Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2015

Bày đặt làm gì?

Cập nhật lúc 13:46                 

Mùa lễ hội chưa đến nhưng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã lo xa bằng một việc chưa từng có tiền lệ: Chấm điểm công tác tổ chức lễ hội với 21 hạng mục chấm điểm trong bộ tiêu chí đánh giá. Các hạng mục này được chia thành 4 nhóm tiêu chí: quản lý và xây dựng kế hoạch; quán triệt văn bản chỉ đạo và hướng dẫn nghiệp vụ; thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; đảm bảo môi trường an toàn tổ chức lễ hội.

Được biết sẽ có 3 “giám khảo” cùng chấm điểm các lễ hội gồm địa phương, báo chí và cơ quan quản lý văn hóa. Thang điểm tối đa cho mỗi lần chấm là 100 điểm, phân thành 4 mức. Mức hoàn thành xuất sắc: 95-100 điểm. Mức hoàn thành tốt: 85-94 điểm. Mức hoàn thành: 51-84 điểm. Chưa hoàn thành: dưới 50 điểm.
bay dat lam gi 
8.000 lễ hội, chấm điểm làm sao?
Nghe đã thấy rắc rối, phiền toái. Trước hết, không thấy quy định tiêu chí quy mô lễ hội như thế nào sẽ được chấm điểm. Hiện nay ở nước ta, người ta thống kê được khoảng 8.000 lễ hội ở cả 5 cấp hành chính từ thôn làng, xã, huyện, tỉnh đến quốc gia. Đừng nghĩ rằng hội làng là nhỏ mà không cần quan tâm. Ít ai biết rằng, ở nước ta có một lễ hội độc nhất vô nhị đáng được tổ chức UNESCO tôn vinh thành di sản phi vật thể của nhân loại. Đó là lễ hội Minh thề ở Hải Phòng có từ 450 năm nay.
Vào ngày 14 tháng Giêng hằng năm, tại đền Hòa Liễu, thuộc xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, lễ hội được tổ chức trọng thể, thu hút hàng ngàn người dân bản địa và khách thập phương tham dự. Lễ hội được tổ chức để quan chức thề “trung thực, ngay thẳng”, thề “không tham nhũng”, “không nhũng nhiễu” dân lành.
Theo sử sách, Minh thề khởi xướng từ năm 1561 khi Hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản, vợ của Thái thượng hoàng Mạc Đăng Dung, lập ra Hịch văn hội Minh thề với 4 nội dung chính, quy định những điều được và không được làm cho đại diện của mỗi tầng lớp trong xã hội.
450 năm đã qua, lễ hội Minh thề là nơi những quan lại, chức sắc, công bộc tuyên thệ sẽ công tâm, không tư túi, tham nhũng của công; không dùng quyền uy để chèn ép bóc lột của dân; không bao che tội phạm… Người dân đến với lễ hội cũng không cầu mong lấy chữ danh lợi mà cũng nguyện sẽ giữ lòng trung thực, thẳng ngay. Dù lời thề giữa thanh thiên bạch nhật, giữa mọi người vẫn không diệt trừ sạch bọn quan tham, song ít ra việc này cũng đánh động cho các quan gia khi định thò tay nhón tiền công, quỹ nước hoặc nhận của đút lót sẽ nhớ việc tuyên thệ trước thần linh, tổ tiên và dân chúng rằng, sẽ công minh, liêm chính, không làm gì phương hại tới đất nước. Người không phạt thì trời phạt. Nay không biết quý Bộ sẽ chấm hội này như thế nào vì quan chức bây giờ toàn “né” Minh thề. Hội tuy vui nhưng thiếu người thề thật.
Xưa nay “chấm lễ hội” là việc của thanh tra văn hóa. Tuy nhiên, do chưa có một bộ tiêu chí cụ thể nên chỉ nhận xét đánh giá chung chung, giờ đây mọi thứ cần cụ thể hơn và một mình cơ quan thanh tra không sao thực hiện nổi. Vậy nên người ta đưa cả tiêu chí nhà vệ sinh, thùng gom rác, xử lý rác thải, nước thải thành tiêu chí để chấm. Nhưng với 21 tiêu chí chấm điểm, việc đánh giá này không khác gì chấm để...  mà chấm, bởi toàn bộ các hành vi này, lễ hội sẽ chỉ bị trừ 5 điểm cho việc không bảo đảm trang nghiêm, thành kính, bị trừ thêm 10 điểm vệ sinh, trừ thêm 5 điểm gian lận thương mại. Tổng cộng, lễ hội đó vẫn được 80 điểm, đạt loại hoàn thành nhiệm vụ… Bạn đọc lưu ý, cho địa phương tự chấm sẽ chạy theo thành tích, điểm làm sao chuẩn?
Rồi việc để Bộ chấm thì lấy đâu ra cán bộ của Bộ đi hết mấy trăm lễ hội, cũng thành “cưỡi ngựa xem hoa” thì chấm thế nào? Giả dụ có lễ hội đạt điểm thấp thì Bộ có cấm được không? Chắc là không thể, bởi đây là hội của dân, do dân và vì dân được “xã hội hóa” lâu rồi, đố ai dám cấm?
Còn việc “mời “ nhà báo chấm lại càng không khả thi. Một tờ báo chỉ có một, hai người theo dõi mảng văn hóa, làm tin khai mạc có lãnh đạo cấp cao đến dự là hoàn thành nhiệm vụ, hơi sức đâu, thời gian đâu mà “đánh đu” với ban giám khảo để đi chấm. Có thể lưu ý quý Bộ, không có nhà báo nào thích đi chấm điểm lễ hội đâu! Chúng tôi có được các vàng cũng không tham gia!
GS Ngô Đức Thịnh - chuyên gia văn hóa dân gian  cho rằng: Đây là cách đánh giá cái ngọn. Vấn đề hiện nay phải xem lễ hội yếu ở chỗ nào. Cái yếu là ở nhận thức của người quản lý lễ hội và vai trò của người dân trong lễ hội. Phàm là hoạt động văn hóa thì khen, chê thưởng phạt phải có văn hóa, để mọi người tâm phục khẩu phục. Mọi đánh giá cần có quy trình, đúng căn cứ quy định Nhà nước. Đúng là nhiều tình huống bức xúc thật, nhưng không phải cứ xử như chúng ta mong muốn, mà cần tuân theo pháp luật.
Đề nghị quý Bộ nên xem xét kỹ đề xuất này, kẻo hội đấy, trống đấy nhưng dùi đâu?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét