Thứ Bảy, 13 tháng 3, 2021

CAO BẰNG ĐẦU NĂM 1979

 

CAO BẰNG ĐẦU NĂM 1979

 (phần kết)

 Cập nhật lúc 20:34 

Phần cuối ghi chép "Cao Bằng đầu năm 1979" của tôi là những sự kiện, những câu chuyện, những tình huống đã xảy ra trong cuộc chiến tranh biên giới 2-1979 mà tôi đã nghe được, ghi lại được. Đây là những sự kiện mà tôi không được chứng kiến, không tham gia và cũng không có điều kiện để kiểm chứng xem là đúng hay sai, mức độ chính xác đến đâu? Nhưng tôi không thể không ghi lại vì nó là những tình tiết rất bi tráng của chiến tranh. Tôi đã sử dụng các chi tiết này làm chất liệu để sáng tạo ra các tác phẩm văn học.

 

Những tháng năm hào luôn in đậm trong tâm trí tôi

Phần cuối của ghi chép này tôi muốn đề cập đến những câu chuyện ấy.

Đó là câu chuyện về một nữ chiến sĩ thông tin yêu một anh lính công binh. Ngày 16-2, họ gặp nhau bên bờ suối. Họ đều có linh cảm một cuộc chiến tranh tàn khốc sắp nổ ra. Trong lúc chia tay cô gái đã cầm bàn tay anh lính công binh đặt lên ngực mình. Chàng lính trẻ lần đầu tiên trong đời biết thế nào là bầu vú thanh tân của người con gái. Sau phút bàng hoàng run rẩy chàng lính trẻ muốn lấn tới. Nhưng đó lại là ngày cô gái "thấy tháng". Vì thế mà cô gái đã hẹn: "Ngày mai em sẽ tìm anh". Cái ngày mai ấy cô gái-người nữ chiến sĩ thông tin sẽ trao cho anh tất cả. Nhưng ngày mai ấy cuộc chiến tranh biên giới đã nổ ra. Chàng lính công binh hi sinh vô cùng dũng cảm để lại một tình yêu, một lời hứa, một niềm ao ước mãi dở dang... Tôi đã viết thành một truyện ngắn đang trên Báo Văn nghệ trẻ, được chuyển thành câu chuyện truyền thanh của Đài Tiếng nói Nhân dân TP Hồ Chí Minh và Chương trình Phát thanh QĐND.

Đó là câu chuyện hai người đồng đội, hai người bạn cùng làng chiến đấu trong vòng vây dày đặc của quân thù. Một người bị thương và lọt vào tay địch. Bọn bành trướng đã chặt đầu anh vứt đi. Người bạn đã tìm mọi cách lấy xác của người bạn bị giết. Anh đã cõng cái xác không đầu ấy lên để trên sườn núi đá rồi quay lại mò tìm trong dòng suối cạn tìm bằng được cái đầu cho bạn mình với một chân lý giản dị là: "Sau này về làng mẹ nó hỏi còn dám trả lời...". Từ chi tiết này tôi đã viết thành truyện ngắn "Mùa Xuân lạnh lẽo". Tiếp đó là câu chuyện của hai nữa thanh niên xung phong khi đơn vị bị bọn giặc Tàu tập kích bất ngờ đã chạy thoát trong khi hàng chục đồng đội bị bọn chúng hãm hiếp, giết hại. Hai nữ thanh niên xung phong được các chiến sĩ trinh sát tìm thấy đưa lên núi. Đêm đến, quá mệt mỏi hai nữ thanh niên xung phong ấy liền chui vào một hang đá có nhiều người đang nằm ngủ. Gần sáng lạnh quá kéo chăn của các chiến sĩ để đắp ké. Sáng ra mới biết là cả đêm qua đã nằm cùng những người lính đã hi sinh. Hai cô bé thanh niên xung phong sợ quá khóc không lên tiếng. Một chiến sĩ vận tải đến để mai táng liệt sĩ đã nói: "Các em không việc gì phải sợ hãi cả. Các anh ấy đã chết vì Tổ quốc nhưng vẫn còn sống mãi đấy!". Từ câu chuyện này tôi đã viết thành truyện ngắn "Gió núi". Chi tiết một thầy giáo trẻ dạy văn nhập ngũ trở thành người lính đã bắn một quả đạn B41 trong một tư thế vô cùng khốc liệt. Chiếc xe tăng của quân thù lao tới. Bộ đội, thương binh đang vượt lên dốc núi. Người chiến sĩ ấy đã nâng khẩu B41 lên vai, loa thoát lửa của khẩu súng chống tăng áp vào vách đá dựng đứng. Anh đã nhằm vào chiếc xe tăng xiết cò và hi sinh do luồng lửa hàng ngàn độ của khẩu súng dội ngược lại. Người lính ấy đã chết trước khi kịp nhìn thấy chiếc xe tăng "Bát-nhất" bị bắn cháy. Tôi đã viết truyện ngắn "Thầy ơi" dựa trên tình tiết này. Truyện ngắn được in trên Báo Văn nghệ trẻ. Chuyện những nữ chiến sĩ bị vùi lấp trong hang đá, chuyện người lính công binh bị thương không thể rút lui đã cắt ngắn dây cháy chậm của khối thuốc nổ hàng trăm cân dùng để phá đường, chờ khi chiếc xe tăng và bộ binh quân địch ào đến mới điểm hỏa nổ tức thì vừa phá đường vừa tiêu diệt quân địch... Biết bao nhiêu câu chuyện về khí phách anh hùng của người lính vệ quốc, về những đau thương của nhân dân trong chiến tranh cần được ghi lại. Ngay sau khi cuộc chiến kết thúc tôi bắt đầu viết. Nhiều truyện ngắn, truyện truyền thanh, ghi chép của tôi về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc đã được in trên báo QĐND, phát sóng trong Chương trình Phát thanh QĐND, in trên tạp chí VNQĐ và nhiều tờ báo khác... Và rồi tất cả các ghi chép, các tình tiết trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc tháng hai năm ấy tại hướng Hà Quảng đã giúp cho tôi viết xong cuốn tiểu thuyết mang tính ký sự "Cơn lũ đen", hay còn có tên là "Trong vòng lửa" đã đăng trên Fb này và trên trang “Dựng nước-Giữ nước” của tuổi trẻ Việt Nam. Mong rằng sẽ có một ngày, tất cả sẽ được in thành sách để tặng các bạn bè chiến hữu thân yêu.

Khép lại ghi chép "Cao Bằng đầu năm 1979" tôi xin chân thành cảm ơn các anh chị, các bạn đã luôn đồng hành cùng tác giả qua từng trang viết. Cảm ơn Đại tá Hoàng Quốc Doanh, nguyên chính trị viên Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 246, người đã chỉ huy trận đánh quyết liệt nhất với quân bành trướng xâm lược tại thị trấn Sóc Giang, Hà Quảng, Cao Bằng ngày 20-2-1979 và cũng là người đã cung cấp cho tôi nhiều tư liệu quý để viết. Cảm ơn cựu chiến binh Cao Thành Văn, trợ lý quân khí của Tiểu đoàn 3, người đã có mặt trong hang huyện ủy, tham gia chiến đấu tại Sóc Giang đã đọc ghi chép này và cung cấp thêm rất nhiều tư liệu của từng trận đánh, từng sự kiện trong thời gian ấy. Cảm ơn các chiến hữu cùng Trung đoàn 246 từng tham gia chiến đấu chống quân Trung quốc xâm lược tại Hà Quảng tháng 2-1979 như Ngô Quang Hà, Cao Thành Văn, Phạm Hồng Thanh, Triệu Văn Trí, Đặng Giang Giang, Nguyễn Hoạch, Nguyễn Bính, Phạm Chức... đã luôn theo dõi và góp ý cho các phần của ghi chép, những ký ức về những năm tháng chiến đấu này. Cảm ơn Báo điện tử Tầm nhìn đã đăng ghi chép này, đem đến bạn đọc sự chân thực, trần trụi về cuộc chiến đấu mà chúng tôi đã trải qua, đầy sự hy sinh ác liệt nhưng cũng là những chiến thắng vẻ vang của những người lính Tiểu đoàn 3 anh hùng.

Mong sẽ gặp lại các anh chị, các bạn, các chiến hữu yêu quý trong những bài viết mới./.

Cao Bằng- 1979

Ghi chép của TRỌNG BẢO

(Loạt bài đăng Báo điện tử Tầm nhìn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét