Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012

 12:10
TP HỒ CHÍ MINH:
Phòng khám Trung Quốc tiếp tục “chặt chém”, chính quyền bất lực? *

SGTT.VN - Dù bị phản ánh nhiều lần trên các phương tiện thông tin đại chúng những năm qua (xem Từ vá “cái ngàn vàng” đến “chữa xuất tinh sớm”, Sài Gòn Tiếp Thị, 7.9.2011), nhưng phòng khám Trung Quốc 141 Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận – TP.HCM, vẫn tiếp tục sai phạm. Mới nhất là trường hợp một phụ nữ bị “giam lỏng” vì thiếu tiền trả cho phòng khám.

Chiều ngày 20.3, tại phòng khám Trung Quốc 141 Phan Đăng Lưu, chị N.T.C. kể lại toàn bộ sự việc cho phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị. Người đàn ông Trung Quốc đang nghe điện thoại được giới thiệu là bác sĩ và giám đốc phòng khám. Ảnh: Thanh Hảo
Gần 17 triệu đồng cho một buổi khám chữa bệnh
17 giờ ngày 20.3.2012, chị N.T.C., 42 tuổi, Việt kiều Đức, đã gọi điện cho báo Sài Gòn Tiếp Thị cầu cứu vì phòng khám 141 Phan Đăng Lưu không cho chị về nhà nếu chị không nộp đủ số tiền mà họ yêu cầu.
Tại phòng khám 141 Phan Đăng Lưu, chị C. trình bày sự việc với chúng tôi: “Ba năm nay, năm nào tôi cũng về Việt Nam chữa hiếm muộn bằng tây y. Năm nay về nước tình cờ xem một quảng cáo trên tivi về phòng khám này, tôi quyết định tìm đến đông y với hy vọng cơ may có con lớn hơn. Buổi sáng đến đây, một nhân viên đề nghị tôi đóng 1,6 triệu đồng để kiểm tra tổng quát. Với số tiền này, tôi chỉ được siêu âm tử cung và xét nghiệm dịch âm đạo. Có kết quả, tôi phải đóng thêm 800.000 đồng để khám phụ khoa. Khám xong, bác sĩ nói tôi bị viêm cổ tử cung nhẹ, đề nghị bắn tia để chữa bệnh. Sau khi bắn tia 10 phút, họ cho tôi truyền dịch. Xong, họ nói tôi phải đóng tổng cộng 16.800.000 đồng. Tôi nói chỉ mang 4 triệu đồng, họ nói tôi phải kêu người nhà mang tiền đến đóng, nếu không tôi không được về”.
Khi được chất vấn về mức giá quá cao, người đàn ông Trung Quốc được giới thiệu là bác sĩ và giám đốc phòng khám, trả lời (thông qua phiên dịch): “Phòng khám chúng tôi là của nước ngoài, bác sĩ là người Trung Quốc, đầu tư vào trang thiết bị và mặt bằng rất nhiều, vì thế chúng tôi phải lấy giá cao”. “Vậy phòng khám có công khai giá biểu khám và chữa trị cho bệnh nhân biết không?” Người này đáp: “Có chứ, nhưng khi khám cho bệnh nhân, chúng tôi mới nói giá cụ thể”. Nhìn chung quanh không có bất kỳ biểu giá khám bệnh hay chữa trị nào, chúng tôi yêu cầu được xem, phải một hồi lâu nhân viên phòng khám mới mang ra một tờ giấy khổ A4 in trắng đen, rất mới, trên đó có giá tiền chữa trị u nang cổ tử cung, viêm loét cổ tử cung, thịt dư cổ tử cung với nhiều mức, từ 8 – 27 triệu đồng.
Luật sư Nguyễn Văn Trường, đoàn Luật sư TP.HCM: Không niêm yết giá là phạm luật
Tại cơ sở chữa bệnh, người bệnh có quyền được biết giá khám, chữa bệnh, cũng như chi phí thuốc. Nghị định 96/2011/NĐ-CP quy định phải niêm yết giá và sử dụng tiếng Việt trong khám chữa bệnh. Nếu phòng khám Trung Quốc không minh bạch về giá cả rồi buộc người bệnh phải trả chi phí cao là sai quy định. Bác sĩ Trung Quốc không nói tiếng Việt, hoặc nói tiếng Việt thành thạo nhưng chưa được công nhận cũng là không đúng và người bệnh có thể báo sở y tế để xử lý. Còn cam kết điều trị dứt bệnh với chi phí cụ thể là thoả thuận của hai bên. Nếu hết bệnh mà không trả tiền đủ, hoặc thanh toán đủ chi phí mà bệnh không thuyên giảm thì một trong hai bên có thể nhờ pháp luật can thiệp.
T. Nhã ghi
Không cho bệnh nhân bất kỳ chứng từ nào
Theo chị C., trong gần một ngày khám bệnh ở đây, chị đã chứng kiến không ít trường hợp bệnh nhân bị phòng khám “chặt chém”. Chị kể: “Một người ngồi cạnh tôi cho biết đã đến đây chữa bệnh phụ nữ mười ngày. Lần nào đến bác sĩ cũng bảo phải làm thêm cái này, cái kia và tốn mất gần 30 triệu đồng. Chị ấy khuyên tôi nên về đi, vì phòng khám này “chém” dữ lắm. Một người đàn ông khác đến chữa bệnh gì đó, tốn mất 20 triệu đồng mà không biết có còn phải đóng nữa hay không”.
Chuyện tính giá cao ở các phòng khám tư nhân xưa nay không hiếm, phần thiệt thòi bao giờ cũng thuộc về người bệnh. Tuy nhiên, điều mà cơ quan chức năng nên quan tâm ở phòng khám 141 Phan Đăng Lưu là họ không hề cung cấp cho bệnh nhân bất kỳ giấy tờ nào về bệnh tình cũng như thuốc điều trị, hoặc chí ít là phiếu thu tiền của bệnh nhân. Khi chúng tôi đặt câu hỏi về việc lập bệnh án cho bệnh nhân, đại diện phòng khám tỏ ra lúng túng và một hồi sau mới mang ra một cuốn sổ khám bệnh, trong đó chủ yếu bằng tiếng Hoa, chỉ có vài dòng tiếng Việt nguệch ngoạc cạnh bên: chẩn đoán – viêm cổ tử cung, viêm vùng chậu/u nang cổ tử cung. Xử lý – vật lý trị liệu viêm âm đạo, điều trị viêm cổ tử cung và u nang cổ tử cung bằng vi sóng, kháng viêm trị liệu. Chúng tôi đem việc này hỏi TS Tạ Thị Thanh Thuỷ, trưởng khoa phụ ngoại – ung bướu bệnh viện Hùng Vương TP.HCM, bà cho biết: “Tôi chưa từng nghe nói về “vật lý trị liệu viêm âm đạo” hay dùng vi sóng để trị viêm, u nang cổ tử cung. Nghe rất buồn cười và dường như có dấu hiệu lừa gạt”.
20 giờ cùng ngày, chúng tôi được chị C. cho biết phòng khám đã cho chị về nhà với điều kiện ghi giấy… cam kết trả chậm. Và mặc dù chị yêu cầu, phòng khám vẫn cương quyết không cho chị bất kỳ chứng từ nào chứng minh chị đã khám bệnh và đóng tiền chữa bệnh. Đại diện phòng khám nói chỉ cung cấp sổ khám bệnh khi chị trả hết số tiền còn lại.
Phan Sơn – Thanh Nhã (*Tựa đề của Thương Giang)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét