Nguy cơ lạm phát năm 2022 vượt mức 4% Cập nhật lúc 15:58
Hàng loạt hàng hóa tăng giá, nhất là mặt hàng thiết yếu, quan trọng của nền kinh tế như xăng dầu đã khiến nguy cơ lạm phát tăng cao. Tăng nguồn cung hàng hóa, giảm một số loại thuế để giảm giá đầu vào sản xuất là giải pháp được cho là cần ưu tiên hàng đầu.Áp lực lạm phát đang rất lớnTrước những
ảnh hưởng đến từ lạm phát chuỗi cung ứng; giá nguyên, nhiên vật liệu thế giới
tăng cao và tổng cầu trong nước tăng đột biến, nhiều chuyên gia dự báo lạm
phát năm 2022 của Việt Nam sẽ cao hơn mức 4% Quốc hội đặt ra. Theo ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng
cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), có 3 nhóm yếu tố chính
gây áp lực lên lạm phát đối với nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Áp lực lạm phát đang rất lớn (Ảnh minh họa: KT) Thứ nhất, lạm phát chuỗi cung ứng, đây
là nhóm yếu tố tạo áp lực lớn nhất đến lạm phát của nền kinh tế trong thời
gian tới. Bởi kinh tế nước ta có độ mở lớn, sản xuất phụ thuộc nhiều vào
nguyên, vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ 37% chi phí nguyên, vật
liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên, vật liệu của toàn nền kinh tế; tỷ
lệ này trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (ngành có vai trò là động
lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế) chiếm 50,98%. Thứ hai, giá
nguyên, nhiên vật liệu tăng cao. Theo ông Lâm, xăng dầu là mặt hàng chiến
lược, quan trọng, chiếm 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn bộ nền
kinh tế, chiếm 1,5% trong tổng chi tiêu dùng của hộ gia đình. Khi giá xăng
dầu trong nước tăng 10% sẽ làm cho lạm phát tăng 0,36%. Đặc biệt, xăng dầu
sản xuất trong nước chỉ chiếm từ 70 - 75% tổng nguồn cung xăng dầu cả nước;
sản xuất xăng dầu trong nước phụ thuộc khá lớn vào nhập khẩu dầu thô, biến
động giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào biến động giá xăng dầu thế giới. “Với kinh tế
Việt Nam, xăng dầu có tác động sâu, rộng tới các ngành và lĩnh vực, dự báo
trong năm 2022 giá xăng dầu tăng và đứng ở mức cao sẽ gây nên áp lực lạm phát
và tạo mặt bằng giá mới cao hơn của nền kinh tế”, ông Nguyễn Bích Lâm cho hay. Ngoài ra,
giá nguyên vật liệu, kim loại công nghiệp, phân bón, thức ăn chăn nuôi, giá
lương thực thế giới tăng cao, vượt dự báo của nhiều tổ chức tài chính và kinh
doanh hàng hóa quốc tế. Trong khi đó, kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, sản xuất
trong nước phụ thuộc nhiều vào nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu. “Kinh tế
Việt Nam có đặc điểm, khi giá nguyên, vật liệu tăng 1% thì giá sản phẩm đầu
ra tăng 2,06%, đồng nghĩa với gia tăng lạm phát của nền kinh tế, do đó rủi ro
nhập khẩu lạm phát là không thể tránh khỏi trong bối cảnh các nền kinh tế là
đối tác thương mại lớn, quan trọng hàng đầu của Việt Nam như: Mỹ, EU, Hàn
Quốc... đều dự báo lạm phát ở mức đáng lo ngại”, ông Nguyễn Bích Lâm nhấn
mạnh. Thứ ba, tổng
cầu tăng đột biến trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng. Chính phủ đang chỉ
đạo khẩn trương triển khai thực hiện trong hai năm 2022 - 2023 Chương trình
Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô 350.000 tỷ đồng, cùng với
các gói hỗ trợ của năm 2021 đang thẩm thấu vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế
sẽ làm cho tổng cầu tăng đột biến, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng
mạnh sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch là áp lực lớn lên lạm phát
trong năm 2022 và 2023. “Lạm phát
của Việt Nam năm 2022 dự kiến trong khoảng 4 - 4,5% và năm 2023, có thể nằm
trong khoảng từ 5-5,5%”, ông Nguyễn Bích Lâm dự báo. Đồng quan
điểm, TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp,
Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia cho rằng, khả năng
"nhập khẩu" lạm phát là hiển nhiên trong bối cảnh tắc nghẽn các
chuỗi cung ứng, giá năng lượng tăng khiến chi phí vận chuyển tăng... Từ giữa
năm đến quý III sẽ là thời điểm căng thẳng của lạm phát vì ảnh hưởng từ lạm
phát chung của thế giới cũng như tính lan tỏa của nó đến kinh tế Việt Nam. "Ngoài
ra, một rủi ro khác là sự lệch pha trong chính sách kích thích kinh tế của
Việt Nam so với xu hướng chung toàn cầu có thể làm giảm hiệu quả tác động của
các chính sách kích thích kinh tế mà Việt Nam đang kỳ vọng", TS. Trần
Toàn Thắng nói. Đề xuất tiếp tục giảm một số loại
thuế, phí Để kiềm chế
đà tăng giá của giá xăng dầu, TS. Trần Toàn Thắng cho rằng, hiện có 4 sắc
thuế đánh vào mặt hàng xăng dầu, Việt Nam mới chỉ giảm 50% thuế suất thuế bảo
vệ môi trường. Do đó, Chính phủ cần nghiên cứu giảm các sắc thuế còn lại như:
thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng như nhiều nước
đã thực hiện. Còn việc trợ giá cho người tiêu dùng là khó, vì chưa có tiền
lệ. Giải pháp tối ưu là giảm thuế nhập khẩu và xem xét giảm phí giao thông
đường bộ bằng việc kéo dài thời gian hoàn vốn đối với các dự án BOT. Chi phí
giao thông giảm sẽ tạo điều kiện cho các hoạt động khác giảm được chi phí,
kéo lùi tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng. Để lạm phát
Việt Nam cả giai đoạn 2021-2025 khoảng 4% - đạt mục tiêu kế hoạch đề ra trong
kiểm soát lạm phát cả thời kỳ kế hoạch 5 năm, TS. Nguyễn Bích Lâm cho rằng,
Chính phủ cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ
tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng thúc đẩy
tổng cung, giảm áp lực lạm phát. Cần đa dạng hóa nguồn cung. Đảm bảo nguồn
cung của từng nhóm nguyên vật liệu của mỗi ngành không phụ thuộc vào một thị
trường, một khu vực. Đặc biệt,
đối với mặt hàng xăng dầu, theo ông Lâm, với cơ cấu hình thành giá bao gồm
44% là thuế, phí nên mặt hàng xăng dầu có nhiều dư địa để giảm giá khi cắt
giảm thuế, phí đánh vào xăng dầu. “Trong giai
đoạn hiện nay, Quốc hội và Chính phủ nên coi việc giảm thuế đánh vào xăng dầu
nhằm kiểm soát giá mặt hàng này không vượt ngưỡng cao để tháo gỡ khó khăn cho
doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cuộc sống của người dân. Đây được xem như
khoản đầu tư và sẽ mang lại hiệu quả tức thì, tạo nguồn thu ổn định cho ngân
sách nhà nước trong tương lai gần”, ông Nguyễn Bích Lâm khuyến nghị. Cũng theo
ông Lâm, chỉ có giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT đối
với xăng dầu mới có thể hạn chế đà tăng giá của mặt hàng này. “Việc giảm
thuế đối với xăng dầu không làm giảm thu ngân sách nhà nước mà chỉ thay đổi
cơ cấu thu. Cụ thể, thu từ các loại thuế đánh vào xăng dầu sụt giảm, nhưng
khi giảm thuế xăng dầu sẽ giữ ổn định sản xuất của nền kinh tế, thu ngân sách
từ thuế sản xuất, thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác
gia tăng sẽ bù đắp và vượt phần hụt thu từ giảm thuế xăng dầu”, ông Nguyễn
Bích Lâm nêu rõ./. Diệp Diệp/VOV.VN |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét