19:01
Nhất cử... (HNM) - Mấy hôm nay cả nước chứng kiến "hiện tượng rò rỉ" đập Thủy điện Sông Tranh 2. Mặc dù đơn vị quản lý cho rằng đập vẫn an toàn, nhưng dư luận lại khó tin rằng đập được gia cố lại sẽ đạt tiêu chuẩn chất lượng thiết kế. "Rò rỉ" là một sai sót kỹ thuật nghiêm trọng khi xây đập thủy điện và nó thường kéo theo nhiều nguy cơ khác. Câu hỏi lớn không phải đập an toàn hay không mà "Nó còn an toàn được bao lâu?". Đây không chỉ là công trình phải đứng vững nhiều chục năm, mà còn ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng triệu người, nên yêu cầu chất lượng và an toàn là trên hết và không thể khoan nhượng. Ở nước ta có lẽ một trong những tình trạng gây lãng phí lớn nhất là chất lượng công trình và sự quản lý yếu kém, quan liêu của đội ngũ điều hành. Gần đây, xã hội đang "nóng" lên về việc ngành chức năng kiến nghị bổ sung phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân. Họ tính số tiền gần 6.000 tỷ đồng thu được sẽ dùng để sửa sang cầu đường, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông… Đành rằng phí lưu hành phương tiện cá nhân ở các nước phát triển là chuyện bình thường và trách nhiệm của người lưu hành phương tiện đó là phải nộp phí nhằm bổ sung cho ngân sách để nâng cao chất lượng cầu đường. Tuy nhiên, nếu tính cụ thể thì có nhiều cái vô lý, như cứ có là nộp bất chấp chạy nhiều ít; thiếu cơ sở pháp lý, khoa học… suy diễn áp đặt có ô tô là giàu, thuế đặc biệt còn chịu được thì mấy chục triệu đồng/năm thì nhằm nhò gì… Cách suy luận áp đặt đó là do không quan tâm đến những vấn đề khác như xe là phương tiện để người dân làm việc nhanh hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn và tất nhiên là đóng góp nhiều hơn vào ngân sách; không tính đến giá hàng sẽ tăng, kết quả là dân gánh chịu, lạm phát lại vọt lên… Không biết bên thống kê có ghi nhận mỗi năm các công trình giao thông kém chất lượng, treo, chậm tiến độ… gây tổn hại bao nhiêu tiền của, chưa kể những phát sinh, những "lô cốt", những vụ tham nhũng, rút ruột công trình. Bởi vậy, tăng thu bằng cách thu vừa phải các loại phí và tăng cường năng lực quản lý, điều hành, chất lượng công trình là việc cần làm hơn. Khi đặt ra các loại phí cao ngất như vậy, các nhà "chiến lược" có nghĩ tới chất lượng đường, cầu… đã tương xứng với mức tiền mà người có phương tiện giao thông phải nộp? Còn nhiều "cửa" tăng thu, lớn hơn 6.000 tỷ đồng kia rất nhiều và chắc chắn sẽ được hoan nghênh. Hệ thống dịch vụ như bãi đỗ, sửa chữa, bảo dưỡng, rửa xe… chỉ là một "cửa" nhỏ nhưng rất cần và thu được nhiều. Nhưng thu từ dịch vụ cần đầu tư, nghiên cứu, quản lý, điều hành rất vất vả, thu hồi vốn lâu. Còn thu phí thì dễ hơn - chỉ cần tính đầu xe là xong. Như đã nói, thu phí phương tiện giao thông là việc bình thường ở các nước phát triển, nhưng ở nước ta và nhất là trong giai đoạn khó khăn về kinh tế hiện nay thì rất nhạy cảm. Việc thu phí cao như vậy "cổ vũ" các ngành khác tìm những kẽ hở pháp luật để tăng giá, đặt thêm lệ phí (một xu hướng ngày càng lan rộng mấy năm gần đây) và làm cho các nỗ lực giảm lạm phát, nâng cao đời sống bị giảm nhiều hiệu quả… Và một điều nữa, không thể không tính đến, đó là nó khuyến khích các nhà thầu xây dựng những công trình kém chất lượng vì sẽ có tiền để sửa chữa sai sót, có tiền phát sinh… từ nguồn phí mới!? Một cử động của chính sách sẽ ảnh hưởng đến hàng loạt vấn đề của xã hội huống gì việc tăng phí lưu hành phương tiện tác động tới đa số người dân. Vì vậy, Nhà nước cần thận trọng cân nhắc. Nguyễn Triều |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét