Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2022

 

Nhân lực 0.4 - thời đại 4.0

Cập nhật lúc 13:40 

Phần nhiều thời gian đi làm của tôi xoay quanh lĩnh vực phát triển doanh nghiệp, nhưng tôi chưa bao giờ được học về chủ đề này trong trường phổ thông hay đại học.


Tôi chỉ tham dự các khóa đào tạo ngắn hạn, các hội nghị hội thảo, hoặc học qua làm việc. Tôi không nói cách đào tạo nào tốt hơn, nhưng rõ ràng thời gian trung học và đại học đã có thể được tận dụng hiệu quả hơn để đem lại kỹ năng và kiến thức cần thiết cho mọi người.

Một trong các kỹ năng cần cho công việc của tôi là trình bày. Vào cơ quan khoảng một năm tôi mới có dịp trình bày ở một hội thảo quốc tế. Trong khi đợi đến lượt, tôi rất căng thẳng và mất bình tĩnh. Sau đó tôi mới hiểu là do mình chưa bao giờ được học về cách trình bày, chưa được dạy cách kiểm soát tâm lý, cảm xúc.

Tới bây giờ, tôi vẫn chứng kiến một số bạn trẻ làm việc đã lâu nhưng kỹ năng rất hạn chế. Có khá nhiều nghịch lý ở các cặp mệnh đề mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa giáo dục, đào tạo với thực tế làm việc. Ví dụ: khả năng giải các bài toán phương trình, bất đẳng thức (lý thuyết, ít hoặc không có tính ứng dụng) tốt, trong khi khả năng giải các bài toán có lời văn (mô phỏng vấn đề thực) kém hơn; Điểm thi IELTS/TOEFL rất cao nhưng khả năng sử dụng ngoại ngữ trong công việc hạn chế; Chương trình đào tạo toán cao cấp ở phổ thông khá nặng trong khi khả năng áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo rất thấp; Nhiều người học kinh tế, sau này đi làm, giàu lên bằng hoạt động đầu cơ...

Nguồn cơn của những vấn đề này là nhiều người được giáo dục để làm tốt các dạng bài toán đã biết trước, nhưng rất ít người chú trọng kỹ năng, thành thạo việc sử dụng kỹ năng để giải quyết các vấn đề trong đời thực. Không nhiều sinh viên hiểu rằng, thành công sẽ đến với những người nắm rõ: Cái mình thích, Cái mình làm tốt và Cái xã hội cần.

Ở Nhật, thợ kỹ thuật lành nghề bậc cao nhận lương cao hơn và được xã hội coi trọng hơn quản lý doanh nghiệp. Tại Hà Nội, một chàng trai là thế hệ thứ ba của một quán phở nổi tiếng đã dành bảy năm sang Australia chỉ để học hai thứ: ướp thịt và xào thịt. Hai câu chuyện nhỏ gợi ra nhiều suy nghĩ về đào tạo nhân sự.

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều công việc mất đi và nhiều việc mới xuất hiện. Ví dụ, trước đây khó ai hình dung được, là hiện nay một trong những công việc phổ biến nhất, bận rộn nhất, thu nhập tương đối tốt so với những vị trí tương tự, là tài xế giao hàng (shipper). Một trong những doanh nghiệp dẫn đầu về áp dụng mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam đã sử dụng đến 120.000 shipper trên toàn quốc.

Những năm gần đây cũng có sự bùng nổ những người sáng tạo nội dung trên nền tảng số. Đến 2020, Bộ Thông tin Truyền thông cho biết có khoảng 120.000 người Việt Nam đăng ký làm video trên YouTube, trong đó 15.000 kênh thu tiền quảng cáo. Những công việc truyền thống như nhân viên tín dụng, lễ tân, lao động thủ công, có thể bị thay thế bởi robot và tự động hoá. Ngân hàng Thế giới nhận định một số công việc có thể bị sụt giảm đến 70% nhu cầu trong thời gian tới ở Việt Nam.

Khảo sát mới đây của Việc làm tốt và Manpower cũng chỉ ra trên dưới 50-60% lao động muốn đổi việc, theo đó ưu tiên dành cho các công việc có khả năng làm trực tuyến, nơi làm việc linh hoạt, với lương và phúc lợi tốt hơn.

Bức tranh về nhân sự và việc làm đang thay đổi mạnh, cả từ góc độ bên sử dụng lao động lẫn người lao động. Ai làm chủ được kỹ năng và việc sử dụng kỹ năng, người đó sẽ chủ động được công việc của mình trong tương lai.

Apple là tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. Trước 2019, về cơ bản Apple cũng giống nhiều nhà sản xuất khác, sử dụng một con chip do các hãng hàng đầu về chip sản xuất, có tốc độ nhanh (nhiều GHz), có nhiều lõi (core), hiệu suất đa luồng, khả năng tích hợp đồ họa để chơi game độ phân giải cao mượt mà... Sản phẩm sử dụng các chip này trong thực tế có thể được dùng để sản xuất video (vốn đòi hỏi yêu cầu phần cứng cao nhất), xử lý ảnh, xử lý các cơ sở dữ liệu; nhưng phần lớn dùng cho các phần mềm văn phòng, rất nhiều sản phẩm chỉ dùng để soạn thảo văn bản, lướt Internet, xem video hoặc chơi các game không đòi hỏi nhiều về cấu hình máy.

Vấn đề này nghe rất quen, với người làm công tác tuyển dụng.

Nhiều cơ quan, tổ chức muốn tuyển ứng viên tốt nghiệp các trường hàng đầu, IQ cao, nổi trội trong nhiều lĩnh vực, có thể làm được nhiều việc cùng lúc, có khả năng uống rượu bia và giải trí hết mình ngoài giờ làm, chịu được áp lực, làm việc nhóm tốt, dễ thích nghi với môi trường...

Sau khi tuyển dụng, thực tế ứng viên thỉnh thoảng phải làm các công việc đòi hỏi trí tuệ, phân tích, tổng hợp thông tin; nhưng phần nhiều thời gian dành cho công việc văn phòng, có nhiều người chủ yếu soạn thảo văn bản, tìm thông tin qua Internet, thậm chí nhiều việc khác không liên quan gì đến các đòi hỏi khi tuyển dụng. Chưa kể, với nhiều cơ quan ở khu vực công, đòi hỏi công việc cũng rất cao trong khi tiền lương và chế độ phúc lợi dành cho người lao động chỉ bằng một phần so với những gì họ có thể được hưởng ở khu vực tư nhân hay khu vực có yếu tố nước ngoài.

Apple đã làm một việc tốn rất nhiều công sức, ngay cả đối với một hãng công nghệ lớn nhất thế giới, là tự thiết kế chip sử dụng trong các sản phẩm của mình, dựa trên phân tích chi tiết nhu cầu sử dụng thiết bị của khách hàng trong từng mục đích riêng lẻ, trên cơ sở đó cấu trúc các thành phần của chip sao cho hiệu năng thực thi các công việc phổ biến là tốt nhất. Kết quả, chip mới ra đời, nhanh hơn các chip khác trong việc thực thi các công việc phổ biến, tiết kiệm năng lượng hơn, và không kém phần quan trọng, giá thành rẻ hơn nhiều.

Thay vì để bộ phận tuyển dụng đưa ra các yêu cầu chung, công thức, các cơ quan, tổ chức rất cần xác định rõ và công khai được nhu cầu mình: ví dụ, một năm cần làm bao nhiêu công văn, viết bao nhiêu thư điện tử, xử lý bao nhiêu vụ việc, viết bao nhiêu báo cáo, trong những lĩnh vực gì, với đòi hỏi chất lượng như thế nào... Việc này sẽ giúp chọn được đúng người, đủ người. Kết quả là để mỗi cơ quan, tổ chức thực thi được công việc nhanh hơn, sử dụng ít nguồn lực hơn, với ít chi phí hơn.

Từ việc tổ chức sử dụng lao động xác định được các kỹ năng cần thiết, các tổ chức giáo dục và đào tạo cũng sẽ làm tốt hơn việc xây dựng năng lực cơ bản (skilling) cho nguồn nhân lực. Cần phải làm tốt những việc này, trước khi nói đến đào tạo lại, đào tạo nâng cao (reskilling, upskilling) kỹ năng cho nguồn nhân lực phục vụ cho cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

(Theo VnExpress) Nguyễn Hoa Cương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét