16:42 Khoan thư sức dân phải hết lòng! (CL)- Dường như người ta nghĩ tới chuyện thu thuế trước khi nghĩ tới đời sống của những người nộp thuế. Dân không “vi tiên” cũng không “vi bản” nữa rồi! Suy cho cùng thì mọi khó khăn, bất cập của nền kinh tế đều đổ lên đầu dân. Trong mấy năm qua, dân đã phải chịu đựng và trả giá qua nạn lạm phát hai con số. Đành rằng, một phần lạm phát có thể “nhập khẩu” từ suy thoái toàn cầu, nhưng trước hết vẫn là do bản thân nền kinh tế chúng ta. Thu nhập tăng không kịp với giá cả, tiền trong ví tự động bốc hơi. Dân đã chịu đựng, đã gồng mình lên bảo vệ sự ổn định của kinh tế quốc gia. Nhưng sức dân vĩ đại đến đâu cũng có giới hạn. Khoan thư sức dân là kế lâu dài, dân có giàu nước mới mạnh. Khoan thư sức dân là giữ tiềm lực bất biến có thể đối phó với vạn biến khôn lường trong tương lai. Nhưng xem ra người ta đang nghĩ ngược lại. Ai cũng biết, trong tình hình thu nhập - giá cả hiện nay, ngưỡng thu nhập chịu thuế cá nhân bốn triệu đồng/tháng không còn ý nghĩa thực tế nữa. Người dân muốn nộp thuế thì trước hết họ phải sống được cái đã. Nâng ngưỡng thu nhập chịu thuế cho sát với tình hình thực tế là trách nhiệm của người làm chính sách thuế, nhưng lại quá chậm trễ. Năm lần bảy lượt, năm này qua năm khác họp bàn, nghiên cứu, luôn núp một cách bí ẩn dưới cụm từ “có nhiều yếu tố phức tạp”, cuối cùng Bộ Tài chính cũng đưa ra được một cái ngưỡng thu nhập chịu thuế là sáu triệu đồng. Nhưng không phải điều chỉnh ngay năm nay hay năm 2013 mà mãi tới 2014! Sự chậm trễ khó thông cảm nổi. Có thể thấy trước rằng, ngưỡng thu thuế sáu triệu đồng/tháng vào 2014, chắc chắn sẽ không còn phù hợp với tình hình giá cả, ngay cả khi giấc mơ lạm phát một con số được thực hiện. Lý do là ổn định thu thuế thời hạn 5 năm! Sao không nghĩ rằng trong 5 năm ấy, người dân sống như thế nào? Dân luôn đối mặt với giá cả tăng hàng ngày, được điều chỉnh kịp thời theo thị trường, ngay Bộ GTVT cũng biết tăng 5% hàng năm phí bảo trì đường bộ. Vậy mà ngưỡng nộp thuế lại cố định 5 năm! Rõ ràng, người ta nghĩ tới chuyện thu thuế trước khi nghĩ tới đời sống của những người nộp thuế. Dân không “vi tiên” cũng không “vi bản” nữa rồi! Đành rằng, luôn cần tăng thu cho ngân sách, thuế thu nhập cá nhân làm đúng quy luật vì dân sẽ là phương tiện hiệu quả điều chỉnh thu nhập của người giàu. Nhưng thuế luôn phải sát với thu nhập và giá cả, chậm trễ cập nhật làm phá sản mục đính tốt đẹp của thuế. Áp lực cân đối thu chi đang đè nặng trên vai bộ Tài chính, khi tỷ lệ thâm hụt ngân sách đang ở mức cao. Nhưng không thể vì áp lực thuộc về chức năng nhiệm vụ này mà trút hết gánh nặng đó lên vai người dân. Để giảm thâm hụt, có thể giảm chi tiêu công, đầu tư công hay tăng thu ngân sách. Các chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng cách đầu tiên hợp lòng dân, hợp xu thế hơn để tái huy động sức dân (và cả doanh nghiệp – vì thuế thu nhập doanh nghiệp hiện nay của ta cũng đang cao hơn khu vực, thiếu cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư) là tiết kiệm qua đầu tư, để nền kinh tế trở nên hiệu quả. Nếu phải chọn đồng thời các biện pháp thì cũng phải tìm những nguồn thu mới, ưu tiên lựa chọn thành phần dân nào để buộc san sẻ chứ dứt khoát không thể là dân nghèo thông qua các loại thuế, phí đổ đồng đầu người. Một quan điểm cần được thống nhất là cách căn cơ nhất để bảo vệ nguồn thu là phải… nuôi dưỡng nguồn thu. Để việc sửa luật thuyết phục tỏa sáng tinh thần khoan thư sức dân, Bộ Tài chính cần có thêm phương án mới về khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân. Ở kỳ họp thông qua luật này, trên cơ sở lắng nghe ý kiến của cử tri, đại biểu Quốc hội có thể yêu cầu Chính phủ có thêm phương án về sửa Luật thuế thu nhập cá nhân. Chắc chắn, các đại biểu Quốc hội cũng cân nhắc kỹ lưỡng bởi theo Bộ Tài chính, việc sửa Luật thuế thu nhập cá nhân lần này là nhằm mục tiêu ổn định cho 5 năm tới, từ 2014-2018. Có nhiều phương án Quốc hội mới chọn được phương án sửa luật thuế tối ưu, thật sự “khoan thư sức dân”. (Công Luận) PV |
Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét