Thứ Năm, 29 tháng 3, 2012

15:45
Phí chồng phí là trái luật!

Nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng nếu thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân và phí đi vào trung tâm các TP lớn giờ cao điểm là không đúng với bản chất của phí.

Luật sư NGUYỄN ĐĂNG TRỪNG (nguyên ĐBQH khóaXII):
Sai ngay từ đầu!
Muốn có chiến lược giảm tai nạn, ùn tắc giao thông thì không nên tạo điều kiện cho người dân mua xe máy. Nhưng sai lầm của chúng ta là cho nhập xe máy ồ ạt, ngay trong nước cũng cho sản xuất xe máy rất nhiều. Để rồi hôm nay hết phí sử dụng đường bộ lại đến phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân và phí đi vào trung tâm các TP lớn giờ cao điểm. Quá nhiều loại phí chỉ làm khổ dân chứ không giải quyết được gì cả!
Theo quan điểm của tôi, để có cách xử lý căn cơ, Chính phủ phải giải quyết tốt hệ thống vận tải hành khách công cộng. Ở TP.HCM hiện nay, do điều kiện đường sá chưa tốt nên chỉ cần xe buýt nhỏ để tạo điều kiện thuận lợi cho công chức đi làm. Khi được tạo thói quen đi xe công cộng đồng thời với việc dịch vụ này ngày càng được nâng chất thì từ từ người dân sẽ bỏ phương tiện cá nhân.
Về mặt pháp lý, rõ ràng là có việc phí chồng phí vì người dân khi lưu hành xe trên đường bộ đã đóng phí sử dụng đường bộ. Nay họ phải đóng thêm hai khoản phí mới theo dự kiến mà dịch vụ họ nhận lại thì không thấy đâu, thậm chí họ còn bị mất quyền lợi.
Theo tôi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không nên bổ sung thêm hai loại phí này vào danh mục phí, lệ phí.
Luật sư TRƯƠNG THỊ HÒA (Đoàn Luật sư TP.HCM):
Dân nộp phí thì được gì?
Trong gia đình, ông chồng muốn vợ đưa cho mình một số tiền lớn thì cũng phải bàn bạc với vợ, giải thích lý do. Nếu không có lý do chính đáng và xét thấy tiền sẽ “một đi không trở lại”, đời nào vợ đồng ý. Ngược lại, người chồng sẽ thuyết phục được vợ nếu đồng tiền đó đưa vào tay chồng sẽ sinh lời hoặc sẽ đem lại một lợi ích nào đó. Trong một gia đình nhỏ đã cần yếu tố minh bạch, rõ ràng như thế thì khi có một chính sách gây tác động đến toàn xã hội, Nhà nước cũng cần phải hỏi ý dân.
Đằng này khi đề xuất thu các khoản phí giao thông và mức phí dự kiến, không thấy Bộ GTVT đem vấn đề ra hỏi dân. Trong khi đó, nền kinh tế hiện nay đang có nhiều khó khăn. Thêm một khoản phí phải đóng là thêm một gánh lo cho người dân. Dân kêu ca vì việc đóng thêm phí đã chạm đến quyền lợi của nhiều người trong thời buổi thắt lưng buộc bụng.
Theo Pháp lệnh Phí và lệ phí, “phí là khoản tiền mà các tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ…”. Bản chất của phí là người ta trả tiền để được phục vụ một điều gì đó và phí giúp Nhà nước, tổ chức, cá nhân thu hồi vốn vì họ đã bỏ tiền ra đầu tư. Như vậy, khoản phí sử dụng đường bộ thì hợp lý bởi Nhà nước cần thu hồi khoản kinh phí khổng lồ phải bỏ ra để làm đường.
Còn đối với hai loại phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, phí đi vào trung tâm các TP lớn giờ cao điểm thì tôi không đồng ý vì không thấy tính hợp lý. Với hai loại phí này, chỉ thấy là Nhà nước sẽ thu tiền của dân mà không thấy cung cấp được cho người dân dịch vụ, lợi ích nào cả. Như vậy là không đúng với bản chất của phí. Hơn nữa, người dân có quyền tự do cư trú, tự do đi lại, tại sao lại thu phí với mục đích hạn chế việc di chuyển của người dân vào trung tâm TP?
Do đó, Bộ GTVT cần giải thích rõ cho dân các loại phí giao thông đó sẽ dùng để làm gì, ai giám sát việc thu và sử dụng, đặc biệt là trả lời câu hỏi: “Dân nộp phí đó sẽ được gì?”. Tôi tin rằng với bất cứ khoản thu nào, nếu thuyết phục được dân về tính cần thiết và lợi ích của nó thì dân sẽ vui vẻ đồng thuận. Ngược lại, dư luận sẽ chỉ trích nếu bị áp đặt để thu bằng được.
Luật sưNGUYỄN VĂN TÂM (Đoàn Luật sư TP.HCM):
Không khả thi
Nếu thuế là nghĩa vụ thì phí lại là khoản tiền mà chỉ khi nhận dịch vụ thì người dân mới đóng. Do vậy, tôi cũng cho rằng phí hạn chế xe cá nhân hoàn toàn không đúng với bản chất của phí vì ở đây người dân không có sử dụng dịch vụ.
Riêng đối với phí sử dụng đường bộ, nếu tôi đóng phí tức là khi sử dụng dịch vụ thì tôi có quyền hài lòng hay không. Vậy khi gặp đường không tốt như lầy lội, ổ voi, ổ gà, khúc quanh nguy hiểm, biển báo không đúng, không đảm bảo an toàn…, tôi có quyền khiếu nại và chấm dứt sử dụng dịch vụ này hay không?
Xem ra pháp luật của ta vẫn chưa có cơ chế bảo vệ người sử dụng dịch vụ. Các loại phí do Bộ GTVT đề xuất thể hiện sự bất cập ở nhiều góc độ: 1. Không có tính khoa học ở chỗ tùy tiện (thu phí không đúng với bản chất của phí, phí chồng phí…); 2. Có tính trái pháp luật vì đã xâm phạm quyền tự do đi lại của công dân được Hiến pháp quy định, xâm phạm tới quyền sở hữu tài sản của công dân; 3. Thiếu tính thực tiễn vì dù có nộp phí thì người dân vẫn phải sử dụng xe cá nhân và như vậy phí sẽ không đạt được mục đích đề ra.
(PL TPHCM) N.NAM - A.PHƯƠNG - K.PHỤNG ghi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét