09:50
Khi lãnh đạo DNNN không muốn minh
bạch
(DĐDN) Công khai minh bạch các số liệu
liên quan DNNN một việc làm tưởng như chỉ cần bằng một quyết định hành chính
vậy sao khó quá?
Trong năm 2012, việc tái cấu trúc DNNN
đã được thể hiện ở tất cả các văn kiện, văn bản quan trọng nhất. Nhưng năm
2012 cũng được đánh giá là một trong những năm tiến trình cổ phần hóa, sắp
xếp DNNN chậm chạp. Các chuyên gia đều nhận xét, vấn đề quan trọng hàng đầu
đối với tái cấu trúc DNNN là công khai minh bạch toàn bộ các thông tin về khu
vực này. Nhưng công khai minh bạch thì phải vượt qua tất cả các rào cản mà
tiến trình này đang gặp phải như: lợi ích nhóm, khung pháp lý chưa hoàn thiện
và nợ tồn đọng.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm
2011, tính chung cả khu vực DNNN thì tổng tài sản đạt khoảng 3,1 triệu tỉ
đồng, chiếm trên 40% tổng tài sản của toàn bộ khối DN và lớn hơn tổng GDP
hàng năm của VN. Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Thừa ủy quyền của Thủ tướng
Chính phủ báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho
biết, căn cứ báo cáo của 91 Tập đoàn (TĐ), TCty, năm 2011, tổng tài sản của
các TĐ, TCty là 2.093.907 tỉ đồng. Trong đó, nợ phải thu là 296.541 tỉ đồng
(bằng 14,1% tổng tài sản).
Tuy nhiên, con số nợ phải trả của khối
DN này mới đáng báo động, tính đến cuối năm 2011 lên đến 1.292.400 tỉ đồng.
Có 30 TĐ, Tcty, tỉ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần. Những con số
“khủng” này nói lên sự phụ thuộc rất lớn vào vốn vay của các DNNN để duy trì
hoạt động. Đồng nghĩa với việc, các DNNN sẽ giải trình ra sao với những khoản
nợ khổng lồ này.
Một quy trình quản trị DN mang tính “tù
mù” thời gian qua đã giúp nhiều DN, nhiều đời tổng giám đốc tồn tại và không
hề được đả động đến. Thực tế, báo cáo của Bộ trưởng Vương Đình Huệ đưa ra
trước Quốc hội lần này cũng chưa tách bạch khoản lỗ nào, nợ nào là do khách
quan, đâu là do chủ quan, yếu kém của ban điều hành các TĐ, TCty. Về phía DN,
thời gian qua cứ mỗi khi thua lỗ, điệp khúc thường thấy vẫn là do nguyên nhân
khách quan, do phải làm nhiệm vụ hỗ trợ nền kinh tế… Tuy nhiên, các chuyên
gia nhận xét, muốn DNNN công khai minh bạch thì phải có ngay những quy định
rất cụ thể, cùng các chế tài kèm theo.
Theo TS Trần Tiến Cường - nguyên Trưởng
ban cải cách DN (CIEM), tính đến thời điểm hiện nay, không có một cơ quan nào
chịu trách nhiệm về giải trình hiệu quả hoạt động của khối DNNN. Trong tất cả
các văn bản pháp quy hiện tại không có quy định nào quy định rõ cơ quan nào
chịu trách nhiệm chính. Trách nhiệm giám sát DNNN thuộc về ai? Cơ quan nào?
Đều cần phải được làm rõ. Đặc biệt là công khai các số liệu ra công chúng ra
sao? Để mọi người dân đều được giám sát.
Theo Đề án “Tái cơ cấu DNNN giai đoạn
2011 - 2015” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các bộ, ngành, địa
phương, TĐ, TCty phải khẩn trương, quyết liệt thực hiện tái cơ cấu DN của
mình. Trong đó, việc thoái vốn ở những lĩnh vực ngoài ngành cần phải hoàn
thành trước ngày 31/12/2015. Tuy nhiên, tính đến 31/12/2011, các Cty mẹ đã
đầu tư vào những lĩnh vực ngoài ngành (chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản,
ngân hàng...) 23.744 tỉ đồng, tăng 3.056 tỉ đồng (15%) so với năm 2010. Trong
bối cảnh thị trường tài chính không mấy sáng sủa của năm 2013 thì khả năng
thoái vốn như kế hoạch của các TĐ, TCty là chưa có gì chắc chắn.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia việc
tái cơ cấu DNNN, không chỉ là cổ phần hóa hay thoái vốn đầu tư ra ngoài ngành
mà là vấn đề con người và hoàn thiện các cơ chế quản lý DNNN. Theo bà Đào Thị
Thiên Hương – chuyên gia tư vấn cải cách, tái cấu trúc đối với các DNNN không
đơn thuần là lập chiến lược thoái vốn ở một mảng kinh doanh nào đó, hay cổ
phần hóa mà là cuộc cải cách tổng thể từ chiến lược, cấu trúc DN đến quy
trình, công nghệ và con người. Trong đó vấn đề con người vẫn là quan trọng
nhất. Thực tế tiến trình tái cấu trúc DNNN thời gian qua cho thấy, rào cản
lớn từ việc phải chia sẻ quyền lực. Điều này thường không dễ chấp nhận bởi
chính những người đang nắm giữ quyền lực trước đó.
Theo thống kê của các nhà kinh tế, chỉ
khoảng 20% DNNN làm ăn có lãi, 40% trung bình, 40% thua lỗ. Nguyên nhân thì
nhiều nhưng một nguyên nhân không thể chối bỏ là sự yếu kém của lãnh đạo.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim thì cần phải thay đổi quy chế dành cho
những người lãnh đạo và nhân sự trong các DNNN hiện nay. Trước hết người lãnh
đạo DNNN không nên là người của Nhà nước mà nên thuê ngoài. Nhà nước chỉ cử
người đại diện của mình giám sát các hoạt động dựa trên những tiêu chí đặt
ra. Nếu vẫn là những con người của Nhà nước, ăn lương Nhà nước, vẫn những tư
duy cũ thì tiến trình tái cấu trúc DNNN không thể thay đổi triệt để.
(Theo
Diễn đàn doanh nghiệp) Bá Tú
Không minh bạch cũng có thể hiểu là
những khoảng tối, nơi đó là “đất sống”, là nơi trú ẩn an toàn của tham nhũng.
Tại sao Lãnh đạo DNNN lại “thích” những khoảng tối đó? Câu trả lời chẳng khó
gì, có thể dành cả cho trẻ em lớp 1.
Thương
Giang
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét