21:15 Thu phí phương tiện sẽ gây tăng giá và làm dân bức xúc (VTC News) - “Không biết giao thông có mở đường và tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội hay không, nhưng việc thu phí sẽ làm giá cả tăng lên và tạo thêm bức xúc trong dân là chắc chắn”, PGS.TS.NGƯT. Nguyễn Văn Thụ nêu quan điểm về các loại phí phương tiện giao thông đường bộ đang được Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu đề xuất. PGS.TS.NGƯT. Nguyễn Văn Thụ từng là Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý Giao thông Vận tải, Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội, với nhiều năm nghiên cứu về giao thông, ông đánh giá: “Các phí hiện đang thu với xe ô tô và xe máy tuy còn điểm này hay điểm khác chưa hoàn toàn thật công bằng và chính xác, nhưng người dân vẫn chấp hành. Tuy nhiên, cần nghiên cứu sao cho việc thu, nộp phí đơn giản và thuận tiện hơn”. - Ông đánh giá về những loại phí tới đây sẽ được thực hiện là Phí bảo trì đường bộ và đang trình Chính phủ xem xét là Phí hạn chế xe cá nhân, Phí ô tô vào nội thành giờ cao điểm? Về Phí bảo trì đường bộ là hợp logic. Song cần tính toán cụ thể về mức phí sao cho công bằng và cách thu, nộp phí hợp lý và thuận tiện. Cần lưu ý dân đã đóng thuế để có nguồn thu phục vụ nhu cầu chung của xã hội, trong đó có việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đi lại. Riêng về thu phí xe vào nội đô với mục đích để chống ùn tắc giao thông đô thị là không có căn cứ khoa học và thực tiễn, không khả thi, còn gây ra bất bình trong xã hội. - Tính ra, tới đây người dân muốn lưu hành xe ô tô cá nhân sẽ phải đóng tới 8, 9 loại phí, mỗi ô tô phải nộp gần 100 triệu đồng/năm. Ông nghĩ gì về các loại phí này và đâu là bất cập mà cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ? Các phí trên cần được tính toán lại xem hợp lý hay chưa, công bằng không? Nhất là đối với người dân. Để thu hợp lý trước hết phải xem phí đó có hợp lý hay không? Còn phí không hợp lý thì sao thu cho hợp lý được. Vì vậy cần ra soát lại các loại phí và mức thu có hợp lý không, nếu đã hợp lý thì tốt nhất là thu qua một đầu mối, sau khi thu được Nhà nước phân bổ cho các quỹ. - Theo Bộ GTVT, thu phí phương tiện là để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông tốt hơn, giảm ùn tắc, giảm tai nạn. Theo ông điều này có đủ sức thuyết phục và người dân có thể hy vọng? Lý do đó là không thuyết phục và không thể đặt được hy vọng là giúp người dân lưu thông dễ dàng, thuận tiên, giảm ùn tăc. - Thu phí qua đầu phương tiện nhưng vẫn để các trạm thu phí BOT và các trạm đã bán quyền thu phí, như vậy theo ông có công bằng? Tất nhiên là bất hợp lý và không công bằng. - Ông có băn khoăn gì khi các loại phí tới đây sẽ được thực hiện? Không biết giao thông có mở đường và tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội hay không, nhưng việc thu phí sẽ làm giá cả tăng lên và tạo thêm bức xúc trong dân là chắc chắn. - Có một thực tế là một số chính sách phí giao thông hiện nay thường viện dẫn tiếp thu mô hình của một số nước khác, theo ông như vậy có hợp tình, hợp lý với nước ta, khi mà điều kiện kinh tế và xã hội của nước ta khác các nước? Sự sao chép áp dụng, bắt chước nguyên của người khác đã là điều không nên, huống hồ là sao chép bắt chước áp dụng những vấn đề của nước ngoài có tác động đến chính trị - xã hội thì càng không thể được, có khi còn làm bất ổn xã hội. Vì điều kiện kinh tế và cả nền văn hóa không giống như nước ngoài. Cần lưu ý, riêng về lĩnh vực kỹ thuật thuần túy, có thể áp dụng nguyên bản vào nước ta. Tuy nhiên, khi đưa vào để phù hợp với điều kiện nước ta và để phát huy hết tác dụng cũng cần có sự vận dụng sáng tạo, cải tiến. - Ông từng cá cược trên báo giới là “Nếu việc thu phí lưu hành này hạn chế phương tiện cá nhân và chống được ùn tắc, tôi sẽ chịu mọi sự trừng phạt của pháp luật, kể cả đi tù”, ông có thể cho biết cơ sở nào để ông đưa ra quan điểm này? Vì nhu cầu đi lại là một nhu cầu tất yếu, mà đi lại chỉ có 2 phương thức, là đi xe cá nhân và đi bằng phương tiện vận tải hành khách công cộng. Nhưng hiện nay vận tải hành khách công cộng ở ta chưa đáp ứng được nhu cầu, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu đi lại của người dân. Chẳng hạn ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt mới chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu, còn hệ thống đường chỉ đảm bảo cho sự đi lại bằng phương tiện vận tải đường bộ với thành phố khoảng 1 - 2 triệu dân. Trong khi dân số của Hà Nội và TP. HCM gấp vài lần khả năng đáp ứng của hạ tầng giao thông. Vậy sao không tắc. - Ông cho rằng giải pháp thu phí không khả thi, vậy để hạn chế được ùn tắc, phát triển hạ tầng giao thông chúng ta cần làm gì? Để giảm phần nào ùn tắc giao thông ở đô thị, theo tôi cần áp dụng một số giải pháp mang tính tình thế, như vào giờ cao điểm nên điều tiết luồng giao thông trên từng tuyến, từng nút giao thông sao cho hợp lý; Không để xảy ra lấn chiếm vỉa hè buôn bán, nhất là nơi có mật độ giao thông cao. Cấm tất cả các loại xe ô tô, xe thô sơ hoạt động hoặc dừng đỗ trên vỉa hè, lòng đường vào giờ cao điểm ở những tuyến thường ùn tắc. Trừ xe buýt và một số xe đặc biệt quan trọng như xe cứu hỏa, xe cấp cứu… Về lâu dài, cần đầu tư nguồn vốn để phát triển và dần hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân… - Xin cảm ơn ông! Lê Việt (thực hiện) |
Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét