Thứ Ba, 3 tháng 8, 2021

Đầu tư

 

Hàng trăm tỷ USD nằm trong đất chưa được khai thác

Cập nhật lúc 15:01 

Nghị quyết về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025 đã được Quốc hội thông qua đặt yêu cầu sửa đổi, bổ sung các luật về thuế, phí.

 

Hàng trăm tỷ USD nằm trong đất chưa được khai thác. (hình minh họa)

Thu từ đất đai của Việt Nam chỉ bằng 1/100 các nước phát triển

Theo Nghị quyết về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025, trong thời gian tới phải sửa đổi, bổ sung các luật về thuế, phí theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, gắn với cơ cấu lại nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế và áp dụng mức thuế suất hợp lý.

TS. Hoàng Kim Huyền, Phó trưởng ban Ban Giám sát tổng hợp (Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia) khẳng định, đã đến lúc ban hành thuế tài sản thay thế thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, mở rộng và bao quát bổ sung một số đối tượng là tài sản khác không phải là đất.

“Vốn hóa đất đai là đưa đất công vào thị trường để thu tiền. Đất đã chuyển quyền sử dụng cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thì đánh thuế tài sản, tạo nguồn thu phục vụ cho đầu tư phát triển”.

Thuế tài sản là sắc thuế ra đời sớm trong hệ thống thuế của đa số quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển. Hiện có trên 90% quốc gia thực hiện thu thuế tài sản hàng năm với nhiều tên gọi khác nhau.

“Các nước sử dụng thuế tài sản như một công cụ tài chính hữu hiệu để tăng cường quản lý việc sử dụng tài sản của tổ chức, cá nhân, đồng thời có thêm nguồn lực đầu tư trở lại đất đai; điều tiết một phần thu nhập của tổ chức, cá nhân có nhiều tài sản nhà, đất, góp phần đảm bảo công bằng xã hội”, bà Huyền nói.

Trong khi đó, ở Việt Nam, Bộ Tài chính đã 2 lần nghiên cứu, lấy ý kiến nhằm xây dựng Luật Thuế tài sản, nhưng cả 2 lần đều không được trình Quốc hội do còn những ý kiến trái chiều. Hậu quả là, không chỉ tổng các khoản thu từ đất đai đóng góp vào ngân sách nhà nước chỉ chiếm 0,036% GDP, mà còn tạo ra mất công bằng xã hội khi một bộ phận không nhỏ người dân hầu như không có cơ hội “an cư lạc nghiệp”, bởi Chỉ số bất động sản (giá bất động sản/thu nhập bình quân của người dân) của Việt Nam còn cao hơn cả Singapore, Nhật Bản, gấp đôi Ấn Độ và Malaysia…

“Việc ban hành thuế tài sản trong bối cảnh hiện nay là cần thiết. Muốn sắc thuế đi vào thực tiễn và phát huy hết vai trò của nó, cũng như nhận được sự đồng thuận từ phía đối tượng chịu thuế, thì thuế tài sản phải phù hợp và đúng đối tượng thu”, bà Huyền nhấn mạnh.

Theo GS-TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ở các nước trên thế giới, thuế tài sản là nguồn thu quan trọng của ngân sách quốc gia. Thuế tài sản chiếm tỷ trọng bình quân 3 - 4% GDP ở các nước phát triển, khoảng 2% ở các nước đang phát triển. Còn ở khu vực ASEAN, tỷ lệ bình quân thuế tài sản chiếm 0,3% GDP, riêng Việt Nam thì chỉ có 0,036%.

“Không cần nói về quy mô GDP, chỉ cần so tỷ lệ thu thuế tài sản trên GDP giữa Việt Nam với các nước trên thế giới đã thấy sự bất hợp lý vì chỉ bằng 1/100 các nước phát triển và bằng 1/10 các nước trong khu vực”, ông Đặng Hùng Võ bình luận.

Cần sửa cả Luật Đất đai

Theo ông Đặng Hùng Võ, tất cả các nền kinh tế thành công trong phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đều sử dụng rất tốt công cụ vốn hóa đất đai. Họ đều dày công nghiên cứu về vai trò, ý nghĩa của đất đai trong quá trình đầu tư phát triển.

“Vốn hóa đất đai là đưa đất công vào thị trường để thu tiền. Đất đã chuyển quyền sử dụng cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thì đánh thuế tài sản, tạo nguồn thu phục vụ cho đầu tư phát triển. Chúng ta muốn trở thành nước phát triển vào năm 2045, hay ít nhất đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, thì ngay từ bây giờ phải khai thác có hiệu quả nguồn vốn khổng lồ đang nằm trong đất đai.

Chúng ta đang loay hoay tìm vốn đầu tư nước ngoài, vốn ODA, phát hành trái phiếu chính phủ... trong khi có hàng trăm tỷ USD nằm trong đất đai lại không biết khai thác, sử dụng có hiệu quả. Bây giờ là lúc bắt “đất đẻ ra tiền” bằng việc ban hành Luật Thuế tài sản và sửa đổi Luật Đất đai năm 2013”, ông Võ nhấn mạnh.

Đồng tình với việc ban hành Luật Thuế tài sản, song bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, Ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát (Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia) vẫn băn khoăn, thuế tài sản sẽ bị vô hiệu hóa nếu nút thắt trong khung khổ pháp lý về̀ quy hoạch và đất đai không được tháo gỡ triệt để. Do vậy, cùng với việc xây dựng Luật Thuế tài sản, cần phải sớm nghiên cứu, sửa đổi toàn diện Luật Đất đai năm 2013 theo hướng công khai, minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, định giá đất phải phản ánh đúng, đủ và kịp thời giá trị thị trường.

Theo bà Hà, chính quyền địa phương được phép linh hoạt trong việc điều chỉnh hệ số thuế (hệ số k) với các loại tài sản, đối tượng chịu thuế cụ thể phù hợp với chiến lược, chính sách phát triển của địa phương. Điều này vừa khuyến khích địa phương chủ động cân đối nguồn thu, vừa để lại dư địa chính sách quản lý nhà nước cho địa phương phát triển cân đối giữa các vùng, miền.

“Thuế tài sản cần phải đánh lũy tiến (tương tự thuế thu nhập cá nhân) nhằm ngăn tình trạng đầu cơ đất đai. Đầu cơ đất đai không chỉ làm giảm tính hữu hiệu của chính sách tiền tệ, mà quan trọng hơn, đất đai là đầu vào của nền kinh tế, tình trạng đầu cơ đất đai khiến một nguồn lực tài nguyên lớn không tạo ra giá trị gia tăng bền vững.

Ngoài ra, đầu cơ cũng làm giảm cơ hội tiếp cận nguồn lực đất đai của doanh nghiệp và dân cư, đặc biệt của nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp và nhóm dân cư có thu nhập thấp”, bà Hà đề xuất.

(Theo Đầu tư) Hàn Tín 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét