'Đứng sang một bên' Cập nhật lúc 08:30
Tôi thấy còn những ý kiến hoài nghi về công tác chống dịch ở TP HCM và các tỉnh phía Nam. "Chưa có nước nào trên 1.000 ca nhiễm một ngày mà khống chế được dịch; TP HCM có 4.000 ca nhiễm mỗi ngày, dịch đã lan rộng và sâu trong cộng đồng rồi, không có cách nào dập được; Phải sống chung với Covid để cứu kinh tế thôi, chưa chết vì virus đã chết đói rồi...". Đó là một vài trong số những bình luận tôi gặp trên mạng Thế nhưng nếu không nỗ lực dập dịch mà mở cửa kinh tế khi vaccine tiêm được ít, chắc chắn dịch sẽ lan nhanh hơn, mạnh hơn, số ca nặng, số tử vong sẽ tăng rất cao. Vậy sẽ có thêm bao nhiêu người Việt mất đi sinh mạng vì Covid, 50.000, 100.000 hay vài trăm ngàn? có nước nào đã làm như vậy thành công? Không ai trả lời được. Thời điểm khó khăn này, tôi nhớ lại câu nói rất nổi tiếng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: "Ai ủng hộ thì đứng vào hàng ngũ, ai không ủng hộ thì đứng sang một bên" trước khi quyết định khởi công đường dây truyền tải điện 500kV Bắc - Nam ngày 5/4/1992. Tại sao cố Thủ tướng lại nói như vậy? Đầu những năm 90, đường dây 500kV có ý nghĩa rất quan trọng với kinh tế Việt Nam, đặc biệt là sự phát triển của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Thế nhưng có rất nhiều người hoài nghi, không tin Việt Nam có thể làm được đại công trình này, trong đó có nhiều chuyên gia trong và ngoài nước. "Bên cạnh ta Thái Lan chỉ làm được đường dây 500kV dài có 400 km thôi, không chạy qua nhiều rừng núi cao như dãy Trường Sơn mà đã phải dùng cả trực thăng để kéo dây, với kinh phí khổng lồ", "Miền bắc thừa điện cứ bán cho Trung Quốc đi, việc gì phải mạo hiểm làm đường dây 500kV Bắc Nam"... là vài phản biện trong nước. "Về kỹ thuật, đường dây dài 1.500 km đúng bằng 1/4 bước sóng không thể tải điện ổn định được; chưa làm luận chứng kỹ thuật mà đã đặt mục tiêu thi công trong hai năm là không tưởng, trên thế giới chưa có quốc gia nào làm được; Giá thành sẽ rất cao, hiệu quả kinh tế không có". Đoạn này trong lá thư của một giáo sư, tiến sĩ người Việt ở Pháp gửi lãnh đạo Đảng và nhà nước Việt Nam. Và sau lá thư ấy, ý kiến hoài nghi tăng lên, trong đó có nhiều nghị sĩ Quốc hội. Thế nhưng tại thời điểm ấy, miền Bắc đang thừa điện, còn miền Nam thiếu trầm trọng, phải cắt điện luân phiên, cắt điện đột xuất tất cả các ngày trong tuần. Các tỉnh miền Trung còn thiếu điện trầm trọng hơn. Không có điện, sản xuất bị đình trệ, đà tăng trưởng kinh tế của TP HCM và các tỉnh miền Nam, miền Trung bị chững lại. "Nhiệm vụ của các anh là chứng minh và chịu trách nhiệm về tính khả thi của công trình, các vấn đề an ninh, kinh tế chính phủ lo", Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra đề bài cho các nhà khoa học. Sau khi giới khoa học trong nước chứng minh và chịu trách nhiệm về mặt kỹ thuật, ông đã quyết định thi công đường dây 500kV Bắc - Nam với câu nói nổi tiếng trên. Và kết quả cuối cùng ai cũng biết. Chúng ta đã làm được điều không tưởng. Đúng hai năm sau, điện dư thừa từ các nhà máy Hoà Bình, Thác Bà, Phả Lại, Uông Bí, Ninh Bình đã lên lưới và truyền tải theo đường dây 500kV vào miền Trung, miền Nam. Tình trạng cắt điện luân phiên chấm dứt, nguồn điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt sau nhiều năm vẫn được cấp ổn định. Thời điểm này, TP HCM bước vào hai tuần phong toả triệt để với sự tham gia của các chiến sĩ Quân Y và lực lượng cảnh vệ, có nhiều nét tương đồng với thời điểm trước khởi công đường dây 500kV. Nhiều hoài nghi về cách thức chống dịch đã lan truyền. Tôi không đứng về phía hoài nghi, vì tôi tin trận đánh này ta sẽ thắng. Thời điểm tháng năm, tháng sáu, Bắc Giang là tâm dịch lớn nhất cả nước. Đỉnh dịch mỗi ngày có gần 600 ca nhiễm. Quy theo số dân thì tương đương với TP HCM với 3.000 ca nhiễm một ngày. Bắc Giang có tiềm lực kinh tế và y tế yếu hơn TP HCM. Cả nước đã hỗ trợ Bắc Giang, nhưng chưa nhiều như với TP HCM. Thế mà Bắc Giang đã vượt qua. Sản xuất ở các khu công nghiệp và kinh tế đã khôi phục 99% từ cuối tháng bảy. Bắc Giang làm được, tại sao TP HCM lại không? Quân đội có những điểm mạnh hơn hẳn bên dân sự như tính kỷ luật - sức mạnh của quân đội. Họ chia theo tổ đến từng khu vực, việc giãn cách được giám sát triệt để hơn, giao tiếp xã hội sẽ giảm và nguy cơ lây nhiễm sẽ giảm. Quân đội còn có tính thống nhất, 312 đội quân y điều trị F0 tại nhà được chia theo phường, xã. Các F0 tại nhà trước đây chỉ nhận tư vấn từ xa qua điện thoại, mạng xã hội, chưa kể mỗi bác sĩ có thể tư vấn một kiểu. Nay, 312 đội quân y không những đến tận nhà điều trị, cấp phát thuốc, khám, cho thở oxy khi cần, chuyển viện nếu bệnh trở nặng với một phác đồ điều trị thống nhất. Với cánh làm ấy, chắc chắn F0 sẽ nhanh khỏi hơn, bớt trở nặng hơn, được cấp cứu kịp thời hơn. Quân đội cùng Dân quân tự vệ phường 14, quận 6 (TP Hồ Chí Minh) đi chợ thay dân rồi đem thực phẩm đưa tới nhà từng người gửi phiếu. Quân đội có tính tổ chức cao và gần dân. Đây là tổ chức có tính quy củ và chặt chẽ nhất. Mệnh lệnh từ trên xuống dưới được triển khai nhanh chóng và chính xác. Bộ đội đến từng nhà, nắm được nhà nào khó khăn nên sẽ cấp phát lương thực cứu trợ chính xác, kịp thời hơn. Nhờ vậy, chính quyền chăm lo cho người nghèo tốt hơn. Theo tôi, quân đội còn là lực lượng được nhân dân tin yêu và ủng hộ lớn. Các lý do trên cùng với việc xét nghiệm diện rộng toàn thành phố sẽ giúp phát hiện sớm để bóc tách F0 triệt để hơn khỏi cộng đồng. Người dân được hướng dẫn tự test nhanh cho mình và tự đọc kết quả, song vẫn đảm bảo ai ở đâu ở đó. Tôi cũng đã trải qua những "trận đánh" trên thương trường cùng cộng sự. Thực tế đã minh chứng rằng, trước trận đánh lớn, chỉ thiếu quyết tâm thôi đã thất bại rồi, chưa nói đến hoài nghi. Bởi vậy, chỉ có ai có niềm tin và quyết tâm mới nên đứng vào đội ngũ. Rất trùng hợp, ngày hôm kia, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam - nguyên trợ lý của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - cũng đã nói với các chủ tịch quận, phường ở TP HCM: "Chiến dịch này không được phép thất bại. Đồng chí nào không làm được đứng sang một bên". Mệnh đề "đứng sang một bên" đã được nhắc lại sau gần 30 năm. Câu chuyện đường dây 500kV của cựu Chủ tịch, cựu Bí thư TP HCM Võ Văn Kiệt cách đây gần 30 năm có lẽ mở thêm một góc nhìn thực tiễn để chúng ta tư duy về trận đánh lớn này. (Theo VnExpress) Đỗ Cao Bảo |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét