Thứ Hai, 2 tháng 8, 2021

Tội phạm

 

Từ vụ nhà báo rởm bị bắt ở Đắk Nông: Cần làm rõ “tập đoàn truyền thông bẩn”

Cập nhật lúc 08:12                

Một công ty tư nhân mở chi nhánh truyền thông ở các tỉnh ở Tây Nguyên nhưng lại cấp giấy giới thiệu cho nhiều người đi tác nghiệp như phóng viên các báo, tạp chí, truyền hình… để điều tra sai phạm về đất đai và tiếp cận các doanh nghiệp.


Trịnh Phương Nam, Giám đốc CEDC bị bắt cùng với thẻ nhà báo giả (ảnh nhỏ) 

Cấp giấy giới thiệu như cơ quan báo chí

Ngày 1/8, Viện KSND huyện Đắk Mil (Đắk Nông) cho biết, đã phê chuẩn các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trịnh Phương Nam (SN 1988, Giám đốc Cty TNHH MTV Truyền hình Giáo dục và Pháp luật chi nhánh tại tỉnh Đắk Nông (viết tắt CEDC), về tội cưỡng đoạt tài sản. Trước đó, ngày 17/7, Nam bị cơ quan CSĐT Công an huyện Đắk Mil bắt giữ khi có hành vi cưỡng đoạt tài sản của chủ một trang trại chăn nuôi. Kiểm tra trên người và nơi làm việc, công an còn tạm giữ một thẻ nhà báo (nghi làm giả), 3 thẻ cộng tác viên đều mang tên Trịnh Phương Nam.


Giấy giới thiệu của CEDC cấp cho nhiều người

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, ngày 19/4, Sở Kế hoạch và Đầu tư Đắk Nông cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh đối với công ty trên tại địa bàn TP.Gia Nghĩa do Nam làm giám đốc. Sau khi khai trương chi nhánh, công ty này đã cấp “giấy giới thiệu” hoặc “thẻ công tác” cho nhiều người đi tác nghiệp như phóng viên các báo, tạp chí, truyền hình. Trên loại giấy tờ “thẻ công tác” đều ghi tên, dán ảnh và ghi chức vụ “cán bộ biên tập” (có tờ ghi “ủy viên ban biên tập”), còn “giấy giới thiệu” thường ghi cử đến công tác tại các tỉnh thành trong nước và có nhiệm vụ liên hệ lấy thông tin, ghi hình ảnh, đăng bài. Ngoài ra, trên một số phương tiện ô tô cá nhân còn được trung tâm này trang bị “công lệnh đi đường” khiến nhiều cơ quan chức năng nhầm tưởng đó là cơ quan báo chí.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, Cty CEDC tại TP Hồ Chí Minh còn mở các lớp tập huấn “nghiệp vụ” cho các thành viên, cộng tác viên về các ấn phẩm báo chí in, các kênh truyền thông, mạng truyền thông, các trang điện tử thuộc công ty này quản lý. Kết thúc khóa tập huấn, các thành viên tham dự đều được cấp giấy chứng nhận, được ưu tiên làm tại công ty này.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Đắk Nông Phạm Đức Lộc khẳng định, Cty CEDC chi nhánh tại Đắk Nông không có chức năng cấp giấy giới thiệu cho người (nhân viên) của công ty đi tác nghiệp như các phóng viên ở báo, tạp chí, truyền hình. Trước đó, nhân viên công ty này đăng bài sai sự thật đã bị Thanh tra Sở và Công an tỉnh Đắk Nông nhắc nhở.

Cử người đi điều tra sai phạm

Theo tìm hiểu, Cty CEDC còn mở chi nhánh tại Đắk Lắk và cử nhiều “phóng viên” đi tác nghiệp điều tra sai phạm đất đai, tiếp cận doanh nghiệp, tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19… Tháng 6 vừa qua, một doanh nghiệp ở huyện Mđrắk phản ánh đến báo Tiền Phong, một người đàn ông tên H. cầm giấy giới thiệu của CEDC (trên đó ghi cán bộ Ban biên tập, đi đến các tỉnh thành trên cả nước) đề nghị bảo vệ cho gặp lãnh đạo công ty. Tuy nhiên, trước nghi vấn của doanh nghiệp, người này nhanh chóng quay về.

Trước đó, tháng 2/2021, một chuyên trang của Cty CEDC cũng đã đăng tải bài viết sai phạm đất đai có liên quan đến người thân lãnh đạo Công an phường Ea Tam (TP.Buôn Ma Thuột).

Một lãnh đạo Sở TT&TT Đắk Lắk cho biết, đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ xác minh Cty CEDC chi nhánh ở Đắk Lắk hoạt động như một cơ quan báo chí. “Đây là công ty tư nhân, nhưng khi đến làm việc tại một đơn vị của sở, ghi trên giấy giới thiệu là cơ quan của Bộ TT&TT. Nhận thấy dấu hiệu bất thường này, chúng tôi đang xác minh công ty này có đủ điều kiện hoạt động báo chí ở địa phương hay không”, vị lãnh đạo này nói.

NHÓM PV TÂY NGUYÊN BÁO TIỀN PHONG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét