Điểm mặt những cao ốc mọc lên trên đất
nhà máy, xí nghiệp sau di dời
Cập nhật lúc 08:32
Mặc dù được định hướng ưu tiên xây trường học và công viên,
nhưng thực tế hàng loạt khu đất nhà máy, cơ sở xí nghiệp sau di dời ra khỏi
nội đô Hà Nội lại mọc lên cao ốc, gây sức ép cho hạ tầng.
Nhà máy di dời, cao ốc "mọc như nấm"
Hà Nội từ lâu đã có chủ trương di dời các khu công nghiệp, điểm công nghiệp
ra ngoại thành để khai thác tốt hơn hiệu quả sử dụng đất và nâng cao chất
lượng sống của người dân. Việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời được ưu tiên để
xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công
trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị… hạn chế xây chung cư.
Năm 2015, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định lập Ban chỉ đạo công tác di
dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch
xây dựng đô thị. Tuy nhiên, từ đó đến nay, tiến độ thực hiện di dời các nhà
máy diễn ra ì ạch, nhiều khu đất sau di dời lại trở thành những dự án khu đô
thị, khu chung cư cao tầng xây dựng hoành tráng.
Ghi nhận của Dân trí tại khu vực trung tâm quận Thanh Xuân - từng được coi là
thủ phủ của các cơ sở sản xuất công nghiệp nhẹ của Hà Nội đang có nhiều chung
cư cao tầng xây dựng trên đất công nghiệp sau di dời nhà máy. Việc xây dựng
dồn dập cao ốc trên cùng một khu vực gây hệ lụy nặng nề lên hạ tầng và môi
trường.
Đường Nguyễn Tuân dài khoảng 1 km nhưng
có tới hàng chục dự án nhà ở, văn phòng được xây dựng trên đất nhà máy sau di
dời (Ảnh: Hà Phong).
Điển
hình, tuyến đường Nguyễn Tuân (Thanh Xuân, Hà Nội) dài khoảng 1 km và chiều
ngang chỉ bằng 2 xe ô tô tránh nhau nhưng đang tồn tại khoảng 20 tòa nhà
chung cư, văn phòng cao tầng hiện hữu. Điều đáng nói, quỹ đất xây dựng chung
cư dọc đường Nguyễn Tuân chủ yếu xuất phát từ các nhà máy cũ.
Có thể kể đến dự án Thống Nhất Complex với tổ hợp nhà liền kề, trung tâm
thương mại và căn hộ trên diện tích gần 18.000 m2 tại số 82 Nguyễn Tuân. Khu
đất này vốn là đất công nghiệp của Công ty TNHH MTV Thống Nhất, tiền thân là
Nhà máy xe đạp Thống Nhất. Năm 2011, Công ty này đã liên doanh với Công ty
TNHH Phát triển Bắc Việt, góp 30% vốn thành lập Công ty TNHH Thống Nhất - Bắc
Việt để thực hiện dự án gồm 2 khối nhà chung cư cao 25 tầng, 552 căn hộ.
Ngay gần đó, tại số 90 Nguyễn Tuân, một dự án gồm 87 nhà thấp tầng và 2 tòa
nhà cao 29 tầng nổi đã được xây dựng. Được biết, khu đất 3,7 ha này trước đây
do một Xí nghiệp xe buýt thuộc Tổng Công ty vận tải Hà Nội (Transerco) quản
lý, sử dụng.
Ban đầu, khu đất này được cho phép thực hiện dự án xây dựng nhà ở cho cán bộ
công nhân viên. Tuy nhiên, tháng 7/2017, UBND TP Hà Nội ký quyết định thu hồi
khu đất này và giao cho Công ty cổ phần Đầu tư đô thị và Khu công nghiệp Sông
Đà 7 để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở.
Khu đất 90 và 82 Nguyễn Tuân từng là nhà
máy, nhưng giờ đã được xây dựng cao ốc (Ảnh: Hà Phong).
Cũng
nằm ngay trên trục đường Nguyễn Tuân, trên khu đất 2,2 ha sau khi bị thu hồi
Công ty cổ phần Dệt Mùa Đông đã được giao lại cho Công ty cổ phần bất động
sản Mùa Đông - VID, một công ty do chính Công ty dệt Mùa Đông sáng lập, để
thực hiện dự án xây dựng Tổ hợp văn phòng dịch vụ thương mại và nhà ở cao
tầng (TNR GoldSeason - 47 Nguyễn Tuân) gồm 4 tòa cao từ 27 đến 35 tầng với
hơn 1.500 căn hộ.
Bên cạnh đó, nhiều dự án lớn như Imperia Garden (hơn 1.600 căn hộ), Việt Đức
Complex (700 căn hộ), Thống Nhất Complex (552 căn hộ), The Legend (460 căn
hộ)... cũng được xây dựng trên đất nhà máy dọc trục đường Nguyễn Tuân này.
Cao ốc mọc dày đặc tại khu vực quận
Thanh Xuân (Ảnh: Hà Phong).
Tương
tự, tại Cầu Giấy, khu đất Nhà máy bánh kẹo Tràng An (số 1 Phùng Chí Kiên)
rộng khoảng 2,6 ha là đất của Nhà máy bánh kẹo Tràng An, nhưng đã được Công
ty cổ phần Đầu tư Dầu khí Toàn Cầu - GP Invest hợp tác với chủ đất để di
chuyển nhà máy bánh kẹo đến một khu đất ở Quốc Oai tiếp tục sản xuất. Còn khu
đất tại số 1 Phùng Chí Kiên đã được chuyển đổi mục đích sử dụng sang làm dự
án tổ hợp chung cư cao cấp, thương mại, văn phòng Tràng An Complex. Dự án gồm
2 tòa chung cư cao 23 - 29 tầng, 1 tòa thương mại 14 tầng, 11 căn Villas, 20
căn liền kề và khu trường học rộng 3.376 m2…
Hay trường hợp Nhà máy cơ khí 120 ở địa chỉ 609 Trương Định (quận Hoàng Mai)
sau khi di dời thành tòa nhà Nam Đô Complex với 2 tòa chung cư 25 - 28 tầng
và 1 tòa nhà hỗn hợp 14 tầng. Còn khu đô thị New Horizon City (Hoàng Mai) với
4 tòa chung cư 17 - 30 tầng cũng được hình thành trên diện tích đất của Công
ty sản xuất kinh doanh dịch vụ việt Hà trước đây.
Tòa nhà Nam Đô Complex 609 Trương Định
đã được đưa vào sử dụng từ nhiều năm nay (Ảnh: Hà Phong).
Bên
cạnh những khu đất công nghiệp di dời thành cao ốc, nhiều doanh nghiệp trong
kế hoạch di dời của mình cũng tính toán chuyển đổi khu đất đang có trong nội
đô thành cao ốc.
Đơn cử, Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông bị cháy vào tháng
8/2018, doanh nghiệp này muốn bổ sung hoạt động kinh doanh bất động sản,
quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê và tư vấn, môi
giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất. Doanh nghiệp này cũng
2 lần có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội cho phép lập quy hoạch chi tiết tỉ lệ
1/500, điều chỉnh mục đích sử dụng khu đất 87 - 89 Hạ Đình để làm dự án bất
động sản.
Hay, nhiều lo ngại được người dân đặt ra khi khu vực nhà máy thuốc lá - cao
su - xà phòng trên đường Nguyễn Trãi sẽ được xây dựng các dự án bất động sản,
có cả chung cư cao tầng.
Gánh nặng cho hạ tầng
Trong hơn 10 năm qua, Hà Nội đã dành nhiều nguồn lực lớn đầu tư phát triển
kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là các tuyến đường vành đai, đường hướng
tâm và đường trục chính đô thị. Cùng với đó, Trung ương cũng quan tâm đầu tư
nhiều dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn Thủ đô như đường vành đai 3
trên cao, cầu Nhật Tân, cầu Thanh Trì, tuyến đường nối từ cầu Nhật Tân đến
sân bay Nội Bài…
Những công trình lớn trên đã từng bước thay đổi diện mạo Thủ đô, cải thiện
tình trạng giao thông. Nhưng hệ thống giao thông trên địa bàn thành phố chưa
đáp ứng được lưu lượng phương tiện, thiếu đồng bộ, diện tích dành cho giao
thông tĩnh không đảm bảo dẫn tới tình trạng ùn tắc, thiếu hạ tầng giao thông,
ô nhiễm môi trường.
Đặc biệt, quy hoạch đô thị tại TP Hà Nội đang ngày càng bộc lộ những bất cập,
thiếu đồng bộ giữa việc phát triển khu đô thị và hạ tầng giao thông. Thực
trạng dễ thấy nhất là nhiều tuyến đường đang bị "bóp nghẹt" bởi
hàng loạt chung cư đang trực tiếp gây nên sự quá tải về hạ tầng, với các hiện
tượng ùn tắc giao thông, môi trường ô nhiễm…
Giao thông thường xuyên ùn tắc trên các
tuyến đường có nhiều cao ốc (Ảnh: Hà Phong).
Trên
nhiều tuyến đường tại quận Thanh Xuân, Cầu Giấy như Hoàng Minh Giám, Hoàng
Đạo Thúy, Lê Văn Lương, Nguyễn Tuân, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Trãi… luôn xuất
hiện tình trạng ùn tắc giao thông. Vào những khung giờ cao điểm thường ngày,
các phương tiện tham gia giao thông phải "chôn chân" hàng chục phút
trên đường.
Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia giao thông TS. Nguyễn Xuân Thủy cho biết,
Hà Nội thời gian qua có rất nhiều mảnh "đất vàng" biến thành chung
cư, tòa nhà cao tầng không được kiểm soát chặt chẽ. Thủ tướng Chính phủ nhiều
lần nhấn mạnh, nơi nào hạ tầng tốt mới cho xây nhà cao tầng, nhưng lòng đường
Nguyễn Tuân quá nhỏ hẹp, không phát triển các mạng lưới giao thông công cộng
được mà vẫn cho xây nhà cao tầng nhiều như vậy phải kiểm soát lại lỗi từ quy
hoạch.
Còn theo KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, ở
góc độ doanh nghiệp thì chủ đầu tư nào cũng muốn xây nhà cao tầng để có cơ
hội gia tăng lợi nhuận. Trong khi đó, thực trạng điều chỉnh quy hoạch còn tùy
tiện, để lại hậu quả lớn về hạ tầng xã hội: Giao thông thì tắc đường, mở thêm
đường vẫn tắc vì dân số quá đông, với gần 10 triệu người ở Hà Nội, lượng
phương tiện gia tăng nhanh.
Trong khi đó, hệ thống giao thông công cộng không phát triển kịp, tắc đường
là khó tránh. Mặt khác, quy hoạch lỗi còn gây ra tình trạng thiếu trường học,
lớp đông; chất lượng y tế chăm sóc sức khỏe người dân kém; ô nhiễm môi trường
gia tăng, khó khắc phục...
(Theo Dân Trí) Hà Phong
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét