Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2012

 15:10
Vẫn đang thăm dò “kho báu 4.000 tấn vàng”

TT - Đây là khẳng định của ông Trần Văn Tiệp - 97 tuổi, người được UBND tỉnh Bình Thuận cấp phép thăm dò kho báu núi Tàu ở xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, Bình Thuận - trước thông tin việc thăm dò đã bị ngưng lại.

Con đường lên đỉnh núi Tàu và một phần diện tích mặt bằng trên đỉnh núi đã được san lấp (ảnh chụp ngày 29-3-2012) - Ảnh: T.P.H.
“Tôi đã ủy quyền cho con cháu tiến hành thăm dò kho báu gần hai tháng nay. Theo giấy phép, đến ngày 10-7-2012 mới hết hạn và tôi bảo đảm việc thăm dò sẽ hoàn thành sớm hơn thời gian cho phép” - ông Tiệp nói.
Chỉ mới san lấp mặt bằng
Trở lại núi Tàu sau gần năm tháng từ khi ông Tiệp được cấp phép thăm dò kho báu 4.000 tấn vàng, không khí trên công trường vẫn khá im lìm. Ngoài con đường dẫn vào từ phía quốc lộ 1A, đối diện Nhà máy nước suối Vĩnh Hảo, đất được san ủi và một số hố nước lớn (do các lần thăm dò trước đây đào bới) được san lấp thì mặt bằng trên đỉnh núi nhiều nơi vẫn còn khá ngổn ngang. Đất đá và những bụi bằng lăng vào mùa hạn đang trụi lá, chưa thấy “tín hiệu” nào của 4.000 tấn vàng như tuyên bố của ông Tiệp.
Anh Trần Phương Hồng - con trai út của ông Tiệp, người được ủy quyền thăm dò kho báu - cho biết do máy cuốc bị gãy cần nên việc san lấp mặt bằng ngưng lại trong một tuần qua và sẽ sớm khắc phục. Theo anh Hồng, thông thường công trường rất vắng vì trong quyết định thăm dò chỉ cho phép đưa tối đa hai máy đào và hai máy ủi lên đỉnh núi.
Một đại diện của Công ty xây dựng Thanh Sơn - đơn vị được thuê thăm dò - nói tiến độ thăm dò vẫn đang nằm trong kế hoạch. Trong vòng một tháng nữa sẽ san lấp xong mặt bằng 2.400m2 trên đỉnh núi và dựng xong nhà tiền chế cho công nhân trú ngụ và để máy móc. “Phần quan trọng nhất là đặt mũi khoan xuống lòng núi (dự kiến là năm mũi theo quyết định của UBND tỉnh Bình Thuận) chỉ mất 10-15 ngày. Lúc đó có thể khẳng định ngay có hay không có kho báu ở núi Tàu” - anh Hồng nói.
Ông Nguyễn Ngọc Hạnh, phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Bình Thuận, cho biết ngày 22-3 đoàn kiểm tra gồm Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, PA25 Công an tỉnh Bình Thuận và Công an H.Tuy Phong đã đến công trường kiểm tra, đúng là việc thăm dò kho báu đang diễn ra chậm chứ không ngưng lại như thông tin trên một số tờ báo mới đây. Theo ông Hạnh, công trình thăm dò kho báu đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận, nên hằng tuần sở đều có báo cáo cho UBND tỉnh. Đồng thời, sở cũng thường xuyên kiểm tra tại hiện trường. Công an H.Tuy Phong cũng cử cán bộ túc trực để xử lý những tình huống nếu có từ núi Tàu.
“Sắp tới, ngày 3-4 sẽ có một đợt kiểm tra nữa. Nếu phát hiện có sai phạm trong thăm dò hoặc hết thời hạn mà chưa thăm dò xong chắc chắn sẽ rút giấy phép. Đây là cơ hội cuối cùng của ông Tiệp” - ông Hạnh khẳng định.
Chỉ xin nhận 10% kho báu
Ông Tiệp từng khẳng định: “Tôi tìm kho báu là vì không muốn một khối tài sản lớn bị quên lãng chứ không phải cho tôi”. Và đến nay, khi đang tiến hành thăm dò, ông cụ 97 tuổi này vẫn khẳng định lại điều đó. Ông Tiệp chia sẻ ông đã dành gần trọn cuộc đời sống chết với kho báu núi Tàu, đổ gần hết tài sản vào đây. Nhưng kho báu là tài sản của đất nước, cá nhân ông chỉ xin nhận một phần nhỏ nếu tìm được.
Theo tâm nguyện của ông, khi tìm được ông sẽ xin Chính phủ cho ông nhận 10% giá trị kho báu, 30% gửi cho Bộ Quốc phòng để trang bị khí tài hiện đại cho quân đội, 50% nộp vào công quỹ nhà nước. Còn 10% sẽ gửi cho tỉnh Bình Thuận xây dựng các công trình phúc lợi, tặng những người đã góp công, kiên trì giúp ông tìm kiếm kho báu trong 20 năm qua.
Ông Tiệp cho biết theo nghị định 96/2009/NĐ-CP, ông chỉ nhận được tối đa 200 triệu đồng từ kho báu tìm được, là mức thưởng tối đa với một kho báu do UBND tỉnh cấp phép thăm dò. Tuy nhiên, ông cho rằng mình đã được cấp phép tìm kho báu nhiều lần, từ năm 1993, trước khi nghị định này có hiệu lực (năm 2009). Vì vậy, ông sẽ kiến nghị lên cấp cao hơn và hiện đã chuẩn bị đầy đủ các thủ tục về pháp lý cũng như đã có nhiều tổ chức, cơ quan hứa ủng hộ ông trong kiến nghị này.
Những dữ liệu trái chiều về kho báu cùng tâm nguyện chia phần kho báu có vẻ hơi sớm của ông Tiệp có thể làm nhiều người phán xét ông đang “đếm cua trong lỗ”. Nhưng theo anh Hồng, cha anh rất minh mẫn, ông đang kiểm soát hoàn toàn việc tìm kiếm kho báu và cũng là người đưa ra các quyết định cuối cùng. Từ ngày bắt đầu thăm dò kho báu đến nay, thỉnh thoảng ông Tiệp lại kêu anh Hồng dùng xe Zeep chở ông từ TP.HCM ra Tuy Phong để thị sát công trường. Khi có quyết định cho phép thăm dò, ông Tiệp chỉ đồng ý chọn những công ty của Bộ Quốc phòng để ký hợp đồng thăm dò nhằm tăng tính an toàn và không muốn thông tin về kho báu bị rò rỉ. Ngay cả người được ủy quyền, ngoài anh Hồng là con ruột thì ông Hoàng Văn Sáu - người được ủy quyền chỉ huy công trường thăm dò - cũng là một trung tá quân đội.
“Tâm nguyện và sự chuẩn bị chu đáo ấy của cha tôi đã giúp con cháu - những người được cha ủy quyền tìm kho báu - có thêm động lực. Chúng tôi sẽ làm hết mình để dù có tìm được kho báu hay không, ông cụ cũng sẽ mãn nguyện trước cơ hội cuối cùng này” - anh Hồng nói.
“Tôi biết rõ kho báu nằm ở đâu!”
Ông Tiệp khẳng định như vậy và nói ông chỉ đưa kho báu lên khi nào cảm thấy được đảm bảo an toàn cho khối tài sản lớn này và cho cả bản thân ông(?). Những chi tiết cụ thể về vị trí kho báu ông nói chưa thể tiết lộ.
Tháng 9-2010, ông Tiệp thuê Công ty cổ phần Thiết bị địa vật lý chế tạo tại Hà Nội đo địa vật lý tại núi Tàu bằng máy đo từ trường và máy đo điện đa cực. Kết quả đo độc lập của hai phương pháp này đều phát hiện một dãy dị thường chạy dọc theo hướng nam - bắc, dài khoảng 200m, ngang 10m ở độ sâu khoảng 50m, với các khối kim loại lớn được xếp rất tập trung. Ngoài ra, còn phát hiện một hầm nhân tạo hình chữ T, nét ngang chữ T dài 32m, nét dọc chữ T dài 36m, rộng 8m và có một khối lượng khoáng sản nằm vừa khít với kích thước hầm. Đây chính là căn cứ để UBND tỉnh Bình Thuận cấp phép thăm dò kho báu trở lại cho ông Tiệp, dựa trên bản đồ 3D thể hiện các chi tiết về dãy dị thường này.
Theo phương án thăm dò, sẽ có năm mũi khoan từ đỉnh núi xuống sâu 50m vào lòng núi, đến độ cao 50m so với mặt nước biển. Dự kiến được tiến hành cuối tháng 4, đầu tháng 5-2012. Anh Trần Phương Hồng cho biết tổng dự toán thăm dò đã lên đến 4,2 tỉ đồng và phương án khai thác cũng đã hoàn tất. Nếu thăm dò cho kết quả có kho báu sẽ đề xuất cho tiến hành khai quật ngay.
NGUYỄN VIỄN SỰ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét