Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013


 14:17

 Dân phải được hưởng lợi thực sự từ chính sách

Giới chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp và người dân thực sự kỳ vọng vào những giải pháp có tính đột phá của Chính phủ mới được đưa ra, song cũng mong mỏi những chính sách này cần đi ngay vào cuộc sống, mang lại lợi ích thiết thân cho người dân.
Theo đó, cuối năm 2012, Chính phủ đã đưa ra một loạt quyết sách nhằm tạo ra luồng sinh khí mới cho kinh tế - xã hội phát triển trong năm 2013. Ngày đầu năm mới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại phát đi một thông điệp, trong đó nhấn mạnh cần có sự nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị nhằm đạt cho được những mục tiêu quan trọng của năm 2013.

Chính sách đừng quá trễ

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, bà kỳ vọng vào chính sách giảm thuế cho DN, nếu áp dụng cho DNNVV thì sẽ có 95-97% số DN được hưởng chính sách giảm thuế này. Bà mong các chính sách đưa ra nên có quyết định áp dụng sớm, nếu được giữa năm 2013 thì tốt nhất, nếu không sẽ là quá trễ cho các DN có cơ hội phục hồi.

Hỗ trợ cho DN cũng là gián tiếp hỗ trợ công ăn việc làm cho người lao động, vì trong tình hình DN phải đóng cửa nhiều như năm ngoái tới nay tổng cộng đã hơn 100.000 DN, số người lao động mất việc cũng phải tới hàng triệu người. Và gánh nặng bảo hiểm xã hội rõ ràng đang tăng lên vì nhiều người đăng ký thất nghiệp và chi trả nhiều lên cũng là khó khăn cho ngân sách. 

Mặt khác, bà Phạm Chi Lan cũng mong là cùng với việc tăng chi phí lương cũng như bảo hiểm thì cần có sự giám sát việc tăng các chi phí khác. Bởi các chi phí hiện nay vẫn có xu hướng tăng và các bộ, ngành vẫn muốn thu các loại thuế, phí. Điều đó là không nên. 

Ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Cty Lê Thành - lại cho rằng, một khi giải pháp kích cầu BĐS của Chính phủ được thực hiện, sẽ có một lực lượng đông đảo những người tiêu dùng có điều kiện mua được nhà. Người tiêu dùng sẽ chấm dứt tâm lý chờ đợi giá nhà sẽ giảm thêm. Từ việc kích cầu vào phân khúc nhà có giá thấp sẽ có tác động đến những phân khúc khác. 

Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Cty chế biến - xuất khẩu thủy sản An Hóa (huyện Châu Thành, Bến Tre) - cho rằng, các chủ trương, biện pháp của Chính phủ nhằm cứu các DN vừa mới đưa ra là rất cần thiết, nhưng làm sao để những quyết sách ấy sớm đi vào thực tế mới quan trọng hơn.

Bất động sản - hướng vào người có nhu cầu thực sự

Theo GS-TSKH Đặng Hùng Võ, thị trường BĐS đang có dấu hiệu tốt sau các giải pháp của Chính phủ. Tuy nhiên, thị trường này đang chờ những cải cách mạnh hơn nữa, trước tiên phải làm ấm lại phân khúc nhà giá thấp cho những người đang có nhu cầu thật sự. Ở phân khúc này, nếu lượng cung tăng lên, giao dịch sẽ sôi động hơn, vì cầu nhà cho người thu nhập thấp rất lớn. Lúc ấy thị trường BĐS chắc chắn sẽ ấm lên. 

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lại có nỗi lo khi bà cho rằng Nhà nước đưa ra giải pháp như vậy nhưng sẽ tập trung vào khu vực BĐS nào, đối tượng nào vì điều này rất dễ dẫn tới cơ chế xin - cho hoặc chạy chọt để dự án của mình được giải cứu. Theo bà, cần căn cứ vào nhu cầu người lao động mua nhà nằm ở đâu thì mới giải cứu, còn không sẽ giải cứu BĐS ở những nơi người lao động không có nhu cầu thì sẽ không có tác dụng. 

Riêng ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM - lại khiêm tốn hơn khi ông chỉ hy vọng năm 2013, thị trường BĐS không tiếp tục xấu đi, ngăn được đà DN phá sản, giảm khó khăn để dần dần hồi phục trong những năm tới. Về phía người mua, việc hỗ trợ lãi suất ổn định khoảng 7-8%/năm hy vọng sẽ tạo nên một lực kích cầu với quy mô lớn, từ đó giải quyết được một phần hàng tồn kho BĐS là những căn hộ nhỏ có giá bán phù hợp với khả năng thanh toán của những người có thu nhập trung bình. 
Chính sách cần đi vào cuộc sống

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lo ngại, thực tế thời gian qua lãi suất đã giảm xuống nhưng DN vẫn không vay được tiền. Tình trạng này là rất phổ biến, một số DN khá tốt vẫn được đánh giá xếp hạng AAA từ trước tới nay nhưng vẫn không vay được, kể cả khi họ chấp nhận vay với mức lãi suất của năm 2012. Do đó, ở đây tôi nghĩ vẫn cần có sự minh bạch hơn, giám sát hơn nữa từ xã hội hoặc từ các công cụ khác. Vả lại, lãi suất tín dụng giảm phụ thuộc rất lớn vào khả năng kiềm chế lạm phát. Vì lạm phát mới là cái gốc ấn định lãi suất tín dụng bao nhiêu. Cho nên, nếu như không tập trung làm thật tốt việc kiềm chế lạm phát thì lãi suất tín dụng thực tế khó mà giảm được. 

Còn ông Nguyễn Văn Đạo - Giám đốc Cty CP thủy sản Gò Đàng (TP.Mỹ Tho, Tiền Giang) - thẳng thắn bày tỏ: Đã có nhiều thông tin, hứa hẹn của ngân hàng trợ vốn cứu ngành thủy sản vùng ĐBSCL, nhưng đến nay chúng tôi chưa tiếp cận được dòng vốn ưu đãi ấy. Tôi nghĩ Chính phủ có thể dùng các biện pháp điều hành kinh tế vĩ mô để tác động hạ lãi suất ngân hàng. Còn hệ thống ngân hàng cần nới lỏng các điều kiện cho vay thì các DN mới có thể tiếp cận với nguồn vốn lãi suất thấp. 

Ông Phạm Hồng Cầu - Tổng GĐ Cty TNHH xây dựng và kinh doanh nhà Đại Phúc (TPHCM) - cũng cho rằng, niềm vui cuối năm khi Chính phủ đã có chủ trương bơm vốn hỗ trợ thị trường BĐS, song nếu nguồn vốn hàng chục ngàn tỉ đồng bơm ra không được quản lý, phân phối khoa học, đúng người, đúng chỗ... sẽ càng tệ hơn, không cứu được ngành BĐS, trái lại, càng làm DN BĐS sa lầy nặng nề hơn. Vốn bơm cho BĐS phải trao đúng đối tượng thật sự cần vốn, nhằm hoàn tất một dự án khả thi, sau đó khai thông đầu ra, hàng bán chạy, không tồn đọng, đồng vốn được luân chuyển, DN trả được nợ, nhưng cũng phát triển... khỏe. Hoặc, nguồn vốn phải được cho vay tận tay người dân có nhu cầu mua nhà để ở, với lãi suất ưu đãi nhất; người dân có nhà ở, mà Nhà nước cũng thu hồi được vốn.
Theo một khảo sát đối với các doanh nghiệp lớn của Vietnam Report, đa số các doanh nghiệp Việt Nam (46%) đánh giá tình hình kinh tế của năm 2013 sẽ “chưa thể phục hồi” và các doanh nghiệp sẽ còn phải đối diện một năm kinh doanh “khó khăn” hơn nữa. Trong khi đó, khoảng 44% doanh nghiệp tin rằng kinh tế Việt Nam sẽ “phục hồi” vào cuối năm 2013. Tuy nhiên, tất cả các doanh nghiệp được hỏi đều cho biết họ “sẵn sàng cho những gì xấu nhất” sẽ diễn ra vào năm 2013. Tất cả đều tỏ ra “bền bỉ” chịu đựng tình hình kinh tế xấu trong năm 2013 - theo khảo sát này cho biết.    
Trung Bảo

Chủ tịch HĐQT Cty thép Đa Phúc Nguyễn Hồng Cầu: “Cần nới rộng hạn mức vay cho doanh nghiệp”.

Nếu Chính phủ hỗ trợ DN như thông điệp đầu năm của Thủ tướng thì DN lại có cơ hội phát triển. Hiện việc làm đã có nhiều, nhưng khó khăn nhất vẫn là vốn. Nhưng thế chấp cho vay khó khăn nên DN chúng tôi đang cần có cơ chế tốt hơn để hỗ trợ DN. Trước hết, DN đang phải vay ngân hàng với lãi suất ở mức 12,5%/năm; với mức lãi suất như vậy, DN làm ra chỉ đủ trả lãi cho ngân hàng. Đã vậy, phần lớn các DN đều đang phải vay với thời gian đáo hạn từ 5-6 tháng, đồng vốn quay vòng quá ngắn. Nên tăng thời gian lên mức từ 9 tháng đến một năm, sẽ dễ dàng hơn cho DN sử dụng vốn vay.     
Đ.T

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Tổng Giám đốc Cty CP Hải Dương Xanh: “Để người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam, phải nâng cao chất lượng hàng hóa trong nước”. 

Những vấn đề về cải cách chính sách theo sự chỉ đạo của Chính phủ như vậy là rất tốt, vì quan trọng nhất của các DN SXKD là phải kích thích tiêu dùng, muốn kích thích tiêu dùng thì Chính phủ cần phải đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam dùng hàng VN, kiên quyết ngăn chặn nạn buôn lậu, nhập khẩu các mặt hàng không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật và vệ sinh ATTP... Thời điểm hiện tại, DN cần giải phóng hàng tồn kho, kích thích tiêu dùng mới tạo được việc làm cho NLĐ.    
Đ.T 

TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương: “Cần nghệ thuật điều hành chính sách khôn khéo”.

Chúng ta cần ở Chính phủ rất nhiều yếu tố, trong đó ngoài ý chí chính trị, quyết tâm, kiên quyết, một yếu tố quan trọng chính là nghệ thuật điều hành chính sách thật sự khôn khéo. Mọi chiến lược đều quan trọng như nhau, nhưng tập trung giải quyết trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nguồn lực hạn chế thì câu chuyện không hoàn toàn đơn giản. Hơn nữa, trong bối cảnh các phản ứng của thị trường và tiếng nói xã hội khác nhau, muốn thực hiện được cần có cách giải trình minh bạch với thị trường, bởi các chiến lược không phải lúc nào cũng thực hiện “đồng hành” được với nhau.    
D.Hà

Nguyễn Hải Minh - Bí thư Đoàn TNCSHCM ĐH Quốc gia Hà Nội: “Kỳ vọng vào sự cụ thể hóa các chiến lược của Chính phủ”.

Là công dân trẻ, tôi kỳ vọng nhiều vào sự nỗ lực của Chính phủ trong năm 2013, trong đó có sự cụ thể hóa các chiến lược vào đời sống. Về cơ bản, chúng tôi tin tưởng nền kinh tế sẽ bắt đầu phục hồi sau giai đoạn khủng hoảng. Về chính sách xã hội, Chính phủ cần giải quyết triệt để các vấn đề về đất đai của người dân được giải quyết minh bạch, đúng pháp luật, đảm bảo quyền lợi lâu dài, đồng thời không gây bất ổn xã hội, tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho các trường đại học, đặc biệt là các đại học trọng điểm.     
D.Hà
Nhóm PV Báo Lao động

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét