ĐẦU XUÂN THĂM KINH BẮC
Cập nhật lúc 14:26
Đã lâu không thăm Kinh Bắc. Hôm nay lên đường thăm Kinh
Bắc. Gọi ngay cho anh Trần Thanh Cảnh hẹn lên và nói là đã ngồi trên xe chuẩn
bị xuất phát.
Lên đến nơi thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành là vừa giờ
trưa. Anh Cảnh dẫn ngay ra quán thịt trâu ngon nhất. Vừa nhậu, vừa nghe anh
Cảnh kể chuyện anh bước vào làng văn như thế nào! Nghe chuyện, mình giục anh
sớm viết và in một tự truyện kiểu “Đời viết văn của tôi”.
Thăm mộ Sĩ Nhiếp, Thuận Thành, Bắc Ninh.
Chúng tôi đi thăm Lăng Sĩ Nhiếp – người
được tôn vinh là “Nam Giao học tổ”. Khu lăng mộ là cả một gò đất rộng, cây
cối xum xuê. Qua một cái cổng cao lớn là một ngôi đền nhỏ thờ Sĩ Nhiếp – còn
gọi là Sĩ Vương. Bên cạnh là mộ của ông. Ngôi mộ rất đơn giản, và gò đất mộ
này từ trước đều trơ đất vì không loài cỏ nào mọc được.
Bên cạnh mộ có con cừu bằng đá đang quỳ canh mộ. Dân gian
truyền rằng con cừu này vốn ở bên chùa Dâu gần đó, sau trốn sang canh mộ Sĩ
Vương nên chùa Dâu hiện chỉ còn 1 con.
Cừu là loài vật ở xứ lạnh, nhưng ở Kinh Bắc có tượng cừu
đá là rất đặc biệt. Hơn nữa, đá tạc hai con cừu này lại là đá sa thạch, loại
đá ở Miền Trung trở vào, chỗ vùng đất của vương quốc Chàm ngày xưa. Phải
chăng hai con cừu đá này là là các thợ khắc, vốn là tù binh Chàm tạc nên?
Viếng mộ Ôn Như hầu Nguyễn Gia Thiều
Thăm nhà thờ Ôn Như hầu Nguyễn Gia Thiều ở làng Liễu Ngạn,
xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Nhà thờ có cảnh quan khá đẹp,
trông ra một hồ nước. Ôn Như hầu Nguyễn Gia Thiều là một võ quan trong phủ
Chúa Trịnh, từ 5 tuổi đã sống trong phủ. Ông cũng là một nghệ sĩ cung đình tài
hoa, hiểu biết về mỹ thuật và kiến trúc; nhưng ông được biết đến nhiều nhất
là một nhà thơ, với tác phẩm rất quen thuộc “Cung oán ngâm khúc”.
Các cụ trong tộc Nguyễn Gia đưa
chúng tôi viếng mộ Ôn Như hầu ở ngoài cánh đồng làng. Một ngôi mộ nhỏ bé,
khiêm nhường nằm ngay bên cạnh đường.
Thăm mộ gió Kinh Dương Vương
Nghe tiếng đã lâu, chưa biết về vị trí và quy mô của khu
lăng mộ Kinh Dương Vương, và đây là lần đầu tiên tôi đến thăm. Theo truyền
thuyết, Kinh Dương Vương là bố của Lạc Long Quân, và là ông nội của Hùng
Vương (Vua Hùng).
Mộ nằm ngay sát đê và sông Đuống. Chỗ này phong cảnh rất
đẹp. Khu mộ nhìn thẳng sang bên kia phía xa xa là núi và chùa Phật Tích. Bằng
mắt thường còn trông thấy bức tượng ADida khổng lồ và tháp đều mới xây trên
núi Phật Tích. Sông Đuống trước mặt có phong cảnh rộng rãi, khoáng đạt. Phóng
tầm nhìn ra xa về phía hạ lưu là một cảnh thanh bình và êm dịu. Hướng về phía
thượng lưu trong hoàng hôn là thấy cả vũ trụ như hấp hối của ngày tận thế.
Thực ra, đến tận nơi thì thấy mấy ngàn năm trước khó có
thể có cái mộ nào ở đây, kể cả là mộ Hán, vì nó nằm ngay bãi sông, trong khi
thời Lý hệ thống đê sông Đuống đã chưa lấy gì làm bề thế như về sau này. Cũng
chưa có cuộc khai quật khảo cổ học nào ở đây. Và khi tôn tạo khu này hết vài chục
tỷ đồng thì cũng chả đào được quan, quách hay hiện vật gì.
Vì vậy, khu mộ này chỉ có thể coi là truyền thuyết xa xăm
mà thôi. Đây là một khu mộ chỉ có trong truyền thuyết, chứ không có dấu vết
vật chất, và khó tin nó có dấu vết vật chất. Đây là mộ gió, tương truyền là
mộ Kinh Dương Vương. Thế thôi!
Và vì thế, tỉnh Bắc Ninh sửa sang quy mô như hiện nay đã
là vừa đủ rồi. Chớ nên khuyếc đại lên đến 500 tỷ mà thiên hạ cười cho. Chớ
như Hải Phòng!
Thăm đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh
Đền này ở xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Đền
ở địa thế đẹp, gối đầu lên núi Thiên Thai. Núi Thiên Thai là núi đất, gồm 9
ngọn là núi duy nhất của 3 huyện phía Nam tỉnh Bắc Ninh.
Đền có quy mô nhỏ, kiến trúc chữ đinh (J), gồm nếp nhà
chính và hậu cung. Trong đền có nhiều câu đối và hoành phi. Trong đó có tấm
hoành mấy chữ "Lê Trạng nguyên cố trạch" của các quan họ Vũ triều Thành
Thái, nhà Nguyễn. Bức hoành xác nhận đây là nơi nền nhà cũ của Trạng nguyên,
Thái sư Lê Văn Thịnh.
Lê Văn Thịnh là một nhân vật đặc biệt trong lịch sử Việt
Nam, tài giỏi tột bậc nhưng oan khiên cũng tột cùng. Học thì đỗ đầu kì thi
Minh kinh bác sĩ (tương đương kỳ thi Thái học sinh đời Trần, hoặc thi Đình
thời Lê - Nguyễn). Làm quan thì đến Thái sư. Danh vọng thì là Thầy dạy của
nhà vua. Công lao của ông thì đàm phán với Tàu, đòi được châu Quảng Uyên, tức
là đất Cao Bằng. Nhưng oan khiên thì tột cùng: Bị vu cho là hóa hổ để giết
vua, bị đày đi lộ Thao Giang và chết trên đường về quê.
Năm 1992, dưới cổng tam quan kia, dân làng đào được một
tượng rồng đá cao hơn 1 m, nặng hàng mấy tấn, tạc một con rồng (hay rắn) có
mắt lồi ra, hai tai bị bịt mất một bên, nhe răng cắn vào thân mình rất đau
đớn. Bức tượng gây chấn động dư luận lúc bấy giờ, khiến cho mọi người đều
kinh ngạc và sợ hãi.
Nhiều câu hỏi đặt ra, và nhiều lý giải cũng đã được đưa ra.
RỒNG hay RẮN:
Các ông Nguyễn Hùng Vỹ, Tống Trung Tín và nhiều người thì
gọi là con rắn. Nhưng ông Lê Đình Phụng thì gọi là rồng. Gọi là rắn, chắc vì
nó không có mào với cái đầu đồ sộ râu tóc như các con rồng ở đình đền. Nhưng
rắn thì tại sao lại có tay chân, chân lại có 5 móng như rồng?
VUA hay LÊ VĂN THỊNH?
Từ con rồng này, có nhiều lý giải:
1- Đó chính là Lê Văn Thịnh. Ý kiến này cho như vậy vì con
rồng/rắn tự cắn vào thân mình để tỏ bày mối hận thiên thu. Thân phận của Ngài
cũng là thân phận của người trí thức, kẻ sĩ xưa nay.
2- Đó là vua đấy. Ý kiến này căn cứ vào đôi tai rồng, một
bên thông một bên bị bịt lại, ý nói vua chỉ nghe tung hô một chiều từ các thư
ký và trợ lý nịnh thần, để đến nỗi nghe theo bọn đó mà ruồng bỏ người bề tôi tài
giỏi và trung trinh. Vua đã ân hận và tự cắn vào thân mình để tỏ sám hối và
nhắc nhở các vua muôn đời về sau.
Ý KIẾN KHÁC
Ý kiến này mới được đưa ra gần đây, tức là các đây ít
ngày: Con rắn/hay rồng này cắn vào thân của con kia, trong một cặp đôi
rắn/rồng đang "lẹo" nhau giao hoan. Họ có gắng đưa ra các hình điêu
khắc rắn / rồng lẹo nhau của điêu khắc Chàm. Nhưng chứng cứ ở Bắc bộ thì lại
không có. Có lẽ họ cũng nghĩ rằng con rắn / rồng này tạc bằng đá sa thạch, là
loại đá chỉ có ở Nam Trung bộ; và do thợ Chàm tạo tác chăng?
(Theo
Tễu blog) Nguyễn Xuân Diện
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét