Thứ Tư, 8 tháng 6, 2022

Lò tham nhũng cháy rực

 

Bắt cựu  Chủ tịch TP Hà Nội Chu Ngọc Anh và cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long

Cập nhật lúc 07:39            

 * Ông Chu Ngọc Anh bị khởi tố, tạm giam với cáo buộc có sai phạm về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, liên quan vụ án Việt Á.

Lệnh khởi tố, tạm giam cựu chủ tịch Hà Nội về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, theo Điều 219 Bộ luật Hình sự, được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) thực thi ngày 7/6.

Gần ba tiếng trước khi bắt, ông Chu Ngọc Anh bị HĐND TP Hà Nội bãi nhiệm chức danh Chủ tịch UBND thành phố. Hôm qua, ông đã bị khai trừ khỏi Đảng.

Cùng tội danh với ông Chu Ngọc Anh, C03 khởi tố, bắt tạm giam ông Phạm Công Tạc, cựu Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ.

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an, cho hay ông Chu Ngọc Anh (khi làm Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ) và ông Phạm Công Tạc bị cáo buộc "vi phạm quy định của pháp luật trong việc giao, quản lý, sử dụng Đề tài khoa học và công nghệ cấp quốc gia về nghiên cứu, chế tạo kit xét nghiệm Covid-19". Hành vi này gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước.

Ông Chu Ngọc Anh 57 tuổi, quê ở Ba Vì, Hà Nội. Ông từng làm Bí thư Tỉnh uỷ Phú Thọ, thứ trưởng Khoa học và Công nghệ, rồi làm Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ từ tháng 4/2016 đến tháng 9/2020. Tháng 9/2020, ông làm Chủ tịch UBND Hà Nội, một tháng sau khi người tiền nhiệm là ông Nguyễn Đức Chung bị bắt trong ba vụ án.

Ông Phạm Công Tạc 60 tuổi, quê Nam Định, được bổ nhiệm Thứ trưởng từ tháng 8/2014, trước đó là Chánh văn phòng Bộ. Hôm qua, ông bị Thủ tướng ra quyết định buộc thôi việc.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho hay đang mở rộng vụ án; rà soát, kê biên, phong tỏa tài sản các bị can để đảm bảo triệt để thu hồi cho Nhà nước.


Cựu Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh. Ảnh: Ngọc Thành

6 tháng qua, từ khi vụ án Việt Á bị phanh phui, C03 và công an các địa phương đã khởi tố gần 60 người. Trong đó có ba lãnh đạo cấp vụ của Bộ Y tế và Bộ Khoa học và Công nghệ; 11 giám đốc cùng nhiều cán bộ của CDC, Sở Y tế các tỉnh. Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng cũng khởi tố một vụ án khác, bắt hai sĩ quan.

Kết quả điều tra ban đầu xác định, nhằm thu lợi bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào, xác định giá bán là 470.000 đồng/kit.

Trong doanh thu khoảng 4.000 tỷ đồng, Việt Á chi "hoa hồng" lót tay cho các đơn vị, cá nhân gần 800 tỷ đồng.

Bộ Chính trị triệu tập hội nghị Trung ương bất thường lúc 16h30 chiều 7/6, theo Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương.

 * Khoảng 9 tiếng sau khi bị cách chức và bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội, cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long bị khởi tố, tạm giam.

Chiều 7/6, ông Long bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) tống đạt quyết định truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo Điều 356 Bộ luật Hình sự. Nhà riêng trên đường Hoàng Hoa Thám bị khám xét.

Sáng cùng ngày, Quốc hội đã bãi nhiệm tư cách đại biểu khóa XV, phê chuẩn cách chức Bộ trưởng Y tế với ông Long. Một ngày trước, trong cuộc họp bất thường của Ban Chấp hành Trung ương, ông bị khai trừ khỏi Đảng.

Cựu bộ trưởng Y tế 56 tuổi bị cáo buộc "lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định của pháp luật trong việc cấp số đăng ký lưu hành, hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương Kit xét nghiệm Covid-19". Hành vi này gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước.

Hiện, ông Long là người giữ chức vụ cao nhất tại Bộ Y tế bị xử lý do liên quan vụ Việt Á. Cuối tháng 12/2021, hai cựu vụ trưởng Nguyễn Nam Liên (Vụ Kế hoạch Tài chính) và Nguyễn Minh Tuấn (Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế) đã bị khởi tố.

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh thông tin về lý do Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội và phê chuẩn đề nghị cách chức bộ trưởng với ông Nguyễn Thanh Long, sáng 7/6.   

Ông làm Thứ trưởng Y tế từ tháng 12/2011, tháng 10/2018 được điều động giữ cương vị Phó ban Tuyên giáo Trung ương. Từ tháng 1/2020, ông trở lại làm Thứ trưởng Y tế và là Bộ trưởng từ tháng 11/2020, khi Covid-19 bùng phát. Thời điểm này, Bộ Y tế đảm đương nhiều công việc từ điều phối lực lượng để điều trị và chi viện các địa phương; tham gia hoạch định các quyết sách chống dịch đến đàm phán nguồn cung vaccine từ nước ngoài...

Hơn 10 ngày trước khi ông Long bị bắt, ông Nguyễn Huỳnh, thư ký của ông Long thời kỳ làm Thứ trưởng Y tế, bị C03 khởi tố, tạm giam với cáo buộc Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Lúc bị bắt hôm 25/5, ông Huỳnh giữ chức Phó phòng Quản lý giá, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế.

Bộ Công an cho rằng ông Huỳnh lợi dụng vị trí thư ký lãnh đạo để "giới thiệu, can thiệp và tác động" đến Vụ trưởng Nguyễn Minh Tuấn trong việc Bộ Y tế tiếp nhận, thẩm định hồ sơ xin cấp Số đăng ký lưu hành kit xét nghiệm Covid-19 cho Công ty Việt Á. Vì thế, hồ sơ của Việt Á được cấp trái quy định.


Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long tại phiên họp tổ ở Quốc hội, ngày 26/5. Ảnh:Hoàng Phong

 Năm 2020, khi Covid-19 bùng phát, Bộ Khoa học và Công nghệ, Học viện Quân Y nghiên cứu kit xét nghiệm với sự tham gia của Công ty Việt Á ngay từ những ngày đầu để kịp chuyển giao công nghệ, đưa vào sản xuất, phục vụ phòng chống dịch. Tuy nhiên, C03 xác định, Tổng giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt đã lợi dụng tính cấp bách của dịch bệnh để rao bán kit test cho các tỉnh, thành, nhằm thu lợi bất chính.

Tháng 12/2021, vụ án nâng khống giá tại Việt Á được điều tra. 6 tháng qua, Sở Y tế, CDC và bệnh viện của 16 tỉnh, thành đã bị cơ quan điều tra cáo buộc có liên quan sai phạm này.

Trong doanh thu khoảng 4.000 tỷ đồng, Việt Á chi "hoa hồng" lót tay cho các đơn vị, cá nhân gần 800 tỷ đồng.

(Theo VnExpress) Phạm Dự

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét