Chiếc bát hương giá 120 triệu và những bí mật bên trong Câu lạc bộ Tình người Cập nhật lúc 14:14 Những lý thuyết mà CLB Tình người rao giảng trái ngược hoàn toàn với thực tế. Mục đích chính của họ là khiến người tham gia phải "cống nạp" vật chất, càng nhiều tiền càng được trọng dụng.
Làm từ thiện… như đi ăn trộm Anh Nguyễn Văn Nghiêm là một trong hàng ngàn người vừa “rút chân” ra khỏi CLB Tình người từ trước Tết. Anh cùng nhiều nhân chứng khởi đơn tố cáo những dấu hiệu sai trái, vi phạm pháp luật của những người trong ban điều hành CLB này. Anh Nghiêm cho biết, anh được người quen giới thiệu tham gia CLB Tình người. Đây cũng là một trong những “nguyên tắc” mà sau này khi đã trở thành “hội viên”, anh phải có trách nhiệm giới thiệu, dẫn dắt thêm các thành viên cho CLB, gọi là “gieo duyên”. Dẫn được càng nhiều người “tiềm năng”, giàu có, đại gia, sẵn sàng phát tâm số tiền lớn thì người đó càng lan tỏa được “trí tuệ” cho cộng đồng, càng nhanh chóng thấm nhuần “đạo” - những giáo lý được cóp nhặt, tự biên soạn, tự in ấn thành tài liệu, sách pháp... “lưu hành nội bộ”.
Nghĩa vụ thứ hai của hội viên là “phát tâm” công đức bằng tiền mặt. Số tiền càng lớn càng được “trọng dụng”, phát tâm càng nhiều càng được khai trí, nhận được các năng lượng tích cực, “năng lượng sạch” của vũ trụ, trời đất, càng nhanh chóng “trả” được “nghiệp”. Việc “phát tâm” mà thực chất là đóng góp tài chính để làm các việc như xây chùa, xây nhà cho người nghèo…, các hội viên gần như… tranh nhau vì sợ người khác xí mất phần. Ai đóng bao nhiêu chỉ có người đó biết. Sau khi “trả nghiệp” xong, các giấy tờ nộp tiền phải “hóa” (đốt đi), như một hình thức báo cáo tổ tiên… “Vì những quy định vô lý như thế nên không ai biết người khác đã “phát tâm” bao nhiêu. Xây một ngôi chùa đã bàn bạc, lên phương án khoảng 1,5 tỷ đồng, chỉ chờ “cô Thuận”, ông Long… “rỉ tai”, thế là hội viên tranh nhau đóng góp, vì ai cũng sợ không “phát tâm”, gieo duyên nhanh sẽ không tới lượt… Đóng góp xong rồi phải giữ kín, sợ bạn “đồng đạo” biết. Đi làm từ thiện mà cứ như ăn trộm”, một “hội viên” chia sẻ. “Chặt chém” tiền mua bát hương Chia sẻ với hơn 3.000 thành viên của nhóm “Bóc phốt CLB Tình người – Đa cấp tâm linh – Tà đạo trá hình”, anh Nghiêm nói, vợ chồng anh “bén duyên” đến CLB Tình người vào đúng ngày 27/7/2017. Khi đó, nhóm của anh có tất cả 7 người, và cả 7 người trên đều “qua” trong buổi đầu “sát hạch”. Đó là điều hiếm hoi ở đây, bởi thông thường, người mới đến sẽ bị “thử thách” rất nhiều buổi đi lại mới được “kết nạp”, được có tên trong các buổi học “lan tỏa trí tuệ” của CLB.
Khi trở thành người của CLB, các thành viên được dạy “tu đạo” theo một giáo trình lưu hành nội bộ, tự biên tự diễn với 3 bước: “tu tiếp”, “trả nghiệp” và “hành sứ mệnh”. “Tu tiếp” là dạy những kĩ năng sống, thay đổi bản thân. Bước hai là “trả nghiệp” thông qua những chia sẻ về tâm linh, thờ cúng; “trả nghiệp” bằng việc góp tiền từ thiện cho CLB. Bước thứ ba là “hành sứ mệnh”, truyền bá “giáo trình “ đến với người thân, bạn bè… hay còn gọi là “gieo duyên”. “Với suy nghĩ rằng, tham gia nhóm thiện nguyện này lấy chữ “tâm” lên hàng đầu, làm việc thiện giúp đỡ cộng đồng, đón nhận những điều tốt đẹp… nên tự bản thân tôi rất nghiêm túc trong suốt quá trình học tập. Thế nên, chỉ trong thời gian ngắn tôi đã được nhận tất cả các tài liệu, giáo trình của hội, có những tài liệu chỉ những người ở sâu trong Ban hành sự mới có được. Đó là “Sách bí truyền”; “Chuyên đề đưa trí tuệ vào cuộc sống” - cuốn này rất dày, những người học năm 2020 không có, phải từ 2018 mới có; cuốn “Bài đầu tiên Học và Ý mở rộng”… Năm 2020, hội
này in và phát hành nội bộ 6 vạn cuốn “Pháp bảo” cho hội viên – tài liệu mang
tính phổ biến và căn bản nhất, trong đó có rất nhiều nội dung cài cắm để… bán
đồ thờ cúng, hướng người ta tham gia phải gieo duyên, làm phúc để trả nghiệp
bằng… tiền”.
Niềm tin vào CLB Tình người trong anh Nghiêm bắt đầu lung lay, khiến anh dấy lên sự nghi ngờ và quyết tâm “chậm lại” để quan sát, thu thập, kiểm nghiệm, đó là khi anh tình cờ biết một câu chuyện của hai người bạn “đồng đạo” (cách gọi nhau của các hội viên cùng tham gia do CLB đề ra) mua một bộ thờ cúng bằng đồng với giá 120 triệu đồng. “Lý do em dời Tình người là từ câu chuyện mua bán bát hương. Vợ chồng một người bạn do em “gieo duyên” có “nhờ” CLB mua giúp bát hương thờ cúng về tân gia nhà mới. Hai bát hương đồng, một bên có hình rồng, một bên hình phượng với giá 120 triệu đồng. Chị vợ anh H.muốn biết hóa đơn để quẹt thẻ do không có thói quen trả tiền mặt, nhưng công ty nói không có, cũng không cấp được hóa đơn dù công ty hoạt động buôn bán, kinh doanh. "Từ sự thắc mắc này, tôi tìm hiểu về nơi cung cấp bát hương cho CLB họ xuất ra với giá khoảng 40 triệu đồng. CLB nói là làm việc thiện, giúp đỡ hội viên nhưng đứng ra “bán đứng” chính hội viên của mình, thu lời 80 triệu đồng"- anh Nghiêm nói.
“Những người rời bỏ CLB luôn bị rêu rao rằng, người đó là nghiệp quật, tà kéo, rồi sẽ bị báo oán, sẽ không sống được mấy ngày… Nhưng, sự thật thì họ vẫn rất khỏe mạnh, công việc ổn định, không bị làm sao như lời 1 chiều người ta vẫn nói". Một câu chuyện khác mà anh Nghiêm chia sẻ là người bạn anh. Chị là một đại gia tham gia CLB, được đích thân Chủ tịch CLB Kim Bình Long “săn đón”, xuống tận lớp để tìm gặp nhiều lần - một "đặc ân" mà chưa học viên nào có được. Bởi thông thường "anh chị đang học, muốn gặp người cấp cao phải xin lệnh, và rất khó để gặp, tuy nhiên chị này được ông Long chủ động xuống tận lớp để tìm gặp, và gặp nhiều lần liền"- anh Nghiêm kể. Lý do chị này là một đại gia nên sẽ là "hội viên tiềm năng", sẽ lấy được tiền tỷ từ chị nếu như vận dụng thành công trong quá trình "giảng đạo". Ráp nối lại các thông tin, anh Nghiêm tự rút ra các vấn đề vô lý, mê muội ở CLB này: "Tình người dạy trí tuệ, và nói rằng sẽ lan tỏa đi khắp toàn cầu, cả thế giới sẽ về Việt Nam để học; họ nói bình đẳng giữa các học viên nhưng thực chất lại quan tâm, chăm sóc đặc biệt những học viên tiềm năng, giàu có, những người sau này sẽ sẵn sàng chi tiền tỷ làm “việc thiện” theo hiệu triệu của họ; Đức Phật sinh ra ở Việt Nam nên phổ độ cho Việt Nam nhiều hơn... CLB Tình người dạy học viên muốn hóa giải những bất ổn thì phải thờ cúng, và họ cài cắm trong giáo trình (cuốn Pháp bảo) là để bán đồ thờ. Thứ nữa, đồ thờ họ quy định 1 bên phải là rồng, 1 bên phải bên phượng, tại sao lại chấp về hình tướng như vậy, dù nghìn đời nay cha ông vẫn dùng bát hương truyền thống? Từ câu chuyện của người bạn “Đồng đạo” mua hai bát hương đồng giá 120 triệu đồng, không có hóa đơn chứng từ minh bạch, niềm tin trong anh Nghiêm đã sụt giảm, và anh tự tìm ra được những chân tướng phía sau của CLB nhân danh “Tình người”.
(Theo VietNamNet) Thái Bình |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét