bố mẹ ruột không xuất hiện trong
đám cưới người đẹp H”, “sao Việt giấu con như giấu vàng nhưng vẫn bị lộ”, “ca
sĩ P tiếp tục “đá xéo” danh hài T vô tâm với con cái”, “hot boy B tố cáo hot
girl A phá hoại hạnh phúc gia đình”,… Các khuyết điểm hình thể tự nhiên của
“người nổi tiếng” cũng không thoát khỏi ý kiến bình luận vô cảm, đôi khi đến
nhẫn tâm của họ, như “ngỡ ngàng trước vòng một lép kẹp đến "thảm
hại" của Hoa hậu Việt”, “những sao nam Việt có chiều cao tỷ lệ nghịch
với "tiếng" và "tiền"…”, “hết hồn khi chiêm ngưỡng mỹ
nhân Việt trước và sau trang điểm”… Gần nhất, có thể kể đến bình luận, đàm
tiếu sau chuyện ly dị của một cầu thủ bóng đá. Khi người trong cuộc chỉ bình
luận ngắn gọn “tan vỡ do hết duyên nợ”, nhiều bài báo thêu dệt thành những
câu chuyện vô căn cứ và độc địa, đại loại như: tiền hết thì tình tan, chia
tay vì vợ vào showbiz, chia tay vì có người thứ ba… Không rõ trước khi đăng
chuyện như vậy, người viết cùng người đã cho đăng có nghĩ tới việc con cái
của cầu thủ này sẽ ra sao khi phải đọc chuyện đơm đặt mà một số bài báo dành
cho cha mẹ của chúng?
Không chỉ ăn theo người nổi tiếng nhờ có tài năng, mà hình
như công nghiệp “sản xuất ngôi sao” cũng đang nhen nhóm hình thành ở Việt
Nam. Nếu theo dõi diễn biến, thì chúng ta có thể đặt câu hỏi nghi vấn về việc
bắt tay giữa người “muốn nổi tiếng” với một số trang điện tử? Bởi ngày nay
một số cô gái, chàng trai chỉ cần tới scandal “lộ hàng”, “khoe thân”, “quen
biết đại gia” và được một số báo mạng, trang tin làm rùm beng là có thể… bước
chân vào làng giải trí! Và cái gọi là “danh tiếng” của họ còn được tạo dựng
có phần dễ dãi hơn thế. Không cần nhan sắc hay scandal, người ta có thể nổi
tiếng chỉ bằng việc khoe các hạn chế, khiếm khuyết của mình. Không ít “ngôi
sao” đã “lóe” lên từ video clip khoe giọng hát rất dở, mấy bức ảnh là sản
phẩm của phẫu thuật thẩm mỹ, rồi đến giả gái hoặc phong cách trang điểm “thảm
họa”. Thế rồi sau những đoạn clip ghi lại màn văng tục lố lăng, có người còn
“nổi tiếng” nhờ chửi bậy để được đặt danh hiệu “thánh chửi”(!) Người khác lại
“nổi danh” nhờ chia sẻ và bình luận mọi thông tin lượm lặt được trên mạng xã
hội. Có người được biết đến chỉ nhờ khoe của cải, thậm chí khoe sự giàu có
“ảo”. Họ hứng thú với cái tên tỷ phú, “hot girl”, hay “hot boy tiền tỷ”. Ngày
ngày họ đăng tải các bức ảnh với các món hàng hiệu đắt tiền và hăng hái trả
lời phỏng vấn về… thói tiêu hoang, như một “người nổi tiếng” đã tâm sự: “Nhà
tôi khá giả nên 12 tiếng tiêu 100 triệu là chuyện bình thường”! Cô gái khác
lại chứng minh sự giàu có bằng cách vung tiền giữa ngã tư, cắt hỏng đồ hàng
hiệu, khoe tủ đồ có giá trị hơn một tỷ đồng. Song có lẽ ngông nghênh (nếu
không nói dị hợm, kỳ quái) nhất là anh chàng tuyên bố sẵn sàng trả năm tỷ
đồng nếu chiến thắng tại một cuộc thi giá trị giải thưởng là 100 triệu! Còn
chuyện “sao” khoe ăn, khoe uống ở quán bar với hóa đơn tới hàng trăm triệu
đồng đã không còn là sự lạ. Bi hài hơn là có người bị tố cáo… “giàu ảo”.
Trong số đó, có người lấy ảnh hàng hiệu, nhà cửa, xe đẹp từ trên mạng hoặc
của người khác, chỉnh sửa sơ sài qua photoshop rồi đăng lên trang cá nhân. Họ
chỉ cần làm vậy và ngồi chờ phóng viên, cộng tác viên từ một số trang thông tin
tìm đến. Thường thì chỉ sau một đến hai ngày, “tâm nguyện nổi tiếng” của họ
đã được đáp ứng!
Mới đây, bên lề Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19, một
nhà báo đã đưa ra câu hỏi “anh có thấy bất công” với NSND Bùi Bài Bình, và
câu trả lời của Bùi Bài Bình khiến người yêu nghệ thuật phải suy nghĩ. Lời
trải lòng của nghệ sĩ cho thấy anh phải trải qua biết bao thử thách, khó khăn
mới tạo được dấu ấn nghệ thuật của mình với công chúng. Như Bùi Bài Bình tâm
sự thì: “đóng phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, chúng tôi quay mấy năm mới xong”,
nghĩa là với nghệ sĩ đích thực thì lao động nghệ thuật không có chỗ cho sự
nhàn nhã, hời hợt. Nhưng dường như ước mơ nổi tiếng đã khiến cho nhiều chàng
trai, cô gái muốn tìm đến nghệ thuật bằng con đường tắt. Trả lời phỏng vấn
một tờ báo mạng, một hot girl giàu có từng khẳng định “đã làm nghệ thuật liệu
có ai không muốn nổi tiếng”! Tất nhiên, ai cũng muốn thành quả nghệ thuật của
mình được ghi nhận, nhưng nổi tiếng không chỉ là kết quả của say mê nghệ
thuật, mà là kết quả của tài năng, quá trình khổ luyện và đôi khi cả may mắn.
Đó không phải là thứ đến ngay lập tức bằng mấy chiêu trò khoe thân, khoe tiền
lố bịch. Ngược lại chỉ tạo tiền đề cho một số người trẻ hiểu sai về sự giàu
sang, sự nổi tiếng, cũng như gia tăng mặc cảm về giàu nghèo. Nhưng nổi tiếng
đã không dễ, mà duy trì sự nổi tiếng còn khó hơn nhiều, nhất là ngành giải trí
vô cùng nghiệt ngã. Những ai không có thực tài, thích lấn sân sang lĩnh vực
khác đều sớm “rớt đài” thê thảm. Giờ có lẽ ít ai còn nhớ “anh chàng hot boy
bị lừa mất xe Vespa LX” cách đây hai năm, rồi “ca sĩ vườn ổi”, và bản sao một
nam ca sĩ nổi tiếng… Tất cả đều cố gắng lợi dụng truyền thông để bị sa vào
cạm bẫy của ảo tưởng. Kết quả nghiên cứu của GS, TS M. Duffy (M. Dap-phi) ở
Đại học Báo chí Missouri (Mit-dơ-ri) đăng tải trên tờ Huffington Post
(Hơ-phing-tơn) ngày 2-4-2015 đã chứng minh rằng việc nghiện theo dõi
Facebook, nhất là của người có điều kiện sống khá giả, sẽ dẫn đến nhiều người
rơi vào trạng thái ghen tị, mặc cảm. Tuy ở nước ta chưa có một nghiên cứu,
khảo sát kỹ lưỡng về vấn đề này, nhưng cứ nhìn cách một số cô gái chưa đủ
tuổi vị thành niên đã có ý định tạo dựng scandal tiền bạc hoặc tình ái để nổi
tiếng cũng khiến chúng ta phải lo lắng.
Cuộc sống hôm nay còn nhiều cảnh đời cần được chia sẻ, cưu
mang. Ngày 7-12-2015, tin Hoàng Hà Giang - người từng là niềm hy vọng của võ
thuật Việt Nam, đã qua đời khiến chúng ta bàng hoàng, thương xót! Đến lúc này
nhiều người mới biết từ lâu cô gái trẻ đã phải âm thầm chống chọi căn bệnh
hiểm nghèo. Khi Hoàng Hà Giang lập thành tích tốt, báo chí ca ngợi cô. Khi
Hoàng Hà Giang phải rời bỏ võ đài vì lý do sức khỏe, rồi vừa học vừa làm để
trang trải tiền thuốc men thì báo chí ít nhắc đến cô. Ngoài Hoàng Hà Giang,
còn biết bao số phận cần được giúp đỡ? Những cây bút suốt ngày rình rập
“người nổi tiếng” để đưa tin họ ăn gì, uống gì, đeo túi mấy trăm triệu đồng,
đi xe mấy tỷ đồng, rồi yêu ai, bỏ ai,… liệu có thấy động tâm khi biết về câu
chuyện của Hoàng Hà Giang? Cho nên không thể coi là niềm vui, là phát triển
nếu báo chí thừa chuyên mục, trang tin chỉ dành thời gian, công sức săn tin
giật gân về “người nổi tiếng” mà thiếu những bài viết về tình yêu thương, kêu
gọi lá lành đùm lá rách, biểu dương người tốt việc tốt…
Như các quốc gia tiến bộ trên thế giới, luật pháp Việt Nam
không cấm công dân làm giàu, hay trưng diện của cải. Luật Báo chí của Việt
Nam cũng không ngăn cản người làm báo đưa thông tin về người nổi tiếng trong
các mặt của đời sống xã hội… Tuy nhiên khoản 2, 3 Điều 4 Luật Báo chí về
Nhiệm vụ và quyền hạn báo chí lại có quy định: “Không được đăng, phát tin,
bài, hình ảnh, tranh, ảnh khỏa thân và có tính chất kích dâm, thiếu thẩm mỹ,
không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam”, “Không được miêu tả tỉ mỉ
những hành động dâm ô, chém giết rùng rợn trong các tin, bài, hình ảnh về các
vụ án và hành động tội ác”. Nhưng, dù nhiều sai phạm đã bị xử lý, một số người
làm báo, một số trang thông tin, báo điện tử, mạng xã hội vẫn ngang nhiên vi
phạm. Lạm dụng tự do báo chí để đăng những câu chuyện vô bổ, nhảm nhí để phục
vụ nhu cầu giải trí tầm thường, thói tò mò tọc mạch, ngồi lê đôi mách của một
bộ phận công chúng trong xã hội là việc cần phải phê phán khi đặt trong tương
quan với đạo đức, lương tâm của người làm báo. Bởi, dù thế nào thì hướng đến
cái đẹp, hướng đến lương tri để góp phần hoàn thiện, phát triển xã hội - con
người vẫn là mục đích cao nhất mà mỗi người làm báo, mỗi tờ báo cần thấu
hiểu.
(Theo Nhân dân)
VIỆT QUANG
|
Chủ Nhật, 20 tháng 12, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét