Thứ Năm, 12 tháng 2, 2015

Thách đố và mặc cả - Khi công chức đứng về phía doanh nghiệp

Cập nhật lúc 08:08                  

(Doanh nghiệp) - Từ chuyện phát ngôn: 'không tăng giá điện EVN sẽ phá sản' giới chuyên môn đã chỉ ra nhiều nghịch lý khi nhà quản lý không đứng về phía người tiêu dùng.

Câu chuyện đề xuất tăng giá điện mới đây của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Bộ Công Thương đã được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đề cập trong báo kinh tế vĩ mô quý IV và được các chuyên gia mổ xẻ nhiều vấn đề đáng suy nghĩ.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương cho rằng nhà quản lý đang “nói hộ” doanh nghiệp.
Theo TS Cung, trật tự và kỷ luật của thị trường là vấn đề rất cần quan tâm trong cải cách thể chế mà mối quan hệ giữa Bộ Công Thương – EVN và giá điện là điều rất đáng suy nghĩ.
Ông Nguyễn Đình Cung cho rằng cơ quan điều hành trước hết cần bảo vệ lợi ích của người dân.
“Vấn đề không phải là tăng giá bao nhiêu mà là cách thức tăng giá. Vì đáng ra phải bảo vệ lợi ích người dân thì Bộ chủ quản lại đi bảo vệ đề xuất thay cho doanh nghiệp”, ông Cung nói. 
Người dân sẽ còn khó khăn hơn khi nhà quản lý đứng về phía doanh nghiệp Phóng to
Người dân sẽ còn khó khăn hơn khi nhà quản lý đứng về phía doanh nghiệp
Theo Viện trưởng CIEM, cách thức hợp lý trước mắt là Bộ Công Thương cần rà soát, đánh giá chi phí sản xuất điện xem đã hợp lý chưa. Thêm vào đó, cơ quan điều hành cần tham vấn chuyên gia, người tiêu dùng, qua đó kiểm soát giá điện.
“Thế nhưng ở đây lãnh đạo Bộ lại có những tuyên bố mang tính thách đố và mặc cả như không tăng giá thì EVN sẽ phá sản, ngành điện sẽ sụp đổ. Thay vì bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, cơ quan quản lý lại bắt người dân phải gánh chịu lợi thế độc quyền của EVN”, TS Cung nhấn mạnh.
Chỉ thêm về mối quan hệ giữa các đơn vị trong Bộ Công Thương khiến cho sự việc trở nên thiếu khách quan, TS Lê Đăng Doanh nêu: muốn có thị trường hay những chính sách thúc đẩy cạnh tranh thì cơ quan quản lý lĩnh vực này là Cục Quản lý cạnh tranh phải có vị thế độc lập.
“Chứ như hiện nay, Cục trưởng tại đây lại dưới quyền một Thứ trưởng, mà vị này lại là người từng được điều về từ EVN thì làm sao mà khách quan được”, Tiến sĩ Doanh bày tỏ.
TS Ngô Tuấn Kiệt, Chủ tịch Hội đồng khoa học, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Năng lượng (Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam) nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Năng lượng, cũng từng phân tích về điều này.
Theo TS Kiệt: người dân cũng đừng hy vọng giá điện có thể giảm, bởi theo thực tế khách quan, nó sẽ chỉ tăng mà thôi. Vấn đề cốt lõi cần quan tâm là tăng một cách minh bạch và "tâm phục, khẩu phục".
Ông Kiệt cũng nêu một thực tế: lâu nay, ở nước ta khi có vấn đề tăng giá điện, thì người ủng hộ bảo tăng, người phản đối bảo giảm đều chỉ dựa trên nhận thức chủ quan của mình.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng tỏ ra khá gay gắt: "Vị nào phát biểu EVN sẽ phá sản nếu không tăng giá thực sự không có căn cứ gì!".
Theo bà Lan, giá xăng dầu đang giảm mạnh đáng lẽ phải giúp cho giá thành của ngành điện giảm xuống.
"Trong khi các yếu tố đầu vào không hề tăng, thậm chí đang giảm mà ngành điện không chịu giảm giá, đã thế lại còn đòi tăng quả là chuyện rất nực cười", bà nói.
Các phân tích của giới chuyên môn khiến cho người tiêu dùng hiểu thêm cái lý vì sao họ không được cơ quan điều hành đứng về phía mình để bảo vệ quyền lợi.
Nói như TS Nguyễn Đình Cung thì: "trật tự và kỷ luật của thị trường là vấn đề rất cần quan tâm trong cải cách thể chế mà mối quan hệ giữa Bộ Công Thương – EVN và giá điện là điều rất đáng suy nghĩ".
(Theo Đất Việt) Phương Nguyên
Nên chăng hãy cứ để EVN phá sản, nếu nó thực sự sẽ như vậy. Lúc đó Nhà nước nên bán EVN cho một số nhà đầu tư khác nhau. Chẳng hạn như Thủy điện cho ông A, Nhiệt điện Than cho ông B, Điện dầu khí cho ông C, Mua điện và Vận hành mạng lưới điện cho ông D vv… Lúc đó thị trường sẽ có cạnh tranh đúng nghĩa và người dùng điện không phải nơm nớp lo tăng giá.
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét