Kỳ
tích của Việt Nam khiến các nước ngỡ ngàng qua lời kể của doanh nhân 7X Cập nhật lúc 15:19 10 năm, Nguyễn Trọng Khang mua mỗi một cái ô tô, đến nỗi anh bị người ta xúi… đốt xe đi vì "chẳng hiểu sao lại có thể đi lâu thế". Khang đi và kết bạn khắp thế giới, có nước đi cả… 10 lần vì thích. Khang là ông chủ doanh nghiệp sản xuất 70 triệu phôi thẻ căn cước công dân (CCCD). Đầu tháng 7, Nguyễn Trọng Khang, ông chủ của MK Group và chúng tôi gặp nhau tại trụ sở công ty anh tại phố Duy Tân, Hà Nội. Nguyên một mặt sàn tầng 4 là không gian co-working, vừa giống nhà hàng, lại vừa giống quán cà phê, cũng giống nơi… triển lãm mô tô bởi trong không gian này có đến hơn chục chiếc mô tô đủ loại.Nhân vật trong câu chuyện của chúng tôi xuất hiện
với áo polo tím than là đồng phục công ty, quần jeans sẫm, dép dây. Tối muộn
hôm trước, anh khoe trên trang cá nhân ảnh chụp với dàn lãnh đạo một số doanh
nghiệp, start up thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, cũng với bộ đồ này. Nhìn
Nguyễn Trọng Khang có thể dễ dàng nhận ra chất của một doanh nhân công nghệ:
không quá cầu kỳ vẻ bề ngoài, thậm chí nhìn anh còn có nét gì đó hơi quá giản
dị so với hình ảnh một ông chủ doanh nghiệp với cả nghìn nhân sự. Chủ tịch công ty smartcard số một Việt Nam nói anh
không thích ô tô. Với anh, ô tô chỉ đơn thuần là phương tiện. Anh có một
chiếc Hyundai dòng khá bình thường mua từ hơn 10 năm nay và mãi đến năm 2020
anh mới đổi sang chiếc khác. "Ông bạn tôi còn xúi lái xe của tôi là… đốt xe
đi, đi gì đi lâu thế, để cho Khang nó còn đổi xe mới, thế cơ mà", anh
cười ha hả. Anh bảo thường đi lại bằng mô tô vì "thích cái cảm giác lái
xe hai bánh trên đường". Cùng với công nghệ thông tin, mô tô là sở thích
đặc biệt của doanh nhân 7X. Phong cách đơn giản là thế, song vị doanh nhân này
là người thực tế, dám nghĩ lớn, dám mơ. Và đặc biệt, doanh nghiệp của anh
không phải "tay mơ" trong làng công nghệ. Cũng không nhiều người
biết chính công ty của Nguyễn Trọng Khang đã sản xuất ra 50 triệu phôi và sắp
tới thêm 20 triệu phôi căn cước công dân (CCCD) trong chiến dịch làm CCCD
được đánh giá là thần tốc của Việt Nam vừa rồi, giữa lúc dịch Covid-19 hoành
hành. Xét một cách nào đó, câu chuyện này là minh chứng tiêu biểu cho tinh thần Việt Nam, niềm tin Việt Nam…
Mô tả ngắn gọn về bản thân, Nguyễn Trọng Khang nói: Tôi là Khang, thuộc thế hệ 7X. Năm 1999, tôi từ Mỹ về Việt Nam. Sau 2 năm học MBA ở Mỹ, tôi start up, lập ra MK Group, đến nay cũng đã được 22 năm. Công ty chúng tôi làm về thẻ, smartcard, làm về thanh toán. Trước đây thì đối tác phần lớn là ngân hàng, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp. Gần đây, chúng tôi tiếp cận Chính phủ điện tử, với dự án CCCD. Chúng tôi thiết kế nhiều ứng dụng trên thẻ CCCD để làm sao cho mọi người có thể dùng điện thoại di động đọc được tài liệu, để tấm thẻ CCCD thực sự là tấm thẻ quyền lực. "Nhưng mà thôi đừng chỉ nói về hình ảnh cá nhân
nhé. Tôi không muốn chỉ nói về cá nhân. Hãy nói về tôi và những gì tôi chia
sẻ như là một trong những ý kiến của trí thức có nhiều trải nghiệm ở Việt Nam
và các nước để đóng góp cho xã hội trong chiến dịch trí tuệ quốc gia về CCCD.
Với chúng tôi, những dự án như CCCD vừa rồi là để đời. Trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19 vừa rồi,
nếu không có những quyết tâm cực lớn, từ Chính phủ, từ Bộ Công an, thì cũng
khó mà chúng tôi có được dự án để đời như thế", Nguyễn Trọng Khang chia
sẻ. Rút tấm thẻ CCCD từ ví, Nguyễn Trọng Khang biểu diễn luôn để chúng tôi được chứng kiến một phần sự quyền lực của tấm thẻ bé xíu này. Sau vài thao tác quẹt quẹt bằng smartphone với thấm thẻ CCCD vừa quét đã xác thực, định danh được luôn, anh bảo: Đây mới chỉ là một phần thôi… Và anh lý giải có một số yếu tố khiến cho CCCD của
chúng ta được coi là tấm thẻ quyền lực. Thứ nhất, ở quốc tế, nghiên cứu tại
nhiều nước dùng CCCD gắn chip thì Việt Nam khác một điểm là có ăngten, nên
khi đó có thể dùng dạng tiếp xúc (contact) hoặc không tiếp xúc (contactless),
xác thực bằng sinh trắc học thay thế cho mã PIN. "Hình dung đơn giản thế này nhé, thay vì cần
cho mã PIN khi ra ATM thì Việt Nam làm thêm một thứ trong CCCD đấy là đưa
sinh trắc vân tay vào con chip. Thao tác sẽ là kiểm tra khuôn mặt, xác thực
khuôn mặt thành công, rồi sau này khi có xác thực chứng thư số, khi đó chứng
minh tài liệu là thật, so sánh đúng là ảnh thì có thể làm được mọi thứ, từ mở
tài khoản ngân hàng, xác thực eKYC, thúc đẩy được kinh tế số, tiện lợi cho
người dùng", anh nói. Anh cũng chia sẻ về 3 thứ anh cho là đột phá trong
dự án. Đầu tiên, CCCD là yếu tố vô cùng thành công mà Bộ Công an quyết tâm
làm, mang tính chất đổi mới để thay đổi cách nghĩ, cách làm phục vụ người
dân. Chiến dịch đổi CCCD của chúng ta có thể là một trong những chiến dịch
nhanh nhất thế giới, thể hiện được tinh thần Việt Nam là khi có việc khó thì
người Việt Nam hoàn toàn vượt lên được. Thứ hai là nếu như không làm được thì có thể dẫn
tới các hiện tượng như tội phạm, chứng minh nhân dân giả, ngân hàng bị mất
tiền khi có các đối tượng làm giả tài liệu… xuất hiện. CCCD có thể coi là dự
án đột phá về mặt tư duy, suy nghĩ và cách làm. Ngoài việc phục vụ cho quản
lý, công việc của ngành công an thì dự án này có tác động cực lớn cho xã hội.
Người đi làm CCCD có phải mang nhiều giấy tờ gì đâu, nếu có căn cước cũ thì
mang đi, không thì chỉ cần chứng minh thư nhân dân, số sổ hộ khẩu. Thứ nữa, qua chiến dịch làm CCCD thì hình ảnh người công an thay đổi nhiều. Hình ảnh các anh đến tận nơi, đi đôn đốc người dân làm CCCD, làm suốt đêm… đều là những hình ảnh đẹp. "Tôi chứng kiến anh công an còn đi xe máy vào tận bản chở dân ở Hà Giang ra làm CCCD, mang bánh mì, nước uống… cho người dân", anh kể. Trong bối cảnh khó khăn, đại dịch, việc huy động
nguồn lực trong nước, chọn những đơn vị có năng lực để làm cũng thể hiện tư
duy đột phá. Nguyễn Trọng Khang không ngần ngại chia sẻ, trước đây, các dự án
lớn dùng nhiều công nghệ thường có công ty nước ngoài tham gia, triển khai.
Anh tự hào vì thời gian vừa rồi, doanh nghiệp của anh làm được việc cho thấy
các công ty Việt Nam, với năng lực của mình, có thể làm rất nhanh, rất tốt. MK Group mất 6 tháng để sản xuất 50 triệu phôi thẻ
CCCD và cá thể hóa thẻ. Nguyễn Trọng Khang nói đây là thời gian kỷ lục, vì
thông thường, các nước khác muốn làm được 50 triệu phôi thì ít nhất cũng phải
mất 2-3 năm. Chưa kể, việc sản xuất 50 triệu phôi CCCD này diễn
ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở trong nước cũng
như thế giới. Covid-19 khiến cho các chuỗi cung ứng khó khăn, thiếu chip.
Trong khi đó, doanh nghiệp của anh lại phải làm mọi cách để mua được sản phẩm
từ Đức, Anh, Mỹ. "Hầu hết công nghệ, vật tư nhựa là từ Anh, chip thì của
Đức, máy phát hành lại phải mua từ Mỹ, hệ thống sinh trắc thì Nhật Bản… Nói
chung, nhìn cái CCCD bé tý thế này thôi nhưng là tập hợp của những thứ từ các
công ty tầm cỡ. Song chi phí lại cực thấp. Đó là thắng lợi của dự án",
Khang chia sẻ. Anh cũng bày tỏ dĩ nhiên không phải làm xong CCCD
là xong. Câu chuyện phía sau của mỗi chiếc thẻ CCCD này còn nhiều thách thức,
trong đó có việc ứng dụng ra sao cho người dân, ngân hàng có thể dùng để xác
thực. "Tôi đánh giá cao tư duy phục vụ người dân của
Bộ Công an khi mà lập ra trung tâm làm xác thực. Hiểu nôm na là trước đây cứ
một dự án tiêu hết tiền là hết nhưng bây giờ dữ liệu trong mỗi cái CCCD này
lại phải đáp ứng mấy tiêu chí gồm đúng, đủ, sống và sạch. Muốn thế lại phải
có tiền và giờ thì có dịch vụ xác thực có nguồn thu để bù đắp chi phí, phát
triển được trong tương lai. Đó là một tư duy rất tốt", anh phân tích. Để làm được 50 triệu thẻ trong thời gian siêu tốc
kể trên, Nguyễn Trọng Khang cho biết "khó mà tưởng tượng". Công ty
của anh làm ngày làm đêm và bản thân anh… rụng cả tóc. Ký hợp đồng dự án ngày
23/1 thì đến tháng 6, số thẻ sản xuất ra đã là 30 triệu thẻ, trung bình mỗi
tháng công ty của anh làm 10 triệu phôi thẻ và đến hiện tại, nhân lực tại
doanh nghiệp vẫn đang làm ngày làm đêm để bắt kịp thời gian. Trong bối cảnh Covid-19, làm được vậy rất là khó.
Nhưng thứ khó tin không phải là doanh nghiệp này làm ngần đó thẻ trong ngần
đó thời gian. Thứ khiến cho người ta ngưỡng mộ là câu chuyện gần 100.000 cán
bộ đi về các địa phương lấy dấu vân tay, lấy dữ liệu sau đó kiểm tra dữ liệu,
đối soát… Sau dự án làm phôi thẻ CCCD, Nguyễn Trọng Khang
được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. "Anh Nguyễn Thành Nam (nguyên
Tổng giám đốc FPT - PV) nói với tôi: "Nếu không có Bộ Công an thì Khang
không có cơ hội mà làm, mà thể hiện", Nguyễn Trọng Khang chia sẻ. Anh
bảo, không ít bạn bè tại các nước trong lĩnh vực thẻ cũng nói là dự án này
được đánh giá cao vì làm trong thời gian ngắn. Họ còn đặt câu hỏi tại sao một
công ty Việt Nam lại có thể làm được vì trên thế giới cũng không nhiều công
ty làm được như thế.
Khi được hỏi sau thành công của dự án phôi thẻ CCCD siêu tốc, bước tiếp theo sẽ là gì, doanh nhân này cho biết: Là ra nước ngoài, ra quốc tế, những nước đang phát triển như Việt Nam. Theo anh, mỗi doanh nghiệp nên có một tầm nhìn, có
trách nhiệm xã hội. "Những thứ này không phải là tiền. Tiền quan trọng
nhưng những thứ kiểu như CCCD sẽ đóng góp và ảnh hưởng lớn lắm", anh bộc
bạch. Hiện tại, tính ảnh hưởng của dự án CCCD chưa đo đếm được song từ nay
đến cuối năm, khi phát hành xong 50 triệu thẻ CCCD và phát hành tiếp 30 triệu
nữa cho toàn dân thì chắc chắn tính ứng dụng sẽ vô cùng thuận tiện. Lấy ví dụ đơn giản, mỗi 5 năm một lần Việt Nam có
đợt kiểm tra về dân số và mỗi lần đi thống kê như vậy số tiền cũng bằng cả
một dự án kiểu làm phôi thẻ CCCD. Trong khi đó, công nghệ có thể thay thế
được và cũng là xu hướng của nhiều nước. Nói một cách rộng hơn thì chiến lược
quốc gia về công nghệ thông tin là vô cùng quan trọng. "Các nhà đầu tư nước ngoài cần gì? Họ cần môi
trường kinh doanh, hành lang pháp lý rõ ràng, trong suốt, không bị phiền hà,
khó khăn… Estonia có Chính phủ điện tử phát triển vượt bậc, họ có cách làm
rất hay và thông minh, tạo ra môi trường thân thiện với nhà đầu tư. Nhà đầu
tư bỏ tiền mua một cái thẻ như kiểu công dân số, rồi đến đại sứ quán chụp vân
tay, định danh, muốn mở công ty, tài khoản ngân hàng, đóng thuế… gì cũng
được. Nên đầu tư chạy vào Estonia rất lớn vì thế. Dĩ nhiên thì đất nước vài
triệu dân so với nước cả trăm triệu dân cũng khác nhưng tóm lại chúng ta phải
dùng công nghệ để có thể thu hút nhà đầu tư nước ngoài", anh chia sẻ.
Khi làm được, chúng ta sẽ cải thiện được môi trường đầu tư. Nguyễn Trọng Khang bày tỏ anh không phải "tay mơ". Vì bản chất, công ty của anh được thành lập hơn 20 năm, đến khi làm dự án CCCD này thì cũng coi như có ngần đó thời gian chuẩn bị. Làm thẻ CCCD, so với làm thẻ ngân hàng, khó hơn 3 lần. Đầu tiên là CCCD thì phải chuẩn đa ứng dụng, quản lý bằng ID, vân tay, khuôn mặt, có chữ ký số. "Nếu làm được chữ ký số thì Việt Nam có lẽ là nước duy nhất có 70-80 triệu người làm được, quy mô rất lớn. Viễn thông của chúng ta hiện tốt, khá là rẻ so với thế giới nên đây là cơ hội cho chúng ta", anh nhận định. Doanh nhân 7X thẳng thắn chia sẻ khi lập công ty, anh đã có niềm tin về việc sau này sẽ tham gia vào những dự án lớn kiểu thẻ CCCD vừa rồi. "Vấn đề là khi nào thôi vì tôi thấy các nước cũng làm, nhu cầu thực tiễn là có. Tôi cũng luôn nghĩ làm sao phải làm ra được sản phẩm để bán cho toàn dân, cũng có thể vì tôi đi nước ngoài nhiều nên sớm nhìn thấy và có niềm tin", anh bày tỏ. Khi làm dự án, anh và các cộng sự thường sẽ nhìn
xem vấn đề ở đâu và cố gắng để giải quyết. Hiện nay, các thành phố lớn tại
Việt Nam sẽ phát triển giao thông công cộng, chẳng hạn như đường sắt trên
cao. Mỗi dự án lại có một nhà thầu riêng, dùng công nghệ riêng. Do đó, nếu
mỗi loại tàu lại cần một loại thẻ thì không tiện lợi. Nguyễn Trọng Khang chia
sẻ anh và các đồng nghiệp đang nghiên cứu để tích hợp 3 loại thẻ làm 1.
"Có thể mỗi tàu sẽ dùng công nghệ khác nhau nhưng khi quy ra thẻ thì sẽ
dùng 1 thẻ. Đó là vấn đề nhìn thấy được và cần được giải quyết", anh nêu
ý tưởng. Doanh nghiệp này hiện làm cả thị trường nội địa và
xuất khẩu. Theo lời Nguyễn Trọng Khang, có những năm công ty xuất khẩu sang
Nhật đến 25-30% doanh số. Hiện tại thì công ty đầu tư sang cả Brazil và đang
có ý định làm nhà máy ở Nam Phi. Vì sao lại là Brazil? Dân số Brazil đông và
Nguyễn Trọng Khang bị hấp dẫn. Nhưng anh cũng thẳng thắn nhìn nhận vào thị
trường này không hề dễ dàng. Tuy vậy, có thể công ty Việt Nam sẽ có lợi thế
khi mà có thể cạnh tranh về giá. Đầu tháng 7, khi chúng tôi gặp Nguyễn Trọng Khang,
anh kể giai đoạn đó, để kịp tiến độ sản xuất nốt 20 triệu phôi CCCD, công ty
của anh hoạt động 24/24. Nhân sự được chia thành 2 kíp, mỗi kíp 12 tiếng. "Rất nhiều khâu phải tự động hóa. Sau khi in
xong thì phải kiểm tra chất lượng, kiểu in có đúng không, dữ liệu có trùng
khớp không và đều được thực hiện bằng máy. Con người không làm thay được đâu
vì đâu thể biết vân tay, khuôn mặt có trùng nhau không. Sáng tạo, trí tuệ,
năng lực cũng như là tâm huyết của bao nhiêu con người, của rất nhiều năm
ngưng tụ trên đó. Đó là quá trình nhiều năm của chúng tôi", anh nói. Nguyễn Trọng Khang quan niệm, để đất nước có tiềm lực về công nghệ thì việc doanh nghiệp đóng góp cho xã hội là rất quan trọng. Hơn hết, doanh nghiệp phải xác định làm bền vững. Nhiều người đặt mục tiêu phải làm sao đó để kiếm thật nhiều tiền, rồi thương mại hóa, làm cái này, cái kia… "Tôi khác. Tôi ở đây, đầu tư bao nhiêu năm và luôn tin rằng trời sẽ không phụ những người làm kiểu bền vững, tôi luôn tin thế", anh nói. "Ngày đầu tiên khởi nghiệp với tấm thẻ, tôi
cũng không tính được là sau này sẽ như thế nào nhưng tôi có niềm tin là Việt
Nam chúng ta cũng không thể đi ngược được xu thế và nếu như mình nắm bắt được
thì chắc chắn một ngày nào đó sẽ thành công", anh nói. Sắp tới, anh cũng
có một số dự án mới, đầu tiên là làm chủ công nghệ sản xuất camera AI, thứ
hai là làm ví lạnh. Anh nói thực ra CCCD cũng là ví lạnh, có thể lưu vào đó,
kiểm soát tốt. Nếu làm sớm, công ty của anh có thể là một trong những công ty
đầu tiên trên thế giới làm điều này. Theo anh, muốn thành công thì phải nỗ
lực. Bản thân anh và nhiều doanh nhân khác cũng làm việc 14-16 tiếng, thậm
chí nhiều khi 20 tiếng mỗi ngày, phải làm việc cật lực, nỗ lực thật lớn mới
có thể thành công: "Doanh nhân thì phải chịu khó, không làm cật lực thì
chẳng có gì hết. Ngoài chịu khó thì còn phải kiên định, quyết tâm". Là ông chủ một công ty gần 1.000 nhân sự, Nguyễn
Trọng Khang có một số phong cách quản trị khá hay. Với anh, kiên định là yếu
tố số một. "Tôi để ý thấy cực ít người nhảy việc liên tục mà lại thành
công. Dĩ nhiên mỗi người có một lựa chọn, nhảy việc nếu vì không thích, không
hợp thì được nhưng nếu vì tiền thì không giải quyết được gì", anh nhận
xét. MK Group của anh có một kiểu văn hóa, đó là văn hóa gắn bó, không bao
giờ từ bỏ. Có những thành viên gắn bó với anh từ những ngày đầu, đã đến tuổi
về hưu nhưng sau khi về hưu vẫn quay lại công ty làm việc. Thứ hai là văn hóa
của tinh thần tích cực. "Xác định giúp, tư vấn được gì cho khách hàng
thì sẽ làm chứ không chỉ chăm chăm bán sản phẩm. Làm thế nào đó để người ta
thành công, giúp được người ta những gì thì đó mới là giá trị", anh nói. Văn hóa doanh nghiệp của công ty Nguyễn Trọng Khang
xoay quanh một số chữ P. P là Passion (Đam mê), P là Perfect (Hoàn hảo), P là
People (Con người)… Anh quan niệm, mindset của lãnh đạo doanh nghiệp là cực
kỳ quan trọng: "Hai năm học tại Mỹ, tôi được mở mang nhiều điều. Những
năm chịu khó đi các nước cũng cho tôi nhiều bài học quan trọng". Nguyễn Trọng Khang đi cực nhiều. Có những nước anh
đi… 10 lần vì thích. Anh kể đến đâu anh cũng có bạn. Thậm chí, anh còn nài nỉ
bạn cho về nhà họ ở vì không thích ở khách sạn. "Như thế thì tình bạn
khác hẳn, nó mang tính chất con người với con người. Và đặc biệt là đừng giữ
bí mật với bạn bè, phải đừng giấu giếm, phải nghĩ cho người ta trước khi nghĩ
cho mình thì tình bạn mới bền lâu chứ nếu chơi với bạn mà cái gì cũng bo bo
có lợi cho mình thì không bao giờ tốt cả", anh chia sẻ. Còn về việc đi nhiều, anh bảo đi là do thích, đôi
khi chẳng có mục tiêu. Cứ đi là đi thôi, đi thì vỡ ra được nhiều thứ. Anh nói
học được rất nhiều ở Nam Phi - nước mà anh đi cả chục lần. Khang có những
người bạn nước ngoài và họ nắm rõ sở thích của anh đến nỗi thấy nơi nào có
bán mô tô họ lại gọi anh, có khi dành cả 2-3 ngày đi lùng mua cho anh một
chiếc xe mẫu độc. Thậm chí, anh có người bạn tin cậy đến nỗi cứ khi nào anh
ký hợp đồng với nước ngoài là lại được người này review lại hợp đồng cho. Suốt buổi nói chuyện với chúng tôi, Nguyễn Trọng
Khang gần như không né tránh những câu hỏi được cho là nhạy cảm. "Vừa
phải kinh doanh, vừa phải làm dự án CCCD trong bối cảnh đại dịch. Hỏi thật là
nếu không có dự án kia, thì việc kinh doanh có bị ảnh hưởng không hay nói
cách khác là dự án này có là nhân tố quan trọng đóng góp cả lượng, cả chất
cho doanh nghiệp của anh không?", với câu hỏi này, anh nói: CCCD là dự
án để đời của chúng tôi, là một động lực lớn. Nhưng thuần về kinh tế thì
không hẳn. Trong đại dịch Covid-19, thương mại điện tử và
thanh toán online bùng nổ nên nói ngành này gặp khó là không đúng. "Tất
nhiên thì xuất khẩu có bị ảnh hưởng, vừa rồi chúng tôi xuất sang Nhật Bản
cũng có giảm. Nhưng may mắn của tôi là từ khi start up tới giờ chưa năm nào
tôi lỗ cả", anh kể. Thứ nữa, theo anh, ngành mà MK Group đang làm cũng
là ngành non trẻ ở Việt Nam nên dù thị trường có cực kỳ cạnh tranh do không
có hàng rào thuế quan thì vẫn có thể sống được, cạnh tranh được vì được khách
hàng ủng hộ, đôi khi chính vì là doanh nghiệp Việt Nam, của người Việt Nam và
với anh điều đó là niềm vui rất lớn. Thách thức lớn nhất, theo Nguyễn Trọng Khang, chính
là việc công nghệ thay đổi rất nhanh nên phần đầu tư cực lớn. "Tôi vẫn
khao khát viết tiếp những con đường mới. Doanh nghiệp Việt Nam, ngoài tự lực
cánh sinh phát triển công nghệ của mình thì cũng phải bắt đầu tính đến việc
giành được những công ty công nghệ nước ngoài để mở rộng thị trường, kinh
doanh sang nước ngoài", Khang bày tỏ.
Theo anh, ai cũng có ước mơ nhưng mỗi người lại mơ khác nhau. Anh quan niệm để trưởng thành, doanh nghiệp phải mang tầm quốc tế vì nếu cứ mang tính chất địa phương thì khó mà lớn được. Khang nhớ lại lần gặp gỡ của anh với một người bạn
Ấn Độ. Người bạn này là chủ một công ty chuyên sản xuất thiết bị thanh toán
quẹt thẻ. Sản phẩm của ông sau này bán được ở 100 quốc gia, bán công ty thu
về 2 tỷ USD rồi sau ông làm chủ tịch HĐQT cho một công ty Mỹ mà doanh nghiệp
của Khang làm nhà phân phối. Khi gặp người bạn trên, Khang mới mở công ty
được khoảng 2 năm, doanh số mỗi năm khoảng gần một triệu USD. "Ông ấy có
hỏi tôi "anh định thế nào" thì tôi nói rằng định làm công ty doanh
số khoảng 20 triệu USD. Rồi ông ấy hỏi tiếp "anh định bán hàng ở
đâu?", tôi nói "ở Việt Nam", Khang nhớ lại. Anh bảo khi đó,
anh cũng như nhiều người mới mở doanh nghiệp, đều đặt ra những mục tiêu sát
sườn. "Nhưng ông ấy bảo đã lập doanh nghiệp thì sao lại không có giấc mơ
lớn, sao không nghĩ con số 100 triệu hay vài trăm triệu USD và bán ở nhiều
nước đi… Ngẫm lại tôi thấy người ta nói đúng. Tất nhiên, không phải cứ ra
nước ngoài mới là thành công, nhưng ra nước ngoài thì chắc chắn sẽ trưởng
thành", anh bình luận. Trong quản trị, Nguyễn Trọng Khang đề cao việc trao
quyền cho cấp dưới. Anh bảo, rõ ràng, có những thứ anh biết nếu anh làm sẽ
tốt hơn nhiều nhưng anh vẫn mặc kệ. "Tôi vác ba lô đi vài ngày là chuyện
bình thường, công việc vẫn chạy đều", anh nói. Tuy nhiên, để được như
thế, anh phải xây dựng được đội nhóm tốt và quản trị bằng công nghệ thông
tin. Bí kíp của anh là xây dựng một đội là những người rất giỏi và có tính
gắn bó, có đạo đức. "Xung quanh tôi chỉ cần khoảng 20 - 30 người và họ
phải là những người "không bao giờ rời đi". Tôi có thể dùng cách gì
đó, lương, môi trường làm việc, truyền động lực… để họ không đi. Mỗi người
trong họ lại tìm cho tôi khoảng 10 người nữa cũng gắn bó, cũng giỏi. Như thế
là tôi có 300 người từ 30 người rồi", anh chia sẻ. Trong quản trị, Nguyễn Trọng Khang cũng có vài điểm
vô cùng "cố chấp". Đầu tiên là việc anh sẽ nghỉ chơi nếu biết cộng
sự của mình có liên quan gì đó với đối thủ. Thứ nữa, nguyên tắc của anh là
nếu người đã ra đi, có giỏi đến đâu cũng không tuyển lại. "Có những thứ
thuộc nguyên tắc. Tôi từng tuyển lại người ra đi và cuối cùng vẫn thất
bại", anh nói. Nguyễn Trọng Khang không nhận mình thành công. Anh
bảo anh đầu tư nhiều và thất bại cũng nhiều song từ các thất bại đó, anh cũng
học được không ít. Mơ lớn và cổ vũ mơ lớn, nhưng điều khiến Nguyễn
Trọng Khang trăn trở và có phần lo lắng là một bộ phận thế hệ trẻ hiện nay.
"Nếu chị để ý thì sẽ thấy khu vực mấy quán cà phê ở Duy Tân này (những
ngày chưa giãn cách), tầm 9-10h có khá đông bạn trẻ. Tôi cũng hay nghe lỏm
xem họ nói gì, thì thấy toàn đa số bàn về đất đai, chứng khoán và kiếm tiền
như thể dễ lắm. Rồi chuyện một số sinh viên ra trường lại đi chạy xe ôm công nghệ.
Tôi từng có dịp hỏi một sinh viên, cậu bảo học đại học ra nhưng đi làm xe ôm
công nghệ vì kiếm được nhiều tiền hơn và không mất quá nhiều thời gian",
anh chia sẻ. "Tất nhiên vẫn phải sống, nhưng cũng cần nhìn
xem các trải nghiệm đó có giúp gì cho con đường phát triển, nghề nghiệp đó có
đóng góp gì nhiều cho xã hội. Không biết mọi người nghĩ sao nhưng góc nhìn
của tôi là nếu học xong đi làm xe ôm công nghệ thì cần gì phải học đại học.
Bên cạnh những thanh niên này thì cũng có một bộ phận người trẻ ỷ vào việc
cha mẹ giàu và không cần phấn đấu… Thế thì khá là đáng ngại", anh bày
tỏ. (Theo Dân Trí) Đan
Anh Ảnh: Đỗ Linh |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét