09:15 Phí đường bộ và chiếc 'cần câu cơm' Vietnamnet- Xe gắn máy không gây ra hỏng cầu đường. Nếu thu phí bảo trì đường bộ như dự định 500.000đ/xe/năm, thì bất công với một bộ phận đông đảo người lao động bình thường và người nghèo. Nhiều ý kiến tiếp tục xới lên sau bài ‘Bị thu phí, dân sẽ buộc phải chọn phương tiện’ nêu ý kiến Phó Chủ tịch UB An toàn giao thông quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp về việc thu phí hạn chế phương tiện nhằm góp phần giải quyết vấn nạn ách tách giao thông. Trong bài viết gửi tới VietNamNet, tác giả Nguyễn Ngọc Hùng lập luận: Xe gắn máy không phải thủ phạm “phá” đường bộ để phải đóng “phí bảo trì”. Xin giới thiệu với độc giả quan điểm của ông: Cấm: Sốc nhưng phải chấp nhận Việc để cho xe gắn máy (XGM) và ô tô cá nhân phát triển quá cỡ như hiện nay, trong khi hạ tầng giao thông không phát triển tương xứng, là “tồn tại” của nhiều nhiệm kỳ lãnh đạo trước đây để lại. Nhưng lãnh đạo nhiệm kỳ này phải gánh lấy và hi vọng sẽ giải quyết được trước khi vượt tầm kiểm soát. Đành rằng ý kiến “phải cấm hẳn XGM ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh” như ông Hiệp nói tới nghe rất “sốc”. Nhưng không có cách nào khác nữa. Phải hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, kể cả ô tô (trong một thời gian nào đó). Người dân sẽ bị ảnh hưởng đến quyền chính đáng của mình về sử dụng phương tiện giao thông cá nhân. Nhưng buộc phải chấp nhận để chung tay với nhà nước giải quyết vấn nạn này đã. Nếu không kịp thời quyết liệt từ bây giờ, thì cái quyền chính đáng sử dụng phương tiện giao thông cá nhân cũng không có đường (nghĩa đen) để mà thực thi nữa! Vấn đề này không phải bây giờ mới đặt ra. Từ năm 2000, đã có một cuộc tranh luận trên nhiều tờ báo ở TP.Hồ Chí Minh về vấn đề này. Từ đó, cho đến năm 2008, liên tiếp có mấy lần rộ lên tranh luận nữa, tập trung vào đề tài “cái XGM”. Nhưng lãnh đạo nhà nước những năm ấy không nhận thức được hiểm hoạ, còn đưa ra những quyết sách khuyến khích phát triển XGM tại nước ta, để quá cỡ như hiện nay. Với số lượng quá lớn người sử dụng XGM hằng ngày không chỉ là phương tiện đi lại, mà còn là phương tiện sinh sống (như “xe ôm”), cần phải có một lộ trình để người dân tự sắp xếp lại kế sinh nhai của mình. Tôi đề nghị Quốc hội quyết định ngay tại kỳ họp gần nhất trong năm nay về một lộ trình 10 năm để tiến đến cấm hoàn toàn lưu hành XGM tại nội thành Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, cùng với các thành phố trực thuộc trung ương khác. Bắt đầu thực hiện ngay việc không đăng ký XGM mới tại các thành phố này, không đăng ký chuyển nhượng XGM từ các địa phương khác vào các thành phố này. Những XGM đã đăng ký tại các thành phố này được sử dụng tối đa 10 năm nữa. Nếu quyết định này được chính thức triển khai thực hiện, thì người dân sẽ tự điều chỉnh để sau 10 năm hoàn toàn thích nghi với không dùng XGM tại các thành phố lớn. Việc này cũng sẽ buộc các doanh nghiệp săn xuất và kinh doanh XGM phải điều chỉnh cho phủ hợp với thị trường bị thu hẹp. Nhà nước cũng phải có kế hoạch tổng thể về phương tiện giao thông công cộng và cơ sở hạ tầng phù hợp. Với ô tô cá nhân, trong hoàn cảnh hiện nay thì nên có những “đối sách giai đoạn” để hạn chế lưu thông trong nội đô các thành phố lớn, vì không còn đường để chạy, không có nơi để đỗ. Những đối sách này thể hiện ở việc nâng cao tất cả các loại “phí” liên quan đến việc đăng ký mới và lưu hành ô tô cá nhân trong một thời gian nào đó, có lẽ cũng là 10 năm. “Đối sách” loại này sẽ gây phiền hà cho nhiều người khi nghĩ đến mua xe ô tô và sẽ có tác dụng khiến số người muốn mua xe ô tô giảm đáng kể. Ảnh hưởng công cụ kiếm sống Nhưng không nên đặt ra phí lưu hành đối với XGM, nhất là với mục đích “bảo trì đường bộ”. Bản thân XGM không gây ra hỏng cầu đường. Nếu thu phí bảo trì đường bộ như dự định (500.000 VNĐ/đầu xe/năm) thì bất công với một bộ phận đông đảo người lao động bình thường và người nghèo sử dụng XGM làm phương tiện đi lại và “công cụ kiếm sống”. Ai cũng biết chuyện “rút ruột công trình” là một vấn nạn phổ biến trong tất cả các công trình xây dựng ở nước ta, trong đó rất nghiêm trọng ở các dự án giao thông. Đây chính là nguyên nhân tệ hại nhất gây ra hư hỏng nghiêm trọng các công trình đường xá, cầu cống. Nguyên nhân nghiêm trọng thứ hai là vi phạm về “quá tải” trong vận tải hàng hoá. Cần kiên quyết chấm dứt ngay hai nguyên nhân chính khiến chất lượng công trình giao thông không đảm bảo và xuống cấp nhanh chóng. Không thể để những kẻ rút ruột công trình cứ việc đút tiền vào túi cá nhân và những đoàn xe “quá tải” cứ phá nát cầu đường, rồi buộc người dân phải nộp “phí” ngày càng tăng để bảo trì đường bộ! Nếu giảm thiểu được nạn rút ruột công trình và nạn xe quá tải, thì chẳng cần đến thu phí bảo trì đâu, bởi đường xá, cầu cống sẽ bớt hư hỏng nhanh chóng như vẫn diễn ra hằng ngày. Công sức, nhân lực và ngân sách dự định để tổ chức việc thu phí bảo trì đường bộ nên chuyển sang tập trung giải quyết nạn rút ruột công trình và xe quá tải. Cầu đường sẽ bớt hỏng, con người cũng bớt hư và đông đảo người dân không phải nộp phí để “buộc phải chọn phương tiên khác”! Nguyễn Ngọc Hùng |
Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét