Nửa chặng đường quy hoạch báo chí và vấn đề “Tôn chỉ mục đích”
(1)
Cập nhật lúc 08:38 Sau
ba năm, tính từ khi Quyết định 362 ban hành, một vài tờ báo thuộc các tổ chức
xã hội - nghề nghiệp đã yên vị khi được các bộ thuộc Chính phủ tiếp quản. Kỷ niệm 97 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/06/1925 – 21/06/2022) là dịp để những người làm báo và các cơ quan quản lý hoạt động báo chí có dịp tổng kết, xem xét lại những gì đã, đang làm tốt, những gì làm chưa tốt trong việc động viên, phát huy vai trò của báo chí trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, đặc biệt là vai trò của báo chí trong việc biểu dương người tốt, việc tốt, phát hiện các yếu tố tích cực và hoạt động chống tham nhũng, lãng phí tại tất cả các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Đây cũng là khoảng thời gian trải qua nửa chặng đường tính từ
ngày 03/04/2019, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 362/QĐ-TTg phê
duyệt “Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025” (Quyết
định 362). Hai điều được định hướng rõ nét trong phần “Mục tiêu” của
Quyết định 362 là: I/ Sắp xếp lại hệ thống cơ sở báo chí, quy định tổ chức nào
được phép xuất bản báo, tạp chí, tổ chức nào chỉ được phép xuất bản tạp chí;
Xây dựng một số cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện làm nòng cốt, có vai
trò định hướng dư luận xã hội, thông tin đối ngoại,… giống như cấu trúc các
tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong hoạt động kinh tế. II/ Gắn chặt cơ quan báo chí với khái niệm “Tôn chỉ, mục
đích”. Về vấn đề thứ nhất, Quyết định 362 phân chia ba nhóm đối
tượng: - Tổ chức chính trị (Đảng Cộng sản Việt Nam); - Các tổ chức chính trị - xã hội; - Các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp (gọi chung là
tổ chức xã hội-nghề nghiệp); Theo quy định tại điều 9, Hiến pháp 2013 thì Việt Nam có 01 tổ
chức liên minh chính trị đặc biệt và 05 tổ chức chính trị - xã hội: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị,
liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ
chức xã hội và các cá nhân”… 05 tổ chức chính trị - xã hội gồm: Công đoàn Việt Nam, Hội
Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ
Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Các tổ chức không được liệt kê trong Hiến pháp đều không phải
là “tổ chức chính trị - xã hội”. Chỉ Quốc hội mới có quyền thay đổi Hiến pháp
nên không một cơ quan, tổ chức nào có quyền tự bổ sung thêm “tổ chức chính
trị - xã hội” ngoài 05 tổ chức có tên nêu trên. Tất cả các tổ chức còn lại được thuộc nhóm “Tổ chức xã hội -
nghề nghiệp”. Một cách không chính thức, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp
được chia thành hai nhóm: Nhóm thứ nhất gồm 04 tổ chức: - Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; - Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; - Hội Nhà báo Việt Nam; - Hội Nhà văn Việt Nam. Bốn tổ chức này được phép có cơ quan báo và cơ quan tạp chí. Các tổ chức xã hội - nghề nghiệp còn lại không có cơ quan báo,
mỗi tổ chức chỉ có 01 cơ quan tạp chí. Xét về tiêu chí “có cơ quan báo” thì bốn tổ chức nêu trên
thuộc nhóm “tổ chức chính trị - xã hội”, tuy nhiên Hiến pháp 2013 không liệt
kê tên bốn tổ chức này nên có thể đây là ngoại lệ. Hiện tại chưa thể tìm thấy tài liệu nào liệt kê các tiêu chí
cụ thể hoặc giải thích vì sao chỉ có bốn tổ chức xã hội nghề nghiệp nêu trên
được ra báo. Phải chăng có những đánh giá chuyên biệt về uy tín và tầm quan
trọng của bốn tổ chức này trong hệ thống chính trị so với phần còn lại? Những “ngoại lệ” thường thu hút sự chú ý của cộng đồng, có khi
ca ngợi, có khi ngược lại. Báo Tuoitre.vn ngày 09/01/2019 đưa tin lãnh đạo một tổ chức xã
hội - nghề nghiệp vui mừng thông báo: “Nhà nước vẫn nuôi anh em chúng ta!”
bởi vì nếu Nhà nước “tiết kiệm 85 tỷ đồng thì sẽ đẩy 4 vạn văn nghệ sĩ cả
nước đi chạy quảng cáo, xin tài trợ kiếm sống thì thời giờ đâu để trở thành
chiến sĩ giữ vững trận địa văn hóa tư tưởng của đất nước”. Xét về mặt uy tín gần chục năm qua, xin điểm một số thông tin
về một tổ chức “có báo”: “Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ
thuật năm 2016: Vì đâu nên nỗi “lùm xùm”?”. [1] “Hội nhà văn Hà Nội nhận lỗi vụ “đạo thơ” làm khủng hoảng
truyền thông”. [2] “Giải thưởng Hội Nhà văn thành phố (Hồ Chí Minh) 2017 hết lùm
xùm thì đạo thơ”. [3] “Giải thưởng Hội Nhà văn: Có ban phát, “chạy chọt” ”? [4] Thông tin về lùm xùm ở Hội Nhà văn ở các tỉnh, thành phố khác
ngoài Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có lẽ không khó tìm kiếm nên xin không
trích dẫn thêm. Gần đây nhất, ngày 15/06/2022, chuyên mục Góc nhìn báo
Vnexpress.net đăng bài “Nhà văn xin vé”, giải thích lý do các nhà văn phải đi
“xin vé” là để chuẩn bị cho “Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần
thứ X tại Đà Nẵng”, Hội Nhà văn đã gửi công văn tới các tỉnh, thành phố, đề
nghị hỗ trợ mua vé máy bay, vé xe đi lại cho các đại biểu tỉnh, thành dự hội
nghị. Bài báo cũng cho biết: “Mỗi năm, ngân sách nhà nước cấp cho
Hội Nhà văn Việt Nam khoảng 5 tỷ đồng để hoạt động và tổ chức các sự kiện”. Kết quả cuộc “xin vé” của Hội Nhà văn là có một số nơi đồng ý
,“Riêng Lạng Sơn từ chối cấp kinh phí, còn Hà Nội không trả lời dù Hội đã hai
lần gửi công văn”. Bài báo nêu quan điểm của người viết: “Với hơn 500 hội viên Hội Nhà văn trên cả nước, nhưng Việt Nam
tạo ra quá ít nhà văn tên tuổi toàn cầu, quá ít cây bút best-seller, được
quyết định bởi độc giả. Sau hàng trăm năm phát triển, tôi vẫn chỉ thấy nền
văn học xác định Truyện Kiều như một đỉnh cao. Số nhà văn sống được bằng nghề
như Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Nhật Ánh... đếm được trên đầu ngón tay”. Đọc các ý kiến nêu trên, thật khó để cho rằng Hội Nhà văn “uy
tín” hơn các hội khác, xứng đáng “có báo” hơn các hội khác. Xét về quy mô, uy tín các tổ chức hội trong mấy năm gần đây,
phải chăng trong thời gian tới, lãnh đạo Chính phủ nên rà soát lại Quyết định
362 theo hướng mở rộng số tổ chức xã hội – nghề nghiệp được phép ra báo và
tạp chí chứ không chỉ bó hẹp con số 04 tổ chức như hiện nay? Sau ba năm, tính từ khi Quyết định 362 ban hành, một vài tờ
báo thuộc các tổ chức xã hội - nghề nghiệp đã yên vị khi được các bộ thuộc
Chính phủ tiếp quản. Tài liệu tham khảo: [1]https://plo.vn/giai-thuong-hoi-nha-van-tp-2017-het-lum-xum-thi-dao-tho-post469414.html [2]https://danviet.vn/hoi-nha-van-ha-noi-nhan-loi-vu-dao-tho-lam-khung-hoang-truyen-thong-7777635611.htm [3]
https://cand.com.vn/doi-song-van-hoa/Vi-dau-nen-noi-lum-xum-i424094/ [4]https://nld.com.vn/van-nghe/giai-thuong-hoi-nha-van-co-ban-phat-chay-chot-20180109213828471.htm (Theo Giáo dục VN) Xuân Dương |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét