CAO BẰNG ĐẦU NĂM 1979 (kỳ 14) Cập nhật lúc 08:00
Buổi chiều 20-2, bọn địch từ hướng Đôn Chương nống lên tập kết ở bản Kép Ké bắt đầu tổ chức các đợt tấn công vô cùng ác liệt vào trận địa của Đại đội 10, bọn chúng quyết mở thông con đường tiến vào đánh chiếm thị trấn Sóc Giang. Bộ binh và những xe tăng “Bát-nhất” lúc nhúc trên cánh đồng trồng cây thuốc lá tiến thẳng vào chân chốt Đại đội 10. Đại đội 10 xin hỏa lực bắn chi viện chặn địch. Chính trị viên tiểu đoàn Hoàng Quốc Doanh bảo tôi: - Hỏi xem Đại đội 12 còn bao nhiêu đạn cối 82? Tôi lập tức điện hỏi. Đại đội 12 báo cáo chỉ còn chưa đầy ba mươi quả đạn cối 82. Chính trị viên tiểu đoàn Hoàng Quốc Doanh chỉ thị cho tôi điện khẩn cho Đại đội 12: - Bảo “nó” không được tự ý bắn! Khi nào có lệnh mới được bắn hiểu không? - Vâng ạ! Tôi đáp. Chính trị viên Hoàng Quốc Doanh đi ra phía cửa chính của hang quan sát. Đại đội 10 đã nổ súng khi bọn địch tiến đến đoạn đường vòng chỗ bụi tre sát chân điểm chốt. Trận địa mịt mù khói lửa. Tiếng quân giặc hô hét ầm ĩ: “Tả… tả… tả…”. Tiếng kèn đồng thúc quân xung trận của bọn chúng nghe rất rõ cùng tiếng đạn súng bộ binh râm ran. Đại đội 10 xin hoả lực cối 82 của tiểu đoàn bắn vào đội hình tấn công của địch để chi viện đơn vị chiến đấu bảo vệ chốt. Tôi báo cáo với chính trị viên tiểu đoàn Hoàng Quốc Doanh các nội dung điện khẩn cấp của Đại đội 10. Anh bảo tôi thông báo cho Đại đội 12 mệnh lệnh chiến đấu: - Lệnh cho Đại đội 12 bắn năm quả cối 82 vào đội hình quân địch trên cánh đồng trồng cây thuốc lá chi viện cho Đại đội 10. Chỉ bắn đúng năm quả thôi nhé! Tôi lập tức thông báo ngay cho Đại đội 12. Trung uý Nông Đình Bào, đại đội trưởng Đại đội 12 ngứa mắt thấy quân giặc vào đông lúc nhúc đã cho rót liền mười lăm quả đạn cối 82 vào đội hình xung phong của chúng. Mặc dù bị thương vong nhưng bọn địch cũng đã áp sát trận địa của Đại đội 10. Lũ bành trướng xâm lược này cũng lạ, bộ binh chúng chết và bị thương nằm đầy cánh đồng, đầy mặt đường mà xe tăng chúng từ phía sau lên cứ nghiến qua xác bọn lính của chúng để tiến vào thị trấn. Có tên bị thương còn đang giơ tay kêu cứu khóc lóc mà xe tăng của chúng vẫn đè qua. Xích sắt những chiếc xe tăng nhuộm đỏ màu máu. Gần chục chiếc xe tăng đã tiến sát chỗ bụi tre dưới chân chốt Đại đội 10, mấy chiếc đã vượt qua con suối cạn sang phía cửa hàng thực phẩm thọc mũi tiến công vào khu vực trụ sở ủy ban nhân dân huyện Hà Quảng. Có ba chiếc đã lao được sang khu ruộng trồng ngô phía trước bản Nà Nghiềng tiến sát đến gần nhà bưu điện thị trấn hướng nòng pháo lên cửa hang huyện uỷ. Chỉ huy đại đội 10 liên tục xin hoả lực chi viện. Chính trị viên Hoàng Quốc Doanh bảo tôi: - Lệnh cho Đại đội 10 cử hai tổ xuống bắn xe tăng địch ngay! Tôi vội điện cho chỉ huy đại đội 10. Anh Doanh hạ lệnh tiếp: - Lệnh cho bộ phận của Đại đội 9 kiên quyết chặn đánh quân địch đang tiến vào khu vực trụ sở uỷ ban nhân dân huyện! Tôi đang truyền đạt mệnh lệnh thì có nhiều tiếng nổ dữ dội ở phía cửa hang chính. Những chiếc xe tăng của địch trên cánh đồng bản Nà Nghiềng đã xác định được vị trí cửa hang huyện uỷ. Pháo trên xe tăng địch căn chỉnh khá chuẩn xác nhằm bắn thẳng vào cửa hang. Khói bụi xộc vào trong hang mù mịt. Lực lượng phòng ngự ngoài cửa hang chính không ngẩng đầu lên được vì pháo trên xe tăng địch bắn dữ dội, đạn của bộ binh chúng xối xả cộng với những tảng đá trên sườn núi đá bị đạn pháo bắn vỡ lăn ầm ầm qua trước cửa hang. Bọn bộ binh địch đã tiến vào khu vực chợ Sóc Giang và cánh đồng ngô non phía trước bản Nà Nghiềng. Tình huống vô cùng nguy hiểm nếu lực lượng bộ binh địch đông đặc xông lên bám được chân núi hang huyện ủy. Lúc ấy bộ phận bảo vệ cửa hang với một số ít chiến sĩ sẽ rất khó mà đẩy lui được bọn địch vì sườn núi có nhiều mô đá, khe rãnh để chúng ẩn nấp. Các chiến sĩ phòng ngự ngoài cửa hang đã nổ súng. Trong âm thanh hỗn loạn của tiếng súng pháo các loại tôi vẫn nghe rõ tiếng chính trị viên Hoàng Quốc Doanh bình tĩnh nói: - Thương binh nặng ở lại! Còn tất cả ra vị trí chiến đấu bảo vệ hang! Tôi vội giao tổ hợp máy vô tuyến điện cho một chiến sĩ thông tin xách súng lao ra cửa hang chính. Ở cửa hang chính tiểu đoàn phó Trần Quang Cương và trợ lý tham mưu Bùi Đức Thọ đang tổ chức cho các chiến sĩ cơ quan tiểu đoàn bộ và một chiến sĩ của Đại đội 11 rút về tăng cường phòng ngự bảo vệ cửa hang. Hang huyện ủy ở trên cao nên quan sát được toàn bộ thị trấn Sóc Giang và trận địa của Đại đội 10 cho đến tận các bản Cốc Sâu, Kép Ké là nơi bọn giặc tập kết trước khi tổ chức tấn công vào Sóc Giang. Tôi chui ra bên ngoài cửa hang tìm vị trí chiến đấu. Tôi nhìn thấy những chiếc xe tăng địch trên cánh đồng phía trước bản Nà Nghiềng đang rê chỉnh nòng pháo để bắn thẳng vào cửa hang. Bọn địch cũng đã chiếm được khu đồn công an vũ trang đối diện với hang huyện ủy. Chúng dùng ĐKZ ngắm bắn thằng vào cửa hang. Đất đá văng rào rào, khói bụi bay mù mịt. Một tảng đá lớn từ sườn núi phía trên ầm ầm lao xuống bay qua sát mặt chúng tôi. Có ai đó hét to: “Cẩn thận đá lăn đấy!”. Tôi cố thu người nép sau gộp đá và thảng thốt nghĩ: “Mả mẹ thằng Tàu khựa bắn ghê quá! Không khéo chả chết vì đạn pháo mà chết vì đá lăn...”. Khi tôi đang nấp sau gộp đá ngắm bắn về phía chợ bọn giặc đang lố nhố xung phong thì có tiếng gọi vào trong hang ngay. Tôi vội xách súng bò trở vào trong hang. Chính trị viên Doanh vừa nhìn thấy tôi đã bực bội hỏi: - Mày ra ngoài đấy làm gì hả? Tôi ấp úng: - Thủ trưởng vừa lệnh tất cả ra chiến đấu... Chính trị viên Doanh giằn giọng: - Nhiệm vụ của mày là đảm bảo thông tin liên lạc cho chỉ huy chiến đấu. Mất liên lạc với các hướng lúc này là mất trận địa, là chết hết đấy hiểu không? - Vâng... vâng ạ! Tôi lập cập đáp. Chính trị viên Hoàng Quốc Doanh có vẻ vẫn còn rất bực: - Mày... mày mà... để mất liên lạc lúc này là... là... tao… bắn... Anh dọa. Tôi hoảng hốt tái mặt đi khi nhìn thấy trên tay anh đang lăm lăm khẩu súng ngắn. Anh đang chỉ huy bộ phận chiến đấu ở ngoài cửa hang. Thấy tôi run lập cập, anh hạ giọng: - Cầm máy đảm bảo liên lạc ngay! Nhanh lên! Tôi vội lao về vị trí đặt máy vô tuyến điện. Chính trị viên Hoàng Quốc Doanh nổi cáu quát tôi vì lúc nãy khi tôi không có mặt trong hang, người chiến sĩ thông tin xử lý không tốt một mệnh lệnh chiến đấu khiến anh rất bực. Tổ đài vô tuyến điện 884 lúc này đã được đưa vào phía trong cửa hang phụ để đảm bảo an toàn. Khi vừa cầm tổ hợp máy vô tuyến áp vào tai nghe các đơn vị báo cáo tình hình tôi đã bật reo lên thật to: - Đại đội 10 báo cáo đã bắn cháy hai xe tăng quân địch! - Lại hai chiếc nữa bị bắn cháy… Tôi gào lên. Gần như cùng lúc với báo cáo của tôi anh em phía ngoài cửa hang cũng reo lên vui mừng. Từ trên cửa hang họ nhìn thấy rất rõ những chiếc xe tăng bốc cháy ngay trên đoạn đường quanh dưới chân chốt của Đại đội 10. Có một chiếc xe tăng bốc cháy và phát nổ rất dữ dội. Có lẽ là do đạn pháo trong xe bị kích hoạt. Sau đó, Đại đội 10 mới báo cáo cụ thể hơn: “Chiến sĩ Nguyễn Xuân Quý bắn cháy bốn xe tăng địch, Hạ sĩ, tiểu đội trưởng Nguyễn Công Tâm bắn cháy một chiếc xe tăng và hy sinh. Chính trị viên đại đội, trung úy Trần Xuân Tương chỉ huy các tổ xuống chân điểm chốt bắn xe tăng cũng đã hy sinh… Hạ sĩ Nguyễn Công Tâm là người đã xuống sát bụi tre ở chân điểm chốt để lập ổ đề kháng bắn thẳng vào đội hình quân địch, tiêu diệt được nhiều tên giặc. Bọn địch ném lựu đạn lên công sự, Nguyễn Công Tâm nhặt lựu đạn địch ném trả lại, bị một quả nổ trên tay”. Hạ sĩ Nguyễn Công Tâm quê ở Thái Bình, nhập ngũ đầu năm 1975. Tâm lấy vợ đã lâu mới có con. Hôm trước chiến tranh, gặp tôi Tâm còn vui mừng khoe: “Con mình vừa mới sinh, vợ bảo sau khi đầy tháng mới bế con đi chụp ảnh gửi cho mình. Mình mong được thấy mặt thằng bé quá”. Vậy mà anh đã đi vào lòng đất khi chưa biết mặt đứa con vừa mới ra đời. Cả sở chỉ huy tiểu đoàn lặng đi trước những tổn thất của Đại đội 10. Mấy chiếc xe tăng địch ở đám ruộng trước bản Nà Nghiềng vẫn liên tục nã pháo vào cửa hang của chúng tôi. Một chiến sĩ mang súng B41 lao ra tìm cách tiếp cận xe tăng địch. Anh bị trúng đạn gục xuống rãnh ngô non. Từ vị trí phòng ngự ở chân núi Nguyễn Văn Trọng, tiểu đội phó truyền đạt và Nguyễn Đình Tuất ở trung đội vận tải cùng mấy chiến sĩ nhanh chóng lao ra. Họ bò lê trên mặt ruộng dưới làn đạn giặc cố tìm cách tiếp cận vị trí người lính B41 hy sinh lấy khẩu súng để bắn xe tăng địch. Giữa lúc đó tôi nhận được điện của Đại đội 9: “Hướng ủy ban nhân dân huyện, trung đội trưởng Trần Quang Tuyến đã chỉ huy trung đội bắn cháy một xe tăng, tiêu diệt nhiều bộ binh quân địch ở khu vực cửa hàng thực phẩm và sân uỷ ban nhân dân huyện Hà Quảng”. Tôi vừa báo cáo với chính trị viên Hoàng Quốc Doanh xong thì nhận được điện của Đại đội 10 đề nghị hoả lực của tiểu đoàn bắn trực tiếp trùm lên trận địa của đơn vị mình. Bộ binh địch từ hướng Đôn Chương đã tràn lên, lực lượng tinh nhuệ của chúng từ điểm cao 505 đã đánh ập xuống trận địa của Đại đội 10. Tình hình Đại đội 10 vô cùng nguy cấp. Bộ đội đang đánh giáp la cà với bọn địch. Tiếng lựu đạn nổ lục bục trong chiến hào. Đại đội 10 xin cối 82 của tiểu đoàn bắn trùm lên trận địa của đơn vị, sẵn sàng chết chung cùng bọn giặc. Chính trị viên Hoàng Quốc Doanh nghe xong mím môi vẻ mặt căng thẳng. Đoạn anh bảo tôi: - Điện lệnh cho Đại đội 10 bất cứ giá nào cũng phải “kiên quyết chiến đấu giữ vững trận địa”. Tôi vừa truyền đạt xong mệnh lệnh thì mất liên lạc với Đại đội 10. Hướng biên giới Đại đội 9 và Đại đội 11 báo cáo bọn địch từ biên giới hành quân xuống đã áp sát trận địa. Phía con đường mòn từ Mỏ Sắt lên phía bên phải có tiếng súng nổ trong bản Nà Nghiềng. Bọn địch đã chạm súng với bộ phận chốt chặn ở đây. Như vậy là cả bốn phía quân địch đang khép chặt vòng vây xông vào thị trấn Sóc Giang. Trong khi đó thì cuộc chiến đấu trước cửa ngõ thị trấn Sóc Giang vẫn vô cùng ác liệt. Trận địa của Đại đội 10 mịt mù khói lửa, râm ran tiếng súng, chả còn phân biệt đâu là tiếng súng của quân ta, đâu là tiếng súng của quân địch nữa. Đạn pháo của địch thì không ngừng nã vào vị trí cửa hang chỉ huy tiểu đoàn. Hang đá rung chuyển chao đảo như một con thuyền nhỏ nhoi trên sóng lớn. Tiếng súng bộ binh đã ran lên khắp thị trấn Sóc Giang. Những tên giặc lố nhố trong khu chợ thị trấn bên trái cửa hang huyện ủy lại hò hét xông lên phía cửa hang… Chính trị viên Hoàng Quốc Doanh vẫn bình tĩnh nghe và xử lý các tình huống chiến đấu. Các đơn vị liên tục thông báo tình hình của ta và của địch. Đơn vị nào cũng xin chi viện hoả lực và đạn dược. Nhưng làm gì còn đạn dược nữa mà chi viện? Có bộ phận báo cáo thiệt hại nặng khó có thể giữ được trận địa, xin rút lui... Chính trị viên Hoàng Quốc Doanh lặng người đi mỗi khi nhận tin nhiều cán bộ, chiến sĩ hi sinh. Anh hạ lệnh cho Đại đội 9 và Đại đội 11 chiến đấu chặn địch từ hướng biên giới tràn xuống. Lại có tiếng quân ta hò reo ở ngoài cửa hang. Thêm hai chiếc xe tăng của quân địch bị bắn cháy ngay trên đám ruộng trồng ngô phía trước bản Nà Nghiềng, gần nhà bưu điện thị trấn. Có lẽ đã hơn ba giờ chiều… Thị trấn Sóc Giang ngùn ngụt lửa cháy. Bốn phía bộ binh, xe tăng quân địch vẫn đang ào ạt xông đến áp sát vị trí chỉ huy của Tiểu đoàn 3 chúng tôi. Tình huống vô cùng nguy ngập. Từ phía cửa hang chính, nơi đang bị hỏa lực và bộ binh quân địch chế áp, tấn công ác liệt, chính trị viên tiểu đoàn Hoàng Quốc Doanh đi vào giữa hang, tay anh vẫn cầm khẩu súng ngắn chỉ huy chiến đấu. Anh mím môi nhìn số người ít ỏi còn lại trong hang rồi nói: - Bây giờ, đã đến lúc chúng ta sẽ quyết một trận sống chết với quân thù! Nghe chưa hết mệnh lệnh của chính trị viên tiểu đoàn, tất cả chúng tôi, những người làm nhiệm vụ đảm bảo cho công tác chỉ huy chiến đấu và cả các anh em thương binh nhẹ trong hang lập tức bật dậy vớ lấy súng và lựu đạn lao ra phía cửa hang chính đang mịt mù khói lửa. Tiếng súng đạn gầm vang râm ran bốn phía. Thị trấn “Tọa-độ-lửa” Sóc Giang vẫn đang bốc cháy. Khói lửa chiến tranh che khuất cả một khoảng trời biên giới... Hơn 5 giờ chiều ngày 20-2, tất cả các mũi tấn công của quân xâm lược Trung Quốc vào thị trấn Sóc Giang đều bị bẻ gãy. Chốt của Đại đội 10 vẫn được giữ vững, khu vực phòng ngự của Đại đội 9 và Đại đội 11 bọn địch không thể vượt qua. Bóng đêm và sương mù dần buông xuống nhưng bầu trời thị trấn biên giới vẫn rực sáng bởi lửa cháy và đạn nổ từ những chiếc xe tăng mang nhãn hiệu “Bát-nhất” dưới chân điểm chốt của Tiểu đoàn 3 anh hùng… Dưới đây là trang nhật ký chiến tranh tôi ghi lại về ngày 20-2-1979: - Địch: Có khoảng 2 tiểu đoàn đánh từ phía Đôn Chương tiến công lên thị trấn Sóc Giang. Chúng chia làm 3 đợt tấn công. Buổi sáng từ 9 đến 10 giờ, chiều từ 3 đến 5 giờ, có 16 xe tăng trong đội hình tấn công. - Ta: Đại đội 10 cùng 1 tiểu đội của đại đội 11 tăng cường chiến đấu giữ vững chốt, bẻ gãy các đợt tấn công của địch, tiêu diệt hơn 400 tên địch, 6 xe tăng. Bộ phận của đại đội 9 chốt chặn ở hướng UBND huyện Hà Quảng chiến đấu tiêu diệt 1 xe tăng và 50 tên địch. - Sơ đồ trận đánh ngày 20-2-79. - Một số gương chiến đấu dũng cảm trong ngày 20-2: + Binh nhất Trần Xuân Quý, 20 tuổi, bắn 5 viên đạn B41 tiêu diệt 4 xe tăng và diệt nhiều tên địch. + Hạ sĩ, tiểu đội trưởng Nguyễn Công Tâm dũng cảm xuống tận bụi tre sát mặt đường quốc lộ để đặt súng bắn thẳng, tiêu diệt được 1 xe tăng và nhiều bộ binh địch, hy sinh do lựu đạn địch ném lên tuyến công sự thứ nhất. + Trung uý Trần Xuân Tương, học viên Trường sĩ quan Chính trị thực tập làm chính trị viên tại Đại đội 10, vừa chỉ huy bộ đội vừa trực tiếp chiến đấu, bị thương gãy một tay và một chân vẫn kiên quyết ở lại trận địa chỉ huy bộ đội chiến đấu và hy sinh. + Thượng sĩ Trần Quang Tuyến, trung đội trưởng thuộc đại đội 9, bắn cháy 1 xe tăng địch. Binh nhất Hồ Sào Liền, dân tộc H’Mông, quê Hà Giang tiêu diệt được 12 tên địch, trước đó khi đi lấy gạo gặp địch còn diệt được 2 tên… Viết thêm: Năm 2018, khi về Hà Nội dự buổi gặp mặt truyền thống của Trung đoàn 677 tổ chức, anh Hoàng Quốc Doanh đến nhà tôi chơi. Tôi bảo các con ra chợ mua chút thức ăn về làm cơm, nhớ mua ít lòng lợn vì tôi nhớ là anh rất thích món này. Lúc rượu vào vui vẻ, tôi nhắc lại chuyện bị anh “dọa bắn” hôm chiến đấu ở thị trấn Sóc Giang. Anh cười to và bảo: “Lúc ấy, tao chỉ dọa thế thôi. Mày mà chết thì lấy ai tổ chức thông tin liên lạc cho tiểu đoàn. Mất liên lạc trong lúc ấy không chỉ mất trận địa là tất cả chúng ta sẽ mất mạng hết đấy, hiểu không?”. Rồi anh giải thích thêm: “Lúc ấy mà mất liên lạc, các bộ phận sẽ tưởng là chỉ huy tiểu đoàn đã bị bọn Tàu tiêu diệt hết rồi, họ sẽ hoang mang, bỏ trận địa để rút lui, bọn địch sẽ ào lên hang huyện ủy và tất cả chúng ta sẽ chết”. Sau chiến tranh biên giới phía Bắc, từ một cán bộ chính trị anh Doanh được bổ nhiệm làm trung đoàn trưởng. Khi anh làm trung đoàn trưởng Trung đoàn 677, Sư đoàn 346 thì Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch là phó chủ nhiệm chính trị của trung đoàn này. Sau này, khi tôi về làm báo ở Hà Nội, lần nào gặp tôi, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cũng hỏi thăm anh Doanh. (Phần này được chọn in trong Tuyển tập văn học Trái tim người lính-NXB Thanh niên 2020). Cao Bằng-1979 Ghi chép của Trọng Bảo Theo Báo điện tử Tầm nhìn |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét