Thứ Ba, 9 tháng 3, 2021

CAO BẰNG ĐẦU NĂM 1979

 

CAO BẰNG ĐẦU NĂM 1979

(kỳ 23)

 Cập nhật lúc 08:16   

 Sau chiến tranh là việc thu dọn chiến trường, khôi phục trận địa, làm công tác thương binh, liệt sĩ. Cùng với đó là việc khen thưởng cho những người lập công trong chiến đấu. Những người lính có lẽ chẳng ai mong sẽ được nhận huân chương hay các danh hiệu này nọ nhờ có chiến tranh. Ai cũng mong chiến tranh đừng xảy ra, hòa bình vẫn tốt hơn. Nhưng khi chiến tranh đã xảy ra rồi, kẻ thù xâm lược đã đến thì những tấm huân chương, những danh hiệu cao quý luôn là niềm tự hào của những người đã chiến đấu, hi sinh để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân. Nhưng tấm huân chương nào thì cũng có hai mặt.

Một buổi trưa, đi đào công sự về mệt quá, ăn cơm xong tôi lăn ra ngủ. Vừa chợp mắt được một lát thì có người lay gọi:

- Dậy… dậy… ngay…

Tôi càu nhàu:

- Dậy làm gì, đào công sự cả buổi mệt đứt hơi chưa kịp ngủ đã gọi... gọi cái gì…?

- Dậy đi, có việc gấp đây!

Khi đã nghe rõ tiếng chính trị viên tiểu đoàn Hoàng Quốc Doanh, tôi liền ngồi bật ngay dậy. Vốn lính chiến, quen những tình huống chiến đấu bất ngờ nên nghe tiếng của cấp trên gọi là tôi tỉnh ngay. Tôi vội quờ tay vớ luôn khẩu súng để trên đầu giường, nhảy xuống đất vội vàng đeo giày để phóng đi luôn. Anh Doanh phì cười:

- Mày định đi đâu đấy?

Tôi ngơ ngác hỏi:

- Chắc lại có bọn thám báo nó mò sang ạ?

- Thám báo nào? Cất súng đi ra đây tao bảo...

Lúc này tôi mới nhìn kỹ chính trị viên tiểu đoàn Hoàng Quốc Doanh. Anh ăn mặc khá chỉnh tề, tay đang cầm một cuộn giấy, nét mặt vui vẻ. Anh cười vì cái tính hấp tấp của tôi, cứ có ai gọi thì việc đầu tiên là tìm ngay khẩu súng. Âu đó cũng là tác phong của những người lính ở nơi đối diện với quân thù hằng ngày. Chúng tôi đã có mặt ở biên giới từ những ngày còn cùng nhau mặc quần áo dân thường đi rào biên giới, giành lại từng tấc đất, ném đá, đánh nhau bằng tay chân và gậy gộc với bọn lấn chiếm đất đai cho đến lúc nổ ra chiến tranh đấu súng, đấu súng với chúng cho nên ai cũng có cái tác phong luôn luôn sẵn sàng ấy.

Lũ giặc lúc đầu tràn sang hung hãn bao nhiêu...

 

...Thì sau đó mệt mỏi và thất vọng bấy nhiêu

Anh Doanh bảo:

- Đem ngay cuốn sổ ghi chép của mày ra đây!

Tôi ấp úng:

- Cuốn sổ nào ạ?

- Cuốn nhật ký mà mày vẫn ghi chép tình hình chiến sự hằng ngày trong thời gian đánh nhau ấy!

Tôi vội chối ngay:

- Cuốn sổ ấy em đã đốt nó cùng các loại giấy tờ để đảm bảo bí mật theo lệnh của chỉ huy tiểu đoàn cái hôm trước khi vượt vòng vây quân địch ở Thông Nông sang Nguyên Bình rồi, còn đâu nữa ạ?

Anh Doanh trừng mắt:

- Mày đừng có nói dối nhé! Tao biết, hôm ấy, mày chỉ đốt mỗi cuốn sổ ghi các sáng tác văn thơ thôi. Còn cuốn nhật ký ghi chép về tình hình chiến sự thì mày vẫn lén giấu trong người đem đi. Mang nó ra đây ngay…

Tôi cười hì hì:

- Làm sao anh lại biết ạ?

- Tao biết! Có chết, mày không bao giờ đốt cuốn sổ ấy đâu. Đem nó ra đây ngay! Có việc cần đấy!

- Có việc gì mà lại liên quan đến cuốn nhật ký của em ạ?

Chính trị viên Hoàng Quốc Doanh vừa đặt tập giấy xuống cái bàn ghép bằng mấy miếng ván kê giữa nhà vừa nói:

- Tiểu đoàn 3 chúng ta được đề nghị nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng. Do đó, phải chuẩn bị một bản báo cáo thành tích trong cuộc chiến đấu vừa qua. Mày văn hay, chữ tốt, lại chỉ huy mạng thông tin vô tuyến, nắm được toàn bộ diễn biến của các trận đánh nên chiều nay không phải đi đào công sự nữa mà ở nhà giúp chỉ huy tiểu đoàn viết bản báo cáo thành tích trong chiến đấu vừa qua, hiểu không?

Tôi đã hiểu rồi. Tôi rút trong túi cóc ba lô ra một cuốn sổ nhỏ tự đóng bằng loại giấy đen mặt nhẵn, mặt trơn lấm lem bùn đất. Ngồi xuống bên cạnh anh Doanh, tôi đặt lên bàn trước mặt anh cuốn nhật ký của mình. Tay tôi run run lật từng trang ghi chép trong chiến đấu. Anh Doanh cùng tôi đọc lại những trang viết vội vàng, mỗi ngày vài dòng tóm tắt tình hình trong những ngày gian khổ ác liệt ấy. Mấy ngày đầu còn ít mực tím thì tôi ghi rất rõ ràng, những ngày sau ghi bằng bút chì, ở trên núi đá nhiều sương mù, mưa ẩm nên nhòe mờ, rất khó đọc. Chính trị viên Hoàng Quốc doanh lặng người đi khi đọc những câu văn cộc lốc, những con số ghi chép trần trụi trong cuốn nhật ký của tôi về những chiến công về sự hi sinh của đồng đội. Những thông tin này trong khi chỉ huy chiến đấu chúng tôi cũng đã biết rất rõ, nhưng bây giờ đọc lại vẫn thấy nhói lên trong tim...

Chúng tôi hoàn thành bản báo cáo thành tích trong cuộc chiến đấu để cấp trên đề nghị xét phong tặng danh hiệu đơn vị anh hùng cho Tiểu đoàn 3. Rồi đây Tiểu đoàn 3 chúng tôi trở thành một đơn vị anh hùng, nhưng tự dưng tôi lại không thấy vui mừng mà chỉ thấy man mác một nỗi buồn, một nỗi buồn sau thẳm trong lòng khi biết bao nhiêu anh em, đồng đội, bạn bè thân thiết đã không còn nữa để đón nhận sự vinh quang này. Chính trị viên tiểu đoàn dặn tôi không được "bép xép" chuyện tiểu đoàn trưởng không có mặt tại vị trí chỉ huy chiến đấu hôm 20-2, ngày mà bọn giặc tấn công ác liệt nhất vào thị trấn Sóc Giang. Anh không giải thích gì thêm nhưng tôi hiểu nếu chuyện này lộ ra thì tiểu đoàn tôi sẽ không được phong tặng danh hiệu anh hùng. Không ai phong anh hùng cho một đơn vị mà người chỉ huy cao nhất của đơn vị ấy lại bỏ vị trí của mình khi tình huống chiến đấu cam go. Sau này tôi càng hiểu thêm, một người chỉ huy dũng cảm, mưu trí như chính trị viên Hoàng Quốc Doanh cũng không thể được phong tặng danh hiệu anh hùng. Bởi vì nếu đề nghị tặng danh hiệu anh hùng cho anh Doanh thì anh sẽ phải báo cáo về trận đánh mà anh chỉ huy chiến thắng bọn Trung quốc xâm lược vang dội nhất ở thị trấn Sóc Giang ngày 20-2-1979. Lúc ấy, cấp trên, cơ quan thi đua khen thưởng khi xem xét người ta sẽ đặt câu hỏi: “Hôm đó tiểu đoàn trưởng đi đâu mà chính trị viên tiểu đoàn phải trực tiếp chỉ huy chiến đấu?”. Như vậy sẽ lộ ra chuyện tiểu đoàn trưởng rời vị trí chỉ huy khi ác liệt nhất. Và không khéo thì tất cả sẽ "xôi hỏng, bỏng không"...

Sau khi hoàn thành bản báo cáo thành tích chính trị viên Hoàng Quốc Doanh còn dặn tôi: “Mày phải giữ cuốn sổ ghi chép này thật cẩn thận nhé!”. (Năm 2018, khi về Trung đoàn 246 hội thảo về lịch sử của trung đoàn, đồng chí trung đoàn trưởng ngỏ ý muốn xin tôi tặng lại cuốn sổ ghi chép này để đưa vào phòng truyền thống của đơn vị nhưng tôi từ chối. Đây chỉ là một cuốn sổ ghi chép trong chiến tranh của riêng tôi, một người lính bình thường không nên trưng bày làm hiện vật lịch sử gì trong phòng truyền thống của Trung đoàn 246).

Chính trị viên Hoàng Quốc Doanh đi rồi, anh em trong tiểu đội vẫn chưa đi đào công sự về, chỉ còn một mình tôi. Tự dưng nỗi buồn sâu thẳm ấy cứ dâng dâng lên mãi trong tôi.

Tôi bước ra khỏi lán ngước nhìn lên bầu trời. Có một cơn giông gió đang cuồn cuộn dâng lên từ phía Bắc. Mây đen vần vũ trên những đỉnh núi đá lởm chởm nơi biên thùy. Nơi mảnh đất cuối cùng Tổ quốc này tiếng súng vẫn chưa một ngày lắng im…

Sau chiến tranh nhiều việc phải làm. Tình hình biên giới vẫn căng như sợi dây đàn. Bọn địch vẫn liên tục tung thám báo sang đất ta trinh sát. Thỉnh thoảng hai bên lại xảy ra những vụ xung đột nổ súng lẻ tẻ. Vẫn có những người ngã xuống vì chạm súng hoặc vướng phải mìn bọn địch gài lại. Phía biên giới Hà Giang vẫn tiếp tục xảy ra những trận đánh lớn ở Vị Xuyên. Quân xâm lược phương Bắc hôm nay giống như cha ông chúng ngày xưa chưa bao giờ từ bỏ dã tâm thôn tính, đô hộ nước ta.

Tiểu đoàn 3 chúng tôi dần ổn định vị trí đóng quân. Những ngôi nhà nửa chìm nửa nổi trên chốt vừa là chỗ ăn nghỉ, vừa làm công sự chiến đấu khi cần thiết. Cùng với việc xây dựng trận địa, ổn định nơi ăn ở, các đơn vị bắt đầu việc bình xét, khen thưởng những người có thành tích trong chiến đấu. Nhiều người được tăng huân chương chiến công, được thăng quân hàm vượt cấp nhờ những thành tích, chiến công đã lập được. Một số cán bộ cũng được bổ nhiệm chức vụ mới. Phần lớn là lên một chức. Anh em trong cơ quan tiểu đoàn bộ và các đại đội đều được thăng quân hàm, bổ nhiệm chức vụ, được xem xét bồi dưỡng để kết nạp vào đảng, được cử đi học tập, đào tạo để làm cán bộ... Duy chỉ có mình tôi là không được phong quân hàm, đề bạt chức vụ và khen thưởng gì.

Thằng Lợi, tiểu đội trưởng hữu tuyến có vẻ thắc mắc cho tôi. Nó nói:

- Tại sao mày trong chiến đấu nhiệm vụ nào cũng hoàn thành tốt mà lại chả được khen thưởng, thăng quân hàm, cất nhắc chức vụ gì nhỉ? Nói thậ với mày, cũng là lính thông tin, tao biết nếu không có mày cùng anh em tiểu đội vô tuyến giữ vững được liên lạc trong mọi tình huống thì đơn vị ta không thể đánh và chiến thắng được. Đường dây của tiểu đội tao đứt liên tục, nối không kịp, khi nó bao vây kín xung quanh thị trấn Sóc Giang thì chịu hẳn, truyền đạt cũng không thể kịp với các tình huống chiến đấu rất khẩn trương...

Tôi bảo:

- Thôi mày ạ! Sau chiến tranh còn giữ được cái chỗ đội nón để trở về quê quán là tốt lắm rồi.

Thằng Lợi vẫn không chịu. Nó băn khoăn:

- Tao vẫn không hiểu nguyên nhân gì mà sau chiến tranh mày chả được cái gì nhỉ?

Tôi lắc đầu bảo nó:

- Quên chuyện khen thưởng của tao đi. Thế còn mày, nhận huân chương rồi, thăng quân hàm vượt cấp, lên chức mới rồi có khao tao gì không?

Thằng Lợi gật đầu:

- Hôm nào tao đi nhận nhiệm vụ ở đơn vị mới tao với mày phải chén một bữa, uống cho đã để chia tay nhé?

Thằng Lợi nói mà vẻ mặt nó vẫn không vui. Tôi biết nó đang rất băn khoăn, trăn trở, thắc mắc về chuyện của tôi. Tôi cũng thấy hơi buồn. Tôi nghĩ công lao của mình trong cuộc chiến đấu vừa qua cũng chỉ là một hạt cát trên sa mạc bao la, là một giọt nước giữa đại dương mênh mông. Nhưng thôi, mình chẳng được tặng thưởng cái gì thật to tát thì cũng không sao. Tôi chỉ ước mong mình được thăng lên một cấp quân hàm, từ hạ sĩ lên trung sĩ thôi cũng được? Để sau này khi xuất ngũ quân về quê làm ruộng, mỗi lần bạn bè cùng trang lứa hỏi tôi sẽ nói: “Trong cuộc chiến tranh biên giới tao cũng có công lao, được phong quân hàm từ hạ sĩ lên trung sĩ!”. Mặc dù nếu xét về niên hạn thì tôi cũng đeo quân hàm hạ sĩ cũng đã gần bốn năm rồi, nhưng gắn chút lửa khói chiến tranh vào cũng thấy lòng mình đôi chút thanh thản.

Chuyện không được khen thưởng, thăng cấp, đề bạt chức vụ như các anh em khác khiến tôi cũng buồn đôi chút. Nhưng việc tôi quan tâm hơn sau chiến tranh là bắt đầu thu thập các tư liệu về cuộc chiến đấu vừa qua để hoàn thành tập ghi chép về chiến tranh của mình. Một cuộc chiến tranh theo tôi nghĩ nó sẽ được ghi dấu vào lịch sử dựng và giữ nước của dân tộc ta. Tôi đã ghi chép được rất nhiều tư liệu quý. Lao động, huấn luyện, công tác mệt mỏi nhưng ngày nào tôi cũng cố giành thời gian để ghi lại những gì mình nghe được. Nhiều anh em, chiến hữu đã cung cấp cho tôi nhiều những tư liệu, tình tiết rất có giá trị, hấp dẫn trong cuộc chiến đấu vừa qua...

Câu chuyện về bản thành tích của tiểu đoàn 3 mà tôi được tham gia chắp bút và câu chuyện của riêng tôi là một góc khuất trong chiến tranh. Sau bốn mươi năm, tôi không còn ngại khi đề cập đến. Bây giờ thì mọi việc đã qua lâu rồi, buồn vui về chuyện cũ cũng chỉ là quá khứ, dù sương khói và hồn liệt sĩ vẫn còn quẩn quanh nơi biên ải xa xôi...

Cao Bằng- 1979

Ghi chép của Trọng Bảo

Theo Báo điện tử Tầm nhìn

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét