09:45 Những nguyên nhân đầu tư lãng phí: Thi công quốc lộ 14, tốc độ "rùa"
Nhân dân- Quốc lộ 14 dài 980 km, còn gọi là con đường "huyết mạch"..., từ Đà Nẵng xuyên qua các tỉnh Tây Nguyên đến ngã tư Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, gặp quốc lộ 13. Từ đây, nếu đi thẳng, đến Tây Ninh, rẽ trái về Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, rẽ phải đến cửa khẩu Hoa Lư, sang nước bạn Đường "huyết mạch" thi công ì ạch Cánh lái xe, nhất là xe khách, xe tải đường dài vài năm trở lại đây rất ngán đi qua quốc lộ 14 (QL14), từ Tây Nguyên về TP Hồ Chí Minh. Con đường này bây giờ xuống cấp, bị cày xới, đầy ổ voi, bụi mù, nguy hiểm luôn rình rập người và phương tiện tham gia giao thông. Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14, đoạn qua Bình Phước dài gần 100 km, khởi công năm 2010, mặt đường rộng từ 19 đến 25 m, tổng kinh phí 1.902,9 tỷ đồng, theo hình thức B.O.T. Ba nhà đầu tư, gồm Công ty cổ phần Đức Phú làm chủ đầu tư, đoạn từ Cây Chanh đến cầu 38, dài 33,82 km, tổng mức đầu tư 666,9 tỷ đồng, đã san ủi, có đoạn trải đá răm, đá cấp phối..., nay mặt đường xuống cấp nghiêm trọng, nhưng nhà thầu đã ngừng thi công từ quý IV-2011, thậm chí đòi trả lại dự án, vì thiếu vốn. Đoạn từ cầu 38 đến thị xã Đồng Xoài dài 41,3 km do Công ty cổ phần Đức Thành - Gia Lai làm chủ đầu tư, tổng vốn là 814,2 tỷ đồng, mức độ thi công khá hơn, đắp nền đường đạt 70% khối lượng, đắp móng sỏi đỏ nền đường đạt 60% khối lượng, 25 km trải đá răm và hơn 10 km, đoạn trạm thu phí đã thảm nhựa bê-tông, còn lại công trường nhiều chỗ vẫn ngổn ngang. Khó khăn hơn là đoạn Đồng Xoài - Chơn Thành, do Công ty cổ phần BOT quốc lộ 14 Đồng Xoài - Chơn Thành đầu tư 418,8 tỷ đồng, mặc dù đã đào khuôn nền đường, đắp sỏi đỏ nền đường đạt khoảng 1/3 khối lượng, nhưng từ cuối năm 2011, vì thiếu tiền, cổ đông rút vốn, ngân hàng không cho vay, chưa có giấy chứng nhận đầu tư và hợp đồng kinh tế chính thức, cũng đã ngừng thi công. Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Phước Hồ Văn Hữu, cả ba nhà thầu thi công QL14 khó hoàn thành đúng tiến độ. Nguyên nhân do nhà đầu tư thiếu vốn, nhưng thi công tràn lan suốt toàn tuyến, nhiều vị trí hư hỏng nặng, thiếu các biện pháp an toàn, gây khó khăn cho phương tiện lưu thông, nguy cơ xảy ra tai nạn đối với người tham gia giao thông trên tuyến đường này là rất cao. Giải thích về sự chậm trễ thi công, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đức Thành - Gia Lai Lê Thị Thảo phân tích, ở thời điểm này không nhà đầu tư nào dám mạo hiểm, vì càng làm càng lỗ, cứ nhìn vào giá cả vật tư, nhân công đều tăng khoảng 40 đến 45%, so với năm 2008; giá xăng dầu từ 15 nghìn đồng/lít, thì nay là 21.500 đến 22.900 đồng/lít... Lãi suất ngân hàng khi lập dự toán vay chỉ 10,5%/năm, nay đã xuống nhưng vẫn xấp xỉ 20%/năm, do đó doanh nghiệp vẫn ngại vay. Làm phép tính nhẩm, bà Thảo cho biết, nếu vay 200 tỷ đồng, một năm doanh nghiệp phải trả lãi ngân hàng khoảng 40 tỷ đồng, trong khi tiền phí thu được chỉ khoảng 15 đến 17 tỷ đồng/năm, còn hơn 20 tỷ đồng doanh nghiệp lấy đâu trả ngân hàng? Vì lãi suất ngân hàng quá cao, đến nay, công ty chỉ dám giải ngân 80 tỷ đồng/600 tỷ đồng, số tiền ngân hàng cam kết cho dự án vay. Nhưng thời điểm này, ngân hàng cũng không muốn giải ngân tiếp, do khả năng thu hồi vốn từ phí cầu đường của nhà đầu tư không khả quan như dự toán ban đầu. Trước tình hình đó, tỉnh Bình Phước đã có cuộc họp với các nhà đầu tư dự án BOT quốc lộ 14 và yêu cầu các nhà đầu tư phải tập trung nhân lực, vật lực, máy móc... tiếp tục triển khai công trình. Khi thi công phải tổ chức làm cuốn chiếu, dứt điểm từng km; tránh thi công tràn lan làm hư hỏng mặt đường cũ, cản trở lưu thông trên các tuyến đường này. Theo đó, đến trước ngày 30-5 phải tập trung nối lại mặt đường cũ, sửa chữa đoạn hỏng nặng, bảo đảm an toàn cho người và xe lưu thông thông suốt. Những đoạn đã hạ nền, đắp đất và rải đá dăm, cần nhanh chóng trải bê-tông nhựa.... Về nguồn vốn, dù còn khó khăn, nhưng tỉnh Bình Phước chia sẻ và hỗ trợ các nhà đầu tư, cho mỗi đơn vị vay 50 tỷ đồng, chỉ tính phí 1% và tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư góp vốn để dự án hoạt động. Tỉnh cũng cho phép nhà đầu tư tạm thu hẹp mặt đường so với thiết kế ban đầu, từ 19 đến 25 m xuống còn 12 đến 14 m; tận dụng các cây cầu cũ và trải thảm nhựa mỏng hơn so với thiết kế, gia hạn dự án đến năm 2014 mới hoàn thành, thay vì tháng 3-2013. Đầu tư có trọng điểm thay vì dàn trải Xuất phát từ nhu cầu có hạ tầng tốt để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nguyên và giảm tai nạn giao thông..., tỉnh Bình Phước kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng giao thông, trong đó đầu tư gần 2.000 tỷ đồng (thời điểm năm 2008) để nâng cấp, mở rộng QL 14. Nhưng thực tế khả năng dự án hoàn thành vào năm 2014 là khó, ngoài khó về huy động vốn, thì lạm phát, trượt giá, giá vật liệu, nhiên liệu đều tăng... Nếu tính theo thời giá hiện nay, để hoàn thành, dự án phải có khoảng 4.000 tỷ đồng. Từ đầu năm 2012 đến nay, trên QL 14 đã hai lần kẹt xe nghiêm trọng. Ngày 20-3, đoạn qua ấp 7, xã Đức Liễu (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) chỉ xảy ra một vụ tai nạn giao thông nhưng đã làm hàng nghìn phương tiện kẹt cứng, xếp hàng dài hơn 20 km. Trước đó, ngày 10-1-2012, cũng đoạn qua xã Đức Liễu về thị xã Đồng Xoài, khi một xe công-ten-nơ chết máy giữa cầu PanToong cũng khiến hàng nghìn xe nối đuôi nhau dài gần 20 km và phải mất ba giờ nỗ lực phân luồng giao thông, tuyến đường này mới hoạt động trở lại bình thường. Nhiều lái xe, chủ hàng biết QL 14 xuống cấp, nhiều rủi ro, nhưng vẫn đi đường này, vì khoảng cách từ Buôn Ma Thuột về TP Hồ Chí Minh chỉ 350 km. Nếu đi theo quốc lộ 1, qua ngã Nha Trang dù đường tốt, nhưng dài gần 650 km, vì vậy thời gian, nhiên liệu... sẽ tăng gấp đôi. Trước thực trạng trục đường xương sống, đường huyết mạch của Tây Nguyên - QL 14 đang xuống cấp nghiêm trọng, ý kiến của các nhà kinh tế cho rằng, với số vốn ít ỏi hiện có, Bộ GTVT nên tập trung mở rộng, nâng cấp đoạn đường từ Buôn Ma Thuột đến Chơn Thành, Bình Phước là hiệu quả hơn cả. Điều này vừa phù hợp với tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 về phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, vừa góp phần giải phóng hàng hóa nông sản, trao đổi thương mại cho hàng triệu bà con nông dân, mở ra cơ hội cho phát triển kinh tế, dịch vụ du lịch, nhất là cải thiện giao thông giữa Tây Nguyên - TP Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm... Bên cạnh đó, Chính phủ cần sửa đổi Nghị định 108 theo hướng cởi mở, ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư vào hạ tầng giao thông; sửa đổi Thông tư 90 về thu phí và mức phí đường bộ của Bộ Tài chính để tạo điều kiện cho nhà đầu tư nâng mức phí, bảo đảm các dự án BOT có khả năng thu hồi vốn và có lãi. (Báo Nhân dân) LÊ THẮM |
Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét