Thứ Ba, 3 tháng 2, 2015

Gói mì tôm có ma hay quan đánh rơi sự tử tế?

Cập nhật lúc 14:25                 

(Người Việt) - Chuyện ông cán bộ ở một xã của tỉnh Hà Nam khiến chúng ta càng thêm xót xa về nhân cách của công chức thời nay. 

a
Ông Nguyễn Trung Sổng- người khuyết tật tội nghiệp trong ngôi nhà rách nát. Ảnh: Báo Dân trí 
Năm hết Tết đến, trong khi cả xã hội đang hướng đến chuyện chăm lo Tết cho người nghèo thì báo Dân trí phát hiện một chuyện động trời: Trong suốt hơn 1 năm trời, ông Ngô Trung Sổng, một người khuyết tật nặng ở xã Trịnh Xá, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, người chỉ sống bằng cách ăn mì tôm sống qua ngày, bị cán bộ xã ăn chặn.
Ông Sổng- người khuyết tật đôi chân, phải bò lê bằng đôi tay trong một căn nhà sắp sập đến nơi. Sống một thân một mình, cả ngày bò quanh căn nhà và bẻ mì tôm sống ăn vì cuộc sống của ông chỉ trông vào 180 ngàn đồng trợ cấp của nhà nước.
Thế nhưng thay vì tìm cách để giúp đỡ ông, cán bộ làm chính sách ở xã Trịnh Xá lại nhẫn tâm rút ruột mỗi tháng 90.000 đồng, thay vì được nhận trợ cấp nhà nước 270.000 đồng  (quyết định có từ tháng 10/2013) thì cho đến nay ông chỉ thực nhận có 180.000 đồng/tháng.
Ông cán bộ này tên là Mai Hiển Dũng- cán bộ phụ trách Lao động, thương binh và xã hội của xã Trịnh Xá. Khi nhà báo hỏi đến, ông Dũng dối trá quanh co, nói rằng đã phát đủ 270.000 đồng cho ông Sổng nhưng không đưa ra được chứng cứ nào. Một người khuyết tật khác trong xã cũng nhận được mức trợ cấp tương đương 180 ngàn đồng như vậy.
Dân mình có câu diễn đạt đầy hình tượng cảnh huống éo le này là "chó cắn áo rách", nhưng nếu đem câu ấy ví von vào chuyện này thì tôi e các chú khuyển thông minh sẽ chạnh lòng, vì có nhiều chú khuyển cũng rất hiểu biết, không nỡ “bắt nạt” kẻ khốn cùng như vậy.
Nếu không có phóng viên báo Dân trí về tận nhà để viết chuyện về ông Sổng và thấy nghi ngờ về khoản trợ cấp 180 ngàn đồng kia, vụ ăn chặn mãi mãi chìm trong bóng tối. Những người khốn khổ như ông Sổng, cả đời bò lê trong nhà, đi đến đâu mà biết mức trợ cấp đã lên rồi?
180 ngàn đồng/tháng, là hai gói mì tôm/ngày, biết tin bị ăn chặn, ông Sổng nói với phóng viên: “Đáng ra 1 ngày tôi được 3 gói mì tôm, thế mà họ ăn chặn mất!”.
Giá nhà văn Nguyễn Công Hoan mà sống dậy, thay vì truyện ngắn “Đồng hào có ma”, ông sẽ chấp bút viết ngay chuyện “Gói mì tôm có ma” để hầu bạn đọc. Ai biết được sau ngần ấy năm rồi, mà vẫn còn những ông công chức ở xã ăn chặn cả của người khuyết tật một gói mì tôm?
Vụ việc làm chúng ta cảm thấy uất ức, còn ông Sổng, người đàn ông khuyết tật bò lê cả đời trong ngôi nhà rách nát ấy, chắc chắn sẽ chỉ biết lẩm bẩm hỏi mình: Quái thật, lẽ nào gói mì tôm ấy có ma?
Ờ mà nghĩ lại thì việc thất thoát mấy gói mì tôm này là...có thể chấp nhận được, bởi lẽ, ngay ngài chánh thanh tra Bộ Xây Dựng nhận xét về sai phạm tại dự án cầu vượt Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã (Hà Nội), rằng: sai phạm trong công tác thiết kế bản vẽ thi công làm tăng 1,36 tỷ đồng. Không dùng từ thất thoát, lãng phí đối với những tồn tại trong các dự án cầu vượt do Sở GTVT làm chủ đầu tư, một dự án vài nghìn tỷ mà sai phạm có ngần ấy là tốt rồi!
Cứ theo lý ấy mà suy thì công việc phát chẩn 270.000 đồng mà sai phạm có...90.000 đồng có được được coi là tội to, tội lớn đến mức không thể tha được! Bởi lẽ, nếu xét tỉ lệ thất thoát thì đương nhiên "dự án vài ngàn tỉ đồng mà mất mát có...1,36 tỉ đồng" thấp hơn rất nhiều so với tỉ lệ mất đứt 1/3 vốn của con số 270.000 đồng do ông quan xã lỡ ăn chặn của người nghèo!  
Chẳng có ma mãnh nào ở đây cả, chỉ có những nhân cách đã hóa ra ma, một thứ ma đói khát đến mức ăn chặn cả của người khuyết tật mà thôi.
Câu chuyện “gói mì tôm có ma” này đem đến cho chúng ta một nỗi xót xa, xót xa về nhân cách làm người của một bộ phận cán bộ công chức. Dạng người này ở cấp nào cũng có, xã có, huyện có, tỉnh có, càng lên cao, có lẽ sự ăn chặn càng tinh vi và dã man hơn.
Tôi tự hỏi, có bao giờ sự tử tế được gợi lên trong lòng họ, những người như ông Mai Hiển Dũng và những người như ông Dũng, ở những vị trí cao hơn, một chút gì đó băn khoăn?
Một trong những mối nguy nhất hiện nay, không phải là kinh tế sa sút, đồng tiền mất giá mà chính là sự mất nhân tính trong một bộ phận những người làm cán bộ, công chức. Mối nguy ấy làm hại nước, hại dân.
Một ông bí thư huyện ủy “nhận nhầm” cả đàn dê 12 con của hộ nghèo ở Thạch Thành (Thanh Hóa), một ông cán bộ phụ trách chính sách lại ăn chặn cả gói mì tôm của người khuyết tật. Và chân dung rất nhiều những ông cán bộ khác, mà chúng ta khó kể hết ra đây.
Những ông cán bộ ấy, đã bằng cách này hay cách khác vơ vét kiếm lợi cho mình và sẵn sàng chà đạp lên những người yếu thế trong xã hội. Chỉ bởi họ ít có khả năng phản kháng.
Nguy cơ đạo đức xã hội xuống cấp từ đâu? Không phải từ mấy kẻ lưu manh xăm trổ ngoài đường, mà kinh khủng hơn, đến từ những kẻ áo sơ mi cổ cồn đeo mặt nạ “cán bộ xã” như vậy. Ngoài miệng họ nói xoen xoét những lời đạo đức, nhưng hành động của họ lại tiêu biểu nhất cho những thứ cặn bã.
Tại sao tư cách của một bộ phận cán bộ lại ngày càng sa sút, rẻ rúng đến vậy? Tại sao họ dám làm cả những điều mà một người dân lương thiện bình thường tử tế có nghĩ cũng không dám nghĩ tới như vậy?
Liệu có phải vì phép nước không đủ nghiêm, liệu có phải vì có quá nhiều trường hợp bao che xuê xoa cho nhau nên kẻ dưới bờn nhờn người trên và cuối cùng là dân lãnh đủ?  
Nay là đàn dê, mai là gói mì tôm, ngày kia là một con tàu, một công trình, một dự án, tất cả chúng rồi sẽ “có ma”, cứ lần lượt mất tăm mất tích và cục nợ để cho dân gánh.
Ông Sổng tội nghiệp mất đi một gói mì tôm mỗi ngày, nhưng xã hội chúng ta mất đi những thứ quý giá không tính bằng tiền bạc được. Đó là lòng tin vào sự tử tế của người với người, sự trung thực của cán bộ với nhân dân.
Mất lòng tin thì thứ gì còn lại, cái gì sẽ nảy sinh?
(Theo Đất Việt) Mi An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét