Bệnh viện thiếu thuốc, "đắp chiếu" thiết bị: Không
để tê liệt cả hệ thống y tế
Cập nhật lúc 08:28 Nhiều
bệnh viện trên phạm vi cả nước đang có tình trạng thiếu vật tư y
tế, hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm, đặc biệt là thiếu thuốc men,
thậm chí “đắp chiếu” cả máy móc thiết bị. Nếu cứ để tình trạng này tái diễn
và ngày càng nặng thêm, hệ thống y tế sẽ tê liệt. Đối tượng gánh chịu hậu quả
chính là người bệnh. Vướng
từ trên xuống dưới, cơ chế mua sắm thuốc không thực hiện được Chia sẻ với
phóng viên Lao Động, một giáo sư đầu ngành, lãnh đạo bệnh viện tuyến trung
ương chua xót nói: "Tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế là có
thật. Hiện nay việc mua sắm máy móc, vật tư y tế đang
"tắc" toàn bộ, chúng tôi không thể mua được". Theo chia sẻ
của vị Giáo sư này, thuốc biệt dược đang cực kỳ thiếu, những thuốc thông
thường cũng thiếu. Hiện có 4 cơ chế mua thuốc, thứ nhất là hội đồng đàm phán
cấp quốc gia nhưng hội đồng đàm phán này cũng "tê liệt", hầu như
không đàm phán được. Thứ 2 là Trung tâm mua sắm thuốc tập trung quốc gia cũng
không làm được. "Chúng
tôi làm công văn gửi lên hỏi bao giờ có thuốc và nhận được trả lời là hiện
tại chúng tôi đang cố gắng thực hiện đấu thầu, khi nào có thuốc chúng tôi sẽ
thông báo. Còn bây giờ, đề nghị các bệnh viện làm theo đúng quy định của pháp
luật, tự mua thuốc. Không biết đến bao giờ có thuốc. Vậy thì chúng tôi làm
sao làm được?" - vị này cho hay, cơ chế đấu thầu tập trung cấp địa
phương, cũng không thể làm được. Các bệnh viện thì càng không thể tự mua. Vật
tư y tế cũng tương tự như vậy. Vì vậy nhiều bệnh viện thiếu thuốc, thiếu vật
tư. "Thiếu
gì, muốn mua sắm gì, cũng đều phải "đánh công văn" hỏi Bộ Y tế, vì sợ làm là sai phạm. Mà chờ được
câu trả lời thì cũng mất thời gian. Trong giai đoạn này, chúng tôi không biết
phải làm thế nào. Người bệnh phải gánh" - người đứng đầu một bệnh viện
sản khoa cũng nói. Về vấn đề
này, GS.TS Nguyễn Anh Trí - Đại biểu Quốc hội khóa XV - cho rằng: "Tình
trạng này đã kéo dài 3 đến 4, thậm chí có nơi 6 đến 7 tháng nay. Đến nay,
tình trạng này không có dấu hiệu giảm đi, mà vẫn còn tiếp diễn. Trước kia,
hầu hết những loại thuốc bảo hiểm y tế thanh toán, bệnh viện thì có hóa chất
sinh phẩm để làm xét nghiệm, những thứ mà người bệnh được thụ hưởng thì nay
đã không có nữa. Do tác động
của dịch COVID-19, những quy định của luật pháp về mua sắm, đấu thầu bị tác
động, phá vỡ những quy định thông thường nay không thể áp dụng. Hơn nữa, vừa
qua, ngành y tế xảy ra khá nhiều tiêu cực, chủ yếu ở những người lãnh đạo,
rồi bộ phận quan trọng là thẩm định thầu, vì vậy một số bộ phận thẩm định
thầu bỏ không làm nữa. Thứ nữa, là do các cấp có thẩm quyền như Sở Y tế, Bộ Y
tế đang... vướng, không thể giải quyết những việc đó. Xã hội hóa,
tự chủ bệnh viện là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, tuy nhiên, phải
thừa nhận, trong các quy định của luật pháp có rất nhiều điểm chưa cụ thể,
chưa rõ ràng, cho nên khi làm rất dễ bị vướng. Hoặc cố làm sẽ sai phạm. Về
vấn đề này, tôi cho rằng cần có những sửa đổi để căn cơ, bài bản hơn, thúc
đẩy vấn đề xã hội hóa". Theo ông
Trí, việc mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm, thuốc men như thông thường,
trong các văn bản quy định pháp quy ở giai đoạn trước lúc có dịch COVID-19 về
cơ bản là được, trên thực tế, hàng chục năm qua, các bệnh viện vẫn diễn ra
bình thường. Nhưng vì tác động của dịch, nhiều cuộc mua sắm phải rút gọn, đi
tắt, để kịp thời có sinh phẩm để làm việc. Vì vậy, quy định pháp lý đã không
còn phù hợp nữa. Cần nhanh chóng có giải pháp Giải pháp
trước mắt, theo GS.TS Nguyễn Anh Trí là phải dựa trên tinh thần của Nghị
quyết 30 của Quốc hội, Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 21 của Ủy ban
Thường vụ Quốc hội. Thấy được những bất cập xảy ra trong thời gian dịch dã,
Quốc hội đã kịp thời ra những văn bản đó, làm cơ sở pháp lý, để các cấp quản
lý triển khai mà không vi phạm những điều Luật chưa quy định. Vì chuyện chống
dịch là chưa từng có tiền lệ. Chính phủ, các Bộ, các tỉnh, phải dựa vào những
Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh ngay, để kịp
thời giải quyết. Thực tế,
theo GS Trí, Chính phủ và Bộ Y tế đang rà soát lại các vấn đề liên quan đến
Luật như Luật Khám chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Y học dự phòng, kể cả
về giá, về đấu thầu mua sắm, về quản lý và sử dụng vật tư công... "Tất
cả đều phải được xem xét lại hết. Kể cả các vấn đề về xã hội hóa, về tự chủ
bệnh viện cũng được xem lại và có sự điều chỉnh cho phù hợp" - ông nói. Còn TS
Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế thì cho rằng,
"vấn đề lớn mà ngành y đang lúng túng và người làm rất dễ thành vi phạm,
là đấu thầu trang thiết bị y tế, liên doanh liên kết, xã hội hóa, mượn máy…
Nhiều cơ sở y tế không biết đâu là hành lang pháp lý đầy đủ để an toàn, đâu
là “lằn ranh đỏ” để người ta không thể vượt qua. Do đó, cần phải có văn bản
hướng dẫn như Nghị định Chính phủ cụ thể hóa Luật Tài sản công, Luật Đầu tư
công, Luật Đấu thầu… “Cần có quy định
riêng cho ngành y tế, vì đây là ngành kinh doanh có điều kiện, ảnh hưởng trực
tiếp đến sức khỏe người dân. Điều này sẽ giúp ngành y tế có cơ chế pháp lý
minh bạch, có thể điều chỉnh mọi quan hệ nảy sinh liên quan đến vấn đề này.
Đồng thời cũng tạo ra thể chế để quản lý cũng như bảo vệ các đơn vị tham gia
đấu thầu, nếu không họ sẽ rất lúng túng và hoang mang”, ông Quang cho hay. Về phía Bộ Y
tế, đại diện Cục Quản lý Dược cho biết, đơn vị này sẽ đề xuất, tham mưu lãnh
đạo Bộ Y tế và các đơn vị liên quan để chỉ đạo giải quyết đúng các vướng mắc,
khó khăn trong thực trạng thiếu thuốc, vật tư y tế hiện nay. Trước đó, Cục đã
gửi văn bản hỏa tốc cho các sở y tế và bệnh viện, yêu cầu báo cáo nguyên nhân
thiếu thuốc, song hiện chưa nhận được báo cáo từ địa phương nào. Theo đại
diện này, gần đây Cục Quản lý Dược đã ban hành danh mục gia hạn hơn 6.200
giấy đăng ký lưu hành thuốc. Đây là động thái mới nhất từ Bộ Y tế liên quan
đến vấn đề cung ứng thuốc men, trong bối cảnh nhiều tỉnh, thành thiếu thuốc
điều trị trong danh mục bảo hiểm y tế cho người bệnh, ví dụ thuốc ung thư,
một số vật tư như đinh, nẹp, stent. Tình trạng này diễn ra nhiều tháng nay và
ngày càng căng thẳng, ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh, thậm chí cả
sinh mạng người bệnh, nên rất cần có giải pháp tháo gỡ ngay. Khẩn trương sửa đổi, bổ sung quy
định về đấu thầu mua sắm công Đối với
lĩnh vực tài chính, Quốc hội yêu cầu khẩn trương ban hành đầy đủ các văn bản
để thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa,
tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; sớm phê
duyệt và triển khai đề án huy động nguồn lực cho Chương trình. Bên cạnh
đó cần khẩn trương sửa đổi, bổ sung các quy định về mua sắm tập trung, đấu
thầu mua sắm công, tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công. Tăng cường
thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ quy định của pháp luật
trong mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công, xử lý nghiêm các trường hợp vi
phạm. Cùng với
đó phải rà soát, sửa đổi các quy định về điều kiện chào bán trái phiếu doanh
nghiệp riêng lẻ, điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, các biện
pháp bảo vệ nhà đầu tư, đặc biệt là cá nhà đầu tư nhỏ lẻ, yếu thế và chế tài
xử phạt; thiết lập thị trường giao dịch tập trung đối với trái phiếu doanh
nghiệp riêng lẻ nhằm tăng tính công khai, minh bạch của thị trường. Triển
khai quyết liệt Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài
khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội... “Tập
trung xây dựng, phê duyệt, triển khai các Đề án cơ cấu lại các ngân hàng yếu
kém, đến năm 2025, xử lý cơ bản các ngân hàng, tổ chức tín dụng yếu kém, đặc
biệt không để phát sinh ngân hàng yếu kém mới” - nghị quyết nêu rõ, đồng thời
yêu cầu đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tạo điều kiện cho
các tổ chức tín dụng phát triển các sản phẩm cho vay an toàn, hiệu quả. (Theo
Lao Động) Nhóm PV |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét