CAO BẰNG ĐẦU NĂM 1979 (kỳ 24) Cập nhật lúc 09:00 Chuyện của tôi cứ ngỡ là sẽ dừng ở đó. Tôi muốn tập trung để hoàn thành tập ghi chép của mình. Cơ quan tiểu đoàn bộ rời khỏi khu vực Cốc Sâu, Kép Ké về tại khu vực cơ quan Huyện ủy Hà Quảng cũ. Toàn bộ cơ quan đầu não của huyện sau chiến tranh đã rời về khu vực Bản Giới. Đây là thị trấn huyện lỵ mới của huyện Hà Quảng. Sóc Giang bây giờ chỉ là một thị trấn nhỏ nơi biên giới. Các cơ quan huyện lui về phía sau đề phòng một cuộc chiến tranh mới xảy ra trong tương lai? Nhưng riêng tôi thì nghĩ lẽ ra sau chiến tranh các cơ quan của huyện Hà Quảng trở lại Sóc Giang thì hay hơn. Nhưng thôi, đó là việc của địa phương. Nhân dân các bản biên giới và thị trấn Sóc Giang cũng đã trở về dọn dẹp, xây dựng lại nhà cửa, đường xá, các công trình dân sinh và tổ chức sản xuất, ổn định cuộc sống. Lán của trung đội thông tin chúng tôi làm ngay dưới chân hang huyện ủy, đối diện với nhà bưu điện thị trấn cũ. Chúng tôi nhặt nhạnh các thanh xà, cột kèo trong các căn nhà bị bắn đổ, cháy dở của trụ sở huyện ủy để làm lán trại theo kiểu một mái, lợp bằng ngói máng cũng nhặt nhạnh tại các khu nhà cơ quan của thị trấn. Cùng với việc ổn định nơi ở, chúng tôi tiếp tục xây dựng trận địa phòng ngư, chuẩn bị đón nhận và huấn luyện chiến sĩ mới.
Ánh mắt bình thản của các chiến sỹ trẻ trên đường
ra trận Các anh em cán bộ được thăng quân hàm, bổ nhiệm chức vụ cao hơn lần lượt lên đường đến đơn vị mới nhận nhiệm vụ. Trung đội trưởng Phạm Hoa Mùi và tiểu đội trưởng Hà Trung Lợi cũng chuẩn bị đi nhậm chức. Bốn người đồng ngũ chúng tôi thì trong chiến tranh đã mất Nguyễn Văn Đam, sắp tới Mùi và Lợi đi nốt thì trung đội thông tin chỉ còn một mình tôi là lính 1975. Một buổi chiều chủ nhật, tôi, Phạm Hoa Mùi và Hà Trung Lợi ngồi bên nhau nói đủ thứ chuyện. Cả ba đều biết sẽ chẳng còn được ở cùng nhau lâu nữa. Ba thằng nói đủ thứ chuyện kể từ khi mới nhập ngũ cùng ở đại đội thông tin trung đoàn tại Đại Từ, Bắc Thái, đến những năm tháng cuốc đất làm đường bên Hà Giang và về cuộc chiến tranh vừa qua. Nói chuyện lan man cuối cùng lại quay về chuyện của tôi là tại sao trong cuộc chiến đấu vừa qua lại không được khen thưởng, lên quân hàm, bổ nhiệm chức tước gì cả? Tôi liền gạt đi: - Thôi chúng mày ạ! Tao chán chuyện này lắm rồi. Hai thằng chúng mày đi rồi chắc họ cũng sẽ cho tao ra quân thôi. Đời lính của tao chắc sắp chấm dứt rồi. Còn nguyên nhân tại sao thì ai mà biết được và cần gì phải biết nữa? - Có nguyên nhân cả đấy! Trợ lý tham mưu Bùi Đức Thọ vừa bước vào cửa nghe rõ câu chuyện của ba chúng tôi liền lên tiếng. Chúng tôi cùng quay ra cửa. Anh Thọ đang đeo ba lô tren vai. Anh được bổ nhiệm làm cán bộ đại đội. Anh cũng đến chào, chia tay chúng tôi để về nhận nhiệm vụ tại đơn vị mới. Đặt cái ba lô xuống sạp, anh Thọ chìa tay nắm tay tôi bóp chặt khiến tôi nhăn mặt. Đoạn, anh ngật ngừng nói tiếp: - Mày bị tố cáo là trong lúc bị thất lạc, tách khỏi đội hình của tiểu đoàn rất vô kỷ luật, không chấp hành mệnh lệnh chỉ huy chung của người có quân hàm cao nhất, tự ý đưa bộ đội phối hợp cùng dân quân ở Táp Ná... Rồi còn nhiều chuyện khác nữa như để chiến sĩ dưới quyền vào bản tự ý lấy ngô, lúa của dân… - Ơ… Tôi há hốc mồm ngỡ ngàng vì những điều mà anh Thọ nói. Trong lúc bị thất lạc, lang thang trong vòng vây của quân thù bộ phận nào chả phải xuống các bản làng để kiếm tìm lương thực, nhặt củ khoai, củ sắn, bắp ngô của dân để lại mà ăn để có sức mà chiến đấu, mà tìm về đơn vị cũ. Vì lúc đó có được tiếp tế gì đâu. Nhưng nếu nói như thế này thì quả tôi vi phạm kỷ luật nghiêm trọng thật rồi. Tôi chợt thấy lo lắng hoang mang. Anh Thọ ngần ngừ một lát rồi nói thêm: - Nghiêm trọng nhất là... là mày còn bị tố cáo trong lúc đang bị quân địch bao vây còn sử dụng cả thuốc phiện nữa đấy! Tôi càng thêm kinh ngạc khi anh Thọ cho biết là những sai phạm của tôi đã được đưa ra thảo luận tại một cuộc họp của cán bộ lãnh đạo, chỉ huy tiểu đoàn đánh giá, bình xét công lao, thành tích của tập thể, cá nhân trong chiến đấu vừa qua. Anh Thọ không nói rõ nhưng tôi hiểu rồi. Người nêu ra những khuyết điểm của tôi chắc chắn không ai khác chính là trung úy Tuân. Tôi cũng chợt hiểu là vì sao mọi chuyện anh ấy đều đổ hết cho tôi? Tôi cũng không thể giải thích được. Vì có ai hỏi lại tôi xem những chuyện ấy sai, đúng thế nào đâu mà phân bua sai đúng. Mọi việc cứ âm thầm diễn ra ở đâu đó thế thôi. Đại đội trưởng Tuân cũng đã được thăng quân hàm thượng uý và bổ nhiệm giữ chức vụ tiểu đoàn phó. Hiện giờ thì anh ấy cũng đã đi nhận nhiệm vụ tại một đơn vị huấn luyện ở tuyến sau, mãi dưới tận dưới Hoà An, gần thị xã Cao Bằng. Lúc tạm biệt để lên đường anh Thọ cũng vẫn có vẻ còn ái ngại và băn khoăn cho tôi. Tôi cố cười cười bảo: - Thôi, chuyện đã qua rồi, chả việc gì phải suy nghĩ mãi nữa. Chúc anh lên đường nhận nhiệm vụ mới tiếp tục công thành danh toại, thăng quan tiến chức đều đều như diều gặp gió nhé. Anh Thọ đi rồi câu chuyện giữa tôi với Lợi và Mùi cũng tạm dừng vì sắp đến giờ sinh hoạt điểm danh buổi tối. Tôi chợt thấy lòng mình trống trải và buồn quá. Tôi đi bộ một lát qua nhà bưu điện cũ ra phía con đường vào bản Nà Nghiềng. Bất ngờ tôi gặp chính trị viên tiểu đoàn Hoàng Quốc Doanh từ phía Nà Cháo đi lên. Tôi chào anh. Anh Doanh nhìn tôi định nói điều gì song lại thôi. Nghe nói chính trị viên Hoàng Quốc Doanh đã được thăng quân hàm và bổ nhiệm giữ chức vụ cấp chỉ huy trung đoàn. Nhưng anh chưa đi vì còn một số công việc chưa bàn giao xong. Tôi muốn chúc mừng anh được thăng cấp, lên chức nhưng cũng ngại lại thôi. Tôi cũng đoán anh Doanh định động viên, an ủi tôi nhưng gặp giữa đường thế này không tiện nói. Còn tôi hiểu mọi sự đã an bài. Tôi chỉ lo lắng diễn tiếp không hay sẽ xảy ra. Bởi vì có những chuyện chả bao giờ phân định sai đúng một cách thật rõ ràng được đâu. Chiến tranh bản chất vốn dĩ đã hàm chứa sự phi lý thì những người tham chiến đừng nên bao giờ đòi hỏi sẽ có một sự hợp lý tuyệt đối? Nếu nâng quan điểm lên thì là tôi sai phạm rất rõ ràng. Sai ở chỗ là đã không chấp hành nghiêm túc mọi mệnh lệnh của người chỉ huy cao nhất theo điều lệnh chiến đấu của quân đội. Khi bọn địch bao vây ở Táp Ná tôi không chịu rút lui ngay còn cố tìm cách ở lại tham gia chiến đấu cùng dân quân. Sai nhất là ở chỗ để cho bộ đội tự ý lấy ngô lúa, bắt cá của dân. Bây giờ bà con dân bản có bỏ qua thì cũng vẫn là vi phạm kỷ luật dân vận. Nên nếu điều tra xác minh rõ ràng thì mình có khi mình lại nặng tội thêm. Tự suy luận tôi lại càng thấy lo lắng nhiều hơn. Thời gian này ở hướng Lạng Sơn đã có chiến sĩ phải ra toà án binh vì đã dùng súng bắn một con bò của nhân dân lấy thịt ăn. Chuyện của tôi chắc chả đến nỗi phải ra tòa án binh đâu, nhưng mà lỡ bị cảnh cáo, khiển trách hay phê bình (thời ấy chưa có hình thức “phê bình nghiêm khắc” như hiện nay) thì cũng là rất dở. Vào quân ngũ, người ta được khen thưởng mà mình bị kỷ luật thì còn ra làm sao nữa? Nỗi lo lắng ấy khiến tôi cứ thấp thỏm hằng ngày... Cao bằng- 1979 Ghi chép của Trọng Bảo Theo Báo điện
tử Tầm nhìn |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét