Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2015

Ai cho phép công an đánh gái mại dâm?

Cập nhật lúc 08:58

Hành động “đánh 2 cái” vì tưởng nhầm một phụ nữ 57 tuổi là gái mại dâm của một công an Đà Nẵng gây bão dư luận. Gái mại dâm thì được quyền đánh?
 
   Vết thương bầm tím trên người bà Khả
Vết thương bầm tím trên người bà Khả
Trung úy Phùng Văn Phương (Công an P.Mỹ An, Q.Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) thừa nhận trong lúc làm nhiệm vụ đã vung gậy cao su đánh hai cái vào người một phụ nữ 57 tuổi vì tưởng người phụ nữ đó là gái mại dâm.
Từ vụ việc này, nhiều người bức xúc đặt ra câu hỏi với cách trả lời như vậy nghĩa là nếu là gái mại dâm thì người thi hành công vụ được quyền đánh họ hay sao?
Gái mại dâm cũng là người
"Cho dù là gái mại dâm thì luật pháp nào cho phép công an đánh người?", "Gái mại dâm cũng là công dân, sao phải ra tay đánh công khai giữa đường?", "Như vậy lâu nay các anh đã đánh nhiều gái mại dâm theo kiểu này rồi sao?"- Bạn đọc báo Tuổi Trẻ đặt ra hàng loạt câu hỏi sau khi thông tin này được đăng tải.
Nhiều bạn đọc gặp nhau ở quan điểm rằng gái mại dâm cũng là người và không có lý do gì để đánh họ. Nếu họ vi phạm pháp luật, người thực thi công vụ có thể áp dụng nhiều biện pháp để xử lý chứ không phải ra tay xúc phạm thân thể họ như vậy.
Những ý kiến khác cho rằng nếu có bị đánh thật, những người hành nghề mại dâm cũng không dám lên tiếng vì họ mang trong mình mặc cảm họ là người sai. Tuy nhiên, người thực thi pháp luật không thể vin vào điều này để có những hành động vượt ngoài quyền hạn, nghĩa vụ của mình.
Nhiều bạn đọc còn đặt thẳng vấn đề vị trung úy công an này sẽ bị xử lý, kỷ luật ra sao với hành động “lạm quyền” của mình.
Theo ThS Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính TP.HCM, lời giải thích rằng “cũng thông cảm phần nào vì quá trình xử lý mại dâm quá phức tạp” là không thuyết phục.
“Dù là gái mại dâm cũng không có quyền đánh người ta như thế. Ai làm sai, có pháp luật xử phạt. Chuyện đánh người vì tưởng người ta là gái mại dâm là không thể chấp nhận được. Là cán bộ công an, anh là người bảo vệ người dân mà hành xử như vậy thì người dân bức xúc lắm” - Ths Phạm Thị Thúy chia sẻ.
ThS Võ Thị Minh Huệ cho rằng không chỉ bị tác động về thể chất, người phụ nữ bị đánh vì tưởng nhầm là gái mại dâm này có thể còn bị xáo trộn về cảm xúc và cảm thấy bị xúc phạm về nhân phẩm.
“Chúng ta cứ nói về bình đẳng giới, về sự tôn trọng phụ nữ nhưng lại có chuyện đánh phụ nữ bằng dùi cui thế này. Đàn ông thì không bao giờ được đánh phụ nữ, với bất cứ lý do gì”- ThS Minh Huệ nói thêm.
 
   Bà Nguyễn Thị Khả tại buổi xin lỗi, bà Khả nói chấp nhận lời xin lỗi và không khiếu nại gì thêm - Ảnh: Trường Trung
Bà Nguyễn Thị Khả tại buổi xin lỗi, bà Khả nói chấp nhận lời xin lỗi và không khiếu nại gì thêm - Ảnh: Trường Trung
Nghiêm cấm dùng vũ lực, dù người đó là ai
Ở góc độ pháp luật, luật sư (LS) Hồ Ngọc Diệp (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết việc đánh người hay dùng vũ lực đối với người khác nói chung của bất kỳ ai (kể cả người đang thừa hành công vụ) đều bị pháp luật nghiêm cấm.
Theo LS Hồ Ngọc Diệp, gái mại dâm hay bất kỳ một cá nhân nào vi phạm pháp luật đều phải được xử lý theo đúng quy định của pháp luật, không một cá nhân nào có quyền lấy danh nghĩa thực hiện công vụ để có những hành vi xâm phạm đến sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của người khác, cho dù họ có là gái mại dâm hay tội phạm đi chăng nữa.
Người có hành vi xâm phạm sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của người khác thì tuỳ mức độ, tính chất của sự việc mà có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự hay xử lý vi phạm hành chính.
Trong trường hợp cụ thể này, việc người cán bộ công an xem người bị đánh là gái mại dâm là do sự nhầm lẫn về đối tượng, chứ không phải cố tình xúc phạm danh dự nhân phẩm của người này.
“Vì vậy, cũng không thuộc trường hợp phạm tội “Làm nhục người khác” với tình tiết định khung hình phạt là “lợi dụng chức vụ quyền hạn” theo quy định tại điểm c khoản 2 điều 121 BLHS, nhưng có thể sẽ bị xem xét xử lý về mặt hành chính theo quy định của pháp luật”- LS Hồ Ngọc Diệp đưa ra đánh giá của mình.
Về vấn đề thỏa thuận bồi thường, LS Hồ Ngọc Diệp cho biết thêm theo quy định của pháp luật dân sự, người có hành vi xâm phạm đến sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của người khác, nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể thoả thuận bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần đối với người bị xâm phạm.
Nếu không thoả thuận được thì người bị xâm phạm có thể khởi kiện để yêu cầu toà án giải quyết.
Tuy nhiên, LS Hồ Ngọc Diệp cũng lưu ý rằng, việc thoả thuận bồi thường về mặt dân sự không có ý nghĩa loại trừ trách nhiệm hành chính.
Tức là người vi phạm vẫn có thể bị xem xét xử lý hành chính đối với hành vi sai phạm.
Trong bộ phim tài liệu “Đừng khóc một mình” do Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoc học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) thực hiện, một người hành nghề mại dâm kể lại câu chuyện mình bị bạo hành bởi 7 người đàn ông trong vòng 5 tiếng đồng hồ, họ không trả cho cô đồng nào mà còn đánh, đạp, tát và thậm chí dọa rạch nát mặt cô.
(Theo Tuổi trẻ) VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét