Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2012

18:41
Thu phí hạn chế phương tiện giao thông:
Miền núi “gánh” cho đồng bằng, nông thôn “gánh” cho thành phố?

(VnMedia)Việc hạn chế sử dụng xe cá nhân là đúng nhưng cách đề xuất của Bộ Giao thông không hợp lý. Nếu bộ, ngành nào cũng đua nhau đề xuất Chính phủ thu phí như Bộ Giao thông thì người dân chỉ còn nước nhịn ăn, nhịn mặc, không đi lại, không sản xuất...


Sau khi VnMedia đăng bài “Bộ Giao thông: Không có chuyện phí chồng phí”, nhiều bạn đọc đã gửi mail về tòa soạn phản bác lại ý kiến của Bộ Giao thông vận tải và cho rằng, việc hạn chế xe cá nhân là đúng nhưng đề xuất thu phí của Bộ Giao thông là không hợp lý.

Theo bạn Nguyễn Quang Đạt, Hà Nội: việc hạn chế sử dụng xe cá nhân nhất là ôtô để giảm ùn tắc trong các thành phố lớn là việc cần làm, tuy nhiên cách làm của Bộ Giao thông vận tải đề xuất thì không hợp lý.

Để hạn chế đi lại trên một số tuyến đường thì cần thu phí lưu hành trên các tuyến đường đó, với công nghệ hiện nay thì việc này không quá khó khăn để thực hiện. Trước đây đã có đề xuất mỗi xe phải gắn một thiết bị điện tử để cơ quan chức năng có thể xác định và thống kê số lần phương tiện đó đi lại trên một số tuyến đường nhất định.

Việc thu phí có thể thực hiện theo hình thức trả trước hay sau tùy theo lựa chọn của chủ xe, các thiết bị giám sát có thể xác định được các xe đã vi phạm không đóng phí và cảnh sát giao thông có thể chặn bắt tại các điểm chốt di động.

“Phương án này tuy mất tiền đầu tư ban đầu nhưng sẽ đạt được mục tiêu một cách công bằng. Việc thu phí theo đầu phương tiện sẽ giúp chủ sở hữu xe cân nhắc lưu hành khi ra đường vì thế người dân sẽ bớt đi lại bằng xe cá nhân”, bạn Đạt viết.

“Sao lại không trùng”- bạn đọc Trần Trọng Tuấn, Hà Nội đã phải thốt lên như vậy trước ý kiến của Bộ Giao thông vận tải cho rằng việc thu hai loại phí Bảo trì đường bộ và phí hạn chế phương tiện cá nhân là không chồng phí.

Theo bạn Tuấn, nếu lí giải việc phương tiện tham gia giao thông cá nhân là nguyên nhân gây ùn tắc thì thực ra việc gây ùn tắc chỉ xảy ra trong các thành phố (mà nguyên nhân cơ bản là do quản lí và qui hoạch yếu kém) vậy tại sao lại thu phí toàn quốc, liệu nông thôn có gánh phí giúp thành phố, miền núi gánh giúp đồng bằng?.

Theo bạn Tuấn, đã thu phí để hạn chế ùn tắc giao thông vậy tại sao Bộ Giao thông lại thu cả phí vào trong nội đô mà mục đích cũng chỉ là giảm ùn tắc, như vậy phí có chồng phí không?.

Bạn đọc Ngô Cường, Bắc Giang cho rằng: đóng góp của người tham gia giao thông đối với việc xây dựng, tu sửa, quản lý...các công trình giao thông là đúng nhưng thật vô lý với mức thu như vậy.

Theo bạn Cường, nếu bộ, ngành nào cũng đua nhau đề xuất Chính phủ thu phí như Bộ Giao thông vận tải thì người dân chỉ còn nước nhịn ăn, nhịn mặc, không đi, không sản xuất,...

“Tôi nghĩ nhiệm vụ của Bộ GTVT là lo cho người dân được đi lại ngày càng thuận lợi và ngày càng tốt hơn, chứ không nên làm cho người dân ngày càng phải tốn kém hơn, đi lại ngày càng khó khăn hơn (kiểu thu này thì tốt nhất là đi xe đạp và đi bộ)’, bạn Cường thẳng thắn. 
Bạn đọc Nguyễn Bảo Tuấn, Hà Nội thì viết rằng, tôi cực lực phản đối việc Bộ Giao thông vận tải đề xuất quá nhiều phí thu trên đầu xe ôtô. Việc này không khác xa với việc bóc lột người chủ phương tiện ô tô để lấy tiền xây cơ sở hạ tầng. Đề nghị Bộ trưởng Thăng tỉnh táo xem lại những đề xuất của mình để khỏi làm mất lòng tin của nhân dân.

Bản thân tôi rất bất bình với đề nghị này, tôi đã cố dành dụm để mua được một chiếc xe ô tô xoàng để đi nhưng để đóng thêm 20 triệu/năm để có quyền lăn bánh thì là cả một sự vô lý và vượt quá khả năng của tôi và nhiều người đã "chót" có xe ô tô khác nữa.

Bạn Base, Huế thì cho rằng, theo lý giải của Bộ Giao thông việc thu phí là để hạn chế  phương tiện cá nhân và khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng; giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông tại các thành phố, đồng thời tạo nguồn chi đầu tư nâng cao năng lực của hạ tầng giao thông đường bộ và đầu tư cho các công trình đảm bảo an toàn giao thông …

Tuy nhiên, nếu vì mục đích này thì sao Bộ Giao thông không cụ thể theo số km lưu hành vì người dân muốn có 1 chiếc ô tô để dùng vào những lúc cần thiết, vì thế có khi cả tháng trời họ mới dùng vài lần nhưng nếu cứ thu 20--50 triệu /năm có quá bất công không?.

“Phải có quy hoạch đồng bộ, không thể đưa ra các giải pháp tùy tiện được” – đó là quan điểm của bạn Đỗ Duy Anh, Hà Nội.

Theo bạn Anh, tắc đường đang là nỗi khiếp sợ của người dân, nó cản trở sự phát triển của một quốc gia. Đúng như vậy, Chính phủ lo lắng, người dân cũng lo lắng nhưng để giải quyết vấn đề tắc đường mà chúng ta đưa ra các giải pháp thu phí, thuế cao nhằm vào các phương tiện nhằm hạn chế phương tiện giao thông thì không phải là biện pháp hữu hiệu và lâu dài mà thể hiện sự bất lực của các cơ quan quản lý.

Giao thông là cơ sở đánh giá sự phát triển của một quốc gia. Qua đó cũng nói lên năng lực của hệ thống quản lý. Các chính sách phí và lệ phí giao thông đường bộ đang trình Chính phủ có thể nhận thấy rất nhiều bất cập và không khả thi như: Thiếu đồng bộ, không có tính xuyên suốt; Gây khó khăn cho nhân dân trong thời buổi kinh tế đi xuống, lạm phát tăng cao; Không công bằng với xã hội (tính bổ đầu phương tiện, người đi ít đóng nhiều, người đi nhiều đóng ít, người không sử dụng xe vì đang hỏng cũng phải đóng); Triệt tiêu động lực phát triển của quốc gia; Đi ngược với kim chỉ nam của Đảng: “Xây dựng một đất nước to hơn đẹp hơn, do dân , của dân, vì dân”…

Từ những kiến giải trên, bạn Duy Anh cho rằng, để giải quyết tận gốc nạn tắc đường như hiện nay, phải tiến hành đồng bộ các giải pháp như sau: Biện pháp trước mắt: Gộp chung phí hạn chế phương tiện giao thông và phí bảo trì đường bộ là một và tiến hành thu qua phí xăng dầu.

Biện pháp lâu dài: Quỹ đất thành phố hiện nay còn nhiều, các dự án và khu đô thị mới và đang xây dựng chỉ phục vụ cho quyền lợi của một số cá nhân. Vì vậy hãy lấy quỹ đất này dùng để đền bù cho việc mở đường các khu đông dân cư như Văn Chương, Khâm Thiên, Định Công và các khu phố nhỏ…

Khi mở đường (ngoài phần đường đã mở rộng) hãy mở rộng thêm hai bên từ 20 – 50 m tùy theo loại đường. Phần mở thêm này có thể xây dựng nhà liền kề bán đấu giá lấy chi phí thanh toán cho việc giải phóng mặt bằng.

Việc làm trên sẽ dẫn đến lợi ích: Giao thông thông thoáng, xóa bỏ được khu ổ chuột trong nội đô thành phố; Xây dựng được bộ mặt Thủ đô hiện đại và sang trọng; Khẩn trương mở rộng hệ thống đường vành đai 1,2 và đường xuyên nội thị; Khẩn trương xây dựng hệ thống giao thông công cộng, chủ yếu là hệ thống tàu điện ngầm, tàu điện trên cao đáp ứng nhu cầu đi lại của dân. Nếu việc xây dựng hệ thống tàu điện chúng ta chưa đáp ứng được có thể kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài tham gia; Di chuyển các bến xe, các trường đại học, trung cấp, cao đẳng, ký túc xá ra ngoại vi thành phố.
Tùng Nguyễn (Tựa đề của Thương Giang)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét