Thứ Sáu, 12 tháng 3, 2021

CAO BẰNG ĐẦU NĂM 1979

 

CAO BẰNG ĐẦU NĂM 1979

(kỳ 26)

 Cập nhật lúc 09:16      

Chỉ huy tiểu đoàn chỉ thị cho tôi chuẩn bị bàn giao chức vụ tiểu đội trưởng tiểu đội thông tin vô tuyến điện cho trung sĩ Vũ Văn Tự. Sau chiến tranh Vũ Văn Tự được thăng quân hàm hạ sĩ quan và bổ nhiệm giữ chức vụ tiểu đội trưởng tiểu đội vô tuyến điện thay tôi. Các anh em chiến hữu khác trong trung đội thông tin cũng được lên một cấp hoặc vượt cấp quân hàm. Thế là sau gần bốn năm giữ chức vụ tiểu đội trưởng hết ở đơn vị bộ binh lại đơn vị binh chủng bây giờ tôi trở lại làm “chiến sĩ”. Tôi hơi lo lắng, không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra. Cấp trên cũng không nói sắp tới tôi sẽ làm gì, về đơn vị nào? Tôi mong không phải là do bị “xử lý” chuyện ở Táp Ná mà bị mất chức tiểu đội trưởng?

 

Không thể quên những ngày chiến đấu bên nhau

Thời gian này toàn tiểu đoàn vẫn tiếp tục công tác xây dựng trận địa, củng cố doanh trại chờ đón chiến sĩ mới. Trung đội thông tin tiến hành kéo đường dây trần lên Lũng Mật là trận địa của Đại đội hỏa lực 12. Chúng tôi nhặt các đoạn dây điện cao thế bị đạn pháo, bị lính Trung quốc đánh gãy cột đứt rơi đầy trên cánh đồng đem về gỡ ra từng sợi nhỏ làm dậy thông tin. Mỗi sợi dây điện cao thế gỡ ra được sáu dây nhôm nhỏ và một dây lõi bằng thép. Tôi đề nghị trung đội trưởng Phạm Hoa Mùi cho tôi tham gia làm đường dây với tiểu đội hữu tuyến. Tôi vẫn nuôi hy vọng trở lại Lũng Mật, Lũng Vài, Lũng Vỉ để tìm lại cuốn sổ ghi chép các sáng tác của mình. Hôm chuẩn bị vượt vòng vây qua huyện Thông Nông tôi đã không đốt cuốn sổ ấy theo lệnh của chỉ huy tiểu đoàn. Tôi cho cuốn sổ vào cái túi ni-lông đựng gạo sấy rồi hơ lửa dán kín lại và giấu trong một hốc đá ở Lũng Vỉ. Song việc tìm lại cuốn sổ không thực hiện được vì địa hình trên núi tôi không thông thuộc và cũng chẳng nhớ là đã nhét vào hốc đá nào. Phạm Hoa Mùi cũng gàn tôi nói tình hình còn căng thẳng lỡ khi sang Lũng Vỉ gặp bọn thám báo hoặc vướng phải mìn...

Tuyến đường dây trần lên Lũng Mật làm xong chúng tôi lại tiếp tục đi đào giao thông hào. Tiểu đoàn 3 tiến hành đào một tuyến hào giao thông từ hang Ma Gà qua phía sau bản Cốc Vường lên chốt cây đa của Đại đội 11. Đây là đường cơ động khi chiến sự xảy ra. Bộ đội cơ động lên chi viện cho Đại đội 11 hoặc tải thương từ chốt tiền tiêu về phía sau không phải băng qua cánh đồng đầy lửa đạn nữa. Chiến tranh đã cho chúng ta những bài học xương máu. Như tại chốt của Đại đội 10 cũng vậy. Khi xây dựng các lô cốt ta chỉ mở các lỗ châu mai hướng lên phía biên giới. Khi bọn địch từ sau lưng đánh lên thì các lô cốt không có lỗ châu mai để bắn về phía sau. Bộ đội phải chạy ra bên ngoài lô cốt phơi mình trên mặt chiến hào để bắn ngược lên đỉnh cao 505 rất dễ bị thương vong. Trận địa của đơn vị lựu pháo tại Cốc Sâu cũng vậy, các hầm đặt pháo đều hướng lên phía biên giới. Khi địch từ ngã ba Đôn Chương tấn công tập hậu. Bộ đội phải kéo pháo ra mặt đường để bắn thẳng xe tăng phía sau lao đến.

Một buổi sáng, tôi đang hì hục đào công sự ở khu vực bản Cốc Vường thì liên lạc chạy lên gọi về gặp chỉ huy tiểu đoàn có việc gấp ngay. Tôi hơi hoảng nghĩ: “Hay là cấp trên họ điều tra ra những vi phạm của mình trong chiến đấu nên triệu về để thi hành kỷ luật?”. Tuy vậy, tôi cũng tự động viên mình chắc đây chỉ là thuyên chuyển công tác bình thường thôi, chả có chuyện gì đâu.

Đến khu nhà chỉ huy của tiểu đoàn tôi đang ngó nghiêng xung quanh tìm nhà chỉ huy thì có tiếng gọi:

- Thằng Bảo phải không? Vào đây đi!

Tôi bước vào gian phòng đang mở cửa có tiếng người vừa gọi. Chính trị viên tiểu đoàn Hoàng Quốc Doanh đang ngồi sau bàn làm việc chăm chú ghi chép gì đó. Trời mùa hè nóng bức nên anh mở phanh cả cúc áo ngực. Tôi đứng nghiêm báo cáo:

- Tôi, hạ sĩ, nguyên tiểu đội trưởng...

Anh Doanh vội xua tay cắt ngang lời tôi:

- Thôi... không phải báo cáo, báo mèo gì nữa! Đây có phải huấn luyện điều lệnh, điều lệ gì đâu mà báo cáo, báo cầy chứ?

Anh Doanh bảo tôi ngồi xuống ghế. Anh rót một ca nước đưa cho tôi rồi hỏi:

- Chú mày vẫn khoẻ chứ?

Tôi đáp:

- Vâng ạ! Thì em vẫn thế thôi ạ... Anh vẫn chưa lên trung đoàn nhậm chức vụ mới ạ?

- Chưa! Vẫn còn chút việc ở tiểu đoàn, vài ngày nữa tao mới đi... Mà mày vẫn còn bất mãn vì chuyện sau chiến tranh không được thăng quân hàm và khen thưởng chứ?

Tôi ậm ừ:

- Em là hạ sĩ quan chiến sĩ, hết nghĩa vụ quân sự thì về phục viên theo con trâu đi cày ruộng, quân hàm, quân hiệu có là cái gì đâu mà bất mãn ạ?

- Nhưng cùng nhập ngũ với mày nhiều thằng sau chiến tranh được phong cấp uý, lên đến chức đại đội phó rồi đấy!

- Thì họ có số làm quan, số em chỉ được làm lính thì mãi mãi cũng chỉ là lính tráng thôi anh ạ!

Anh Doanh bật cười:

- Mày cũng lý luận gớm nhỉ?

- Thì em chỉ nói thật thế thôi chứ lý luận gì đâu ạ!

Anh Doanh im lặng một lát rồi đột nhiên chuyển sang chuyện khác:

- Việc của mày coi như đã xong rồi!

Tôi chột dạ và thấy hơi lo:

- Tiểu đoàn đã cho người đi Táp Ná thẩm tra rồi ạ?

- Không… chả cần thẩm tra làm gì nữa?

- Sao lại thế ạ! - Tôi hỏi lại, giọng hơi run run lo lắng: - Vậy em sẽ phải chịu hình thức kỷ luật thế nào ạ?

- Kỷ luật cái gì?

- Thế em cứ tưởng…

Anh Doanh bật cười:

- Tưởng cái gì? Sao chưa chi mặt mũi của mày đã tái mét đi thế? Lính chiến mà lại thế à? Mày chả phải kỷ luật, kỷ liệc gì cả đâu, yên tâm đi.

- Vậy là ông tiểu đoàn phó Tuân... Ông ấy đã nói lại việc của em rồi ạ?

Anh Hoàng ngần ngừ một lát rồi nói vẻ mặt buồn bực:

- Nói cái gì? Ông ấy đã… đã… sắp rời khỏi quân ngũ rồi!

Tôi vô cùng ngạc nhiên. Tưởng là tai mình nghe nhầm, tôi liền hỏi lại:

- Anh ấy vừa được thăng chức, bổ nhiệm làm cán bộ tiểu đoàn cơ mà?

- Nhưng ông ấy được nghỉ phép về nhà rồi không quay lại đơn vị nữa, gọi điện cũng không thấy lên... Có khả năng trên sẽ cho ông ấy ra quân, về phục viên... dù sao ông ấy cũng là một người lính từ thời chống Mỹ.

Tôi vẫn không thể hiểu. Hay là có chuyện gì đã xảy ra đối với anh Tuân. Anh ấy vừa được bổ nhiệm lên chức vụ tiểu đoàn phó, lại chuyển về tuyến sau huấn luyện chiến sĩ mới. Hơn nữa, bây giờ chiến tranh cũng đã kết thúc rồi, làm gì còn nguy hiểm, ác liệt, chết chóc nữa mà anh ấy lại muốn rời quân ngũ nhỉ? Tương lai của anh ấy rất triển vọng cơ mà... Tôi thấy hoang mang và băn khoăn về chuyện này quá. Tôi hỏi lại anh Doanh:

- Hay là hoàn cảnh gia đình anh ấy đang có vấn đề gì khó khăn?

Anh Doanh lắc đầu:

- Chả có vấn đề gì đâu! Nhưng mà thôi... không nói chuyện ông Tuân nữa mà là chuyện của mày đây... Hôm nay, chỉ huy tiểu đoàn gọi mày lên để thông báo là đã đề nghị và cấp trên đã đồng ý cho mày về trường văn hóa của quân khu để ôn luyện kiến thức và thi vào đại học...

Tôi thở phào nhưng trong lòng không thấy nhẹ nhõm hơn chút nào. Tôi cứ bị ám ảnh mãi về việc anh Tuân sẽ ra quân. Thấy tôi lặng im suy nghĩ, biết tôi còn trăn trở suy nghĩ về chuyện của anh Tuân anh Doanh cũng im lặng. Một lát sau đột nhiên anh nói với tôi như nói với chính mình. Giọng anh chùng hẳn xuống: “Bản chất của người lính chiến là thế! Sự hèn nhát không thể giấu kín mãi được đâu! Mày hiểu không?”.

- Vâng! Em hiểu ạ.

Tôi đáp. Anh Doanh có vẻ suy tư, rồi anh bảo:

- Tao biết mày thiệt thòi... Tao sẽ cố gắng đề nghị lên trên xem xét lại xem có được gì không... Nhưng mọi việc đã qua rồi, không biết có...

Lúc tiễn tôi ra về anh vỗ vai tôi ân cần bảo:

- Cố lên em nhé! Đường dài vẫn ở phía trước...

Hóa ra anh Doanh vẫn còn đang suy nghĩ về tôi. Còn tôi lúc này lại không còn nghĩ đến chuyện của mình nữa... Tôi nghĩ về những người lính ở nơi biên giới hôm nay, về anh Doanh- một người chỉ huy dũng cảm, quyết đoán của chúng tôi, nghĩ về những người lính chiến kiên cường ở Tiểu đoàn 3 và cả những người đã ngã xuống mảnh đất biên cương này. Chia tay anh Doanh tôi ra đi không biết bao giờ mới gặp lại, nhưng tôi sẽ mãi mãi không quên những ngày được chiến đấu bên anh. Tôi cũng mong sao những điều tốt lành sẽ đến với anh Tuân khi anh ấy rời khỏi quân ngũ.

Cũng phải đến mấy năm sau, khoảng năm 1983, lúc này tôi đang là học viên năm thứ ba Trường sĩ quan Chính trị tại Bắc Ninh. Một hôm được nghỉ, tôi đạp xe tranh thủ về thăm nhà. Gần trưa, khi đi qua thị trấn Phù Lỗ, Hà Nội tôi chợt nhìn thấy một người mặc bộ quân phục bạc phếch đang lọc cọc đạp xe phía trước trông có vẻ quen quen. Ông ta vừa đạp xe vừa huýt sáo theo giai điệu câu hát "Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới". Một bên ghi đông cái xe đạp tồng tộc của ông treo lủng lẳng cái thủ lợn cùng chiếc chân giò, bên kia treo xâu dồi lòng lợn. Tôi liền đạp rấn lên và nhận ra đó là anh Tuân. Anh Tuân cũng nhận ngay ra tôi. Chúng tôi hỏi thăm nhau. Anh Tuân bảo tôi rẽ vào nhà anh chơi. Tôi liền đạp xe theo anh về nhà. Té ra, anh mở quán bán cháo lòng tiết canh. Anh đang đi chợ mua đồ về để làm hàng.

Tôi và anh Tuân ngồi nói chuyện với nhau cũng khá lâu. Có lẽ anh Tuân không biết là tôi đã biết rõ sự việc anh là người đã tố cáo tôi trong buổi họp đảng uỷ tiểu đoàn sau chiến tranh năm nào nên anh nói chuyện với tôi với vẻ rất tự nhiên. Còn tôi thì chuyện cũ đã qua lâu rồi, cũng chả còn thấy bận tâm nhiều nữa. Tôi vui vẻ chén một loa to cháo lòng nóng hổi anh bưng ra. Có lẽ đang đói nên tôi thấy loa cháo ấy thật là ngon…

Cao Bằng- 1979

Ghi chép của Trọng Bảo

Theo Báo điện tử Tầm nhìn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét