Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

20:15

Tăng giá điện sẽ thách thức chỉ tiêu lạm phát

(VnMedia) - Giá điện và giá xăng là 2 yếu tố đầu vào rất nhạy cảm của nền kinh tế, vì vậy khi điều chỉnh tăng lên nó sẽ tác động trực tiếp đến cuộc sống người dân. Đồng thời tạo ra áp lực tổng hợp chung, làm gia tăng giá cả và ảnh hưởng đến mục tiêu đảm bảo lạm phát dưới một con số của Chính phủ.

Đó là nhận định của TS Nguyễn Minh Phong - Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, khi trao đổi với PV về những thách thức và ảnh hưởng của việc giá điện có khả năng tăng trong thời gian tới.

- Theo ông hiện nay khó khăn lớn nhất trong việc chuyển ngành điện sang cơ chế thị trường là gì ?

Theo tôi có 3 khó khăn lớn trong việc chuyển ngành điện sang cơ chế thị trường.

Thứ nhất, hiện nay ngành Điện đang tự quản lý khá nhiều khâu từ sản xuất điện đến phân phối điện, quy định giá và nhiều những quy định khác. Điều này hoàn toàn không phù hợp với cơ chế thị trường.

Cùng với đó, một số yếu tố giá về thị trường liên quan đến giá điện, chúng ta chưa kiểm soát được hoặc là chúng ta đang phụ thuộc quá lớn vào các yếu tố bên ngoài. Điển hình như giá xăng dầu, thời tiết… Thậm chí là ngay cả bên trong, các yếu tố về hình thành giá cũng chưa được giải trình minh bạch.

Cuối cùng là sự tham gia của các đơn vị ngoài nhà nước, các đơn vị xã hội hoá tham gia ngành điện chưa có cơ chế rõ ràng. Đặc biệt là chưa có một thể chế Luật cao hơn ngành Điện, để có thể ký hợp đồng tiêu thụ điện, giá điện và các điều kiện khác cho các dự án này được đầu tư một cách lâu dài, ổn định và khách quan.
Ví dụ, có trường hợp nhà máy điện trong miền Trung sản xuất điện, nhưng ngành điện không mua với lý do đường dây dẫn điện lên mạng bị quá tải. Tuy nhiên, việc đầu tư cơ sở hạ tầng này là phần việc của ngành điện, tại sao lại bắt các doanh nghiệp tư nhân phải chịu hậu quả?

- Vậy theo ông, để minh bạch giá điện theo cơ chế thị trường chúng ta phải làm gì?

Tôi cho rằng để đưa giá điện vận hành theo giá thị trường, trước hết là cần phải phân biệt giữa quản lý Nhà nước với kinh doanh ngành điện, theo nghĩa là chúng ta phải bóc tách quản lý ở mức độ cao hơn ngành điện ở một cơ quan liên Chính phủ, Liên bộ để đảm bảo tính khách quan.

Cùng với đó, phải bóc tách giữa hoạt động sản xuất điện với phân phối điện, theo hướng phân phối điện vẫn phải là Nhà nước quản lý, đảm bảo tính hệ thống chung.

Ngoài ra, cần có sự  giải trình minh bạch cụ thể hơn, các chỉ tiêu hay tiêu chí kỹ thuật liên quan tới sản xuất. Giá điện cần phải xây dựng công khai, áp dụng chung cho các đơn vị của Nhà nước và ngoài Nhà nước.

Đặc biệt, là thực hiện bán giá điện không dưới giá tối thiểu. Giá tối thiểu này chính là cái giá được sản xuất bởi những chi phí khách quan, chứ không cộng lãi doanh nghiệp và thu ngân sách. Khi chúng ta thực hiện giá bán này, thì chắc chắn Chính phủ sẽ phải bù lỗ và Nhà nước chỉ điều chỉnh mềm phần lãi cho doanh nghiệp, thu thuế ngân sách mà thôi.

Hiện nay chúng ta vẫn còn phải bao cấp giá điện cho một số ngành như sản xuất sắt, thép, xi măng.... Những ngành này còn sử dụng công nghệ thấp, tổn hao nhiều năng lượng, sản xuất vượt quy hoạch đề ra, có lãi một phần nhờ giá điện thấp.

Do đó, để đảm bảo thị trường hóa giá điện thì quan trọng là phải làm sao loại các ngành này ra khỏi các ngành được bao cấp giá điện để đảm bảo minh bạch, công bằng đối với các đối tượng sử dụng điện đồng thời góp phần tránh tình trạng sản xuất phá vỡ quy hoạch.

Bên cạnh đó, đối với một số ngành sản xuất dịch vụ sử dụng nhiều điện năng, mang tính chất quảng cáo hoặc tiêu dùng quá mức, kinh doanh với lãi suất cao như vũ trường hay karaoke… cũng phải tính giá điện ở mức khác, vừa tăng cường quản lý sử dụng điện, vừa có vốn để tái cơ cấu sản xuất.

- Vừa qua, giá xăng đã chính thức được Liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tăng và sắp tới thì EVN cũng có ý định điều chỉnh. Vậy theo ông việc tăng giá cùng một hai mặt hàng quan trọng như thế này, sẽ ảnh hưởng như thế nào đến đời sống người dân và lạm phát?

Chúng ta cần phải phân biệt việc giữa vấn đề tăng giá xăng và giá điện. Việc tăng giá xăng là yếu tố khách quan, bởi giá xăng là giá toàn cầu mà hiện Việt Nam nhập khẩu trên 60% xăng dầu thì về nguyên tắc, khi giá thế giới tăng thì giá trong nước cũng phải tăng, giá thế giới giảm thì giá trong nước cũng phải giảm.

Khác với giá xăng, giá điện tăng trên cơ sở phải đảm bảo chi phí tối thiểu cho sản xuất điện. Nếu chi phí tối thiểu tăng thì phải tăng giá điện để đảm bảo công khai minh bạch, tránh hiện tượng Nhà nước phải bù lỗ.

Tuy nhiên, điều cần nói ở đây là phải tránh giá độc quyền, biến từ giá độc quyền của nhà nước thành độc quyền của ngành điện trong vấn đề điều chỉnh giá điện. Bởi vì giá điện giá điện cũng như giá xăng là 2 yếu tố đầu vào rất nhạy cảm của nền kinh tế, tác động trực tiếp đến cuộc sống người dân, nếu giá này tăng sẽ tạo ra áp lực tổng hợp chung làm tăng giá cả, ảnh hưởng đến mục tiêu đảm bảo lạm phát dưới một con số của Chính phủ.

Thứ hai là khi tăng sẽ làm tăng chi phí kinh tế của người dân và làm giảm chất lượng sống, thu nhập thực tế của người dân. Tất cả những điều đó sẽ làm ảnh hưởng đến mục tiêu an sinh xã hội mà Chính phủ đề ra và đang nỗ lực thực hiện.

- Xin cảm ơn ông!

Minh Hường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét