Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012

11:01
Có nên làm đường bằng bêtông ximăng trên quy mô lớn?

SGTT.VN - Sau ba năm chuẩn bị, đề án “Sử dụng ximăng trong xây dựng hạ tầng giao thông” của bộ Xây dựng sắp được triển khai với quy mô lớn.

Đề án được khởi động trong bối cảnh mới đây, người đứng đầu hai bộ Xây dựng và Giao thông vận tải (GTVT) đã cùng nhau ký chương trình hành động của hai bộ về tăng cường sử dụng ximăng trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.
Theo bộ trưởng Đinh La Thăng, việc sử dụng ximăng trong xây dựng sẽ góp phần phát huy nội lực trong nước, đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội và giảm nhập siêu bởi việc xuất khẩu ximăng là xuất khẩu điện và than giá rẻ bởi nếu tính đúng giá điện, giá than, thì giá thành ximăng không thể thấp như vậy. “Hiệu quả thực tế về sử dụng ximăng đã được kiểm nghiệm tại đường băng sân bay, các tuyến đường giao thông nông thôn có chất lượng và tuổi thọ rất tốt”, ông Thăng nói.
Còn theo bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng, mặc dù bêtông ximăng đòi hỏi nền đường phải tốt, nhưng ưu điểm của nó là tuổi thọ từ 20 – 30 năm, trong khi bêtông nhựa chỉ hơn mười năm. “Hơn nữa, chúng ta có thể tự sản xuất ximăng nên sẽ hiệu quả về mặt kinh tế trong thi công xây dựng công trình giao thông”, ông Dũng nói.
Giá thành đường bêtông ximăng đúng chuẩn cao gấp 1,4 lần đường nhựa
Hiện nay giá ximăng của Việt Nam rẻ, chỉ vào khoảng 50 USD/tấn, trong khi đó nhựa (asphalt) phải nhập với giá 800 USD/tấn. Đặc biệt hiện tại Việt Nam đang thừa ximăng, do đó làm đường bằng bêtông ximăng là hợp lý. Đường bêtông ximăng có thể dùng được 30 năm, trong khi đường bêtông asphalt chỉ dùng được khoảng 6 – 7 năm và tối đa mười năm là hỏng. Do đó, tính về lâu dài, làm đường bằng bêtông ximăng là tốt nhất, vì chi phí duy tu rẻ hơn nhiều. Tuy nhiên, nếu làm đường bêtông ximăng đúng theo tiêu chuẩn quy định thì nó đắt hơn đường làm bằng bêtông asphalt khoảng 1,2 – 1,4 lần.
TS Trần Văn Huynh (nguyên thứ trưởng bộ Xây dựng, chủ tịch hội Vật liệu xây dựng Việt Nam)
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, PGS.TS Tống Trần Tùng, phó chủ tịch hội đồng Khoa học công nghệ (bộ GTVT), lưu ý: “Nói đường bêtông ximăng hiệu quả hơn hay rẻ hơn chỉ với điều kiện tính đầy đủ vòng đời của nó, tức phải 40 – 50 năm mới hỏng. Vì thế, nếu lấy ví dụ tất cả đường bêtông ximăng đã làm ở nước ta thì chưa nói lên điều gì. Thậm chí, dù mới qua 1/4 vòng đời nhưng nhiều đoạn bêtông ximăng trên quốc lộ 1 như đoạn nam cầu Bến Thuỷ, bắc huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), nam cầu Quán Hàu (Quảng Bình) đang hỏng. Đặc biệt là đoạn nam Quán Hàu, có chi phí gấp 2,3 lần chứ không chỉ hơn 20% như dự tính”.
Theo ông Tùng, chỉ tính toán cho loại kết cấu mặt đường bêtông ximăng dạng phân tấm không cốt thép ở một số dự án đã thực hiện ở nước ta cho thấy: giá thành ban đầu đã cao hơn 2 – 2,5 lần so với mặt đường bêtông nhựa. Còn nếu sử dụng bêtông ximăng lưới thép, bêtông ximăng cốt thép liên tục và bề mặt được xử lý theo các phương pháp tiên tiến của thế giới để tăng độ êm thuận và giảm độ ồn, thì giá thành có thể gấp ba và hơn nữa. “Phong trào làm đường giao thông nông thôn bằng bêtông ximăng cũng đang phải trả giá vì kém chất lượng, khi đã hư thì khắc phục rất khó”, ông Tùng khuyến cáo.
“Làm đường bằng bêtông ximăng là xu hướng phát triển của cả thế giới, vấn đề là phải quản lý thật chặt về chất lượng, phải chú trọng kết cấu nền, móng, chứ nếu làm mỗi lớp mặt như đường giao thông nông thôn thì sẽ trả giá đắt”, TS Tùng nhấn mạnh.
Chí Hiếu
Không phù hợp với đô thị hay ngập nước
Theo TS Vũ Xuân Hoà, giám đốc công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Bách khoa (trường đại học Bách khoa TP.HCM), đường làm bằng bêtông ximăng sẽ tốn hơn so với đường bêtông nhựa; đặc biệt không phải đô thị nào cũng có thể làm đường bằng bêtông ximăng thay thế cho bêtông nhựa.
Ông đã từng thiết kế đoạn đường nào làm bằng bêtông ximăng chưa?
Tôi đã từng thiết kế thi công đường bằng bêtông ximăng cho những đường dẫn vào các bãi chôn lấp rác ở khu vực Củ Chi (TP.HCM). Thực tế so sánh độ cứng và độ bền của bêtông ximăng cao hơn bêtông asphalt (bêtông nhựa), nhưng đổi lại chi phí xây dựng ban đầu tốn kém hơn rất nhiều. Mức độ cao hơn thế nào thì phải tuỳ thuộc vào các công trình cụ thể, tuỳ thuộc vào loại bêtông ximăng nào mới tính được con số cụ thể. Do đó, tuỳ tình hình vốn, địa hình, địa mạo của từng nơi, từng đô thị mà quyết định, không nên áp dụng máy móc. Dù sao, bêtông ximăng vẫn có giá thành cao hơn bêtông nhựa.
Ngoài giá thành cao, bêtông ximăng còn nhược điểm gì?
Nhược điểm lớn nhất chính là các khe hở giữa các miếng bêtông ximăng. Khi xe cộ lưu thông thường xuyên bị rung lên khi chạy qua các khe hở kể trên, do đó, đường làm bằng bêtông ximăng sẽ không êm bằng đường làm bằng bêtông nhựa. Còn về độ bám, đường làm bằng bêtông ximăng bám mạnh hơn đường bêtông nhựa, sẽ gây mòn vỏ xe nhanh. Để hạn chế các nhược điểm trên, nếu làm đường bằng bêtông ximăng phải sử dụng công nghệ hiện đại, không thể nhắm mắt làm liều.
Riêng đối với đường làm bêtông ximăng, để bảo đảm tuổi thọ, mặt đường phải được thoát nước thật tốt. Nếu đường thường xuyên bị ngập sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tuổi thọ công trình. Do đó, một đô thị thường xuyên bị ngập thì không nên bỏ một số tiền lớn ra làm đường bằng bêtông ximăng.
Đoàn Quý – Đào Lê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét