Thứ Tư, 22 tháng 6, 2022

Một quy hoạch cần xem xét lại?

 

Nửa chặng đường quy hoạch báo chí và vấn đề “Tôn chỉ mục đích” (3)

 Cập nhật lúc 14:00

 Người làm báo cũng mong muốn Chính phủ thêm vào Nghị định sẽ ban hành các điều khoản động viên các cơ quan báo chí yên tâm tham gia chống tham nhũng, lãng phí.

 (Tiếp theo phần 1, phần 2)

Gần đây dư luận tập trung chú ý và dành sự ủng hộ loạt phóng sự điều tra “Bất thường đường dây nhập siêu xe biếu tặng …” của báo Tienphong.vn.

Vấn đề mà bài viết này muốn đề cập không nằm ở chỗ quá trình điều tra công phu, dữ liệu thu thập có địa chỉ cụ thể, tính thời sự và kinh tế không thể nghi ngờ mà là chuyện lãnh đạo báo Tiền phong đã dũng cảm và dường như đã lường trước sẽ chấp nhận những điều có thể xảy ra liên quan đến “tôn chỉ mục đích” của tờ báo khi cho đăng loạt bài này.

Vậy loạt phóng sự này có phù hợp với “tôn chỉ mục đích” của Tienphong.vn?

Để trả lời câu hỏi này, bạn đọc có thể đối chiếu với tôn chỉ mục đích của báo Tiền phong được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố tại địa chỉ https://mic.gov.vn/solieubaocao/Pages/TinTuc/142418/Ton-chi-muc-dich-cac-co-quan-bao-chi.html [11].

“- Tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chủ trương, định hướng hoạt động của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam cho thế hệ trẻ Việt Nam.

- Định hướng, giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống, văn hóa cho thanh niên, sinh viên và thế hệ trẻ Việt Nam, góp phần phát triển nhân cách toàn diện, đáp ứng yêu cầu xây dựng nguồn nhân lực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

- Cung cấp tri thức, rèn luyện kỹ năng sống, hướng nghiệp; phát hiện và cổ vũ tuổi trẻ Việt Nam hăng hái học tập, lao động, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Phản ánh tâm tư, nguyện vọng và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của đoàn viên và thanh niên”.

Chuyện nhập khẩu, mua bán ôtô là hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, thuộc lĩnh vực kinh tế, thương mại. Việc doanh nghiệp cố tình lách luật, trốn thuế là điều xảy ra hàng ngày khắp nơi trên thế giới và vì vậy đấu tranh chống các hành vi vi phạm này là nhiệm vụ của cơ quan chức năng như Hải quan, quản lý thị trường, cơ quan thuế,…

Loạt bài chuyên sâu về lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu trên Tienphong.vn không hướng về thanh niên, sinh viên, thế hệ trẻ và vì vậy rất khó để nói những gì phóng sự đề cập thuộc về một trong bốn nội dung “tôn chỉ mục đích” mà Tiền phong được ghi trong tôn chỉ mục đích được cơ quan quản lý báo chí công khai.


Ảnh minh họa: Baodantoc.vn

Sau khi loạt bài được đăng, lãnh đạo Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tài chính cùng với cơ quan Thuế, Tổng cục Hải quan đều đã vào cuộc làm rõ.

Cho đến nay, các doanh nghiệp nhập xe biếu - tặng, các cửa hàng bán xe cho người tiêu dùng đều không dám công khai nêu ý kiến phản bác báo Tiền phong, phải chăng một phần vì báo viết đúng và một phần cũng còn là do vị thế của tờ báo?

Nếu giả sử có một doanh nghiệp (to cỡ FLC) nộp đơn kiện, rằng loạt bài đã đăng của báo Tiền phong không phù hợp với “tôn chỉ mục đích” của báo và cơ quan thụ lý đơn kiện lại chính là đơn vị đã xử Báo điện tử Giáo dục Việt Nam thua FLC thì điều gì sẽ xảy ra?

Chống tham nhũng, lãng phí, tự diễn biến, tự chuyển hóa là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, của mọi tổ chức trong hệ thống chính trị. Nếu vì “tôn chỉ mục đích” mà ngại tham gia hay không dám tham gia thì có phải cũng thuộc diện “không làm gì cũng có thể dẫn đến sai phạm”?

Tính đến đầu năm 2021, cả nước có 779 cơ quan báo chí, (142 báo, 612 tạp chí, 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập) và có 41.000 người hoạt động trong lĩnh vực nghiệp vụ này. [12]

Tạp chí - dù là tạp chí khoa học hay tạp chí điện tử - thì các bài đăng cũng mang tính chuyên ngành và vì thế - như khẳng định trên báo Nhandan.vn - “Tính chuyên ngành của tạp chí là yếu tố chi phối nội dung của các sản phẩm báo chí”. [13]

Nói cách khác, các tạp chí bị ràng buộc bởi “tính chuyên ngành” và điều này được thể hiện qua “tôn chỉ mục đích” của tạp chí.

Nếu toàn bộ 612 tạp chí đều bị chi phối bởi “tính chuyên ngành” – tức là nội dung các sản phẩm báo chí phải thuộc về chuyên ngành nào đó - thì chỉ còn 142 tờ báo có quyền cung cấp các sản phẩm báo chí không bị giới hạn bởi “tính chuyên ngành”?.

Số tạp chí đứng trước nguy cơ bị loại trong cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí vì tôn chỉ mục đích lớn gấp hơn 04 lần số cơ quan báo chí còn lại. Điều này mang lại kết quả gì cho nhà quản lý và lợi ích gì với công cuộc phòng chống tham nhũng?

Chắc chắn, nhiều cơ quan tạp chí mong muốn được tham gia chống tham nhũng, tiêu cực như báo Tiền phong nhưng vẫn ngập ngừng phải chăng vì có sự e ngại không đúng “tôn chỉ mục đích”?.

Tháng 10 năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 119/2020/NĐ-CP về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản”.

Tháng 01 năm 2022, Chính phủ ban hành Nghị định 14/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 119/2020/NĐ-CP.

Để theo kịp diễn biến thực tế, nhằm tăng cường tính răn đe của pháp luật, trong Nghị định 14/2022/NĐ-CP các điều khoản xử phạt được quy định chi tiết hơn, mức phạt tăng nặng hơn rất nhiều so với Nghị định 119/2020/NĐ-CP.

Chỉ sau một năm ba tháng Chính phủ đã thay đổi nghị định về quản lý hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản. Trong hoàn cảnh đó người làm báo cũng mong muốn Chính phủ thêm vào Nghị định sẽ ban hành các điều khoản động viên các cơ quan báo chí yên tâm tham gia chống tham nhũng, lãng phí.

Báo Vietnamnet.vn đưa tin:

“Thanh tra Bộ TT&TT đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Tạp chí Môi trường đô thị Việt Nam và Tạp chí điện tử Môi trường và đô thị Việt Nam 48 triệu đồng do đã thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động;

Tháng 10/2021, Tạp chí Tri thức Xanh bị phạt gần 100 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động báo chí in trong 4 tháng. Trong các lý do phạt hành chính có lý do thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí;

Tháng 2/2022, Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội xử phạt vi phạm hành chính Tạp chí điện tử Môi trường xây dựng 100 triệu đồng vì hoạt động sai tôn chỉ, mục đích; đăng tin sai sự thật”.

Kết luận cuối cùng mà Vietnamnet.vn đưa ra là:

“Đây chỉ là ba trong số hàng chục tạp chí bị xử phạt thời gian qua do có vi phạm thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích trong giấy phép hoạt động”. [14]

Theo các Nghị định 119/2020/NĐ-CP và 14/2022/NĐ-CP, loạt phóng sự điều tra của Tiền phong có thể sẽ bị xử lý theo quy định không phù hợp với “tôn chỉ mục đích” đã công bố, nhưng đây là loạt bài đến nay đều được đánh giá cao, minh chứng là các cơ quan chức năng đều vào cuộc để làm rõ nội dung báo phản ánh.

Tuy nhiên, không xử phạt Tiền phong thì phải giải thích thế nào về việc nhiều cơ quan báo chí khác bị cơ quan chức năng trung ương và địa phương xử phạt?

Theo tôn chỉ mục đích của các cơ quan báo chí Trung ương được đăng tải thì khi đọc nội dung nhiều bài báo xuất hiện trên các báo dư luận cũng băn khoăn về việc có đúng tôn chỉ mục đích đã được cấp phép.

Theo thông tin người viết được tiếp cận thì có lẽ đến nay chưa có cơ quan báo Trung ương nào bị phạt vì hoạt động sai tôn chỉ mục đích. Điều này dấy lên nhiều băn khoăn về việc thực hiện các quy định pháp luật có ngoại lệ, có sự phân biệt giữa báo và tạp chí?

Nghị định của Chính phủ được điều chỉnh chỉ sau hơn một năm, vậy nên sau ba năm Quyết định 362 được thực hiện, phải chăng Thủ tướng Chính phủ cũng nên có sự điều chỉnh, bổ sung theo hướng nới lỏng chế tài xử lý với những bài viết, phóng sự chống tham nhũng, lãng phí không nằm trong phạm vi “tôn chỉ mục đích” của cơ quan báo chí, đặc biệt là tạp chí?

Trường hợp Quyết định 362 chưa thể thay đổi, có thể thực hiện biện pháp kỹ thuật là Bộ Thông tin và Truyền thông cho phép các cơ quan báo chí “đăng ký lại” tôn chỉ mục đích theo hướng bổ sung mục “chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tự diễn biến, tự chuyển hóa” vào tôn chỉ mục đích hiện thời.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ có nên xem xét, điều chỉnh Quyết định 362, cho phép một số tổ chức xã hội – nghề nghiệp như Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam,… được phép có cơ quan báo và tạp chí?

Quy luật Phủ định của phủ định là một trong ba quy luật cơ bản của triết học Mác – Lênin, trong quá trình vận động của sự vật, những nhân tố mới xuất hiện sẽ thay thế những nhân tố cũ, sự phủ định biện chứng này đôi khi mang tính cách mạng.

Khi sự vật cũ bị thay thế bởi sự vật mới, những nhân tố tích cực được giữ lại, theo thời gian, sự vật mới này sẽ lại bị phủ định bởi sự vật mới khác. Sự vật mới khác ấy lại được bổ sung những nhân tố mới, bảo tồn những nhân tố tích cực, thích hợp với sự phát triển tiếp tục của nó.

Các quy định đang được Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông địa phương áp dụng khiến không ít cơ quan báo chí, đặc biệt là tạp chí cân nhắc, chọn lựa khi thực hiện bài viết hoặc phân tích, bình luận chống tiêu cực, tham nhũng.

Nói thế để thấy, việc thay đổi Nghị định 119/2020/NĐ-CP bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP là phù hợp quy luật và do đó mở rộng sang với Quyết định 362 là việc nên làm.

Chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, tự diễn biến, tự chuyển hóa là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, của toàn bộ hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam vì vậy sự tham gia của báo hay tạp chí không nên bị hạn chế bởi quy định “tôn chỉ mục đích”.

Hy vọng lãnh đạo Chính phủ và các cơ quan chức năng sẽ sớm xem xét nguyện vọng này của những người làm báo.

Tài liệu tham khảo:

[11]https://mic.gov.vn/solieubaocao/Pages/TinTuc/142418/Ton-chi-muc-dich-cac-co-quan-bao-chi.html

[12]https://www.vietnamplus.vn/infographics-viet-nam-co-779-co-quan-bao-chi-tren-ca-nuoc/687958.vnp

[13] https://nhandan.vn/binh-luan-phe-phan/mot-so-van-de-dat-ra-tu-thuc-te-hoat-dong-cua-tap-chi-dien-tu-trang-thong-tin-dien-tu-tong-hop-ky-1-373250/

[14]https://vietnamnet.vn/de-bao-ra-bao-tap-chi-ra-tap-chi-trang-tin-ra-trang-tin-2011474.html

 (Theo Giáo dục VN) Xuân Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét