Thứ Năm, 5 tháng 8, 2021

Quản lí nhà nước

 

Sở Y tế TP.HCM 1 ngày ra 3 văn bản, thu hồi 2: 'Cả 3 đều có những sai sót nghiêm trọng'

Cập nhật lúc 09:00                

TS.LS Nguyễn Hữu Thế Trạch: "3 văn bản điều chỉnh cùng một vấn đề với 3 nội dung hoàn toàn khác nhau và sau đó không có văn bản nào có giá trị sử dụng. Cả 3 văn bản do Sở Y tế TP.HCM ban hành đều có những sai sót nghiêm trọng".


3 văn bản mà Sở Y tế TP.HCM ban hành trong 1 ngày, sau đó phải thu hồi 2 văn bản - Ảnh: CTV

Chỉ trong vòng 1 ngày (3-8), Sở Y tế TP.HCM đã ban hành 3 văn bản, trong đó có 2 văn bản để thu hồi văn bản đã ban hành trước đó.

Có ý kiến về việc này, TS.LS Nguyễn Hữu Thế Trạch - Đoàn luật sư TP.HCM - cho rằng Sở Y tế TP.HCM đã vi phạm quy định về văn thư, vi phạm Luật đấu thầu và khuyên dùng thuốc ngoài phác đồ của Bộ Y tế.

Không có văn bản nào có giá trị sử dụng

Theo ông Trạch, Sở Y tế TP.HCM trong 1 ngày ban hành 3 văn bản điều chỉnh cùng một vấn đề với 3 nội dung hoàn toàn khác nhau và sau đó không có văn bản nào có giá trị sử dụng "là vi phạm về công tác văn thư theo quy định tại nghị định 30/2020/NĐ-CP".

Ông Trạch cũng cho biết cả 3 văn bản do Sở Y tế TP.HCM ban hành đều có những sai sót nghiêm trọng. Văn bản số 5216 về việc "mua thuốc điều trị cho bệnh nhân COVID-19", sai sót là Sở Y tế đã đề nghị các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 mua 2 loại thuốc (ghi rõ tên thương mại của thuốc) là Medrol và Xarelto, chỉ định liều dùng và liên hệ với nhà cung cấp cụ thể là Công ty cổ phần Dược liệu trung ương 2.

"Trong khi việc chỉ định liều dùng thuộc thẩm quyền của nhà sản xuất hoặc bác sĩ điều trị cho mỗi trường hợp bệnh nhân (khoản 2 điều 42 và khoản 5 điều 76 Luật dược). Với văn bản này, Sở Y tế đã "cào bằng" tất cả bệnh nhân đều được sử dụng liều thuốc như nhau, làm thay chức năng của bác sĩ điều trị; của nhà sản xuất thuốc. Trong khi đó, người chịu trách nhiệm đối với sức khỏe, tính mạng của bệnh nhân lại là bác sĩ điều trị và nhà sản xuất thuốc" - luật sư Trạch nói.

Ngoài ra, ông Trạch còn cho rằng việc nêu tên thuốc, nhà sản xuất và công ty bán thuốc mang tính "chỉ định" là vi phạm điều 22 Luật đấu thầu, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường. Từ đó có thể đẩy những loại thuốc có cùng hoạt chất (tên chung quốc tế của các thuốc có cùng tác dụng), những công ty sản xuất, phân phối các hoạt chất này vào tình trạng bất bình đẳng trong việc phân phối thuốc, nguy cơ tạo nên lợi ích nhóm là rõ ràng.

Song song đó sẽ tạo tâm lý hoang mang khiến người dân đổ xô ra đường đi mua bằng được thuốc về trữ mặc dù chưa bị bệnh. Điều này có khả năng dẫn đến vi phạm các chỉ thị của Chính phủ, của TP gây nguy cơ lây lan bệnh tật nhiều hơn.

Còn công văn số 5279 thay thế văn bản số 5216 (thứ nhất), được ban hành vừa mang tính bào chữa cho cái sai ở văn bản thứ nhất, vừa răn đe cảnh báo đối với các cơ sở y tế, nhà thuốc. Tuy nhiên văn bản 5279 không thừa nhận những vấn đề sai sót, nội dung thay thế là gì, lý do vì sao thay thế cho văn bản thứ nhất. Như vậy văn bản 5279 đã đẩy sự nghi ngờ về sự minh bạch lên một nấc thang cao hơn.

Sau đó, Sở Y tế TP tiếp tục ban hành công văn số 5289 để thu hồi cả công văn số 5216 và 5279. Trong văn bản số 5289 có nội dung "thu hồi 2 văn bản nêu trên vì chưa phù hợp". Nội dung văn bản này phủ nhận toàn bộ những nội dung, công lao, sức lực đã được nêu tại 2 văn bản trước đó.

Đưa thuốc ngoài phác đồ của Bộ Y tế

Trong 2 loại thuốc mà Sở Y tế TP.HCM hướng dẫn mua điều trị cho bệnh nhân COVID-19 trong công văn 5216, có 1 loại thuốc không có trong phác đồ điều trị mới nhất mà Bộ Y tế vừa ban hành ngày 14-7.

Cụ thể, theo phác đồ 14-7, Bộ Y tế cho biết trong trường hợp bệnh nhân vừa và nặng có sử dụng thuốc kháng viêm và thuốc chống đông. Trong công văn 5216 của Sở Y tế TP.HCM có đưa loại thuốc kháng viêm giống như phác đồ điều trị của Bộ Y tế đưa ra nhưng thuốc chống đông lại khác.

Ngoài ra, Bộ Y tế còn khuyến cáo khi điều trị cần đánh giá tình trạng cụ thể của bệnh nhân và xét nghiệm để cho sử dụng thuốc thích hợp. Như với thuốc kháng viêm, phác đồ của Bộ Y tế hướng dẫn thời gian sử dụng, số lượng thuốc sử dụng mỗi lần, khi nào ngưng sử dụng. Trong khi văn bản của Sở Y tế TP.HCM bỏ qua điều này.

Trước đó ngày 24-7, Bộ Y tế cũng ban hành một văn bản có "thông tin lạ", khuyên dùng, lựa chọn, mua, đấu thầu 26 sản phẩm y học cổ truyền (có ghi tên thương mại, nhà sản xuất). Và hai ngày sau, Bộ Y tế phải thu hồi công văn này. Câu chuyện này đã gây bão trong những ngày cuối tháng 7 do một số sản phẩm trong nhóm được khuyên dùng trên cũng bị đẩy giá lên cao.

(Theo Tuổi trẻ) H.Thảo-L.Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét