Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2015

Nợ có địa chỉ, sao không xử lý?

Cập nhật lúc 20:00

Chuyện nợ đọng ở nhiều địa phương có chung một nguyên nhân đơn giản là chi nhiều hơn thu.
Dù là nợ xây dựng cơ bản như ở Cà Mau hay nợ tiền soạn thảo văn bản, tiếp khách, mua máy photo như ở Bạc Liêu.
Nhìn từ khía cạnh thu chi ngân sách thì đây là vấn đề nhức nhối đã nhiều năm qua.
Ví dụ về nợ đọng xây dựng cơ bản, vào đầu nhiệm kỳ này (năm 2011), trước tình trạng các nơi phê duyệt quá nhiều dự án vượt khả năng cân đối vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ, thời gian thi công kéo dài, kế hoạch đầu tư bị cắt khúc ra từng năm, hiệu quả đầu tư kém, gây phân tán và lãng phí nguồn lực của Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị (số 1792) về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ.
Chỉ thị này từng được đánh giá là cứu vãn nguy cơ vỡ nợ không chỉ ở tầm địa phương. Quả thực, bằng việc siết chặt các nguồn vốn, chỉ thị đã tạo ra bước ngoặt lớn về đầu tư công. Tinh thần của chỉ thị sau này tiếp tục được thể hiện trong Luật đầu tư công năm 2014.
Tuy nhiên, 5 năm sau ngày ban hành chỉ thị 1792, vào cuối tháng 4 năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục ban hành một chỉ thị về tăng cường các biện pháp xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn vốn đầu tư công.
Theo chỉ thị mới này, mặc dù các cấp các ngành đã có nhiều nỗ lực trong việc tăng cường quản lý, từng bước khắc phục tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản nhưng kết quả còn hạn chế. 
Tình trạng phê duyệt quá nhiều dự án vượt khả năng cân đối và thi công vượt vốn kế hoạch vẫn còn khá phổ biến, nhất là ở địa phương.
Rõ ràng việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản chậm chuyển biến. Vấn đề là các khoản nợ không phải từ trên trời rơi xuống, tất cả đều có trên sổ sách, giấy tờ và đều có địa chỉ cụ thể.
Vậy nhưng chưa thấy vụ việc nào được xử lý theo quy định pháp luật, chế tài không nghiêm. Chúng ta nói rất nhiều nhưng giải quyết không đi đến tận cùng. Hệ quả là người ta nhìn nhau, cuối cùng thấy không xử lý ai nên sinh ra “nhờn”.
Một đồng từ ngân sách cũng từ tiền đóng thuế của dân. Thử hỏi nợ đọng xây dựng cơ bản nói riêng và các khoản nợ của các địa phương nói chung, những khoản nợ mà không đúng quy định pháp luật thì những người phê duyệt dự án gây nợ sẽ chi trả hay lại lấy ngân sách xử lý?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng “phê duyệt quá nhiều dự án vượt khả năng cân đối”, trong đó phải kể đến nguyên nhân từ “tư duy nhiệm kỳ”.
Chưa nói đến tiêu cực đằng sau các dự án, chỉ riêng tư duy muốn làm cho hoành tráng rồi “vung tay quá trán” khiến thế hệ sau gánh nợ đã đủ phải bị kỷ luật nghiêm khắc.
Nợ nần đều có địa chỉ, đã đến lúc không thể nói mãi vào khoảng không.
(Theo Tuổi trẻ) CAO SĨ KIÊM (đại biểu Quốc hội)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét