Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2012

08:01
Quan điểm chống Nga đã lỗi thời tại Mỹ?

Ý đồ công kích Nga để lấy lòng cử tri của ứng viên Tổng thống Mỹ Mitt Romney thất bại thảm hại bởi ông không nhận thức được rằng đã qua rồi cái thời Nga – Mỹ thù địch.

Cái miệng làm hại cái thân
Với hy vọng đưa Nga ra làm vũ khí lợi hại giúp giành thắng lợi trong chiến dịch bầu cử, ứng cử viên Tổng thống Mỹ thuộc đảng Cộng hòa Mitt Romney không ngần ngại gọi Moscow là “kẻ thù địa chính trị số 1” của Washington, đồng thời chỉ trích “câu nói hớ hênh” của Tổng thống Obama về khả năng ông sẽ “linh hoạt hơn” với Nga về vấn đề lá chắn tên lửa sau cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.
Ông Romney cũng thẳng thừng tuyên bố Nga cùng phe với Iran, hay Syria, những nhân vật “bất hảo” mà cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush từng xếp vào “trục ma quỷ”.
Phản ứng gay gắt trước phát biểu này của ông Romney, Tổng thống Nga Medvedev cho rằng: “Đó là những câu nói rập khuôn và sáo rỗng. Cụm từ ‘kẻ thù số 1’ sặc mùi Hollywood và là di sản của quá khứ”.
Ông chủ điện Kremlin cũng khuyên ông Romney và các ứng viên Tổng thống Mỹ khác nên làm ít nhất hai điều. Thứ nhất, hãy động não và dùng lý trí để phát biểu lập trường của mình. Thứ 2 là xem lại thời gian trước khi đưa ra các tuyên bố bởi bây giờ là năm 2012 chứ không phải là thời kỳ giữa những năm 1970.
Ông Romney bị "ném đá" bởi quan điểm chống Nga.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Nga Alexei Pushkov cho rằng, tuyên bố của ông Romney cho thấy quan điểm của những người muốn theo đuổi chủ nghĩa bá quyền của Mỹ. Ông Pushkov ví lời bình này giống lời bình của Thượng nghị sĩ John McCain, người bị đánh bại trong cuộc chạy đua tranh cử Tổng thống Mỹ cách đây bốn năm.
Những phản ứng này từ phía Nga không có gì gây bất ngờ bởi nó như một phản xạ tự nhiên. Tuy nhiên, điều mà có lẽ ông Romney không thể ngờ tới chính là làn sóng phản đối từ chính nhân dân Mỹ, những người mà ông đang phải ra sức lấy lòng.
Theo kết quả của một cuộc thăm dò dư luận do tờ Chicago TribuneUS News tiến hành gần đây, 72% người dân Mỹ được hỏi cho biết, câu bình luận của ứng viên Tổng thống Romney về Nga gây tổn hại nhiều hơn “lời hứa linh hoạt” của Tổng thống Obama trong cuộc gặp với ông Medvedev ở Thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Chỉ có 28% ủng hộ ông Romney. Phần lớn người Mỹ tin rằng, phát biểu của ông Romney mang đầy tính khiêu khích.
Qua thời thù địch
Thái độ cương quyết cùng với sơ hở của ông Obama đáng lý có thể là cơ may đối với bản thân ông Romney, giúp ông giành lợi thế trong chiến dịch bầu cử. Tuy nhiên, chính trị gia này lại mắc phải một sai lầm rất lớn đó là sử dụng “chiêu trò” không hợp bối cảnh thực tế.
Nếu đây là thời điểm đầu những năm 1980, khi đa số người dân Mỹ có thái độ thù địch với Liên Xô thì có lẽ ông Romney đã giành chắc phần thắng trong bầu cử. Nhớ lại cuộc thăm dò của Harris hồi năm 1983, gần 93% những người Mỹ được hỏi cho rằng, Liên Xô không thân thiện với Mỹ và coi Liên Xô là kẻ thù.
Năm 1990, kết quả điều tra dư luận của Trung tâm thăm dò Pew (khi đó gọi là Times-Mirror) cho thấy, 32% người Mỹ khẳng định, Nga là mối đe dọa lớn nhất với Mỹ.
Thái độ tiêu cực trong dân chúng Mỹ có dấu hiệu thay đổi đôi chút trong vài năm sau khi 2/3 người Mỹ cho hay, họ nhận thấy Nga ngày càng thân thiện hơn.
Tuy nhiên, quan điểm của họ lại trở nên cứng rắn hơn khi cuộc thăm dò của Washington Post-ABC News hồi mùa hè năm 2008, sau khi cuộc xung đột Nga – Gruzia diễn ra, cho thấy người Mỹ ngày càng ghét cách hành xử của Nga.
Thái độ thù địch Nga - Mỹ đã lỗi thời.
Dẫu vậy, tất cả những thái độ thù địch đó giờ đi vào dĩ vãng. Giờ đây, có thể khẳng định, đã qua rồi cái thời dân chúng Mỹ đồng lòng coi Nga là “gã tồi”. Các cuộc thăm dò năm ngoái và năm nay đều nhận được những phản ứng rất tích cực từ phía dân chúng Mỹ.
Cụ thể, năm ngoái, 6 trong 10 người tham gia cuộc điều tra của CNN trả lời rằng, Nga ngày càng dễ mến và có thể trở thành đồng minh của Mỹ. Còn trong cuộc thăm dò hồi tháng 2 năm nay, 60% dân chúng Mỹ cảm thấy hài lòng với thái độ của Nga và chỉ có 2% coi Nga là kẻ thù của Mỹ.
Và cũng không ngạc nhiên khi giờ đây, những người ghét bỏ Nga tại Mỹ đều là những cụ ông, cụ bà, những người vẫn còn lưu giữ ký ức về một thời chiến tranh Lạnh. Theo kết quả thăm dò hồi tháng 5/2011 của CNN, 47% người được hỏi trên 50 tuổi nghĩ rằng Moscow không đáng để làm bạn. Trong khi đó, gần 70% người trẻ tham gia cuộc điều tra nhìn nhận Nga với một thái độ tích cực.
Quả thực, thời kỳ chiến tranh Lạnh trôi qua cũng cuốn theo những ký ức không êm đẹp trong quan hệ Nga – Mỹ. Nó khiến dân chúng Mỹ ngày càng có thái độ gần gũi hơn với Nga. Thêm vào đó, người Mỹ giờ đây cũng nhận thức rõ hơn về những mối đe dọa mới của mình. Điều mà họ cảm thấy lo ngại hơn cả vào lúc này là sự đe dọa của khủng bố toàn cầu hay cuộc tấn công quân sự của Iran.
Ngoài ra, thách thức kinh tế lớn nhất mà họ đang cảm nhận rõ cũng đến từ Trung Quốc, chứ không phải Nga. Do vậy, họ không có lý do gì để thù địch với Moscow.
Phó phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest cho hay, Tổng thống Mỹ Barack Obama hy vọng có thể đạt được sự đồng thuận với Nga về hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu vào năm sau hoặc năm 2014.
“Dù còn một số việc cần phải bàn bạc với Nga nhưng Tổng thống hy vọng có thể hoàn tất quá trình đàm phán để đi đến thống nhất trong một đến hai năm tới”, ông Josh Earnest nhấn mạnh.
Thực tế trong dân chúng Mỹ vẫn tồn tại tâm lý chống Nga như ông Romney nghĩ song số người theo quan điểm này rất nhỏ, chỉ chiếm khoảng 1%. Và như vậy, vô hình trung ông Romney biến mình trở thành người lạc hậu với thời đại.
 
Với quan điểm cho rằng Nga là mối đe dọa thậm chí còn lớn hơn cả Iran hay Trung Quốc, ông Romney quên mất một điều rằng, nếu không có Nga, sẽ không thể có các biến chuyển theo hướng tích cực về vấn đề đang khiến Mỹ nhức đầu như Syria hay Iran.
Và cách tư duy này của ông Romney phảng phất hơi hướng tư duy chống khủng bố của Tổng thống Bush trước đó. Tức là, ai chống khủng bố thì theo Mỹ, còn ai nói không tức là chống lại Mỹ.
Và với ông Romney, dường như ông nghĩ rằng những ai hành xử giống Mỹ là “người tốt”, còn ai hành xử khác với ý chí của Mỹ thì chỉ có thể là “kẻ xấu”.
Những lời bình luận của ông Romney, dù chỉ là một lối khoa trương để gây ấn tượng trong dịp tranh cử thì vẫn không thể tránh khỏi việc gây ra những tác động không hay lên quá trình “tái khởi động” quan hệ giữa Mỹ và Nga. Dù Tổng thống Medvedev và Tổng thống vừa đắc cử Vladimir Putin dường như muốn thúc đẩy quá trình khôi phục quan hệ này nhưng họ cũng phải suy xét lại thiện chí của phía Mỹ cũng như kết quả bầu cử Tổng thống sắp tới tại Washington.
Như vậy, quan điểm lỗi thời của ông Romney về sự thù địch Nga – Mỹ không những phản lại chính ông mà còn đẩy quan hệ song phương vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.


Trà My (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét