'Nhóm lợi
ích' hoành hành ngành khai khoáng
Cập nhật lúc 09:45
Khai thác titan ở
Bình Thuận - Ảnh: Quế Hà
Việc cấp phép, khai thác bừa bãi trong nhiều
năm qua khiến nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt và
gây những hậu quả lớn về môi trường.
Đây là nhận xét chung của nhiều chuyên gia tại hội thảo
“Quản trị ngành công nghiệp khai khoáng của VN”, do Liên minh Khoáng sản -
một tổ chức phi chính phủ, tổ chức hôm qua (3.12) tại Hà Nội.
“Ta cứ nói trong sách là VN có rừng vàng, biển bạc nhưng
thực chất VN chỉ đứng thứ 65 trong các quốc gia về tiềm năng khoáng sản. Tài
nguyên khoáng sản của ta vào loại yếu, hàng xén, chợ quê trên thế giới”, TS
Nguyễn Thành Sơn, nguyên Trưởng ban Quản lý khai thác than đồng bằng sông
Hồng (Tập đoàn than khoáng sản VN - TKV), nhận xét. Theo ông Sơn, VN chưa có
chính sách tổng thể về tài nguyên khoáng sản nên dẫn tới tình trạng khai thác
vơ vét, bừa bãi bằng công nghệ rất lạc hậu. “Được cho là hiện đại nhất như
công nghệ khai thác vàng tại Thái Nguyên thì cũng là thiết bị lạc hậu của
Trung Quốc, tổn thất tới 70%. Chúng tôi đã khuyến cáo cần có những công nghệ
hiện đại hơn thì họ nói không cần, vì công nghệ mới phải làm lâu hơn, lại
thêm nhiều cái tết phải đến nhà các ông bí thư, chủ tịch...”, ông Sơn cho
biết.
Trung ương mỏ lớn, địa phương mỏ nhỏ
Cũng theo ông Sơn, do đánh giá trữ lượng, khả năng khai
thác không chính xác nên nhiều nơi cấp phép khai thác kiểu “lấy được”. Như ở
Hà Tĩnh, chính quyền cấp tới 100 mỏ khai thác đá. Đến nay do quy mô khai thác
quá nhỏ, hiệu quả thấp, nhiều mỏ “chết”, ngừng hoạt động không tuyên bố.
“Chúng ta đều thấy rõ một điều là khai khoáng, xuất khẩu
tài nguyên ồ ạt nhưng thực chất tỷ trọng đóng góp của ngành khai khoáng vào
GDP, theo các số liệu cơ quan nhà nước công bố rất thấp, chỉ đạt 10 - 12%”,
ông Sơn nói. Trong khi đó, hậu quả đem lại ở nhiều nơi rất nặng nề. Như huyện
Bảo Lộc (Lâm Đồng), theo các kết quả khảo sát đã có 100/200 ha hồ bị nhiễm
độc từ bùn đỏ dự án khai thác bauxite.
Từng làm việc lâu năm trong lĩnh vực tài nguyên, Giáo sư
Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, cho rằng VN hoàn toàn thiếu các
chính sách về tài chính khoáng sản. “Ta cũng đã có những quy định đấu giá về
quyền khai thác mỏ nhưng không hề có quy định về định giá, quy trình định
giá, đó là thiếu sót rất lớn”, ông nói. Bên cạnh đó, cơ chế phân cấp hiện
nay: trung ương nắm mỏ lớn, địa phương nắm mỏ nhỏ, khai thác tận thu là rất
bất hợp lý, nên thực tế các địa phương thường vượt thẩm quyền bằng cách chia
mỏ lớn ra làm nhiều mỏ nhỏ để cấp cho cùng một doanh nghiệp. “Đó là tư duy
rất sai về phân cấp, hệ quả xấu về quản lý cực lớn mà cuối cùng không ai chịu
trách nhiệm cả”, ông nêu quan điểm.
Sẽ có thêm nhiều dòng sông chết
“Điều tôi khó hiểu nhất là luật Khoáng sản năm 2010 lại
khoanh vùng những dạng mỏ cấp quyền khai thác không phải đấu giá. Tại sao có
cơ chế kỳ lạ như vậy. Người có thẩm quyền sẽ cấp cho người này mà không cho
người kia, không theo nguyên tắc nào cả. Cơ chế đó tạo rủi ro, nguy cơ tham
nhũng rất lớn”, Giáo sư Võ nói và cho biết khi lấy ý kiến về dự thảo luật này
tại Quốc hội, thảo luận rất tốt, theo hướng quy định đấu giá hết để tạo cạnh
tranh, minh bạch nhưng cuối cùng thì lại dẫn tới một cơ chế thiếu minh bạch.
“Thực tế như chúng ta thấy, mỗi địa phương cấp phép một kiểu. Hậu quả về môi
trường rất lớn mà người dân phải gánh chịu hết. Như tỉnh Bắc Kạn, thấy tình
trạng đào bới khắp nơi, bãi chứa chất thải bừa bãi, rừng bị phá, nguồn nước
bị ô nhiễm, nước tưới cho nông nghiệp cũng không đảm bảo”, Giáo sư Võ phân
tích.
Còn bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế, cho rằng:
“Chính sách thuế không tốt, quản trị ngành khai khoáng không tốt thì hậu quả
đem lại rất ghê gớm, sẽ có nhiều hơn các dòng sông chết và các làng ung thư…
Những tiêu cực trong lĩnh vực này là đau đớn, cần tiếng nói cộng đồng, chuyên
gia để bảo vệ tài nguyên quốc gia, sức khỏe của người dân”. Bà Cúc cũng cho
rằng, số thuế thu được từ khai thác tài nguyên khoáng sản khá thấp, nhiều mỏ
hầu như không thu được thuế.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói thẳng: “Lợi ích nhóm
đang hoành hành trong ngành khai khoáng”. “Việc luật ra quy định loại trừ
những khu vực không đấu giá (quyền khai thác mỏ) thìđây là lợi ích cho một
nhóm người. Quy định được luật hóa thì đây là vấn đề lớn về thể chế”, ông
Doanh nhấn mạnh.
Sợ “lộ bí mật” nếu minh bạch ?
Theo bà Trần Thanh Thủy, điều phối viên Liên minh Khoáng
sản, một giải pháp để chấm dứt thực trạng khai thác tài nguyên khoáng sản bừa
bãi ở VN là tham gia Sáng kiến minh bạch công nghiệp khai thác (EITI) - một
dạng công ước quốc tế buộc các nước thành viên công khai các dữ liệu về cấp
phép sản xuất, các khoản thu, nộp, khai thác khoáng sản... mà hiện nay đã có
49 quốc gia tham gia. VN đã tiếp cận sáng kiến này từ năm 2006 nhưng đến nay
vẫn chưa tham gia, vì có nhiều cơ quan cho rằng tham gia EITI sẽ làm “lộ bí
mật quốc gia”.
Về điều này, Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng “đó chỉ là một
cách nói ngụy biện”.
Bà Trần Thanh Thủy nói: “Về bí mật nhà nước, chúng tôi đã
rà soát kỹ các yêu cầu. Nếu theo quy định của VN, các thông tin bí mật về
khai khoáng chỉ bao gồm các hình ảnh vệ tinh, các mỏ phóng xạ, thông tin về
khoáng sản chưa được công bố. Nhưng EITI không hề yêu cầu công bố các thông
tin này”.
Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại - Công nghiệp VN, ông
Đậu Anh Tuấn, cho rằng VN rất cần phải tham gia sáng kiến này như một sức ép
để công khai, minh bạch ngành khai khoáng. “Bức tranh chung của ngành khai
khoáng 10 năm nay mà chúng tôi điều tra, khảo sát cho thấy, tính minh bạch
ngành này rất thấp. Tỷ lệ chi trả chi phí không chính thức rất cao, lên đến
73%, trong khi bình quân các nước thấp hơn nhiều”, ông Tuấn nói.
“Ở địa phương, để có một mỏ phải xuống gặp bí thư, chủ
tịch. Có nơi, Giám đốc Sở TN-MT suýt phải từ chức vì không cấp phép khi ông
bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch đã dẫn người quen xuống đặt vấn đề giúp
đỡ...”, ông Tuấn cho biết thêm.
(Theo Thanh niên) Mạnh Quân
|
Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét